Phương pháp Kakeibo: Giải pháp giúp bạn thoát cảnh chưa hết tháng đã hết tiền

Thứ Ba, 14/02/2023 11:30 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Phương pháp Kakeibo đã tồn tại hơn 100 năm qua và phát huy hiệu quả của nó suốt chừng đó thời gian khi giúp nhiều người Nhất đưa ra được những quyết định tài chính khôn ngoan hơn.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Phương pháp Kakeibo là gì?

 

Kakeibo (kah-keh-boh) nghĩa là một "cuốn sổ tài chính của gia đình", là phương pháp tiết kiệm tiền của người Nhật được áp dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia khác nhau.

Đây là phương pháp tập trung vào việc ghi chép bằng tay về số tiền kiếm được và số tiền chi tiêu nhằm kích thích não bộ hoạt động một cách sáng suốt nhất có thể. Ngay trong quá trình ghi chép đó, bạn sẽ dần hiểu được mình đang sử dụng tiền như thế nào. Sau đó rút kinh nghiệm để có cách thức sử dụng tiền khôn khoan hơn trong tương lai.

Năm 1904, Hani Motoko – nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản sáng chế ra phương pháp tiết kiệm vừa đơn giản vừa hiệu quả này. 
 
Ban đầu nhà báo Hani Motoko thiết kế cuốn sổ này mục tiêu là dành riêng cho các bà nội trợ - người giữ tiền bạc chính trong các gia đình Nhật Bản. Bà mong muốn họ có thể tiết kiệm được tiền ngay cả khi thu nhập thấp. Hơn nữa, một khi người phụ nữ trong nhà biết sử dụng tiền khôn ngoan sẽ có thể đảm bảo sự ổn định về tài chính cũng như hạnh phúc gia đình.

Sau này, phương pháp Kakeibo được sử dụng rộng rãi hơn, nó đã đồng hành cùng người Nhật trong hành trình xây dựng và duy trì lối sống cần kiệm của xứ sở hoa anh đào khiến cho cả thế giới phải ngưỡng mộ và học hỏi.

Với vai trò là một công cụ ghi chép tài chính, sổ tay quản lý chi tiêu Kakeibo sẽ cần bạn ghi lại tất cả các hoạt động tiêu dùng của mình một cách có tổ chức. Bạn lưu ý là phải ghi lại bằng bút trên giấy, chứ không đánh máy.

Một chu trình Kakeibo được dựa trên 4 câu hỏi rõ ràng:
  • Số tiền bạn đang có là bao nhiêu?
  • Số tiền bạn muốn tiết kiệm là bao nhiêu?
  • Số tiền bạn muốn tiêu là bao nhiêu?
  • Giải pháp để cải thiện là gì?
Chỉ thông qua 4 câu hỏi quan trọng trên mà chúng ta có thể nắm bắt được tình hình tài chính của gia đình ở hiện tại. Sau khi có được câu trả lời cho riêng mình, ta mới đầu bắt tìm cách kiểm soát và quản lý tài chính cá nhân, gia đình sao cho hiệu quả nhất ở tương lai.
 

Tìm hiểu phương pháp Kakeibo là gì?

 

2. Lợi ích của việc sử dụng phương pháp


Có thể thấy Kakeibo không chỉ là tập trung về tiền bạc mà nó còn mang lại rất nhiều lợi ích về sự tự nhận thức, kỷ luật bản thân và thúc đẩy sự phát triền tài chính bền vững.

2.1 Có cái nhìn trực quan về tài chính gia đình
 

Có câu: “Trí nhớ có thể mơ hồ nhưng những cuốn sổ thì không” cho thấy sức mạnh của việc ghi chép thông tin. Trí nhớ ngắn hạn nên chúng ta thường xuyên hay quên, nhưng chính nhờ vào việc ghi chép bằng tay nên ta mới không để bỏ sót những khoản chi tiêu của mình, không còn tình trạng: Không hiểu tiền đi đâu hết.

Nhờ phương pháp này, chúng ta có thể nhìn thấy rõ thông tin tiền bạc của gia đình. Điều quan trọng là nhìn những con số ghi trên giấy sẽ hiệu quả hơn so với việc nhìn vào màn hình. 

