Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Chậm có khi lại hay vì người xưa đã nhắc nhở: Nóng vội khó có được thành công

Thứ Năm, 27/07/2023 17:22 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Khi nhìn thấy thành công và cuộc sống giàu có của người khác khiến ta "nóng ruột" thế nhưng biết được rằng nóng vội khó có được thành công ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn với hành trình hiện tại của mình.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Người ta hay khen những người nhanh nhẹn, nhưng không phải ai nhanh cũng là tốt, là hiệu suất công việc cao. Thực tế là rất nhiều người càng nhanh càng ẩu và dễ hỏng việc. Đó là lý do người xưa nhận định rằng một người nóng vội khó có được thành công.

1. Vội vàng là vì không có tầm nhìn đủ lớn


Có tầm nhìn xa thường là một trong những tính cách mang lại thành công trong cuộc sống. Một người có tầm nhìn xa trông rộng họ biết rằng những việc nhỏ mình làm ở hiện tại một cách kiên nhẫn, từ tốn là nhằm đạt một kết quả rất lớn về sau này.

Việc này giống như việc trồng cây để lấy quả, ta biết rằng rồi sẽ có ngày mình hái được quả chín, thế nên hãy chăm chỉ chăm sóc cái cây đó ngay từ bây giờ. Nếu nóng lòng muốn thu hoạch thì chỉ được lá hoặc hoa, hoặc quả xanh mà thôi.

Chuyển xưa kể lại rằng, Tử Hạ là một vị quan sắp đi nhận chức ở địa phương, ông cảm thấy vô cùng lo lắng về tương lai cũng như cuộc sống của mình và đến thăm Khổng Tử để xin một lời khuyên.

Sau khi nghe Tử Hạ trình bày, Khổng Tử nhắc nhở đệ tử của mình rằng con đường chính trị mà ông đang theo đuổi không thể mau chóng được, cần phải kiên nhẫn. Ngoài ra, cần có tầm nhìn đủ lớn để vững từng bước tiến, không thể vội vàng và muốn có lợi. Nếu không sẽ chẳng được gì, thậm chí rơi vào tình trạng kiếm củi ba năm thiêu một giờ.

Khổng Tử: "Khi làm một việc gì thì đừng một mực nóng vội, muốn mau chóng, đừng ham muốn cái lợi nhỏ, bởi làm việc mà cầu mau chóng thì sẽ không thành công, không đạt được mục tiêu. Người ham muốn cái lợi nhỏ thì sẽ không làm thành được sự nghiệp lớn".
 
Nghe xong những lời dạy dỗ của Khổng Tử, Tử Hạ như bừng tỉnh khỏi cơn mê. Kể từ đó, Tử Hạ luôn kiên nhẫn thực hiện từng việc nhỏ.

Thế nên chúng ta cũng vậy, muốn làm nên nghiệp lớn thì cũng phải có tầm nhìn, kế hoạch ổn định lâu dài, mới mong có ngày hoàn thành được mục tiêu cuộc đời, còn nếu không tâm trạng bất an sẽ khiến ta thường có xu hướng đốt cháy giai đoạn, làm hỏng việc. 
Nong voi kho co duoc thanh cong
 

2. Nóng vội không làm được việc lớn

 
Một người chưa làm đã muốn mau chóng cho xong thì chỉ tập trung vào số lượng chứ không phải chất lượng. Sự vội vã, bất an vì vội vàng càng khiến họ rơi vào tình trạng rối ren, hoảng loạn thì làm sao làm được việc lớn.

Một việc muốn làm tốt thì cần sự tập trung toàn bộ năng lượng vào đó nếu không rất khó thành.

Chuyện kể về một chành trai trẻ lên núi để học kiếm thuật của một vị kiếm sĩ lừng danh. Anh thắc mắc với sư phụ:

- Thưa thầy, ngay từ bây giờ con tập luyệt chuyên cần thì phải mất bao lâu mới trở thành một kiếm sĩ?
 
- Khoảng 10 năm con ạ.
 
Người thanh niên đáp:

- Thưa sư phụ, hiện cha con đã già rồi và con cần phải có thời gian chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì mất bao lâu?
 
Lặng yên suy tư một lúc, vị sư phụ trả lời:

- Trường hợp này có lẽ phải 30 năm. 
 
Anh thanh niên tỏ vẻ không vui, không hài lòng với câu trả lời:

- Trước thầy bảo 10 năm, bây giờ 30 năm. Vậy nếu con đủ quyết tâm vượt qua mọi trợ ngại để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn nhất.
 
Vị sư phụ mỉm cười:

- Nếu thế có thể con ở lại đây 70 năm.

