Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Hãy cẩn thận ngôn ngữ giao tiếp với con trẻ: Nó có thể biến con thành thiên thần hoặc ác quỷ

Thứ Sáu, 11/11/2022 17:35 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nếu lâu nay bạn nói gì với con cũng tùy hứng, dễ tức giận khi con làm trái ý mình thì hãy để ý hơn tới ngôn ngữ giao tiếp với con trẻ sau khi đọc bài viết này nhé.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Bạn đã khi nào rơi vào trường hợp con gào lên: "Con không thích bố/mẹ, ước gì người khác làm bố/mẹ của con". Nghe những lời này bạn thấy tổn thương và giận con lắm. Thế nhưng, đã bao giờ bạn nghĩ vấn đề sâu xa của lời nói, hành động này hay chưa?

Việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Có kết quả như hiện tại hầu hết là xuất phát từ việc bạn đã sử dụng ngôn ngữ giao tiếp với con trẻ không đúng cách.

Tiến sĩ Meg Meeker, bác sĩ nhi khoa, tác giả của 6 cuốn sách về nuôi dạy con cho rằng, ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng để giao tiếp với một đứa trẻ là điều tối quan trọng. Vì vậy, hãy cố gắng hiểu góc nhìn của trẻ để quá trình trò chuyện với con trở nên nhẹ nhàng và bớt căng thẳng hơn bằng những cách cụ thể sau đây.
 

1. Cho biết bạn hiểu mong muốn của trẻ

 
ngon ngu giao tiep voi con tre

Hãy chú ý hơn tới ngôn ngữ giao tiếp với con trẻ

Mỗi khi xảy ra xung đột giữa bố mẹ và con cái trong những tình huống bạn cho rằng trẻ "cứng đầu", không chịu nghe mình thì thường là các bậc phụ huynh thiếu đi sự thấu hiểu, giải quyết vấn đề theo ý mình một cách độc đoán.

Đó là lý do trẻ sẽ thường cảm thấy bố mẹ không hiểu mình gì cả, chúng càng tỏ ra tức giận. Thế nên trước tiên bạn phải nói ra lời nào đó bày tỏ rằng bạn đang hiểu tình huống của con (Tất nhiên bạn cũng phải thật sự hiểu tình hình).

Trẻ nhỏ thường sẽ không còn đòi hỏi nếu cảm thấy mình được bố mẹ coi trọng và thấu hiểu. Khi trẻ biết rằng bố mẹ hiểu mình, trẻ sẽ rất vui, tâm trí cởi mở hơn và dễ dàng nghe theo những yêu cầu khác của bố mẹ.

Ngoài ra, trong một số tình huống, bạn không bao giờ nên từ chối trẻ một cách thẳng thừng. Ví dụ như con muốn ăn thêm bánh ngọt nhưng bạn muốn con dừng ăn thì cũng phải bày tỏ rằng: "Chiếc bánh đó ngon phải không con, mẹ cũng thấy nó hấp dẫn cơ mà. Mẹ biết là con đang khó chịu vì mẹ không cho con ăn". Lúc này chúng sẽ thay đổi thái độ, không còn chống đối với bạn nữa mà thậm chí quay sang bày tỏ suy nghĩ và bắt đầu chịu lắng nghe bạn giải thích sau đó.
 
Đừng vội cho rằng con đang đòi hỏi điều gì đó nghĩa là con hư. Có thể nguyên nhân sâu xa của việc này đó là con muốn lôi kéo sự quan tâm của bố mẹ mà thôi.
 
Bạn cần suy xét lại những gì đã xảy ra trong ngày có thể dẫn đến mối bất hòa giữa bạn và trẻ. Chẳng hạn như, liệu mình có ít quan tâm đến con, hay mình có hành động nào đó khiến con tưởng rằng mẹ chỉ yêu em chứ không yêu chị... 
 
Tất nhiên, sẽ có một số tình huống bạn cần dứt khoát từ chối nhưng hãy nói với thái độ đồng cảm thì mới có thể gia tăng tính thuyết phục. 
Giới siêu giàu dạy con: Học được một phần thôi con bạn cũng đã xuất sắc hơn người
Giới siêu giàu dạy con bằng những kinh nghiệm và sự từng trải của mình. Họ biết rằng để làm giàu bền vững cần rất nhiều đức tính tốt mà con của mình phải rèn

2. Tránh những câu ra mệnh lệnh


Khi con mới chào đời, là đứa bé dễ thương chỉ biết ăn, biết ngủ, bập bẹ gọi bố, gọi mẹ chúng ta thấy chúng đáng yêu như những thiên thần vậy. Thế nhưng đến tuổi đi học những "trận chiến" trong các buổi kèm con học xuất hiện dày đặc và gia tăng mâu thuẫn giữa bố/mẹ và con cái.