Đúng là nếu có thông tin mình đã mua sắm, chi tiêu những gì trong một tháng ngay trước mắt, một cách rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu sẽ giúp bản thân có đánh giá chính xác về những hoạt động tài chính trong gia đình. Ta biết được rằng số tiền nào dùng chưa hiệu quả, số tiền nào phát huy được sức mạnh của nó...

Luôn trung thực trong ghi chép, ghi rõ những khoản chi hàng ngày sẽ giúp bạn nhận ra bản thân có đang tốn quá nhiều tiền vào mua quần áo, tích trữ quá nhiều thực phẩm không tốt cho sức khỏe, nhà ở có quá rộng không… Những thứ này đang lãng phí của bạn bao nhiêu tiền?

Từ đó, bạn mới biết cần phải làm gì để cải thiện thu nhập, đầu tư sinh lời hay gửi tiền tiết kiệm. Thông qua việc ghi chép lại tất cả các khoản thu chi hàng ngày, nhờ đó có thể kiểm soát và cân đối các khoản thu chi sao cho hợp lý và nhanh chóng đạt được mục tiêu tài chính.

2.2. Tạo nên thói quen chi tiêu hợp lý
 

Phương pháp này thực sự hiệu quả trong việc giúp chúng ta kiểm soát tốt tài chính của mình thông qua việc buộc bản thân phải suy nghĩ về những thứ đã mua, và đâu là động lực khiến ta phải chi tiền cho chúng. Nếu cảm thấy không hợp lý, ta sẽ ngay lập tức dùng lý trí để dừng lại chứ không phải để cảm xúc dẫn dắt. 

Kakeibo là phương pháp đánh vào sự chú tâm để giúp bạn cắt giảm chi tiêu. Khi ghi bằng tay từng khoản một, bạn sẽ ghi nhớ một cách dễ dàng những kế hoạch và những khoản thu – chi tương tự nhau hoặc lặp lại của mình. Sau này, nếu có một chút sai lệch trong quá trình chi tiêu là bạn sẽ nhận ra ngay và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.

Thông qua hành trình đánh giá và rút kinh nghiệm liên tục, xây dựng cho mình được ranh giới của mong muốn và nhu cầu, từ đó biết được cái gì nên tiêu, cái gì không. 
 
Theo thời gian sẽ hình thành nên một thói quen trong việc quản lý tài chính cực kỳ hiệu quả mà không mất quá nhiều công sức như lúc bắt đầu. 
 

2.3 Nâng cao ý thức tiết kiệm
 

Để đạt được ước mơ tự chủ tài chính sẽ không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc quản lý chi tiêu đúng đắn, tiết kiệm càng sớm càng tốt. Thế nhưng để có thể tạo thói quen tiết kiệm là việc không dễ dàng gì. Nhưng nhờ áp dụng phương pháp Kakeibo, bạn sẽ có động lực hơn rất nhiều trong quá trình thực hiện mục tiêu tiết kiệm.

Theo thống kê, nhiều người áp dụng phương pháp này và đã có thể tiết kiệm được 35% tổng thu nhập của gia đình hoặc thu nhập cá nhân. Đó là một con số khá lớn vì với khoản tiền đó để đầu tư sẽ mang lại một khoản lợi nhuận đáng kể.

Thực tế là khi thực hiện phương pháp Kakeibo, bạn tận mắt nhìn thấy những gì mình tự viết ra giấy, từ đó sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với lời nói và chính việc chi tiêu của mình hơn. Nhờ vậy mà bạn trở nên thận trọng hơn mỗi khi sử dụng từng đồng tiền.

Bằng cách nhìn kĩ hơn vào những thứ bạn đã chi, những gì bạn đã làm với đồng tiền của mình và đặt các câu hỏi có tính chất tự vấn bản thân, bạn có thể thay đổi thói quen chi tiêu trong thời gian tới để đạt được mục tiêu tiết kiệm của bản thân cũng như gia đình mình.
 

2.4 Phát triển sự tập trung
 

Bạn sẽ thực hiện phương pháp Kakeibo vào đầu mỗi tháng, sau đó, đến cuối tháng tổng kết lại, hiểu rõ việc thu chi của mình. Từ đó đưa ra nhận định, cải thiện cho những tháng tiếp theo.

