Thứ Ba, 07/02/2023 14:14 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những điều liên quan đến tang lễ, người đã khuất... luôn ẩn chứa phía sau nhiều câu chuyện tâm linh, kỳ bí khó giải thích và luôn tạo sự tò mò cho con người. Ví như câu nói của người xưa: “Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ, mưa rơi xuống mộ kiếp kiếp giàu sang”, việc mưa gió ở đám tang liệu có phải là một điềm báo tâm linh?
Ngày xưa, trong lúc dân làng tổ chức tang lễ cho người đã khuất, nếu trời bỗng đổ cơn mưa thì người lớn tuổi trong làng thường nói:
| Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ, mưa rơi xuống mộ kiếp kiếp giàu sang Lời người xưa | |
Với người xưa, chuyện mưa gió trong đám tang quan trọng đến mức nào, có ngầm báo hiệu một điều gì đó về tương lai hay không?
1. Nguồn gốc câu nói
Câu nói “Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ, mưa rơi xuống mộ kiếp kiếp giàu sang” bắt nguồn từ vùng nông thôn Trung Quốc và được lan truyền đến nhiều nơi khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Câu nói này tuy độ phổ biến không nhiều, không phải ai cũng được nghe tới chúng, nhưng chỉ cần biết tới những hàm ý sâu xa ẩn sau đó thì chắc chắn chỉ cần nghe 1 lần thôi bạn cũng sẽ ấn tượng mãi.
2. Lý giải câu nói của người xưa
2.1 Vì sao "Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ?"
Người xưa cho rằng, khi đưa tang nếu như gặp phải trời mưa, mưa lại rơi xuống trúng quan tài thì đây là một điềm báo không lành. Dấu hiệu cho thấy người thân của người đã mất sẽ gặp chuyện xui xẻo, cuộc đời từ đó trở về sau rơi vào cảnh cùng quẫn, nghèo khổ.
Dân gian cũng cho rằng, trong quá trình tổ chức tang lễ, nếu trời đổ cơn mưa thì tức là người xưa vẫn còn lưu luyến, tiếc nuối trần gian chưa muốn đi. Mưa rơi ướt quan tài khiến khung cảnh càng trở nên u sầu, đau lòng, buồn tủi cho cả người ở lại lẫn người ra đi.
Một lý do nữa khiến người xưa nói: “Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ” cũng bởi, khi xưa người mất chưa được chôn cất luôn mà được để trong nhà thêm vài ngày. Nếu trời mưa trước khi quan tài được chôn cất thì điều này càng làm ảnh hưởng đến tiến độ an táng.
Và khi tang lễ chưa xong nghĩa là thể xác của người qua đời chưa được yên ổn, thanh thản. Thế nên dân gian mới cho rằng, mưa rơi trên quan tài là một điều xui xẻo, đen đủi cho gia chủ có đám tang.
2.2 Vì sao "Mưa rơi xuống mộ kiếp kiếp giàu sang?"
Vế nói này ẩn chứa ý nghĩa rằng, nếu sau khi mai táng mà trời mới đổ mưa, những hạt mưa rơi xuống xuống mộ thì đó chính là những giọt nước mắt cảm động của ông trời. Ông trời sẽ phù hộ cho gia chủ của người đã khuất gặp được nhiều điều may mắn, hạnh phúc, phú quý, giàu sang.
Mưa rơi khi đã lo liệu xong việc chôn cất cũng như thể giọt nước mắt của người đã khuất. Đây không phải giọt nước mắt của sự nuối tiếc nữa mà là giọt nước mắt cảm động vì lòng hiếu thảo mà con cháu, người thân đã dành cho mình. Ở thế giới bên kia, người đã mất sẽ luôn dõi theo và phù hộ cho những người còn sống.
Như vậy, trong quan niệm của người xưa thì khi đang tổ chức mai táng mà gặp trời mưa thì đó là chuyện không may. Còn khi đã lo liệu xong đám tang mà trời đổ mưa thì đó là báo hiệu của điềm may. Đó cũng là ẩn ý của câu nói: “Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ, mưa rơi xuống mộ kiếp kiếp giàu sang”.
Với xã hội hiện nay, câu chuyện nắng mưa khi nhà có tang không phải là điều quá quan trọng. Mưa hay nắng, may hay rủi, cũng chẳng ai còn tâm trí mà nghĩ ngợi. Chỉ biết thành tâm tổ chức trọn vẹn tang lễ cho người đã khuất, tiễn biệt họ một đoạn đường cuối cùng, có như vậy mới cảm thấy an lòng, vơi bớt nỗi buồn.
3. Một số câu nói khác của người xưa về đám tang
Bên cạnh câu nói: “Mưa rơi quan tài đời đời nghèo khổ, mưa rơi xuống mộ kiếp kiếp giàu sang”, người xưa còn lưu truyền nhiều câu nói sâu sắc về đám tang, những lưu ý mà đến đến ngày nay vẫn có người tin và làm theo.
"Thân mặc áo hiếu, không tới nhà người"
Câu này có nghĩa là trong thời gian chịu tang người thân thì không được tới nhà người khác. Trên thực tế, nhiều gia đình có tang hầu như sẽ không tới dự đám cưới hay đi chúc tết gia đình khác, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau tang lễ người thân cận.
"Thà cho người khác mượn nhà để tang còn hơn cho cặp đôi mượn nhà để ngủ"
Người xưa cho rằng, một người khi mất đi, sẽ đem theo cả những xui rủi đi theo. Nếu đám tang được tổ chức ở nhà của người khác, người đã khuất sẽ lấy đi hết những điều không tốt và không may mắn ở nơi đó.
Không cho mượn nhà làm đám cưới hay không cho các cặp đôi mượn nhà để ngủ cũng bởi, vợ chồng sau cưới sẽ “động phòng hoa chúc”, và khi máu tân hôn của con gái dính ra giường sẽ là điều xui rủi, ô uế, báo hiệu điềm gở cho gia chủ và những người thân trong gia đình.
Những câu nói này đều mang màu sắc dân gian, chưa có cơ sở khoa học. Có người tin, có người hoài nghi, điều đó là hết sức bình thường. Việc tìm hiểu về phong tục tập quán, lối sống của từng địa phương chắc chắn sẽ không thừa thãi, tuy nhiên cần biết chọn lọc và tiếp thu những kiến thức hữu ích để trở thành người hiểu biết và làm chủ cuộc cuộc sống bạn nhé!
Hồng Minh* Thông tin bài viết mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!
Tin bài cùng chuyên mục: