Năm Tý tản mạn về Chuột: Loài cực thông minh, chuột Nhắt giữ kỷ lục "chăn gối"

Thứ Hai, 02/12/2019 17:19 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Năm Tý bàn về những chú chuột để hiểu thêm về loài vật nhỏ bé nhưng có sức mạnh vô cùng khó lường này. Và sự thật là sự thông minh của chúng đến ngày nay vẫn khiến chúng ta kiêng nể.

Nhân dịp năm mới 2020 - năm Canh Tý bàn về những chú chuột và cuộc sống thú vị của chúng. 

1. Biểu tượng Chuột trong 12 Địa chi


CHUỘT
Tên trong Địa chi
Thứ tựĐịa chi thứ 1
Ngũ hànhDương Thủy
Dịch quáiQuẻ Khảm
Tuổi HợpThìn, Thân, Sửu
Tuổi xung khắcNgọ, Dậu, Mùi
Tuổi Can ChiGiáp Tý, Bính Tý, Mậu Tý, Canh Tý, Nhâm Tý
Giờ trong ngày23:00 - 01:00
Tháng âm lịchTháng 11
Phương hướngChính Bắc

2. Đôi nét về nguồn gốc loài chuột 


Những động vật gặm nhấm (trong đó có chuột) chiếm tới 40% số động vật có vú trên Trái đất. Chuột được cho là có nguồn gốc từ châu Á sau đó theo con người di cư đi khắp thế giới.

Hiện nay chuột có mặt ở khắp nơi, ở đâu có người thì ở đó có chuột. Hai loại chuột quen thuộc với con người nhất là loài chuột đen (Rattus rattus) và chuột nâu (R. norvegicus).

Chuột có thể sống đến hai năm và có khối lượng cơ thể trung bình khoảng 500 gam. Trong điều kiện nuôi của phòng thí nghiệm, chuột có thể đạt khối lượng lớn hơn.

Chuột đã được thuần dưỡng hàng trăm năm nay. Ở Anh, câu lạc bộ chuột quốc gia (National Mouse Club of Britain) được thành lập từ năm 1895.

Đền Karni Mata ở thôn Deshnoke, bang  Rajasthan, miền tây bắc Ấn Độ là ngôi đền duy nhất trên thế giới thờ chuột. Khoảng 20.000 con chuột sống trong đó và nhận sự sùng bái, tôn kính từ người dân ở đây.
 
Giai đoạn từ năm 1347 đến năm 1351 có lẽ là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử châu Âu khi những con chuột, ở trên các thuyền buôn, đã mang theo loài bọ chét chứa vi khuẩn Yersinia pestis (gây bệnh dịch hạch) gieo rắc “Cái chết đen” lên toàn bộ lục địa. Được biết, cho đến khi có thể dập tắt đại dịch, đã gây thiệt mạng khoảng 25 triệu người (chiếm ¼ dân số châu Âu thời điểm đó). 
 
 

3. Những điều chưa biết về loài chuột

 

Loài vật lý tưởng trong phòng thí nghiệm


Loài chuột đã ngự trị các phòng thí nghiệm và chiếm gần 95% trong số các loài động vật thí nghiệm. Hơn 20 năm trước, 2 nhà nghiên cứu y khoa của Đại học Harvard thành công khi trồng thành công một mảnh sụn tai người trên lưng một con chuột thí nghiệm. Từ đây, có rất nhiều giống chuột đã được đưa vào phòng thí nghiệm.

Sau thời gian chọn lọc, các nhà khoa học lại tìm ra đối tượng thí nghiệm hoàn hảo nhất: Chuột lang nhà. Chúng sinh sản cực kỳ nhanh, dễ thích ứng và quan trọng là chúng chia sẻ nguồn gốc tiến hóa với con người, đồng nghĩa rằng bộ gene của chuột lang nhà hoàn toàn trùng lặp với con người.
 
Những nghiên cứu dựa trên loài chuột thí nghiệm đã giải quyết các vấn đề từ thần kinh học, tâm lý học... cho đến thuốc và bệnh tật. Thậm chí NASA còn giữ chuột lang nhà trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) dùng để thí nghiệm về trọng lực.
 
Vì lợi ích khoa học, ước tính 100 triệu con chuột thí nghiệm, chỉ một số xác chuột được xử lý làm thức ăn cho chim chóc tại các sở thú, còn phần lớn xác được đem đi đông lạnh và hỏa thiêu cùng với chất thải sinh học.

Hầu hết sau khi kết thúc một cuộc nghiên cứu, mạng sống của chuột thí nghiệm cũng chấm dứt. Hiện nay, tại Đại học Harvard, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm cách thay thế.
 

Chuột thông minh, có khả năng sắp xếp

 
Chuột là động vật khá thông minh. Một số con chuột còn giả chết nếu quá sợ hãi hoặc không tìm được cách thoát thân. Chúng có thể chơi được một số ô chữ và tìm đường thoát ra khỏi mê cung.

Trong thần thoại Hy Lạp, thánh Apollo đôi khi được gọi là Apollo Smintheus, nghĩa là thánh Apollo chuột. Trong đền thờ ông còn có một con chuột bạch dưới bàn thờ.