Điều quan trọng nhất ở đây là tất cả các thông tin đều được viết lại bằng bút và giấy mà không cần đến máy móc gì phức tạp để hỗ trợ khi áp dụng. Theo các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ghi chép mới giúp ta tập trung hơn, dễ ghi nhớ và nhìn nhận vấn đề một cách trực quan, sinh động hơn rất nhiều.

Việc thực hành phương pháp đặc biệt này của người Nhật lại chính là quá trình thực hành về lối sống chi tiêu chú tâm. Việc thường xuyên dùng tay để viết, mắt để nhìn và tai nghe âm thanh bút viết di chuyển sẽ giúp huy động thêm năng lượng cho bộ não, sử dụng hầu hết các giác quan dẫn đến tập trung hơn và trí nhớ được cải thiện tốt hơn.

2.5 Xây dựng sự tự kỷ luật 


Việc chi tiêu tùy hứng giúp chúng ta thỏa mãn được cảm xúc của mình nhanh chóng nhưng lại khiến tiền bạc lần lượt đội nón ra đi, thường xuyên rơi vào tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền. Thế nhưng nhờ đặt ra 4 câu hỏi quan trọng trong phương pháp Kakeibo khiến mỗi người nghiêm túc hơn với những hành động liên quan đến tiền.

Trong quá trình bạn chi tiêu sẽ thường trực xuất hiện những câu hỏi khiến bạn phải trả lời ngay lập tức, bản thân phải suy nghĩ về các khoản chi tiêu của mình có hợp lý hay chưa ngay tại thời điểm bạn chi tiền. 

Dường như nó sẽ cần sự chú tâm và kiên trì rất lớn từ người thực hiện. Bởi vậy, với một người thiếu tính kiên nhẫn thì đây chắc chắn là một thách thức lớn. Nhưng theo thời gian chúng ta lại xây dựng được thói quen tự kỷ luật bản thân - yếu tố quan trọng cho những thành công sau này.

Thói quen ghi chép còn giúp đầu óc chúng ta sắp xếp thông tin có tổn chức hơn, từ đó hình thành phong thái chuyên nghiệp không chỉ trong quản lý tài chính, mà còn thuận lợi cho công việc của bản thân, khi mọi việc đều được trình bày chi tiết, cụ thể, dễ dàng tuân theo. 
 

3. Cách thức thực hiện

 
Điều khiến phương pháp Kakeibo khác với các cách tiết kiệm tiền của người Nhật nằm ở câu hỏi thứ 4 “Bạn có thể cải thiện bằng cách nào?” bởi vì câu hỏi này sẽ giúp bạn nhìn ra những vấn đề trong chi tiêu của bản thân và chủ động cải thiện vào tháng tới.

Vì thế, hãy tận dụng sức mạnh của các câu hỏi được đặt ra để giúp bạn sử dụng tiền bạc một cách khôn ngoan hơn. Có thể ban đầu khi áp dụng phương pháp này sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng theo thời gian, mọi việc trở thành thói quen bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều, do đó, cần phải kiên trì nhé.
 
Chuẩn bị: 
  • Một chiếc bút
  • Một quyển sổ.
  • 4 câu hỏi quan trọng ở phía trên.
Cách thực hiện:
 

Bước 1:


Tìm cách để trả lời câu hỏi đầu tiên: "Số tiền bạn có là bao nhiêu?"

Theo đó, việc trước tiên là bạn cần xác định thu nhập của bạn là bao nhiêu, sau đó trừ đi các chi phí cố định để có được con số chính xác.

Để có được thông tin này bạn cần ghi chép thật cẩn thận tất cả những khoản tiền mà bạn có được, đồng thời liệt kê ra hết những chi phí bắt buộc phải chi mỗi tháng như tiền gửi xe, phí dịch vụ nhà ở, tiền điện, tiền nước, tiền nhà trọ,…

Sau đó lấy 2 con số trừ cho nhau để biết được chính xác số tiền bạn có được là bao nhiêu để chi tiêu trong tháng. 
 

Bước 2:


Tập trung trả lời câu hỏi thứ 2 “Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu?"

Lúc này bạn trích một số tiền ở bước trên để tiết kiệm cho bản thân. 
 
