Đứng cao để nhìn xa
Có câu nói vui đùa rằng: Người giàu lập kế hoạch cho cả 3 thế hệ. Người nghèo lập kế hoạch cho mỗi tối thứ Bảy.
Câu nói trên có phản ánh sự thật hay không thì chúng ta không rõ nhưng theo những người từng nghiên cứu về thói quen của người giàu nhất thế giới đã khẳng định đó là: Người giàu thường có tầm nhìn xa trông rộng hơn những người bình thường khác.
Điều này có nghĩa là nhất định phải có được tầm nhìn xa trông rộng thì mới có thể bước lên nấc thang giàu có vì với những gì ai cũng thấy, chúng hiện hữu quá rõ ràng thì đâu còn có cơ hội.
Chính tầm nhìn hạn hẹp là nguyên nhân nghèo hèn, vì ta chỉ tập trung cái lợi trước mắt, không đủ khả năng, kiến thức để thấy tương lai xa hơn của một vấn đề, một cơ hội. Trong khi đó điểm chung của các tỷ phú là họ có khả năng nhìn thấy những thứ ở tương lai mà không phải ai cũng có thể dễ dàng hiểu rõ được. Đó là lý do mà hầu hết chúng ta cho rằng họ "khác người".
Những người giàu thực thụ sẽ đầu tư vào nhưng thứ dài hạn và có thể mang lại kết quả lâu dài. Bản lĩnh làm nên khác biệt của người đứng đầu đó là khả năng nhìn thấy những nguồn lợi trước nhiều người và sẵn sàng đi trước để đón lấy những thay đổi đó.
Lựa chọn của người giàu
Người giàu lại khác, họ biết rõ lợi thế của một người có tiền, nên họ chỉ lựa chọn hoặc giàu hoặc trở nên rất giàu có. Mục tiêu và lựa chọn của họ quá rõ ràng nên dù gặp khó khăn hay có đôi lần thất bại thì cũng không thể ngăn cản bước tiến của những người này.
Cách kiếm tiền của người giàu không khác chúng ta là bao, nhưng điều quan trọng là họ vô cùng kiên định, họ cũng không sợ sai. Nếu sai thì họ làm lại, chỉnh sửa cho đúng thì thôi, miễn là cuối cùng sẽ đạt được mục tiêu làm giàu dù thời gian là bao lâu đi chăng nữa, họ đủ niềm tin rằng rồi mình sẽ làm được.
Quản lý cảm xúc tốt
Khi thực hành, mỗi chúng ta thường bị cảm xúc điều khiển, thậm chí có những quyết định ta đã cố không làm theo đám đông nhưng sức mạnh của nó quá lớn ta không cưỡng lại được và lại "cùng họ" phạm sai lầm.
Một trong những quy tắc ngầm của người giàu đó là họ phải học cách kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Những người giàu luôn nhận ra tầm quan trọng của việc cảm xúc "hành hạ" họ trong các quyết định đầu tư, làm ăn. Một thuộc tính giúp họ trong vấn đề này là khả năng quản lý cảm xúc. Một nghiên cứu đã chỉ ra, 94% người giàu tham gia khảo sát có khả năng xử lý tốt cảm xúc của họ.
Có người cố vấn
Kiến thức là vô hạn mà khả năng hiểu biết mỗi người là hữu hạn, người giàu biết rằng họ chẳng thể tự mình học được tất cả mọi thứ. Trong khi đó càng biết thêm điều gì thì cơ hội lại càng mở ra, họ chọn cách tận dụng sức mạnh trí tuệ của người khác. Làm sao họ đủ thời gian khoảng 10-20 năm để có được kiến thức và trải nghiệm như các chuyên gia, những nhà cố vấn cơ chứ. Do đó, họ sẵn sàng thuê những cố vấn chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực họ cần.
Chỉ người có tầm nhìn xa như người giàu mới biết rằng họ chi vài đồng nhưng chỉ cần 1 vài lời khuyên của chuyên gia, người cố vấn thì họ đã kiếm được số tiền nhiều gấp bội.
Biết điểm dừng
Trong cuộc sống, họ đặt bản thân vào giới hạn, biết đến đâu thì ngừng tranh cãi, ngừng tiếc nuối, ngừng làm việc, ngừng kinh doanh, ngừng góp vốn...
Đặc biệt là trong đầu tư kinh doanh: Họ biết rằng không thể nào mà luôn thắng được sự lên xuống bất thường của thị trường nên họ cho bản thân giới hạn để "cắt lỗ" khi cần. Còn khi khoản đầu tư đang lãi ư? Họ cũng không quá tham lam, lãi suất ở mức độ nào đó là chốt lời, không cảm thấy tiếc khi sau đó lãi suất vẫn tiếp tục lên cao vì họ biết đâu là điểm dừng của mình.
Đó là lý do không ít người cảm thấy khó hiểu khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã cho đóng cửa mảng tivi, điện thoại di động, dự án Adayroi, bán lại Vinmart cho Masan, rút khỏi lĩnh vực hàng không khi Vinpearl Air chưa kịp cất cánh... Họ có mục tiêu riêng để biết khi nào ngừng những hạng mục không phù hợp với tiêu chí mình đặt ra.
Biết cách sẻ chia
Vì người giàu không tự nhiên mà giàu, họ luôn mang trong mình lòng biết ơn cuộc sống nên khi giàu có, họ mong trả lại cuộc sống này điều gì đó. Điều này lại vô tình càng khiến họ giàu lên.
Đối với họ, việc chia sẻ may mắn của mình hay đi giúp người khác là chuyện đương nhiên, chẳng ai bảo ai, không cần ai phải nhắc nhở họ cũng âm thầm làm.
Nếu lấy tiền làm mục đích cuối cùng, con người sẽ mất sự kết nối với hiện thực. Do đó, người giàu có luôn dùng tiền làm thiện nguyện và lập các tổ chức từ thiện để có cơ hội giúp người cần.