Nhàn rỗi không phải là phúc, đừng tự phá hủy cuộc đời bằng việc chỉ cầu an nhàn

Thứ Tư, 04/11/2020 10:54 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ai cũng muốn hưởng an nhàn, nhưng chính nhàn rỗi là cách phá hủy cuộc đời một người nhanh nhất. Tại sao lại như vậy? Mời bạn tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
 
Có lẽ không mấy ai thích sự bận rộn, hầu hết đều muốn được hưởng an nhàn cho nhẹ người nhẹ óc. Nhưng cách nhanh nhất để phá hủy cuộc đời một người là gì? Đó chính là sự nhàn rỗi!
 
Bởi vì đời người như một bánh răng, càng chuyển động càng linh hoạt, một khi ngừng hoạt động hay đình trệ càng lâu thì chúng càng nhanh chóng trở nên han gỉ, chệch nhịp, loang lổ, khiến cả một hệ thống kém nhạy bén.
 
Nhàn, có thể là phúc. Nhưng quá nhàn lại là tai họa. 
 
Chính nhàn rỗi là cách phá hủy cuộc đời một người nhanh nhất. Như tiểu thuyết gia Roman Rowland từng nói:

Gánh nặng lớn nhất trong cuộc sống không phải là công việc, mà là sự nhàm chán.
Roman Rowland

Đời người vốn là chịu khổ, tuổi trẻ thích an nhàn về già ắt nhọc thân. 
 
Bởi vì, thanh xuân, tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất trong đời, cũng là những năm tháng quan trọng có thể quyết định vận mệnh của một người, khi mà người ta hừng hực ngọn lửa tranh đấu và nỗ lực. 
 
Nhưng nếu trong quãng thời gian đầy nhiệt huyết đó, bạn lại lựa chọn an nhàn trong 10 năm, tương lai sẽ buộc bạn phải vất vả 50 năm để bù đắp lại. Nếu bạn nỗ lực vất vả trong 10 năm, chắc chắn bạn sẽ có được 50 năm hạnh phúc.
 
Vì thế đừng để bản thân nhàn hạ, hãy bận rộn với những điều ý nghĩa để cuộc sống trở nên tốt đẹp và viên mãn hơn.

 

1. Một người nhàn rỗi quá lâu, sớm muộn gì cũng trở nên vô dụng

 
Từ trước đến nay, sự nghiêm khắc thúc ép chưa bao giờ là khổ sở hay dằn vặt, mà nhàn rỗi đến nỗi tự sinh tự diệt mới chính là cái kết đau đớn cho những con người lười biếng.
 
Những người có chút kiến thức thông thường trong cuộc sống đều hiểu rằng: Có rất nhiều thứ nếu lâu ngày không dùng đến, hoặc đặt nó ở trạng thái nhàn rỗi quá lâu, đến một ngày lấy ra sẽ không dùng được nữa.
 
Con người cũng tương tự như vậy.
 
Có gia đình bị giải thể đất đai, buộc phải chuyển đi nơi khác, nhưng đồng thời họ cũng nhận được khoản tiền đền bù không hề nhỏ. Gia đình này dùng số tiền đó để đổi nhà, đổi xe, mua sắm trang sức, nghỉ luôn công việc đang làm, cả gia đình thoải mái tận hưởng hết số tiền đền bù.
 
Nhưng chỉ qua mấy năm, bởi vì cuộc sống quá nhàn rỗi, người vợ bỗng có tật mê bài bạc, người chồng lại ham chơi "game".
 
Hai vợ chồng hàng ngày chỉ ăn chơi mà không làm việc, tiền có như núi cũng đến ngày hết, họ nhanh chóng tiêu sạch số tiền được đền bù. Từ một gia đình thuận hòa hạnh phúc ngày nào giờ bỗng trở thành một gia đình đổ vỡ.
 
Vậy mới thấy, con người không thể quá nhàn hạ, bởi nhàn rỗi trong thời gian lâu dài sẽ khiến con người ta quen với sự lười nhác, chỉ muốn hưởng thụ sự thoải mái trước mắt mà không muốn động tay động chân vào làm việc, càng không còn theo đuổi tiền đồ rộng lớn hơn để duy trì những gì mình đang có.
 
Hơn nữa, nhàn hạ quá lâu, dần dần con người sẽ đánh mất đi tự tin và sự dũng cảm. Khi đó, chúng ta sẽ vô cùng sợ hãi và hoang mang về tương lai, không tìm thấy mục tiêu phấn đấu, cuối cùng sẽ lãng phí cuộc đời và thời gian quý báu của mình.
 
