Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Học cách người thông minh đối phó với TIỂU NHÂN chốn công sở: Có bị chơi xấu cũng không đáng lo!

Thứ Tư, 21/06/2023 10:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tiểu nhân có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong cuộc sống của chúng ta, môi trường đầy rẫy thị phi và sóng gió như chốn công sở lại càng không phải ngoại lệ. Cùng xem cách người thông minh đối phó với tiểu nhân chốn công sở ra sao để tự biết cách bảo vệ bản thân, phòng tránh những rắc rối không đáng có nhé.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Tiểu nhân chốn công sở là gì?

 
Tiểu nhân là từ chỉ những con người có tính cách nhỏ nhen, tính toán, khó chịu… Điểm chung của những người có tính cách này là luôn khiến chúng ta cảm thấy ức chế, mệt mỏi hay thậm chí là không muốn tiếp xúc cùng.
 
Đó là những kẻ hay đặt điều, rêu rao dối trá, khiêu khích, ly gián, phá hỏng các mối quan hệ, gió chiều nào che chiều ấy, luôn coi mình là trung tâm… Những kẻ tiểu nhân có mặt khắp mọi nơi, kể cả trong môi trường công sở.
 
Tại môi trường phức tạp và nhiều thị phi rối ren luôn tiềm ẩn như công sở, đó quả thực là môi trường rất dễ xuất hiện tiểu nhân. Có thể ví công sở đôi khi cũng giống như một trường học, với những phe cánh, những cuộc “buôn chuyện” và những đồng nghiệp thích “chơi xấu” người khác.
 
Có những mối quan hệ tưởng thân thiết nhưng sẵn sàng đâm chọt sau lưng nhau, có những cá nhân với vẻ ngoài đạo mạo nhưng bên trong lại tâm cơ hung hiểm khi chuyện gì cũng dám làm, vấn đề gì cũng dám nói, đổi trắng thay đen, vu vạ hãm hại người khác với họ là chuyện dễ dàng. Thậm chí đó còn là “món ăn” tinh thần và giải trí giúp họ động lực bước đến công ty mỗi ngày.
 
Dù bạn có lòng tốt giúp đỡ thì cũng đừng bao giờ mong nhận được sự cảm kích từ những kẻ tiểu nhân, bởi kẻ đó sẽ coi mọi thứ bạn làm cho bản thân như một lẽ đương nhiên, trong từ điển của họ không có khái niệm “báo đáp ân nghĩa”, chỉ có những đòi hỏi vô tận.

Cach nguoi thong minh doi pho voi tieu nhan chon cong so
 

2. Các kiểu tiểu nhân chốn công sở

 
Trong môi trường nào cũng có người này, người kia, nhất là trong một xã hội thu nhỏ như chốn văn phòng thì bạn lại càng phải cảnh giác với những loại tiểu nhân dưới đây.
 

- Tiểu nhân sơ cấp

 
Đúng như cái tên, kiểu tiểu nhân sơ cấp thường khá đơn giản và không đáng sợ. Đó là những người công khai nói xấu và tỏ thái độ không thích bạn. Họ thường có những hành động công kích và chặt chém bạn bất cứ khi nào bạn làm họ không hài lòng.
 
Xét về mặt tích cực, hành động chơi xấu công khai của họ giúp bạn sàng lọc các mối quan hệ dễ dàng hơn để có thể chủ động tìm cách đối phó.
 

- Tiểu nhân trung cấp

 
Tiểu nhân trung cấp là những kẻ ném đá giấu tay, mượn tay người khác để chơi xấu và hãm hại bạn. Loại này thì tinh vi hơn loại sơ cấp, phải mất một khoảng thời gian dài và trải qua vài bài học thì bạn mới có thể nhận ra loại người này.
 

- Tiểu nhân cao cấp

 
Loại tiểu nhân cao cấp này khác hẳn so với loại 1 và loại 2, đó là những kẻ vô cùng hiểm độc và khó lường!
 
Những kẻ này có thể sẽ đóng vai bạn thân chí cốt, thậm chí còn luôn nói tốt về bạn với sếp và đồng nghiệp. Loại người này rất khéo ăn khéo nói, thường được mọi người xung quanh yêu quý, kính trọng. Họ khiến bạn tin tưởng 100% về mối quan hệ tốt đẹp của hai và bạn sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện, tìm đến họ mỗi khi cần lời khuyên hay sự giúp đỡ.
 
Nhưng thực chất lòng tin của bạn đã đặt sai chỗ. Chính bởi không bao giờ đề phòng và dễ để lộ điểm yếu của bản thân cho họ thấy, họ sẵn sàng đâm sau lưng bạn một nhát thật đau ngay lúc bạn bất cẩn nhất.
 

- Tiểu nhân siêu cấp

 
Đây chính là loại tiểu nhân đẳng cấp và đáng sợ nhất: kết hợp giữa trung cấp và cao cấp!
 
Tiểu nhân siêu cấp là người đứng sau loại cao cấp, mượn tay một kẻ thứ 3 để tiếp cận, giúp đỡ bạn thời điểm ban đầu rồi chính là người mách nước cho kẻ đó ném đá, đâm chọt bạn. Bởi cách hành xử hết sức khéo léo và kín đáo, bạn sẽ khó mà nhận ra nếu chỉ tiếp xúc xã giao, sơ qua trong công việc hàng ngày.

Nhan biet ke tieu nhan chon cong so
 

3. Đặc điểm nhận biết kẻ tiểu nhân nơi công sở

 
Không khó để nhận diện những kẻ tiểu nhân hay “chơi xấu” trong môi trường làm việc của bạn. Đó là những người thích phê phán bạn bất kể bạn đúng hay sai, cố tình gạt bạn ra trong những cuộc trao đổi quan trọng, tìm cách giành giật thành tích của bạn, và nói xấu bạn với người khác. Động cơ của tất cả những việc làm này đều nhằm “dìm hàng” bạn và để nâng đối phương lên.
 
Chỉ có nhận rõ được những thủ đoạn của tiểu nhân mới kịp thời ngăn chặn, không rơi vào bẫy rập mà kẻ đó giăng ra, kịp thời có đối sách đề phòng bị mắc lừa hay bị hại.
 

- Không chấp nhận thành công của người khác

 
Những kẻ tiểu nhân có bụng dạ rất nhỏ nhen, không thích nhìn người khác thành công hay vượt qua mình. Cho nên kẻ đó sẽ tìm mọi cách để phá hỏng công việc, cướp đoạt thành tích của người khác, để bản thân vượt lên trên.
 

- Thích nịnh nọt

 
Khi đứng trước mặt chúng ta, những kẻ tiểu nhân rất hay ra vẻ rất nhiệt tình, từng lời nói "ngọt như mía lùi" khiến cho ai nấy cũng dễ rơi vào trạng thái mất cảnh giác.
 
Có những lời không nên nói, có những sự việc không nên làm nhưng bạn đã làm, đã nói trước mặt họ, vì bạn coi họ là người có thể tin cậy, nhưng chỉ cần quay ngoắt một cái, sự việc đã đến tai người khác, đẩy bạn vào trạng thái bất lợi.
 

- Thích nói xấu sau lưng người khác

 
Trước mặt bạn, kẻ tiểu nhân sẽ nói bạn hay, chê người khác dở nhưng trước mặt người kia, bạn là kẻ chẳng ra gì. Kẻ tiểu nhân sẽ tìm cách lấy lòng tất cả nhưng lại ngấm ngầm chia cắt tình bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí gây ra những tranh cãi và mâu thuẫn khó có thể hàn gắn.
 
Hơn nữa, miệng lưỡi những kẻ tiểu nhân thường rất khéo, cho dù có bị phát hiện, họ cũng biết cách thoái thác, phủi sạch trách nhiệm, biến bạn thành người gây ra tất cả những chuyện xấu xa đó.
 

- Gây chuyện thị phi

 
Gây thị phi là một trong những chiêu trò “ưa thích” của kẻ tiểu nhân. Những kẻ đó sẽ dựa vào gây chuyện thị phi, xúi dục, khiêu khích, ly gián mọi người để thực hiện mục đích cá nhân.
 