Bài học qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng làm bất cứ việc gì với tâm nóng vội càng khiến ta càng xa thành công. Chỉ có sự an tĩnh mới mang lại sự sáng suốt, làm việc mới dễ thành.
 
Cho nên, khi gặp sự tình cần giải quyết, chúng ta cần tĩnh hạ tâm xuống, dùng tâm thái bình tĩnh ôn hòa để làm việc. Dù công việc cần phải nhanh đến mấy cũng không nên để tâm mình bị ảnh hưởng. Sự tỉnh táo sẽ khiến sự tình được hoàn thành một cách tốt nhất, có kết quả tốt nhất.
Hồ nước và lời dạy của Đức Phật về việc tránh nóng vội kẻo xôi hỏng bỏng không
Hồ nước và lời dạy của Đức Phật trở thành hình ảnh vô cùng chân thực, có thể khắc sâu vào tâm trí, giúp ta nhận thức về bài học về lợi lộc của sự kiên nhẫn,

3. Vội vàng dễ có quyết định sai lầm 


Trong cuộc sống, khi gặp sự cố ta thường có tâm lý làm nhanh cho xong, nhưng sự thật là chính điều này sẽ khiến ta phạm phải sai lầm đáng tiếc.

Chuyện xưa kể về Triệu Dự đời nhà Minh là một người giữ chức Thái thú Tùng Giang phủ nhưng có cách làm việc kỳ lạ. Khi có người tìm đến để kiện tụng, sau khi nghe rõ sự việc, nếu thấy chuyện đó không khẩn cấp, ông khuyên người này về rồi ngày mai hãy trở lại.

Một thời gian sau, nhiều người chê cười cách ông làm việc, trong dân gian còn lưu truyền câu tục ngữ “Tùng Giang Thái Thú ngày mai” để nói về Triệu Dự.
 
Hơn ai hết, với kinh nghiệm của mình, ông biết rằng nhiều người trong lúc tức giận nên mới đi kiện tụng. Những người này chỉ cần qua một đêm thì tỉnh táo hơn, họ thường đổi ý khi hết giận, suy nghĩ thấu đáo, cảm thấy hối hận và sẽ không kiện tụng nữa.

Ông cho phép những người này về nhà, để qua ngày mai tức là họ sẽ có thêm thời gian và không gian suy nghĩ. Khi đã hiểu rõ ràng tình huống của mình thì họ sẽ không chỉ vì một phút bốc đồng mà dẫn đến sai lầm.
 
Hành động của Triệu Dự là vì nghĩ cho người khác, vừa có thể cứu người, lại vừa tránh để bản thân bề bộn mà phán đoán sai lầm. Khi không hiểu đầy đủ tình huống thường sẽ tùy tiện hành động. Thận trọng chưa bao giờ là thừa, cũng giúp con người ta tránh được sự thất bại.
 
Từ xưa tới nay không biết bao nhiêu sai lầm xảy ra do sự nóng nảy, không giữ được bình tĩnh. Chỉ khi dành thời gian để tĩnh tâm, từ từ suy nghĩ và tìm cách thì con người ta mới có thể thức thời mà hành động. 

Trong cuộc sống của mình, chúng ta cũng có thể tập nguyên tắc "không quyết định ở lần đầu tiên". Tức là với những suy nghĩ khởi lên muốn chửi mắng, muốn tự tử, muốn hại ai đó,... ta đều bình tĩnh đợi thêm thời gian.

Trong mua sắm cũng vậy, nếu thích món đồ gì thì đừng bao giờ mua hay quyết định ở lần đầu tiên, hãy cho mình một khoảng thời gian để nghĩ lại và thống nhất rằng nếu đến lần thứ 2 gặp lại mình vẫn thích nó thì mới ra quyết định. Khi về nhà, hãy kiểm tra lại nó có trùng khớp hay hỗ trợ cho mục tiêu bạn đang theo đuổi không, nếu không thì hãy quên nó đi.
 

4. Nóng vội không nghe được lời khuyên tốt
 

Càng nóng vội tâm trí của chúng ta như đóng lại, không còn thông minh, sáng suốt nên hiếm khi nghe được lời khuyên của ai đó.

Một câu chuyện về một thư sinh đi đò càng nhắc nhở chúng ta về hậu quả của sự vội vàng như sau:

Có vị thư sinh và người hầu mang theo khá nhiều hành lý để đi vào thị trấn cách đó khoảng hai dặm đường. Thế nhưng trời đang tối dần đi, anh này lo lắng hỏi người chủ đò:

- Xin hỏi, liệu tôi còn kịp vào thị trấn trước khi cửa thành đóng không?
 
Người chủ đò trả lời:

- Anh hãy bình tĩnh, cửa thành vẫn còn đang mở, vội vàng có khi cửa thành lại đóng mất rồi.
 
