Năm Giáp Thìn bàn chuyện rồng: Không phải khi nào cũng đẹp đẽ như bạn nghĩ

Thứ Tư, 17/01/2024 17:30 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Năm Giáp Thìn bàn chuyện rồng để thấy rằng có nhiều góc nhìn khác nhau về loài vật này ở những nền văn hóa khác. Điều quan trọng là chúng gắn liền với những sự tích thú vị, rất đáng để khám phá.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

 

1. Nguồn gốc của những chú rồng


Rồng là một con vật quá thân thuộc với nền văn hóa trên thế giới, nhất là các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đến nỗi chúng ta không biết nó là nhân vật huyền thoại hay có thật.

Trong tiếng Hán, con Rồng được gọi là Long, được dùng để chỉ một loài vật to lớn thời tiền sử - khủng long - đã bị tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm.
 
Rồng từ lâu xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây với có sức mạnh phi thường. Hầu hết chúng ta đều cho rằng loài vật thần kỳ này không có thật nhưng lịch sử loài người đã nhiều lần ghi nhận sự xuất hiện của chúng.
  • Trong Kinh Thánh cũng mô tả về sinh vật huyền ảo này và Daniel được ghi nhận là người giết "rồng" đầu tiên. Sau khi thấy người Babylon thờ phụng một loài bò sát khổng lồ có cánh, biết phun lửa và bay.
  • Trong sử thi lâu đời nhất Trái đất Gilgamesh, được viết vào năm 2.000 TCN tại Lưỡng Hà đã miêu tả lại sinh vật Humbaba có hình dạng đặc biệt. Nó có chiếc bờm sư tử, mặt rắn, sừng khắp thân, chân có móng vuốt của kền kền, trên đầu có sừng của bò, miệng có thể phun lửa và nước.
  • Trong sách sử của đế chế Macedonia có ghi lại câu chuyện của Alexander Đại đế khi xâm lược Ấn Độ, ông đã kể với quân lính mình đã thấy một con thằn lằn khổng lồ sống trong hang động, nó vô cùng hung dữ và nguy hiểm.
  • Trong cuốn sách kể về chuyến du hành tại Trung Quốc của mình, Marco Polo có kể lại khi phiêu lưu ở tỉnh Karajan, ông bắt gặp con rắn khổng lồ có 2 chân ngắn ở phía trước, mỗi chân đều có ba móng vuốt.
  •  Tại Châu Âu hiện vẫn còn văn bản cổ có từ năm 600 mô tả con vật này: “Rồng là loài rắn lớn nhất và là con vật lớn nhất trong những con vật sống trên trái đất. Nó có chiếc mõm lớn, lưỡi dài, lỗ mũi nhỏ hẹp...”.

2. Điều thú vị về rồng trong văn hóa người Việt


Trong văn hóa Việt Nam có Tứ linh bao gồm Long Ly Quy Phụng thì rồng đứng đầu. Long là con Rồng, Ly hay Lân là con Kỳ Lân, Qui là con Rùa và Phụng là một loài chim quý.

Rồng thường được mô tả là tổng hợp các bộ phận của 9 con vật có thực trong tự nhiên hoang dã, tạo nên uy quyền và thiêng liêng của nó: mình rồng như mình rắn, bụng rồng giống bụng con ếch, vảy rồng như vảy cá chép, sừng giống sừng hươu, đôi mắt của thỏ, tai như tai bò, bàn chân như bàn chân hổ, móng vuốt giống móng chân chim đại bàng.
 
Chúng tổng hợp tất cả ưu điểm của các loài lại: Rồng vừa biết trườn như rắn, lại thêm chân, thêm móng, vừa có cánh bay trên trời, vừa bơi trong nước, vừa chạy trên bộ như khủng long... Rồng có thể hút nước, phun mưa, lại khạc ra lửa, làm chủ trên mọi môi trường, trên mọi địa hình địa vật.  
 

2.1 Đại diện cho những gì quyền năng nhất


Theo quan niệm Việt Nam và của đa số các dân tộc ở châu Á, rồng được xem là vị thần có quyền năng rất lớn, có thể hô mưa gọi gió, đội sông lật biển, kiểm soát lũ lụt.
 