Cần phải biết rằng, đời người vốn chỉ có mấy chục năm, bây giờ chúng ta quá nhàn rỗi, đợi ta trong tương lai sẽ là sự khó khổ và nghèo đói.
 
Nhiều người thường than vãn về khủng hoảng trung niên đến bất ngờ khiến họ trở tay không kịp. Trên thực tế nó không phải lập tức ập đến ngày một ngày hai. 
 
Bạn đã có vô số cơ hội để trui rèn bản thân, tránh khỏi khủng hoảng không cần thiết, nhưng có lẽ chính vì bạn chọn an nhàn mới dẫn đến kết cục như vậy.
 
Kỳ thực đời người giống như chèo thuyền ngược dòng, không tiến lên ắt sẽ thụt lùi. Trong thế giới mà mỗi ngày đều xuất hiện rất nhiều những người tài giỏi và xuất sắc, bạn phải không ngừng nâng cao giá trị của chính mình mới mong theo kịp thời đại.
 
Sự ấm áp khi cuộn tròn trong chăn không bằng sự hạnh phúc của những thành tựu trong tương lai. Tham muốn sự an nhàn sẽ chỉ khiến bản thân trở nên “rỉ sét”. Cho nên, đừng để sự nhàn rỗi ăn mòn cuộc sống và cản trở con đường phía trước của chính mình.

Xem thêm: 7 tật xấu cản trở cuộc đời, liệu bạn phạm phải mấy điều?

 

2. Quá nhàn rỗi chính là tai họa

 
Có câu rằng: Người rảnh rỗi thì nhiều muộn phiền, người lười biếng thì nhiều bệnh tật, người bận rộn sống càng sung sướng.
 
Bởi vì người quá nhàn rỗi sẽ dễ sinh ra những suy nghĩ tiêu cực, tự "hành hạ" đầu óc và tâm trí mình, phiền não cũng sinh ra từ đó.
 
Còn người càng biếng nhác, càng lười vận động và làm việc, cơ thể dần trở nên trì trệ, nặng nề, bệnh tật theo đó tìm đến.
 
Cho nên con người phải luôn tìm ra việc gì đó để làm, có như vậy tinh thần mới không nhàm chán, không trống rỗng, cơ thể tự nhiên cũng không lười biếng, hủ mục.
 
Rảnh rỗi có thể mang lại niềm vui tạm thời nhưng liên tục nhàn rỗi sẽ khiến người ta nhàm chán, thậm chí là thui chột ý chí, đánh mất mục tiêu phấn đấu, kéo rời bạn khỏi những lý tưởng tốt đẹp mà bạn từng đặt ra.
 
Bận rộn có thể rất mệt mỏi, thậm chí bạn phải chia nhỏ khoảng thời gian trong ngày. Nhưng nó có thể đem lại cho bạn rất nhiều thu hoạch: Từ kinh nghiệm sống, tài sản, kiến thức cho đến sự hạnh phúc trong nội tâm.
 
Vật cùng tất phản, một người không làm việc trong thời gian dài, an nhàn chẳng thấy đâu, chỉ thấy năng lực, kỹ năng dần bị thui chột, nhanh chóng rơi vào tình trạng mù mịt và sợ hãi về con đường phía trước.
 
Trong mấy chục năm cuộc đời, chúng ta nên để lại điều gì đó cho thế giới này. Đừng coi “sự nhàn rỗi” như một món quà trời ban, những thứ khiến bạn thích thú, vui sướng một ngày nào đó nó có thể sẽ hủy hoại bạn.
 
Cho nên người càng rảnh rỗi sẽ càng dễ sinh "nông nổi", là một tai họa chắc chắn chẳng ai thích. 
 
Được nhàn hạ chưa chắc đã là phúc khí, chính sự nhàn rỗi là cách phá hủy cuộc đời một người nhanh nhất.

 

3. Muốn trở thành người ưu tú, đừng lựa chọn nhàn rỗi

 
Dale Carnegie, cha đẻ của cuốn sách nổi tiếng Đắc Nhân Tâm từng nói:

Hãy duy trì sự bận rộn bởi đó là liều thuốc rẻ nhất thế giới.
Dale Carnegie
 
Có người nói: "Được làm việc mới khiến tôi cảm giác như mình đang sống, nhàn hạ khiến tôi dễ rơi vào khủng hoảng, lo âu, dường như bản thân như bị dừng lại một chỗ, lập tức bị xã hội đào thải, người đời vượt qua".
 
Quả thực, con người đều có tính ỷ lại. Ai cũng sợ bận rộn, sợ chịu khổ; ai cũng chỉ thích nhàn hạ. Bạn cũng có thể tham khảo thêm những câu nói hay về sự nhàn rỗi cho thấy đó là cái bẫy ngọt ngào.
 
