Top 5 quy tắc vàng trong quản lý tiền bạc bị xem nhẹ khiến chúng ta hối hận trong muộn màng

Thứ Ba, 14/03/2023 11:04 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những quy tắc vàng trong quản lý tiền bạc sau đây sẽ là câu trả lời cho những phân vân của người trẻ khi họ cảm thấy mất phương hướng trong các quyết định về tiền.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Không cần làm việc vì đam mê 

 
Câu hỏi nên làm việc vì đam mê hay vì tiền thường được các bạn trẻ tự hỏi mỗi ngày, nhất là đối với những ai đang phân vân về con đường sự nghiệp của mình. Theo đuổi đam mê không có gì là xấu, thế nhưng một khi chúng không đủ để bạn trang trải cuộc sống thì nên xem xét lại.

Những người giàu có đều biết rằng chỉ cần thị trường có nhu cầu lớn thì họ sẵn sàng tìm cách để đáp ứng, bất kể đó có phải là lĩnh vực mà họ đam mê hay không.

Tương tự như thế với hoàn cảnh của chúng ta, với những người đi làm công ăn lương thì miễn là nơi nào ta được trả lương xứng đáng thì cố gắng mà thích ứng, thay vì để hai từ "đam mê" cản đường. Vì sau này khi bạn có tiền thì theo đuổi đam mê chưa bao giờ là muộn.

Hãy nghĩ tới cảnh bạn theo đuổi đam mê nhưng sống khổ sống sở, vợ con nheo nhóc, không đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng,... lúc đó những stress xuất hiện thường xuyên sẽ khiến bạn chẳng thể sáng tạo được trong công việc của mình. Cuối cùng, đam mê cũng dần bị nguội lạnh và chẳng có ý nghĩa gì nữa. 
 
Nam diễn viên hài nổi tiếng Chris Rock từng có lời khuyên cho giới trẻ đó là: "Bạn có thể trở thành bất kỳ điều gì bạn muốn, làm bất cứ điều gì bạn giỏi, miễn là họ đang tuyển dụng." 
 
Điều này có nghĩa là trong giai đoạn đầu nên ưu tiên những công việc có thể giúp bạn có thu nhập tốt vì chúng giúp ổn định cuộc sống trước khi muốn mơ mộng về điều gì đó quá xa vời so với thực tế. 
 

Những quy tắc vàng trong quản lý tiền bạc

 

2. Tránh vướng vào nợ nần 

 
Một trong những lời khuyên về tiền bạc của các chuyên gia tài chính, các nhà đầu tư mà chúng ta bắt gặp rất nhiều đó là: Hãy vay nợ như là cách để dùng "đòn bẩy tài chính" nhằm gia tăng lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Thế nhưng đến khi rơi vào khủng hoảng kinh tế, chúng ta mới thấy rõ tác hại của việc nợ nần mang lại. Không ít doanh nghiệp đóng cửa và cả những ngân hàng phá sản, không nhà nước nào có thể ra tay cứu giúp họ lúc này.

Nợ không xấu nhưng nó là con dao hai lưỡi, chỉ mang lại lợi ích cho những ai biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan. Có thể nói, nó phù hợp với các chuyên gia tài chính hay các nhà đầu tư, còn hầu hết chúng ta là những người không có kiến thức nhiều về tiền bạc thì nên tránh xa.

Hiện nay có rất nhiều chương trình khuyến khích khách hàng vay tiền từ mua nhà cho tới mua xe. Ai ai cũng tìm cách vay mượn để có được cái nhà, cái xe cho bằng anh bằng em.

Mọi người chỉ thấy sự tiện lợi, nhanh chóng của chúng mà chưa thấy hết được những rủi ro tiềm tàng.

Sự thật là trong tình huống có lợi nhất của một người mượn tiền để mua nhà, bạn phải chi trả một khoản lớn hàng tháng - đó là gánh nặng cho cả gia đình. Việc này còn khiến bạn khó khăn trong việc để dành tiền cho mục tiêu đầu tư hay kinh doanh nhằm nắm bắt những cơ hội tốt hơn đến với mình.