Rồng được xem là vua của tạo sinh động vật, là một biểu tượng cho sự cao quý tốt đẹp nên rồng còn là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp đối với người phương Đông. 

Người Á Ðông tin rằng Rồng là một linh vật mỗi khi xuất hiện thường đưa đến điềm lành cho hạ giới nên hay được dùng để đặt cho tên người hay những địa danh. Tháng 8/1010, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư ra Đại La thì thấy rồng bay lên nên đã đặt tên kinh đô mới là Thăng Long để thể hiện khát vọng và tư thế vươn lên của cả dân tộc. 

Hơn nữa, biểu tượng rồng phong thủy được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như công việc, tình yêu, hôn nhân. Khi tìm đất để khai phá, làm nhà, gieo vãi, nuôi trồng, hầu an cư lạc nghiệp cần xác định phương hướng, những mạch đất tốt chạy ngoằn nghoèo gọi là long mạch.

Rồng được biểu trưng hóa thành cái tuyệt mỹ tuyệt đối, là biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của chế độ phong kiến, là biểu tượng của hạnh phúc song toàn, trọn vẹn. 

Ngày nay, khi được dùng để chỉ 4 nước, vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển nổi bật ở châu Á là Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan người ta dùng cụm từ 4 con rồng châu Á. Trong thế kỷ 21, cả 4 nước này đã phát triển thành các nước tiên tiến, có thu nhập cao và chuyên môn hóa trong những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, là điển hình cho các nước đang phát triển khác học tập…
 

2.2 Đại diện cho Thiên Tử

 
 
Rồng vàng được xem là cao quý nhất nên được dùng để tượng trưng cho Thiên Tử. Các vị hoàng đế Trung Quốc xưa thì cho mình là những con rồng do Ngọc Hoàng Thượng đế sinh ra. Vì vậy, áo của vua được gọi là Long Bào có thêu rồng vàng bốn chân, năm móng. 
 
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như:
  • Áo bào của vua gọi là long bào,
  • Giường mà vua ngủ là long sàng,
  • Sân điện là long đình,
  • Xe của vua là long giá,
  • Gương mặt vua là long nhan,
  • Giường vua nằm là long sàng,
  • Thân thể vua là long thể,
  • Thuyền rồng để vua du thủy,
  • Ngai vua ngồi là bệ rồng,
  • Hoàng hậu có thai thì cái thai gọi là “thai rồng”...

2.3 Con rồng cháu tiên


Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và đã từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết "con Rồng cháu Tiên" của người Việt.

Người Việt Nam ngàn đời nay vẫn luôn tự hào về dòng dõi “con Rồng cháu Tiên” của mình hay bà mẹ thủy tổ của người Khơme là con gái của vua rồng huyền thoại.

Hiện nay, hình tượng con rồng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật... Dọc dài lịch sử, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt Nam.
 

2.4 Cá chép hóa rồng


Người xưa nói rằng, cá chép vượt qua được long môn là sẽ hóa rồng. Hóa rồng là ước mơ lớn nhất của cá chép. 
 
Ước mơ hóa thành rồng là ước mơ chính đáng của tất cả chúng ta, từ đó ta chăm chỉ học hành, không ngừng nỗ lực, mong hóa rồng trí tuệ, học cao lên hơn nữa để có tiến sĩ, giáo sư thì thật đáng trân trọng...

2.5 Rồng là biểu tượng của nguồn nước


Con rồng chính là thần linh bảo hộ vạn vật, là nguồn nước tưới cho ruộng đồng tốt tươi, đem đến những vụ mùa bội thu cho con người. Rồng được cho là sẽ tạo ra mưa gió, yếu tố cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. 

Ðặc biệt, rồng thở ra khói, phun ra lửa hoặc nước. Về nơi ẩn thân, rồng thường ở những nơi có nước. Vì vậy mới có câu "Long đàm Hổ huyệt" hay "hang Hổ, đầm Rồng" để chỉ những địa thế âm u, hiểm trở hay chỗ náu thân của những tay chọc trời khuấy nước.