Trong cuộc sống, có rất nhiều kẻ tiểu nhân chỉ vì một chút lợi riêng, một chút ham muốn không đạt được, là ăn không nói có, từ bé xé ra to, biến trắng thành đen, biến tốt thành xấu, khiến những người thân cận phải xa lánh.
 

- Thích thể hiện

 
Trước mặt lãnh đạo, những kẻ tiểu nhân luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình nhưng khi cấp trên vừa đi khỏi, đâu lại vào đó. Trong công việc, họ nói và làm bất nhất.
 
Nhưng kiểu người này vô cùng giỏi trong việc kể công. Nếu công việc của người khác có một chút sơ suất, họ sẽ lập tức “mách” với cấp trên và coi đó là "thành tích" của bản thân.
 

- Cáo mượn oai hổ

 
Để thực hiện được ý đồ riêng, những kẻ tiểu nhân thường rất hay nhìn nét mặt lãnh đạo cấp trên để làm việc, chú ý nắm bắt từng ly, từng tí tâm lý của lãnh đạo cấp trên, cố lấy được lòng lãnh đạo. Sau đó lấy lãnh đạo làm chỗ dựa, mượn "oai hổ" để áp chế người khác, lăng nhục, nói xấu người khác, hãm hại người khác.
 

- Gièm pha, đặt điều

 
Những kẻ tiểu nhân đều hiểu rằng: dù là những điều không có thật, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ biến thành chân lý.
 
Có lúc nếu chỉ dựa vào sức mạnh của bản thân sẽ khó thực hiện được ham muốn cá nhân, lúc này tiểu nhân sẽ xài chiêu đặt điều, tạo dư luận, gièm pha để huyễn hoặc mọi người. Khi đặt điều, họ thường thường giả vờ thẳng thắn, chính trực, khiến người nghe hiểu lầm thực hư, lẫn lộn trắng đen, vì thế rất dễ bị lừa, dễ bị mê hoặc.
 

- Gió chiều nào che chiều ấy

 
Ở cơ quan, lãnh đạo thích ai, kẻ tiểu nhân sẽ tìm cách gần gũi người đó, lãnh đạo không thích ai, kẻ tiểu nhân sẽ ngày ngày tìm cách đả kích; ai có ưu thế sẽ đeo bám, ai thất thế sẽ xa lánh. Với những người không có giá trị lợi dụng, họ chắc chắn sẽ không bao giờ nghĩ đến việc gần gũi, kết thân.
 
Bọn họ giỏi quan sát và nắm bắt tâm tư của người khác, luôn luôn để ý đến xu thế phát triển của sự việc, luôn luôn sẵn sàng gió chiều nào che chiều ấy. "Tuyệt chiêu" của họ là mắt nhìn bốn phương, tai nghe tám hướng. Vì lợi ích cá nhân luôn ngả theo cái có lợi.
 

- Qua cầu rút ván

 
Kẻ tiểu nhân không bao giờ có bạn bè chân chính. Họ kết bạn chỉ là tạm thời, là giả tạo. Đối với họ, lợi ích bản thân cao hơn tất cả. Chỉ cần nhu cầu, lợi ích bị đụng chạm, họ coi bạn là thù ngay lập tức. Trong đầu họ, chỉ có người nào có lợi cho mình, người đó mới được coi là bạn.
 

- Khiêu khích ly gián

 
Kẻ tiểu nhân từ xưa đến nay, khi làm việc phần lớn thích vụng trộm, úp úp, mở mở. Bọn chúng hiểu rõ rằng: "Đục nước béo cò ", thì luôn dùng những thủ đoạn đê tiện để ly gián người khác, khơi ra mâu thuẫn giữa mọi người. Chờ đến khi những người ly gián đấu tranh với nhau, chúng sẽ trục lợi. Thủ đoạn này hễ thực hiện được thì cái hại vô cùng lớn không thể lường hết.
 

- Đổ vấy trách nhiệm cho người khác

 
Nếu chẳng may mắc sai lầm trong công việc hoặc nói năng, hành động không phù hợp với hoàn cảnh, kẻ tiểu nhân sẽ một mực không thừa nhận mà tìm một người thế thân gánh nạn.
 