Nhà đầu tư đại tài - tỷ phú Charlie Munger từng nói rằng: "Không có ai sống sót sau cuộc phẫu thuật tim tốt hơn một người thực sự không cần đến sự can thiệp đó ngay từ đầu".
 
Điều này có nghĩa là không có ai thoát khỏi cảnh nợ nần nhanh hơn là không vay tiền ngay từ đầu. Tránh nợ nần là một trong những quy tắc vàng trong quản lý tiền bạc thường bị hầu hết chúng ta xem nhẹ. Vì thế, hãy tránh vướng vào nợ nần, hãy lưu tâm tới lời khuyên này nếu bạn không muốn rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.
 

3. Không đánh giá thấp vai trò của cơ hội 

 
Không ít người thành công kể về một cơ hội nào đó mang tính quyết định, giúp họ đổi đời và cho rằng bản thân gặp may vì có được nó. Sự thật là ai cũng có thể may mắn như vậy, mỗi ngày chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội tương tự nhưng không phải ai cũng biết nắm bắt.

Thậm chí, có nắm bắt cũng không đủ dũng cảm để theo đuổi nó đến cùng. Thế nên, đừng bao giờ đánh giá thấp vai trò của những cơ hội và cách chúng thay đổi cuộc sống của bạn.
 
Đúng là nỗ lực, kiên trì sẽ đóng góp vào thành công của chúng ta nhưng không có nghĩa là ai cũng có thể thành công theo cách đó. Ngược lại không phải ai đó nghèo là do họ lười biếng. Đôi khi nỗ lực cả đời không bằng một lần lựa chọn, vì thế hãy luôn mở to mắt để nhận diện các cơ hội của mình và cố gắng theo đuổi nó tới cùng.
 
Ai chẳng mong cuộc sống mình an nhàn nhưng khi cơ hội tới phải tận tâm với nó. Như Elon Musk từng khuyên: "Hãy giữ cho mình bận rộn. Dù tính chất công việc khác nhau nhưng khi mới vào làm, bạn phải làm việc thật điên cuồng".
 
Vì thực tế những cơ hội lúc sơ khai luôn có nhiều khó khăn và chúng ta cần nhiều thời gian để khám phá, nghiền ngẫm nó. Khi đó, bất kể bạn có khả năng ở lĩnh vực này hay không nhưng khi bạn tận tâm thì ắt sẽ có kết quả xứng đáng.

Elon Musk nhận định việc này giúp anh nhận ra hai điều:" Điều đầu tiên là bất kể tôi có khả năng hay không, chỉ cần tôi dành nhiều thời gian hơn cho công việc thì nguồn cảm hứng sẽ tiếp tục tuôn trào. Điều thứ hai là bạn sẽ yêu công việc của mình, không phải vì bạn yêu thích và tập trung vào nó, mà vì bạn đã dồn nhiều tâm huyết cho nó".
 
 

4. Chấp nhận sống dưới mức thu nhập

 
Thị trường tiêu dùng ngày nay ngày càng phong phú, chúng luôn có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chúng ta. Vì thế, ngay cả một chiếc ghế ngồi, bạn cũng có thể mua với giá vài trăm nghìn, vài chục triệu cho đến trăm triệu hay tiền tỷ,... Có thể nói, giá nào cũng có, quan trọng là mức chi trả mong muốn của chúng ta là bao nhiêu.

Trước một thế giới khuyến khích tiêu dùng mà ai đó dám đi ngược lại với nó thì chắc chắn sẽ bị chỉ trích hoặc được xem là khác thường. Thế nhưng để chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn về tiền bạc thì việc chỉ sống dưới mức thu nhập là một bước quan trọng.

Ví dụ như một người dù mới mở ra kinh doanh nhưng cứ hễ có doanh thu lại dùng tiền để mua sắm các thiết bị công nghệ với suy nghĩ là "đầu tư" để chụp ảnh sản phẩm đẹp hơn. Cuối cùng dù bán được hàng nhưng tài khoản luôn âm vì tiền "đầu tư" của họ quá lớn, quá khả năng chi trả của bản thân. Hầu hết chúng ta là vậy, tự thuyết phục bản thân bằng những lý do có vẻ có lý để mua sắm nhiều hơn nữa.

Việc "đấu tranh tâm lý" để không mua món đồ nào đó quả là khó chịu và nhiều khó khăn, trở ngại. Thế nhưng ta cần phải biết loại bỏ bớt những nhu cầu không cần thiết để dần bước tới cuộc sống tự do hơn trong tương lai.

Đặc biệt là khi việc kiếm tiền ngày càng khó khăn, trong khi nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, nếu bản thân liên tục chiều theo sở thích thì nguy cơ rơi vào tình trạng báo động rất cao.

Tỷ phú Mark Cuban luôn khuyến khích chúng ta sống như sinh viên cho dù thu nhập gia tăng, ông học được ý tưởng “sống như sinh viên” từ một cuốn sách Cashing in on the American Dream: How to Retire at 35 (Tạm dịch là Giấc mơ đất Mỹ: Làm sao để nghỉ hưu khi 35 tuổi) của Paul Terhorst. 
 
Ông chia sẻ: “Toàn bộ tiền đề của cuốn sách là nếu bạn có thể tiết kiệm 1 triệu USD và sống như sinh viên, bạn có thể nghỉ hưu. Nhưng bạn sẽ phải có kỷ luật tiết kiệm. Tôi rất tin tưởng vào cuốn sách đó. Nó là một nguồn động lực lớn dành cho tôi”.

Thực tế là có những người dù thu nhập không cao nhưng lại có số tiền tiết kiệm lớn, những người đó mới được xem là dư dả, chứ không phải là những người kiếm được nhiều, tiêu cũng nhiều, tới mức âm tài khoản.

Thế nên hãy biết chấp nhận sống dưới mức thu nhập. Khi bạn bớt thỏa mãn cái tôi thì cũng là lúc cuộc sống tối giản hơn, chi tiêu giảm bớt đi, tiền tiết kiệm tăng lên. Đây cũng chính là kỹ năng quản lý tài chính bị hầu hết chúng ta đánh giá thấp nhất nhưng lại mang lại hiệu quả cao trong việc gia tăng tài sản. 
Áp dụng quy tắc làm giàu của người Do Thái để dễ dàng kiếm được nhiều tiền hơn
Những quy tắc làm giàu của người Do Thái được đúc rút sau đây sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian kiếm tiền, tránh bị lạc lối khi kinh doanh, đầu tư.

5. Có tiền là để cho bạn sự tự do về thời gian

 
Những người càng có nhiều tiền lại càng say mê, muốn kiếm nhiều thêm mà không biết đâu là điểm dừng. Thế nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ không có thời gian cho gia đình, con cái. Cái giá của một sự nghiệp bận rộn là không có thời gian dành cho người thân và bạn bè.

Ít người nhận ra rằng đó là khi ta đã trở thành nô lệ của đồng tiền, làm theo những gì nó sai khiến mà quên đi hạnh phúc của bản thân.

Tiền chỉ nên là công cụ để mang lại sự tự do mà ta muốn. Ví dụ như tiền có thể cho ta có nhiều thời gian hơn với con cái, mua những món đồ tốt để phục vụ gia đình, có thêm vài ngày nghỉ cùng với mọi người mà không phải lo lắng việc đi kiếm tiền,...
 
Mục đích cuối cùng của việc kiếm tiền nên là: cho ta cơ hội được làm công việc ta muốn, gặp người ta muốn gặp. Hoặc có tiền giúp ta có thể nghỉ hưu bất kỳ lúc nào mình muốn.
 
Cuối cùng thì một trong những quy tắc vàng trong quản lý tiền bạc đó là dùng tiền để có được sự tự chủ mà mình muốn. Nhớ rằng, mỗi đồng tiền bạn kiếm được đang trở thành một mảnh ghép của tương lai tự do mà bạn muốn.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: