(Lichngaytot.com) Trong cuộc đời này, mối quan hệ giữa người với người vốn là thứ khó nói trước có bền lâu hay không. Nhưng nó có thể được đắp xây và trở nên bền chặt nếu như hai bên đều cùng cố gắng.
1. Sợi dây liên hệ trong mối quan hệ giữa người với người
Sống ở đời này, con người đều có rất nhiều mối quan hệ. Đó có thể là quan hệ thân nhân, quan hệ bạn bè, quan hệ đối tác, quan hệ tình cảm…
Trong tất cả các mối quan hệ giữa người với người đó, sợi dây liên hệ xuyên suốt luôn là 2 chữ “tình cảm”.
Có tình thì mới có quen biết, có thân thiết, có tri kỷ. Quý mến một người, trước hết là bởi dung nhan của người đó. Sau là kính trọng bởi tài hoa, hợp nhau ở tính cách. Muốn kết thân lâu dài với nhau lại dựa vào sự thiện lương và nhân phẩm.
1.1. Biết nhau bởi chữ duyên: Không chung lý tưởng, vĩnh viễn không đi chung một đường
Cũng giống như câu nói:
| Rượu ngon phải gặp đúng tri kỷ, thơ hay phải gặp người biết ngâm. Dù có quen biết khắp cả thiên hạ, người có thể hiểu được lòng ta có mấy người? Sưu tầm | |
Cả một đời, ta sẽ gặp được rất nhiều kiểu người. Nhưng để gặp đúng người vừa ý thì không phải dễ. Vậy vì sao ai cũng muốn kết giao với người vừa ý?
Người vừa ý tức là người có chung lý tưởng, suy nghĩ với ta. Ở bên cạnh những người đó, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ và được sống với đúng bản chất của con người mình.
Nhưng đáng tiếc, cuộc đời vốn không hoàn hảo, gặp được người ta quý thì cũng sẽ gặp phải người khiến ta khó chịu, tiếp xúc một lần cũng có thể khiến ta không bao giờ muốn gặp lại người ấy nữa.
Bạn thích đọc sách, người ta cảm thấy đọc sách tốn thời gian, nói bạn ra vẻ tri thức; bạn thích vận động, người ta cảm thấy rèn luyện là việc làm lãng phí sức lực, nói bạn rảnh rỗi sinh nông nổi; bạn thích du lịch, người ta lại cho rằng du lịch tốn tiền, nói bạn tiêu xài phung phí...
Người không có chung suy nghĩ như vậy liệu còn có thể tiếp tục nói chuyện được sao?
Mỗi người đều có lý tưởng của riêng mình. Hai người có chung lý tưởng thì dù ở cách xa nhau đến đâu vẫn dễ dàng thấu hiểu suy nghĩ của đối phương; nhưng nếu lý tưởng khác nhau, dù có ngồi ngay cạnh nhau cuối cùng cũng chỉ là hai người đi trên hai con đường riêng biệt.
1.2. Quý nhau bởi chữ tình, kính nhau bởi nhân phẩm
Một người có đáng để kết thâm giao hay không, phải xem nhân phẩm của người đó ra sao.
Người có nhân phẩm kém, là người sống chỉ biết thân mình, làm mọi thứ để thỏa mãn lòng tham của mình mà không bao giờ suy nghĩ cho người khác.
Một người đáng để trở thành bạn thân, không phải do dung mạo của người đó xấu hay đẹp, có nhiều tiền hay ít, mà phụ thuộc vào nhân phẩm của người đó.
Nhân phẩm không chỉ là "sức hút" bền bỉ nhất của một người, mà còn thể hiện tu dưỡng cao đẹp của mỗi người. Điều quan trọng nhất trên đời là
học cách tu dưỡng chính mình.
Nếu có thể quen biết và thân thiết với một người như vậy, coi như không sống uổng phí cuộc đời này.
1.3. Lúc hoạn nạn mới biết ai là bạn
Thời Hán Vũ Đế từng có một vị Đại thần tên Địch Công. Người này làm tới chức quan úy của triều đình, quyền lực rất lớn cho nên có rất nhiều tới cầu cạnh làm quen, ngày nào cũng đông như trẩy hội.
Sau đó, vì một lần thẳng thắn can gián nhà vua, ông đã bị Hán Vũ Đế cắt chức. Sau khi bãi quan, những người bạn trước đây không có một ai tới thăm hỏi ông, nhà cửa vắng vẻ đìu hiu.
Mãi về sau, Địch Công được phục chức. Những người vô tình năm xưa lại muốn tới dựa dẫm, Địch Công liền viết mấy chữ lớn dán ở trước cửa:
"Một lần sống một lần chết, mới biết giao tình sâu cạn
Một lần giàu một lần nghèo, mới biết lòng người ra sao
Một lần sang một lần hèn, mới biết bạn bè ai ai."
Những người đó khi trông thấy những dòng chữ này, xấu hổ vô cùng và không còn dám đi gặp Địch Công nữa.
Quả đúng là như vậy, khi bạn công thành danh toại, có tiền có quyền trong tay, tự nhiên sẽ có rất nhiều tới muốn lấy lòng. Nhưng khi bạn sa sút, mới có thể thấy rõ bao nhiều trong số đó là bạn bè chân chính.
Suy cho cùng, mối quan hệ giữa người với người vốn cũng phải được xây nên từ lợi ích. Nếu không mang đến bất cứ lợi lộc gì, người ta sẽ chẳng tìm cách để làm quen cho bằng được.
Ai thật lòng ai giả tạo, phải xem lúc bạn khó khăn ai chìa tay ra giúp bạn.
Ai tốt bụng ai xấu xa, phải xem lúc sóng gió ai đứng ra che chở cho bạn.