Kiểu người này rất mồm mép, có thể đổi trắng thay đen, có thể khiến mọi người nhầm lẫn mà lan truyền đi những thông tin sai sự thật.
 
Thậm chí có những lúc "chân tướng" vì thế mà bị giấu nhẹm đi và cho dù được phát hiện khi việc đã rồi, mức độ ảnh hưởng của nó cũng đã không còn nữa.

Xem thêm: 6 kỹ năng giao tiếp của người thông minh không phải do bẩm sinh

Cach doi pho ke tieu nhan chon cong so
 

4. Cách người thông minh đối phó với tiểu nhân chốn công sở

 
Tiểu nhân trong đời không thiếu, chủ yếu là bạn vấp phải những kiểu người nào mà thôi. Nếu gặp phải tiểu nhân nơi làm việc thì hãy ghi nhớ những cách mà người thông minh đối phó với tiểu nhân chốn công sở như dưới đây để tự bảo vệ bản thân.
 

- Giữ bình tĩnh bằng mọi cách

 
Trong bất kỳ tình huống, bình tĩnh nên được đặt lên hàng đầu. Chỉ khi giữ được cái đầu lạnh, chúng ta mới có thể suy nghĩ thấu đáo và đưa ra những phán đoán hợp lý. Bởi lẽ một khi cảm xúc không ổn định thì làm gì cũng rất dễ gây ra sai lầm khiến bạn phải hối tiếc.
 
Sống trên đời này, điều khó nhất chính là làm hài lòng tất cả mọi người. Chúng ta cũng không thể ngăn cản ai đó muốn làm điều xấu với bản thân hay ai đó có ác cảm với mình. Cho nên, giải pháp tốt nhất là phải học cách xử lý khi chuyện như vậy xảy ra.
 
Khi phát hiện bản thân bị tiểu nhân chơi xấu, hãy tự nhủ bản thân cần phải lấy lại bình tĩnh và nhìn nhận lại vấn đề để tìm hướng giải quyết. Một người thực sự thông minh sẽ không dễ bị mắc bẫy khi tiểu nhân muốn khiêu khích, khiến bạn mất kiểm soát bản thân.
 

- Giữ khoảng cách thích hợp

 
Ngay khi phát hiện ra kẻ tiểu nhân bên cạnh mình, bạn tốt nhất nên tránh kẻ đó càng xa càng tốt, chớ dại ăn miếng trả miếng mà khiến bản thân vô tình lún sâu vào những điều tiêu cực đó.
 
Nhiều khi bạn đấu với một người cũng chẳng có nghĩa lý gì, nhất là với tiểu nhân. Những kẻ đó không xứng đáng với thời gian của bạn, và việc bạn đổ dồn sự tập trung vào họ là một kiểu tự làm cạn kiệt sức lực của bản thân. Thay vào đó, duy trì thái độ dung dị và không phân bua mới là cách sống tốt nhất.
 
Bạn phải biết rằng cuộc sống không thể tránh khỏi những tính toán và tổn thương. Khi bản thân chịu thiệt, bạn phải biết giữ khoảng cách để tránh tổn hại thêm.
 
Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người, bạn sống tốt đến mấy thì vẫn sẽ có người không thích bạn. 
 
Gặp kẻ tiểu nhân, bạn có thể lựa chọn tránh né hoặc đối mặt, nhưng hãy giữ giới hạn và nguyên tắc của bản thân, đừng nên làm chuyện quá quắt, nếu không bài học nhận về càng thê thảm hơn bài học bạn đã cho đối phương.
 

- Không tính toán hơn thua

 
Người xưa nói chí phải: Một điều nhịn, chín điều lành.
 
Người thông minh hiểu rằng, tính toán hơn thua với kẻ tiểu nhân là một việc làm thừa thãi và tốn công vô ích. Nếu bạn quá để tâm đến những kẻ tiểu nhân, bạn cũng sẽ bị vấy bẩn bởi những điều xấu xa, và từ từ biến bạn thành thứ bạn ghét.
 
