Thứ Tư, 07/07/2021 22:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nghịch lý ta không nhận ra khuyết điểm chính mình xảy ra với tất cả mọi người kể cả bạn giỏi đến đâu bạn cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh này.
Chuyện bà lão và bức tường
Một bà lão đang nhìn một bức tường cao cách đường lớn không xa, bà luôn có cảm giác bức tường đó sẽ đổ ngay lập tức nên bà vô cùng lo lắng cho những ai vô tình đi qua.
Mỗi lúc nhìn thấy có người muốn đi về phía bức tường, bà sẽ nhắc nhở họ rằng:
- Bức tường phía trước sắp đổ rồi, đi cách xa nó một chút nhé kẻo nguy hiểm.
Thế nhưng, đáp lại sự quan tâm của bà là sự thờ ơ của mọi người. Họ như không nghe thấy gì, cũng không thèm để ý đến lời nhắc nhở của bà lão, vẫn nghênh ngang đi qua đó. Nhưng bà cũng thở phào nhẹ nhõm khi bức tường vẫn đứng yên, không bị làm sao cả.
Bà vẫn thể hiện sự tức giận khi không ai tin mình:
- Tại sao lại không nghe lời của tôi thế nhỉ?
Và cứ thế, bà vẫn kiên nhẫn đứng đấy để mỗi lần nhìn thấy có người đi qua thì bà lão lại nhắc nhở họ.
Vài ngày sau, chiếc tường vẫn không bị làm sao, bà lão cảm thấy chắc là mình suy nghĩ quá nhiều mà thôi, chứ chẳng có chuyện gì, nghĩ vậy, bà liền đi đến dưới chân bức tường quan sát kỹ xem thế nào.
Đáng tiếc là chính vào lúc này bức tường đột nhiên đổ xuống, bà lão bị chôn vùi trong đống gạch đá tro bụi, tắt thở và qua đời.
Bài học:
Ta cũng như bà lão ở trên, khi đứng ở ngoài, ta dễ dàng nhắc người khác về rủi ro hay nhìn thấy rõ vấn đề của họ nhưng vấn đề của mình thì chẳng bao giờ tỏ tường được như thế.
Nghịch lý ta không nhận ra khuyết điểm chính mình
Đừng lo sợ khi ai đó chỉ ra lỗi sai của bạn
Thông thường, khi có những sự việc không như ý xảy ra, con người lại luôn có khuynh hướng tìm đối tượng để đổ lỗi miễn là không phải do mình, còn lý do thì kể mãi không hết, đó có thể là vợ, là chồng, là con cái, do thị trường, thời tiết, đất nước này...
Chúng ta gọi những đối tượng bên ngoài là những "nguyên nhân làm cho ta khổ". Nhưng kỳ thực, nguyên nhân làm cho ta khổ nhiều khi lại nằm ở chính cái sự không dám đối diện sự thật, hay nói cách khác, là sự không chịu chấp nhận số phận của ta, còn những sự việc đã xảy ra chỉ đơn thuần là những việc "không như ta kỳ vọng" mà thôi.
Từ câu chuyện của bà lão và bức tường trên đây, ta có thể thấy rằng ai đó nhắc cho ta lỗi sai của mình thì nên cảm ơn họ vì nếu không có họ, ta đâu có thể nhìn ra lỗi của mình để sửa sai. Đúng là cảm giác ai đó chỉ trích hay chỉ ra lỗi của ta rất khó chịu, ta muốn phản ứng lại ngay lập tức.
Cái dại nhất của người giỏi hay thành công đó là tin rằng mình đã biết tất cả. Họ không bao giờ muốn thừa nhận mình sai và khi nghe ai đó chỉ trích thì nóng mặt.
Khi ấy, cơ chế tự vệ sẽ làm bất kỳ điều gì để chống lại điều này và một trong số đó chính là việc bóp méo nhận thức của mình về thực tế đã xảy ra để làm cho nó bớt đáng sợ hơn. Chúng ta đều vướng vào nghịch lý ta không nhận ra khuyết điểm chính mình nên với “cái tôi” yếu đuối và dễ tổn thương, ta đành bảo vệ nó bằng cách thay đổi những sự thật trong tâm trí để chứng minh rằng mình không sai hay không có lỗi.