Lâu dần em bé thiên thần của bạn đã trở nên hung hăng hơn, dễ cáu giận hơn và thường xuyên khiến bạn "tăng xông". Thế nhưng đã bao giờ bạn tìm hiểu rõ nguyên nhân thực sự của những việc này chưa?

Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều khi cha mẹ bị cảm xúc lấn át mà nói những lời khó nghe với trẻ. Điều này không chỉ có thể xúc phạm một đứa trẻ, mà còn làm cho trẻ mặc cảm và không thích cha mẹ. 
 
Bạn phải hiểu rằng trẻ sẽ còn phạm sai lầm rất nhiều và đó là quá trình con trải qua để dần trưởng thành trong cuộc sống. Vì thế, đừng la hét lớn tiếng quá mỗi khi con làm sai hay không theo ý mình. Việc này không khiến con ngoan ngoãn nghe lời theo bạn hoặc nếu có im lặng làm theo thì cũng đang ngầm chống đối.

Đó là chưa kể đến việc, nếu cha mẹ la hét thì đứa trẻ cũng bắt chước theo, tương lai nó sẽ có thói quen la hét với bất cứ ai kể cả bố mẹ của chúng. Nếu cha mẹ thường xuyên chỉ trích thì nó cũng hay chỉ trích bản thân và mọi người xung quanh. Con cái chính là tấm gương phản chiếu bố mẹ chúng.
 
Nếu con nói lớn, bạn đừng ra lệnh như: "Ngừng hét ngay" mà thay vào đó là: “Con nói nhỏ hơn một chút” và kèm theo lý do như "Mẹ đang mệt", "Mẹ hơi đau đầu",... sẽ hiệu quả hơn. 
 
Ngoài ra, đừng hét lên: "Đừng chạy" khi con đang chạy vì chúng chỉ cảm thấy hoang mang, sợ hãi và chạy nhanh hơn. Do đó, thay vì ra lệnh thì bạn nên nói: "Hãy nhẹ nhàng hơn một chút" và không nên giải thích quá nhiều.
 
Nếu bạn đang có một cuộc trò chuyện quan trọng nhưng con lại làm phiền, hoặc xen vào bởi nhiều lý do khác nhau, đừng quát vì sự ồn ào này mà giao hẹn với con khoảng thời gian nào mẹ/bố có thể quay lại chơi với con và tìm việc khác để con làm trong khoảng thời gian đó. Sau đó bạn giữ đúng lời hứa và từ đó con sẽ biết rằng thời gian "giao kèo" giữa bố mẹ và chúng rất quan trọng và cần tập trung để chú ý hơn.
 

3. Tập trung vào các câu hỏi


Theo thói quen, chúng ta hay có mong muốn áp đặt suy nghĩ của mình lên suy nghĩ của con trẻ. Vì thế, việc thay đổi ngôn ngữ giao tiếp với con không thể diễn ra ngay lập tức được. Có một cách để giảm bớt độ khó khi muốn trò chuyện với trẻ đó là bạn có thể tập trung vào các câu hỏi thay vì khẳng định.

Đặt câu hỏi sẽ kích thích con tự tìm ra câu trả lời cho mình, đó cũng là cách để chúng ta hạn chế tối thiểu việc can thiệp vào cuộc sống của con, khuyến khích con mình tự lập và tự suy nghĩ.
 
Ví dụ như con rất muốn làm việc gì đó mà bạn không thích thì đặt câu hỏi: 

- Con đang suy nghĩ gì về việc này?

- Con rút kinh nghiệm như thế nào về những gì đã xảy ra?

Thậm chí, cho dù bạn không hài lòng với các câu trả lời của con nhưng hãy tôn trọng ý kiến của trẻ. Hãy dạy con được thất bại vì đó là cách bạn cho chúng sức mạnh, đôi cánh bay xa và cao hơn.

Khi chúng chấp nhận được thất bại nhỏ thì sau này chúng mới suy nghĩ sâu về vấn đề, từ đó biết cân nhắc giữa những trường hợp, sự đánh đổi và kết quả khác nhau. 
 