Những con chuột được thuần hóa hay nuôi làm thú cưng còn biết chia tổ thành chỗ để ăn uống, ngủ và đi vệ sinh. Khi ngủ các ký ức trong ngày của nó hiện về - trạng thái mà các nhà khoa học cho là tương ứng với giấc mơ của con người.

Các nhà nghiên cứu giải thích trong khi ngủ, các dây thần kinh trong vùng hình ảnh của chuột "nói chuyện riêng" với dây thần kinh trong vùng hippocampus. Qua đó, giấc ngủ của chuột giúp củng cố lại những trải nghiệm trong ngày và làm cho những ký ức này trở thành dài hạn.
 
Chuột có thể nhảy được lên cao 50cm. So với kích thước của loài chuột thì đây quả là một con số đáng nể. Không chỉ vậy, chuột cũng là một tay leo trèo và bơi lội cừ khôi.
 
Năm Tý bàn về những chú chuột và cuộc sống vô cùng thú vị của chúng 


Chuột đực gợi tình bằng nước mắt

 
Khi một con chuột đực rơi nước mắt, dường như nó đang muốn chứng tỏ sự nam tính của mình.

Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện thấy chuột đực tiết ra pheromone trong chất lỏng làm ướt đôi mắt chúng. Pheromone trong chất tiết ra này có thể sẽ được con cái nhận ra khi chúng âu yếm khuôn mặt của nhau. Những đầu mối sexy đó sẽ giúp con cái chọn lựa bạn đời tiềm năng cho mình.
 
Ngoài chiếc mũi thông thường để tìm kiểm thức ăn, khi muốn kết đôi, chuột còn dùng thêm một cơ quan khứu giác phụ để phân biệt giới tính hay địa vị trong bầy của bạn tình. Chúng thườngi hát để lấy lòng bạn tình, giai điệu này nghe có vẻ không khác gì tiếng hót của chim, mặc dù vẫn thiếu sự tinh tế của loài lông vũ.
 
Kỷ lục "chuyện chăn gối" thuộc về loài chuột nhắt: 12 giờ. Chính vì lý do này, sau khi giao phối với con cái, một chú chuột đực chỉ sống thêm được 5-10 ngày.
 

Khả năng sinh sản vượt trội


Chuột có thể thụ thai khi chỉ mới 5 tuần tuổi. Mỗi lứa, chuột có thể đẻ 6-20 con non. Điều đáng nói là cứ mỗi 3 tuần, một con chuột có thể mang thai và sinh đẻ tiếp một lứa.
 
Trung bình, một chuột cái đẻ 50 con một năm. Những chú chuột con thoạt tiên không có lông, chỉ có chi rất nhỏ và không nhìn thấy gì. Sang ngày thứ hai, chúng bắt đầu có đuôi và dái tai.

Ngày thứ ba, chân của chúng đã rất phát triển. Đến ngày thứ sáu, chuột con bắt đầu có lông. Sang ngày thứ mười, các chú chuột mở mắt và lông đã mọc kín cơ thể. Khi được hai tuần tuổi, chúng rời khỏi tổ và bắt đầu khám phá thế giới. 
 

Răng liên tục dài ra

 
Những loại chuột thường thấy là chuột và chuột nhắt. Cũng như các loài gặm nhấm khác, chuột và chuột nhắt là những động vật có vú sở hữu những chiếc răng cửa phát triển liên tục.

Để làm mòn và giữ cho nhưng chiếc răng này không dài quá mức, chúng phải gặm nhiều và gần như nhấm nháp liên tục. Thậm chí, nếu không gặm nhấm để mài bớt đi thì răng sẽ che hết miệng, rồi mọc cong lên và chọc vào não làm chúng rất đau.

Chuột bị mù màu


Khi vừa mới đẻ ra, một con chuột sơ sinh sẽ chưa thể mở mắt và bị mù hoàn toàn. Riêng chuột trưởng thành lại bị mù màu và chỉ có thể nhìn thế giới qua 2 gam màu đen -  trắng.

Chuột sở hữu khả năng thị giác kém chính là do tập tính sinh hoạt của chúng. Chúng cũng không thích ánh sáng ban ngày. Nói cách khác, chuột là loài hoạt động về đêm. Trong bóng đêm, chúng mới có cơ hội tự tung tự tác.
 
Bù lại, chuột sở hữu cho mình một năng lực thính giác trên cả tuyệt vời. Điều đặc biệt ở chỗ đôi tai của loài gặm nhấm này có thể nghe được âm thanh siêu âm, chuột cũng có thể phát ra thứ âm thanh “không tiếng ồn” này. Chính vì vậy, những con chuột hoàn toàn có thể liên lạc với nhau mà không hề bị chúng ta phát hiện.
 

Mẹ ăn thịt con


Các nhà khoa học cho hay, khi vừa sinh xong, nếu cảm thấy nguồn thực phẩm không đủ để chăm sóc tất cả con non, chuột mẹ sẽ chọn ra đứa con yếu nhất hoặc bị dị tật để ăn thịt. Việc này đối với chúng là cần thiết để tăng cơ hội sống cho các cá thể sơ sinh khỏe mạnh còn lại.

Chuột vẫn chăm sóc các con chuột sơ sinh dù đó không phải là con mà chúng sinh ra.

Kathy (Tổng hợp)