Từ bao đời nay, trong quan niệm của văn hóa Việt Nam, rồng vừa mang màu sắc kỳ bí của huyền thoại vừa lại toát ra tính đậm đà của hiện thực. Thậm chí trong sử sách còn ghi chép lại nhiều lần rồng đã xuất hiện, càng khiến cho con vật huyền thoại này trở nên huyền bí lại có sự hiện hữu năng quyền thực sự đâu đó trong đời sống.
 

3. Vị trí và ý nghĩa của con Thìn trong 12 con giáp


Năm Giáp Thìn bàn chuyện rồng để thấy con vật trở thành huyền thoại như con Rồng được tôn vinh, ngày càng có ý nghĩa biểu tượng cao cả là khá hiếm hoi.
 
Rồng được đứng đầu vì nó vừa bay được trên không, vừa là chủ của thế giới thủy cung, lại có thể hóa thành thân kiếp khác để đi ngao du trên cạn, nghĩa là một con vật toàn tài nhất.

Như chúng ta đã biết trong 12 con giáp thì con Rồng (Thìn) đứng ở vị trí thứ 5, sau các con vật Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Mèo) và đứng trước các con vật là Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó) và Hợi (Lợn).

Trong 12 con giáp Thìn (Rồng), trong một vòng “lập thục hoa giáp” Thìn ứng với các năm có đuôi số thự tự như sau:
  • Giáp Thìn ứng với các số đuôi: 04 – 24 – 44 – 64 - 84;
  • Bính Thìn ứng với các số đuôi sau: 16 – 36 – 56 – 76 – 96;
  • Mậu Thìn ứng với các số đuôi sau: 08 – 28 – 48 -68 - 88;
  • Canh Thìn ứng với các ố đuôi sau: 00 – 20 -40 – 60 – 80;
  • Nhâm Thìn ứng với các đuôi số: 12– 32– 52 – 72 – 92;
Các đuôi số trên là đuôi số của Thìn trong bảng Can – Chi, và theo “Tam hợp” Tý – Thìn - Thân thì chúng hợp với nhau là bởi vì đuôi số của các năm Tý và Thân cũng đều là tất cả các số trên.
 
Tuy là con vật tưởng tượng, song con Rồng như các nhà nghiên cứu sử học chỉ ra có tiền thân là con cá sấu, vì thế so với bốn con vật đứng trước nó, nó cũng có bốn chân và vượt hơn bốn con đó, cũng như hơn hẳn các con vật đứng đằng sau nó, phẩm chất này đã biến con cá sấu thành con vật huyền thoại.

Tương truyền rằng thời cổ xưa Rồng sống trên mặt đất, có thân hình to lớn vừa có thể bay vừa có thể bơi, nó muốn làm một trong những con vật đại diện của 12 con giáp và cũng muốn làm vua các loài thú thay vị trí của Hổ.

Vì thế mà thế gian xảy ra trận chiến giữa Rồng và Hổ, được gọi là Long tranh Hổ đấu - trận chiến bất phân thắng bại. Cuối cùng Ngọc Hoàng phải cho gọi 2 loài lên trời để phân xử.
 
Gần giờ xuất hành, Rồng nhận thấy mặc dù mình cao lớn, nhưng so với Hổ thì lại không được uy phong nên sẽ xem nhẹ mình, sợ không được làm thú Vương, cũng không được làm 12 con giáp.

Chú Rết biết chuyện mới nói với Rồng rằng, Gà trống có đôi sừng rất đẹp nếu mượn dùng thì Rồng sẽ trở lên uy phong hơn rất nhiều. Rồng nghe xong rất mừng, liền cùng Rết đi mượn, nhưng Gà không đồng ý.

Rồng thấy thời gian thì sắp hết, nên liền thề độc với Gà rằng, nếu Rồng không trả sừng, khi về mặt đất sẽ chết liền. Rết cũng thề rằng nếu Rồng không trả sừng cho gà, thì nhìn thấy Rết ở đâu Gà cứ mổ chết luôn. Gà nghe liền tin và lấy sừng cho Rồng mượn.
 
Tại cung đình, Ngọc Hoàng thấy cả Hổ lẫn Rồng đều rất uy phong, liền phong cho Hổ làm Vua thú ở trên đất liền, Rồng làm Vua thú ở dưới nước. Khi trở về hạ giới, Rồng nghĩ rằng nếu trả lại sừng cho Gà thì sợ các loài dưới nước nhìn thấy mình xấu sẽ không phục, liền đi thẳng xuống nước, không lên lại mặt đất nữa.