Người thư sinh nghe xong, tức giận vì cho rằng chủ đò đang giễu cợt mình nên bước đi ngay lập tức. Hai chủ tớ họ đi đến giữa đường thì người hầu vì nóng vội nên đột nhiên bị ngã, khiến cho đống sách bị văng trên mặt đường.

Người hầu càng hoảng nên không đứng ngay lên được, mất khá nhiều thời gian để sắp xếp rồi buộc đống sách lại cẩn thận mới có thể lên đường. Đến nơi thì cửa thành đã đóng lại rồi.
 
Bấy giờ, người thư sinh kia mới ngẫm nghĩ:

- Người chủ đò nói đúng thật.

Một người vội vã, nhìn bề ngoài thì tưởng như là làm việc nhanh, mất ít thời gian hơn, nhưng đến khi không đạt được kết quả thì mọi thời gian và công sức đều là phí hoài.

Thế nên gặp bất cứ việc gì chúng ta cũng nên nên là đơn giản, kiên nhẫn và cần thời gian, cần điều chỉnh liên tục với sự hướng dẫn sát sao của người có kinh nghiệm để đúng đường.

Nhất là muốn xây dựng thành công cho mình thì việc đặt nền móng, hoặc việc chỉnh đặt bánh xe đúng đường ray để đi không trật hướng có khi chiếm đến 80% khối lượng công việc và thời gian của hành trình.

Một khi đã đi đúng lộ trình thì những việc tiếp theo sẽ đơn giản và dễ dàng hơn nhiều, vậy nên mới ngồi lên xe thì chớ dại mà vội vàng.
 

5. Nóng nảy không đánh giá được tình hình


Trong cuốn “Hàn Phi Tử: Ngoại trữ thuyết tả thượng” có ghi chép lại một câu chuyện của vua nước Tề như sau:
 
Tề Cảnh Công là một vị vua được dân yêu, dân quý vì tài đức của mình, còn ông lại rất trọng dụng hiền tướng Yến Anh. Có lần ông đang đi du ngoạn chợt nghe tin tướng quốc Yến Anh bị bệnh nguy cấp.

Vua lo lắng vô cùng, vội vã muốn trở về xem bệnh tình của hiền tướng của mình, ông liền ra lệnh cho thuộc hạ chuẩn bị một xe ngựa và người điều khiển xe ngựa tốt nhất để lên đường.
 
Trên đường đi về, trong lòng như lửa đốt, ông cảm thấy xe ngựa đi quá chậm. Tức giận, ông tự cầm dây cương và chính mình điều khiển xe ngựa.

Đi thêm một đoạn, ông bắt đầu nổi trận lôi đình, chê rằng con ngựa quá chậm, ông liền nhảy xuống xe ngựa để chạy bộ. Thế nhưng cuối cùng ông còn chạy về muộn hơn một ngày so với xe ngựa.

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rằng vội vàng tưởng là để có thể làm nhanh hơn nhưng cuối cùng lại chậm hơn. Đố mặt với việc gì cũng bình tĩnh soi xét, đánh giá đúng tình hình mới cho ta cơ hội ra quyết định và hoàn thành một cách tốt nhất, có kết quả tốt nhất. 
 

6. Dùng chậm để thắng người
 

Chậm một chút mà thắng còn hơn nhanh nhảu mà thua cuộc. Thế nên người ta mới khuyên rằng chậm mà chắc.

Những người tưởng là chậm nhưng họ đang biết tận hưởng hành trình của mình. Cũng giống như chú rùa trong truyện "Thỏ và Rùa", họ chăm chỉ, cần mẫn tiến về đích, không hề chủ quan, luôn tập trung.

Thế nên họ không chỉ biết chọn mục tiêu đơn giản, vừa sức, hoàn thành tốt từng chút một và quan trọng là tập trung và bám mục tiêu.

Những người này, trong quá trình thực hiện, họ thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi ý kiến của người khác và yếu tố ngoại cảnh.

Từ xưa tới nay, có không ít câu chuyện dùng chậm để thắng người như Gia Cát Lượng vẫn kiên nhẫn cày cấy ở Nam Dương, không vội vàng tham gia chính trị. Lưu Bị một lòng mưu cầu đại nghiệp nên kiên nhẫn mời Gia Cát Lượng dù bị từ chối không ít lần. 
 
Hành động và suy nghĩ chậm lại, đó là một loại trí tuệ mà từ xưa để lại cho ta nhưng không phải ai cũng xem trọng nó. Lời khuyên cho chúng ta đó là hãy cố gắng làm chậm lại, suy nghĩ thật kỹ càng. Chậm rãi vừa làm vừa tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống, từ thành công nhỏ sẽ góp nhặt thành kết quả lớn, rực rỡ hơn trong tương lai.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X