(Lichngaytot.com) Ai cũng nghĩ rằng giàu có sẽ không muộn phiền, đâu có phải như vậy. Nguyên nhân của nỗi buồn chưa chắc đã vì nghèo, chưa chắc đã vì khổ. Có những người đầy đủ, sung túc nhưng vẫn không hết buồn.
► Mời các bạn đọc những câu nói hay về cuộc sống và suy ngẫm |
Nguyên nhân của nỗi buồn ở trên đời là muôn hình vạn trạng, có người buồn vì tình yêu không như ý, buồn vì sự nghiệp lận đận, buồn vì không có nhà có xe, buồn vì không được làm điều mình thích,… Bất cứ ai cũng có nỗi buồn riêng, không một ai là vẹn tròn. Bởi, bản chất của nhân sinh là buồn, là khổ.
Đã là người tồn tại trên đời, không thể thoát khỏi căn nguyên “đời là bể khổ” của nhà Phật. Phật giáo nêu ra 8 nỗi khổ của con người: sinh, lão, bệnh, tử khổ, cầu bất đắc khổ (khổ vì cầu mà không được), oán tắng hội khổ (khổ vì oán giận), yêu biệt ly khổ (khổ vì yêu mà phải chia ly), ngũ uẩn khổ (khổ vì ngũ uẩn).
8 loại khổ này không phân biệt giàu nghèo, không phân địa vị cao thấp, sang hèn, hễ là người thì đều vướng phải. Người bên ngoài phơi phới, chưa chắc trong lòng là yên vui, người bề ngoài tuy giản dị chân phương nhưng chưa chắc trong lòng đã có lo nghĩ. Cuộc đời chính là như vậy, không nhìn bề nổi, chỉ hướng tới nội hàm.
Vì thế, nỗi khổ chính là điều bình đẳng nhất ở trên đời, cá nhân nào cũng có, người nào cũng trải qua. Nếu giàu có mà loại bỏ được hết khổ, vậy có lẽ Đức Phật xuất thân cao quý chắc đã chẳng phải xuất gia.
Nỗi khổ của mỗi người đều là đồng dạng, chỉ khác nhau ở biểu hiện cụ thể. Nguyên nhân của nỗi buồn, đều từ tham vọng và ước muốn của con người. Tham vọng càng lớn, càng nhiều khổ đau, ước muốn càng dày, càng nhiều buồn bã. Nỗi buồn bán không ai mua, cho không ai lấy, mỗi người phải tự mình gánh vác, vượt qua và chung sống với nó.
Vì thế, đừng bao giờ nghĩ làm thế nào để không buồn, hãy nghĩ làm thế nào để hết buồn. Vì buồn là bản chất của cuộc sống, nhưng đối diện thế nào lại nhờ vào bản lĩnh của mỗi người. Niềm vui, nỗi buồn thay nhau đến rồi đi, biết cách đối diện thì sẽ nhẹ nhàng biết bao.
Thái Vân