Ví dụ: Tổng thu nhập của bạn là 20 triệu. Bạn dự kiến sẽ tiết kiệm 5 triệu, ngay lập tức cất 5 triệu sang một bên và đừng động đến nó. Số tiền là do bạn chọn lựa, có thể là con số cụ thể hoặc 5%, 10% trên tổng số tiền ở bước 1.

Trong quá trình liệt kê bạn cũng sẽ muốn thay đổi mục tiêu tiết kiệm dựa trên tình hình thực tế nhưng điều quan trọng là không dùng số tiền này cho bất cứ mục đích nào. Bạn phải tuân thủ kỷ luật, không để việc tùy hứng mua sắm khiến bạn phải sử dụng vào khoản này.

Ở một mức độ cao hơn, bạn có thể ghi ra khoản thu - chi trong một năm. Liệt kê các khoản thu nhập bạn sẽ nhận được hàng tháng và các khoản chi dự kiến, nếu bạn đã có kế hoạch đi du lịch hay mua xe ô tô trong năm nay bạn cũng nên viết xuống.
 

Bước 3:


Trả lời câu hỏi thứ 3: "Số tiền bạn muốn tiêu là bao nhiêu?".

Từ con số của tháng trước bạn có thể ước lượng số tiền mình tiêu. Tuy nhiên, vẫn hàng ngày ghi chép các khoản chi tiêu của mình. Các khoản chi đó thường rơi vào 4 khoản chính sau: 
  • Sinh hoạt phí: tiền ăn sáng, ăn trưa, đổ xăng, cắt tóc, tiền gội đầu, tiền điện thoại, tiền thuốc,…
  • Mua sắm: quần áo, thiết bị đồ dùng, mỹ phẩm,…
  • Giải trí: xem phim, du lịch, mua sách, đồ chơi…
  • Chi phí khác: ma chay, cưới hỏi, thôi nôi, đầy tháng, quyên góp…  
Lưu ý ở bước này, càng chi tiết càng tốt. Lúc đó, bạn sẽ có được con số chi tiết cho tất cả các khoản cần dùng tiền của mình.
 

Bước 4:


Xác định mục tiêu tài chính trong tháng của bạn là bao nhiêu tiền.

Dựa trên các thông tin có được ở 3 bước trên để lên kế hoạch quản lý chi tiêu với mục tiêu tài chính rõ ràng: Mua nhà, sửa nhà, mua máy giặt, mua xe, du lịch… Ví dụ: 10 triệu để đi du lịch hè, 10 triệu để mua tivi mới,…

Bạn có bao nhiêu mục tiêu thì ghi hết ra. Sau đó cộng lại con số tổng cần phải tiết kiệm trong tháng.

Để có động lực tiết kiệm tốt hơn hãy cắt giảm chi tiêu không cần thiết và có thể thay đổi được như thuê nhà rẻ hơn, thay vì ăn ngoài bạn sẽ tự nấu ăn, quần áo chỉ mua vừa đủ, đồ cũ sẽ được thanh lý chứ không vứt bỏ, tìm kiếm nơi bán hàng rẻ hơn… 
 

Bước 5:


Tổng kết và đánh giá lại việc chi tiêu của bạn. So sánh con số chi tiêu thực tế cùng số tiền bạn tiết kiệm thêm được. Bước này, không tính khoản tiết kiệm tiền ở bước 2. 
 
Vào cuối tháng, tổng kết sổ Kakeibo bằng cách hãy dành thời gian để xem xét và đánh giá số tiền đã chi, mục tiêu tiết kiệm trong tháng.

Sau đó trả lời câu hỏi: Giải pháp để cải thiện là gì?

Nhờ vậy mà bạn tìm ra các khoản tiền chi tiêu lãng phí từ đó điều chỉnh lại cho tháng sau. Nhìn vào các khoản chi bạn sẽ biết các khoản chi nào đang chiếm nhiều nhất của bạn.

Liệu bạn có thật sự cần chi các khoản đó hay chưa? Bạn đã đạt được mục tiêu tiết kiệm đầu tháng hay chưa?

Trong những tháng tiếp theo, bạn lại sử dụng lại các bước trên với cách kiểm soát chặt chẽ và tập trung vào những gì quan trọng nhất trong cuộc sống của mình để giúp cuộc sống trở nên thoải mái và dễ dàng hơn.