Người khôn ngoan sẽ không bao giờ bị những cảm xúc tiêu cực chi phối, họ hiểu rằng sống tốt cuộc sống của chính mình mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời này chứ không phải tốn công sức, tốn thời gian để dây dưa với những kẻ tiểu nhân.
 
Nếu chỉ vì nóng giận nhất thời mà lại đi dây dưa với tiểu nhân, lao tâm khổ tứ vào những thứ vô ích như thế thì bạn chỉ lãng phí thời gian, thậm chí tự rước tai họa vào thân mà thôi.
 
Do đó, gặp kẻ tiểu nhân thì nên tránh xa, chớ nên hơn thua làm gì. Lúc này, sự nhẫn nhịn không phải là biểu hiện của hèn nhát, mà là tránh chuốc họa vào thân. Rồng thì không đánh với rắn, sư tử thì không giành thức ăn với chó điên.
 

- Không dây dưa chuyện vụn vặt

 
Một số người, bạn càng quan tâm thì họ càng bám riết không tha. Nếu mù quáng tranh đấu với kiểu người đó, bạn sẽ tự chuốc họa vào thân.
 
Khi bị chơi xấu, lợi ích cá nhân bị tổn hại, nhiều người chọn cách lập tức thể hiện sự giận dữ và tìm cách trả thù. Nhưng thù hằn ở đây lại mang hiểm họa khôn lường hơn bạn nghĩ.
 
Trước khi làm điều này, hãy thử hỏi bản thân: Liệu mình có thật sự vui khi đối phương cũng chịu cảnh tương tự? Hay bản thân cũng trở thành kẻ xấu xa như họ?
 
Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng tiềm ẩn sự tính toán và cái xấu xa, kỳ thực không cần quá lo lắng, quan trọng nhất là bảo vệ lợi ích của bản thân, sống thật tốt cuộc đời của mình.
 

- Tập trung vào công việc của bản thân

 
Khi nhận ra mình lọt vào tầm ngắm của những kẻ tiểu nhân trong công sở, thay vì lo lắng hay cảm thấy stress thì điều đầu tiên bạn cần làm đó là phải hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác, tập trung vào mục tiêu công việc của mình.
 
Bạn nên làm việc cẩn thận và tỉ mỉ trong từng khâu để tránh những kẻ thích “bới lông tìm vết”, chuyên đi tìm khuyết điểm của người khác để chỉ trích hay những kẻ luôn nhân cơ hội sơ suất của người khác để phá hoại.
 
Nếu có ý định đối thoại trực tiếp với kẻ chơi xấu, mọi lời bạn nói đều xuất phát từ công việc chứ không nên lấy chuyện cá nhân để nói. Điều bạn cần là công việc suôn sẻ, trôi chảy chứ không phải là muốn kết thân với người ta, vì vậy, đừng lãng phí thời gian để thay đổi cách nghĩ của họ về cá nhân bạn.
 
Cũng có thể, đồng nghiệp này từng có mâu thuẫn với bạn, nhưng lúc này, bạn cũng đừng "khơi" ra làm gì. Hãy coi đó là vấn đề cá nhân, nếu có thể thì hãy giải quyết ngoài văn phòng. Thậm chí, cho dù bạn rất dị ứng với thói quen sinh hoạt hay thói lăng nhăng, lười biếng… của họ, thì đây cũng không phải là lúc để bạn lôi ra mà nói.
 
Thay vào đó, bạn cần tập trung vào công việc, lấy kết quả và những ảnh hưởng to lớn đến công việc bạn đang quản lý để tác động tới họ, khiến họ thay đổi hành vi không tốt của mình.
 
Khi đi làm, ai cũng mong được làm việc với những người đồng nghiệp hòa nhã, lịch sự và nhiệt tình nhưng tính cách của mỗi người khác nhau dẫn tới cư xử cũng khác nhau. Ở đâu cũng sẽ có một vài người không hợp với đám đông hoặc có tính xấu thích gây hiềm khích. Học theo những cách người thông minh đối phó với tiểu nhân chốn công sở như trên, bạn hoàn toàn có thể "phá giải" các tình huống oái oăm và tiếp tục công việc của mình trong một môi trường tích cực.

Tin cùng chuyên mục

X