Nhưng nghĩ mà xem nếu không biết lỗi ta không thể sửa được, kết quả là ta không thể nào tiến bộ, trong khi đó sự thật là ta chỉ đang tưởng là mình giỏi chứ còn đầy khuyết điểm, ngoài kia vẫn còn rất nhiều người "còn giòn hơn ta", dù bản thân là ngọn núi cao nhưng đi đủ xa ta sẽ biết có vô vàn ngọn núi còn cao hơn.
Do đó, thay vì tức giận hay cố gắng tìm cách phủ định thì nên biết khiêm tốn, lắng nghe. Hãy nhớ rằng, muốn đẩy được chiếc lu thì bạn phải đứng ngoài chiếc lu, hãy xem việc ai đó giúp bạn nhận ra lỗi của mình đó là cơ hội để đánh giá lại, nhìn nhận lại bản thân mình.
Nhận ra rằng mình đã sai để có thể nhận lỗi, bạn cần nhận thức được sai lầm của mình trước tiên. Khi ai nhắc nhở ta thì hãy thử bình tĩnh nhớ lại những lời nói, hành động và suy xét xem mình đã sai ở đâu. Làm rõ tình huống và giải thích lí do vì sao bạn đã hành động như vậy.
Chúng ta thường hay có cảm giác sợ hãi, không dám nhận ra lỗi sai hay điểm yếu vì sợ cảm giác mình là người yếu kém trong mắt người khác. Nhưng trên thực tế, không ai đánh giá bạn chỉ qua một việc bị sai cả, ngược lại, khi bạn đứng ra chịu trách nhiệm cho những sai sót cho thấy bạn dũng cảm và có tinh thần tự giác cao.
Chấp nhận khuyết điểm của bản thân cũng là một loại trí tuệ, đó cũng chính là những biểu hiện của sự chín chắn, trưởng thành.
Học cách chấp nhận lỗi sai của chính mình và của người khác
Khi một việc xảy ra không như ý ta thậm chí còn mong hoàn cảnh được thay đổi, kỳ vọng vợ/chồng, con cái sẽ làm theo ý mình,... đó quả là một sự kỳ vọng phi lý. Bởi thứ duy nhất ta có thể làm đó là thay đổi chính mình mà thôi.
Nhiều người còn dùng chữ "hiếu" để áp đặt con phải nghe theo mình, còn nếu vẫn đứa trẻ ấy với những giá trị đạo đức ấy mà lại lựa chọn một con đường khác, không theo ý mình để được sống cho trọn vẹn đam mê và hoài bão của chúng thì lại dễ bị cộp cho một cái mác "bất hiếu".
Tại sao chúng ta không dũng cảm để con tự làm, tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chúng? Chúng ta cứ làm khổ nhau bởi những sự kỳ vọng của mình mà không chịu lắng nghe, thấu hiểu người khác.
Khi không thể chấp nhận sự thật, chúng ta bị mắc kẹt trong nỗi thất vọng, bất an và lo sợ. Chúng ta trở nên phán xét, chỉ trích và thậm chí tìm cách đối kháng?
Chính sự cố chấp này đã tự biến ta trở thành kẻ khổ sở với chính suy nghĩ của chính mình, thay vào đó, chỉ cần chấp nhận sự việc như nó vốn là thì ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn.
Chúng ta không chấp nhận với suy nghĩ rằng như thế là mình "yếu thế", nhu nhược, yếu đuối và thất bại. Nhưng đó không phải là chấp nhận, mà đó chỉ là biết buông. Sự chấp nhận đúng đắn phải dựa trên cơ sở của tình thương và trí tuệ, nó cho phép chúng ta vui vẻ chấp nhận sự khác biệt và từ đó mà chúng ta có thể phản ứng với vấn đề một cách thích hợp hơn.
Để chấp nhận được một người đúng như cách mà họ đang là, chúng ta cần phải có một tình thương lớn và một sự hiểu biết sâu sắc. Điều này không dễ vì nó cần có thời gian để nuôi dưỡng, tu dưỡng bản thân, nhưng nó lại vô cùng cần thiết nếu chúng ta muốn được hạnh phúc và giúp cho những người xung quanh ta cũng được hạnh phúc lâu dài.