Gà tức giận vô cùng, đi tìm tới Rết đòi sừng nhưng không được nên từ đó cứ thấy Rết ở đâu là mổ, và luôn hướng cổ cao lên trời đòi Rồng trả sừng. Vì thế ngày nay mới có chuyện Gà ăn Rết và ngẩng cổ lên trời mỗi khi gáy.

4. Những quan niệm khác nhau về rồng

 

4.1 Rồng trong văn hóa châu Á


Tuy rồng vẫn là biểu tượng hết sức thiêng liêng trong văn hóa phương Đông nhưng vẫn có những điểm khác biệt, gắn với niềm tin của từng dân tộc.

- Trung Quốc: Rồng có năm ngón chân, vì họ tin rằng, tất cả các con rồng phương Đông đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi chúng bay đi, ngón chân sẽ bị mất dần, càng xa thì số ngón chân còn lại sẽ càng ít hơn.

Người Trung Quốc tin có 9 loại rồng khác nhau, cũng gắn với con số 9 may mắn trong nền văn hóa của nước này. Đó là rồng có sừng, rồng thiên thể, rồng tinh thần, rồng có cánh, rồng của kho báu bí ẩn, rồng cuộn, rồng màu vàng, và vua rồng. Mỗi loại rồng lại có một thuộc tính đặc biệt. 

- Nhật Bản: Rồng lại có 3 ngón, họ tin, khi con rồng của mình bay đi xa sẽ có thêm ngón. Ở đây cũng có 9 loại rồng, trong đó vua rồng là chúa tể của các loại rồng, tượng trưng cho quyền lực và tinh thần của đất nước. Rồng còn có thể biến ước mơ của con người thành hiện thực.

- Hàn Quốc: Rồng có 4 ngón, người Hàn tin rồng bay đi nơi khác sẽ có thêm ngón hoặc mất ngón. Con rồng trong tâm niệm của người Hàn Quốc là biểu tượng của sức mạnh tâm linh, của may mắn, giàu sang và hạnh phúc. Trong những ngôi chùa, ngoài nhiệm vụ bảo vệ tam bảo, con rồng còn đem lại sự bình yên, giàu có và thịnh vượng cho con người.

Tương tự như vậy, con rồng của người Ấn Độ, Malaysia, Indonesia là những vị thần của tự nhiên, có bản chất nhân từ, thường gắn liền với những ngọn núi, khu rừng thiêng hay những vùng biển nhất định. 
 

4.2 Rồng trong văn hóa Châu Âu

 
Trong khi phương Đông xem rồng là biểu tượng tốt đẹp, may mắn thì người phương Tây lại coi rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác và là đối tượng mà con người cần phải chinh phục.

Con rồng của người Châu Âu nói chung có hình dáng của con khủng long nhưng có thêm sừng, cánh, vây ở lưng và có thể phun ra lửa hoặc nước…

Châu Âu lại cho rằng con rồng càng có nhiều đầu thì càng có địa vị cao, đầu của rồng tự mọc ra nếu bị chặt mất đầu cũ. Con rồng trong quan niệm của người Châu Âu cũng được xem là loài vật tượng trưng cho sức mạnh nhưng nghiêng về ý nghĩa độc ác, hung dữ. 
 
- Tây Ban Nha cho rằng, con rồng thuộc giới nữ và phun ra lửa. Hơi thở của nó chứa chất độc, có thể phá hủy tất cả mọi thứ.

- Ý: Con rồng theo truyền thuyết lại là một con rắn bất tử, sống trong rừng sâu và có thể giết chết con người chỉ bằng ánh nhìn của nó.

- Hungary: Con rồng vốn mang đặc điểm của loài phá hoại, chuyên sách nhiễu người dân, sống trong một khu đầm lầy và thường xuyên bắt cừu và lợn của con người. Chúng được miêu tả cao khoảng 16m, có sải cánh từ 10 - 15m. Loài rồng này có khả năng tiết ra một luồng khói độc để giết chết kẻ thù vô cùng nguy hiểm.