4. Chỉ dẫn cho trẻ những tình huống cụ thể 

 
Bo me hay kien nhan hon trong qua trinh day con
 
Dù không hài lòng việc con làm thì cũng đừng bao giờ nói: "Mẹ/bố buồn vì con quá" hay “Con khiến bố/mẹ phát điên”. Với một đứa trẻ, chúng sẽ nghĩ rằng không ai yêu mình, từ đó có thể gây ra những hậu quả nặng nề, không lường trước được.
 
Thay vào đó, bạn nên giảm nhẹ tình hình bằng câu: "Mẹ yêu con, nhưng bây giờ mẹ không thích những việc con đang làm". Những đứa trẻ luôn có nỗi sợ vô hình là bố/mẹ không yêu chúng, nên hạn chế nói những lời khiến con có cảm giác đó. 

Ngoài ra, đừng quên cho con những chỉ dẫn cụ thể, dễ hiểu vì chúng thường không biết làm gì cho bố mẹ vui nếu bạn chỉ cứ gặp chuyện là nói buồn vì con như thể chúng là nguyên nhân chính gây ra nỗi buồn cho bạn vậy.

Ngoài ra, dù bận rộn đến đâu, hãy luôn sắp xếp thời gian để ở bên con ít nhất 30 phút mỗi ngày để thảo luận với con về mọi điều đã xảy ra với con trong ngày. 
 
Hàng ngày cha mẹ hãy cùng con nói chuyện nhiều hơn, nhất là nên đưa ra một vấn đề nào đó để cùng thảo luận, khuyến khích trẻ đưa ra các ý kiến của bản thân. Trong tương lai, những đứa trẻ đã quen với các cuộc đối thoại chi tiết sẽ dễ dàng hơn trong việc bày tỏ quan điểm của mình.
 
Những câu chuyện bàn luận có thể chỉ đơn giản là những gì đang diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày, hoặc về một câu chuyện cổ tích mà bé vừa đọc.

Chỉ cần đưa ra những câu hỏi đơn giản như “con thích nhân vật nào?”, “vì sao con lại thích nhân vật đó?”, “nếu trong tình huống đó, nếu là con thì con sẽ làm gì? 
 
Chính từ những câu hỏi này, bé có thể phát triển được khả năng tư duy, cũng như rèn luyện cách nói, cách diễn đạt. Không những thế, chúng sẽ học được các xử lý vấn đề tương tự như nhận vật trong truyện. Qua đó, cha mẹ cũng có thể dễ dàng uốn nắn và bổ sung cho trẻ những thông tin bổ ích. 

Ngoài ra, nếu chính bạn không có giải pháp cho những vấn đề của con thì bạn chủ động mua sách về đọc cùng con. Cách hướng dẫn giải quyết tình huống theo sách có thể là một trong những lựa chọn hợp lý vì nó đưa ra chỉ dẫn trong trường hợp cho gặp rắc rối tương tự thì sẽ biết nên làm gì khi không có bố mẹ chúng ở bên.

5. Học cách làm bố mẹ


Có thể nhiều bậc phụ huynh không vui khi nói đến việc họ phải học một thứ gì đó. Thế nhưng bạn còn xem nhẹ việc "học cách làm bố mẹ" thì càng dễ khiến cả bạn lẫn con đi sai hướng.

Phải đối diện với thực tế rằng để làm công việc hiện tại bạn đã phải đi học đại học, trải qua giai đoạn thử việc rồi mới có thể trở thành nhân viên chính thức và thường xuyên rèn luyện mới mong là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Thế nhưng việc làm mẹ/làm bố là việc bỗng nhiên ta được giao phó và chúng ta đều lần đầu trải nghiệm, thế nên việc thiếu kinh nghiệm là chuyện dễ hiểu.

Khi hiểu rằng việc làm cha mẹ là khó là cần được chỉ dẫn thì bạn mới có thể giữ thái độ khiêm tốn và bắt đầu có ý thức học hỏi nhằm thay đổi tình hình. Hãy tìm hiểu các tài liệu, kiến thức về nuôi dạy con.

Có thể lâu nay bạn tin và tự hào về "cách tổ tiên mách bảo" nhưng nó sẽ rơi vào trường hợp may rủi, con ngoan hay không là còn "tùy duyên". Nhưng khi trang bị kiến thức cùng với tình thương dành cho con cái, sự kiên nhẫn, chúng ta hoàn toàn có thể thành công trong việc giáo dục con cái.


Tin cùng chuyên mục

X