Một phần trong bản tính của con người thường là lười nhác, mong cầu an nhàn, né tránh khổ đau. Chúng ta thường ngưỡng mộ thành tích, địa vị của người khác, mà oán trách thế giới bất công. Nhưng một người chỉ mong cầu an nhàn, chưa từng chăm chỉ nỗ lực thì sao có thể oán trách đây?
 
Có thể khi đang nỗ lực bạn sẽ cảm thấy khổ, nhưng khi gặp lại quan này, nội tâm của bạn sẽ phong phú hơn, sâu sắc hơn. Dám nỗ lực thì nỗi khổ đã trải qua sẽ vĩnh viễn không là điều vô ích, ông Trời sẽ bù đắp lại cho bạn. 
 
Dẫu lúc đó bạn không đạt được điều mình mong muốn, nhưng một ngày nào đó khi gặp cảnh khốn cùng, sự nỗ lực lúc này sẽ phát huy tác dụng.
 
Nỗ lực chịu khổ sẽ giúp bạn tích lũy được những kỹ năng cần thiết, sự khoáng đạt trong tư duy, sự trưởng thành trong tâm hồn và trí tuệ. Những điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống, giúp bạn cả đời thọ ích.
 
Khi bạn bắt đầu biết cách trân trọng, tận dụng thời gian và sắp xếp cuộc sống hợp lý là bạn đang kéo dài tuổi thọ, mở rộng giá trị cuộc sống.
 
Dù sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào, bạn vẫn sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề hóc búa. Khi đối diện với những vấn đề nan giải này, bất cứ ai cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có thể nhẹ nhàng thư thái bước qua. 
 
Trải nghiệm càng nhiều thì càng dễ phát hiện ra chân lý của thế giới này: Càng sợ khổ thì chịu khổ càng nhiều. Những người có tâm hồn thực sự phong phú, kỳ thực, họ không hề sợ khổ, họ chỉ sợ nhàn rỗi.
 
Kiếp người thường phải chịu muôn vàn đau khổ, có khổ mới biết thế nào là vị ngọt, có khổ mới biết quý trọng những gì mình đang có.
 
Hãy để sự bận rộn trở thành trạng thái bình thường của cuộc sống, là hiện thực mà đời người cần trải qua.

 

4. Đời người quá nhàn rỗi sẽ dễ sinh tạp niệm

 
Trong cuốn Thái Căn Đàm bàn về gốc rễ đạo đức làm người có câu: 

Đời người nhàn rỗi chớ sinh ý nghĩ trộm cướp.
Trích - Thái Căn Đàm
 
Thực tế chính là như vậy, con người không nên quá nhàn hạ! Quá nhàn rỗi, không có việc gì làm sẽ dễ sinh ra những suy nghĩ bất thiện, hại người hại cả mình. Đó cũng chính là đạo lý của cái gọi là "Nhàn cư vi bất thiện".
 
Mọi sư lo âu và phiền nào đều do nhàn rỗi mà ra, con người một khi không có việc gì để làm, rảnh rỗi là nghĩ ngợi lung tung, càng nghĩ càng sợ hãi, càng sầu não, cuối cùng chỉ còn dư lại những khổ hạnh, mà đều là do bản thân nghĩ ngợi mà có.
 
Tất nhiên, quá bận hoặc quá nhàn rỗi đều không nên. Quán nhàn sẽ khiến người ta lụn bại. Quá bận rộn thì đánh mất bản tính chân chính. 
 
Trong bận có rảnh, trong rảnh có bận, có việc để làm, có người để yêu thương, có chốn mong đợi, đó mới là trạng thái trọn vẹn nhất của cuộc đời.
 
Mọi thứ đều cần được điều hòa ở mức độ thích hợp. Cần học cách co dãn có mức độ vừa phải, biết tiến biết lùi thì chúng ta mới có thể sống một cuộc sống thư thái và thoải mái đúng nghĩa, đồng thời nhìn thấy được những bức tranh phong cảnh muôn màu khác trong cuộc sống.
 
Chúng ta có được hạnh phúc trong cuộc sống này là nhờ sự bận rộn, có được sự muôn màu muôn vẻ trong kiếp nhân sinh, đó là nhờ sự thư thái.
 
Hy vọng rằng mỗi người chúng ta có thể bận rộn trong biển người nhàn rỗi, thư thái trong biển người bận rộn, nắm chắc từng nhịp của cuộc sống để sống một cuộc đời tuyệt vời như ý muốn.