2. Làm thế nào để duy trì được mối quan hệ giữa người với người?
Mối quan hệ giữa người với người được phân ra thành rất nhiều kiểu: có thân, có sơ, có xã giao, có thù ghét, có yêu thương…
Đương nhiên con người chỉ muốn duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, quan hệ mà có thể mang lại lợi ích cho mình chứ chẳng ai lại muốn những mối quan hệ tiêu cực cả.
Vậy làm thế nào để duy trì được mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người?
Câu trả lời là, trước hết ta phải là người sống chân thành với mọi người.
Thái độ sống quyết định mối quan hệ giữa người với người. Khi ở bên nhau, quan trọng nhất là sống thật tâm thật dạ với nhau. Bạn đối tốt với người ta, người ta cũng sẽ tốt lại với bạn. Bạn cho đi chân thành thì bạn sẽ nhận lại tình cảm tương tự. Cái tình giữa người và người vốn là một mối quan hệ có qua có lại với nhau.
Thế nhưng duyên phận của con người cũng ngắn ngủi lắm và không hề bền chắc như trong tưởng tượng. Có thể một giây trước còn dắt tay nhau vượt qua sóng gió, một giây sau đã nói lời từ biệt.
Vậy nên, khi duyên vẫn còn thì hãy biết trân trọng thời khắc đáng giá ấy.
Hai người ở cạnh nhau, sẽ luôn có một người chủ động. Nhưng nếu sự chủ động cứ mãi xuất phát từ một phía thì lòng sẽ mỏi mệt, sẽ tổn thương. Một khi đã xuất hiện vết thương lòng thì rất khó lành lại được.
Mọi việc nên đứng ở góc độ của đối phương để suy nghĩ. Thêm một phần nhẫn nại, thêm một phần bao dung, như vậy sẽ không có oán hận và hiểu lầm. Tình cảm tự nhiên cũng sẽ bền chặt hơn.
Làm người đừng nên quá khắt khe, bởi nước trong quá thì không có cá, người quá xét nét sẽ khó có tri âm. Trên đời này nào mấy ai hoàn hảo không chút tì vết, ai cũng có khuyết điểm này kia, quan trọng là lòng ta có đủ bao dung hay không.
Mối quan hệ giữa người với người cũng vậy, khi hai người bao dung lẫn nhau thì mới có thể bền lâu bên nhau.
Thêm một điều quan trọng khi đề cập đến vấn đề duy trì mối quan hệ giữa người với người, đó chính là mỗi người cần phải có một tấm lòng không mưu cầu, không áp đặt đối phương.
3. Hãy biết trân quý những mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người
Quan hệ giữa người với người thực sự rất thú vị, không có lòng cung kính, không có lòng trân trọng thì rất khó để duy trì lâu dài.
Cũng giống như biển cả trân quý từng con suối nhỏ nên mới trở nên mênh mang rộng lớn. Núi cao trân quý từng viên đá nhỏ nên mới đứng sừng sững mặc gió mưa. Con người khi trân quý các mối quan hệ tình cảm của mình thì tình nghĩa mỗi ngày càng thêm đậm sâu.
Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp được những mối quan hệ mới, những phong cảnh mới và thành công mới. Đồng thời, cảnh xưa người cũ cũng sẽ lùi vào dĩ vãng.
Dù vậy, đừng bao giờ quên đi các mối quan hệ cũ bởi chúng đã từng đồng hành và trở thành một nhân tố tạo nên ta của ngày nay. Càng trân quý mới có được càng nhiều.
Cuộc đời vì có cái tình ấm áp giữa người với người nên cuộc sống mới càng thêm nồng ấm. Tình cảm thì không có đúng hay sai tuyệt đối, chỉ có người biết thấu hiểu, biết cảm thông và biết trân quý hay không mà thôi.
Trân quý là việc của những người trong mối quan hệ đó, chỉ có trân quý thì tình cảm mới nồng ấm dài lâu, ngày càng thắm thiết đượm tình.
Yêu một người thì sẽ biết hy sinh vì người ấy mà không đòi hỏi, không oán không hận. Người ấy vui vẻ thì mình cũng hạnh phúc; người ấy rầu rĩ, đau khổ thì mình cũng đau đớn cõi lòng.
Tình bạn cũng vậy, những người bạn chân chính có lẽ sẽ chẳng nói những lời ngon tiếng ngọt nhưng sẽ đối đãi chân thành với ta. Người bạn chân chính chẳng những khiến cuộc đời ta trở nên tốt đẹp hơn mà còn sẽ là người chìa bàn tay ra giúp đỡ khi ta vấp ngã.
Khi nhàn nhã sẽ lên tiếng hỏi thăm, lúc ưu phiền thì ở bên động viên và an ủi. Khi thất bại thì một lời khích lệ, lúc thành công thì chúc mừng chia vui. Đó là sự trao đi và nhận lại của một tình bạn chân tình thật ý.
Nhưng có lúc tình cảm lại chịu thất bại trước danh lợi và tiền tài. Vì lợi ích trước mắt mà có thể biến người thân trở thành kẻ xa lạ, người yêu thương bỗng buông đôi tay nhau hay bạn bè trở mặt thành thù địch.
Người không biết trân quý, không chỉ đánh mất những tình cảm quý giá mà còn mất đi những người thật sự quan tâm và yêu thương mình. Khi đó, cuộc đời cũng chẳng còn ý vị vốn có của nó nữa.
Thế nên, giữa người với người, sống được với nhau quả thực là một nghệ thuật, là một môn học mà mỗi người đều phải chăm chỉ học cả đời.
Con người biết nhau bởi chữ duyên, quý nhau bởi chữ tình, kính nhau bởi đức hạnh và thân nhau bởi nhân phẩm.
Lam Lam