Vì sao cổ nhân khẳng định: Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ?

Thứ Năm, 15/12/2022 09:49 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu nói: Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ ẩn chứa nhiều ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của người xưa đã đúc rút kinh nghiệm từ những gì họ thấy và chiêm nghiệm.
 
 

1. Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ 

 
Theo nghĩa đen, "ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ" nghĩa là một con ngựa tốt sẽ luôn đi tìm được bãi cỏ xanh mơn mởn làm thức ăn, nó không vì thấy khó khăn ở hiện tại là chưa tìm được đám cỏ như ý mà quay về lại ăn cỏ cũ, sống qua ngày, tiếp tục ăn và để bụng đói để chờ một ngày cỏ tươi tốt trở lại.

Một khi đã quyết tâm rời đi tìm một nơi mới tốt đẹp hơn thì cũng không vì chưa thấy kết quả mà bỏ cuộc, quay lại đám cỏ cũ và tự ủi là "thế cũng được rồi".
 

Ngựa tốt không quay đầu ăn cỏ cũ


Theo nghĩa rộng hơn, ở khía cạnh công việc nghĩa là một người đi tìm chân trời mới cho mình thì quyết tâm làm bằng được, không nên cho mình đường lui kẻo có ngày thoái chí. Hay ở khía cạnh hôn nhân, một khi đã đổ vỡ, không có cơ hội hàn gắn nữa thì sẽ không bao giờ quay lại, hãy tìm cách xây dựng một cuộc sống mới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn.
 
Cổ nhân muốn thông qua câu nói này để nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống nên biết hướng về những điều tốt đẹp và một khi quyết tâm thì làm tới cùng. Điều này giống như một người đang làm việc gì thì nên làm đến nơi đến chốn, bước đi từng bước thận trọng cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra mới thôi.

Dẫu cho trên đường đi có nhiều trở ngại, cám dỗ khiến ta lầm đường, lạc lối, chán nản hoặc thậm chí là thất vọng về bản thân nên ta muốn quay lại con đường cũ nhưng đừng vì thế mà bỏ cuộc, hãy tin tưởng vào những gì mình đã chọn.

Theo đó, cổ nhân khuyến khích chúng ta trên đường có gặp bao gian nan và cản trở thì cũng luôn kiên định đi tới bước cuối cùng, quyết không quay đầu lại. Những điều tốt đẹp hơn vẫn đang ở phía trước chờ đón chúng ta khai phá.

Trên con đường đi tới thành công, chúng ta gặp phải rất nhiều thất bại khiến bản thân chán nản hoặc bắt đầu nghi ngờ về khả năng của chính mình. Nhưng một khi đã được người khác tin tưởng thì hãy quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình đến cùng. Chỉ cần một người tin vào bạn cũng là đủ, điều này có nghĩa là họ công nhận năng lực của bạn, do đó đừng hoài nghi về bản thân nữa, hãy tự tin.

Cám dỗ, trở ngại luôn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, thậm chí là cả khi chúng ta gần tới đích, thế nhưng mỗi người cần phải kiên định, không được đánh mất chính mình; một khi đã xác định được mục tiêu thì hãy mạnh mẽ tiến về phía trước, đừng nghĩ đến việc bỏ cuộc hay quay đầu lại. 

Hay khi đối mặt với cuộc hôn nhân đổ vỡ, ai chẳng đau đớn, những kỷ niệm cũ cứ trở về khiến ta bồi hồi tiếc nuối nhưng cuối cùng thì việc gác lại mọi thứ để bước tiếp mới thực sự tốt cho chúng ta. Đừng vì mới kết thúc và không chịu được cảm giác cô đơn hay chưa tìm được ai hơn mà níu kéo mọi thứ trong vô vọng, việc này chỉ khiến cả hai tăng thêm phần đau khổ mà thôi.  
 

2. Con hư biết nghĩ quý hơn vàng

 
Vế sau của câu nói trên còn mang ý nghĩa hay ho hơn, đó là: "Con hư biết nghĩ quý hơn vàng". (Lãng tử hồi đầu kim bất hoán).
 
Hai câu ghép lại được tạm hiểu theo nghĩa đen là: Ngựa tốt một khi đã biết được con đường mình cần đi thì không nên quay đầy nhưng con hư khi biết lỗi của mình lại cần "quay đầu là bờ".

Bản gốc của câu nói này là "Lãng tử hồi đầu kim bất hoán". Kim Bất Hoán ở trong câu này thực chất là tên của một nhân vật trong câu chuyện của người xưa.
 
Đó là tên một người trong câu chuyện được truyền miệng của cổ nhân nhằm răn dạy con cháu ở những đời sau. Chuyện kể về một gia đình họ Kim vô cùng giàu có, cuộc sống no đủ nhưng họ chỉ thiếu một mụn con để nối dõi tông đường.

Cho tới khi vợ chồng bước sang tuổi 50 mới có con trai đầu lòng nên họ hết sức yêu chiều cậu bé, đặt tên là Kim Bất Hoán (tức là quý hơn vàng).

Vì quá thương yêu con nên họ ra sức chiều theo mọi mong muốn của cậu. Chính điều này đã biến Kim Bất Hoán thành đứa trẻ hư hỏng, không chịu học hành, tính cách ngang ngược, chỉ thích giao du qua lại với những tên côn đồ xấu xa, ăn chơi sa đọa.

Càng lớn Kim Bất Hoán càng phung phí tiền bạc của gia đình, tiền của nhiều đến đâu mà chỉ tiêu, không kiếm thêm thì cũng hết nên một thời gian ngắn sau gia sản họ Kim không còn lại gì. Cả gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, những ai được xem là thân thiết cũng quay lưng, không chịu giúp đỡ họ.

Người duy nhất không bỏ rơi Kim Bất Hoán đó là mẹ của cậu, bà kiên nhẫn ở bên để dạy dỗ, chỉ dẫn con sửa sai. Theo thời gian, tình cảm của mẹ đã giúp cậu nhận ra sai lầm của mình, tìm cách thay đổi, bắt đầu xây dựng sự nghiệp, làm lại cuộc đời. 

Câu chuyện trên một phần nhắc nhở chúng ta lưu tâm về việc nuôi dạy con. Không phải ngẫu nhiên cổ nhân căn dặn: "Lấy nghèo nuôi con trai, lấy giàu nuôi con gái". Điều này có nghĩa là không nên để con thoải mái thụ hưởng sự giàu sang, sung sướng, vì như thế trẻ dễ hư hỏng.

Lấy "cái nghèo" nuôi con trai chính là để chúng cảm nhận được nghèo khó, vất vả, từ đó học cách tự lập, vươn lên, sống có trách nhiệm hơn. Chúng cũng vì thế mà biết ơn công lao khổ cực của cha mẹ.
 
Bài học quan trọng khác ở đây đó là nếu một người mắc sai lầm thì không có gì là đáng sợ, nếu họ biết sửa sai thì việc này rất đáng để ca ngợi.

Thực tế là trong cuộc sống, con người chắc chắn không tránh khỏi giây phút mắc sai lầm. Dù là sai lầm gì đi chăng nữa, chỉ cần biết sai và nhìn nhận lại bản thân để thay đổi thì vẫn chưa muộn.

Vì thế, đừng để sai lầm đã qua chôn vui mình mà cần có ý chí, nghị lực để vượt qua những sai lầm để trở thành người hữu ích hơn trong tương lai. Một khi có đủ quyết tâm thì ai cũng có thể trở thành người tốt.