Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Vô ĐẠO, vô TÂM, vô TÌNH thì giỏi giang tới đâu cũng vô ÍCH

Thứ Tư, 28/03/2018 10:17 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chúng ta cứ mải miết "xây lâu đài trên cát" khi đi lo lắng những thứ ngoài thân mà quên rằng may rủi do tâm và có "đức mặc sức mà ăn".
  
Bất luận một người tài hoa bao nhiêu đi nữa nhưng không chú trọng tu dưỡng phẩm chất đạo đức thì tài càng cao bao nhiêu sẽ chỉ đem lại nguy hại cho xã hội bấy nhiêu. Vì thế, người xưa đã đúc kết ra mười câu châm ngôn răn dạy con cháu mình và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chỉ có chú trọng tu dưỡng đạo đức thì trong tâm người ta mới có quy phạm để ước thúc hành vi của mình. Nếu không, mọi việc làm, truy cầu điều này điều khác đều là vô ích!
 

1. Tâm còn bất thiện, phong thủy vô ích 

 
“Tồn tâm bất thiện, phong thủy vô ích”.
 
Phong thủy thực sự có thể khởi tác dụng đối với sức khỏe và may mắn cho con người. Tuy nhiên, phong thủy không thể là nguyên nhân mang đến thành công hay sức khỏe bởi thiện tâm thực sự mới mang lại phúc báo, cải thiện vận mệnh và hoàn cảnh của bạn.
 
Tam con bat thien, phong thuy vo ich
 
Nhiều người quan niệm phải chọn được nơi có phong thuỷ tốt để xây nhà, dựng cửa mới mong may mắn, làm ăn thuận lợi. Thế nhưng, cái gốc của phong thuỷ không phải ở long mạch hay huyệt mộ mà chính ở lòng người. May rủi do tâm, tâm tốt thì dẫu ở vào nơi hiểm địa cũng gặp dữ hoá lành, chuyển hoạ thành phúc. 

Tham khảo: Nhận diện phong thủy tốt bằng chính bản thân mình
 

2. Bất hiếu cha mẹ, thờ Thần vô ích

 
“Bất hiếu phụ mẫu, phụng thần vô ích”.
 
Nếu không hiếu thảo với cha mẹ thì thành công cũng chỉ để bỏ đi. "Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Đó là lý do, trong các kinh điển Phật Giáo Nam Tông và Bắc Tông đều đề cao công ơn cha mẹ.

Vì thế, chưa hiếu thuận với cha mẹ thì dù có thành kính, kính cẩn với Thần như thế nào chăng nữa, tất cả đều là giả dối cả.
 

3. Anh em bất hòa, bạn bè vô ích

 
“Huynh đệ bất hòa, giao hữu vô ích”.
 
Trong gia đình, cha mẹ là gốc rễ, anh em là cành lá. Thế nhưng có những người đối đãi tốt với người ngoài nhưng lại không xem anh trọng mối quan hệ anh em trong nhà. Đến khi hoạn nạn họ mới biết rằng chỉ có anh em mới giúp mình, còn bạn bè thì ai lo việc người nấy, chẳng có thời gian cho bạn. Chỉ có anh chị em dìu dắt giúp đỡ nhau, thì gia nghiệp mới hưng thịnh. Anh chị em mà còn không thể hòa thuận với nhau thì nói gì đến kết giao bạn bè, bằng hữu. 
 

4. Hành vi bất chính, đọc sách vô ích

 
“Hành chỉ bất đoan, độc thư vô ích”.
 
Nhiều người đọc sách nhưng không thể làm như sách, đó là chuyện thường, thế nhưng có những kẻ mượn lời nói trong sách làm méo mó ý nghĩa của nó để biện minh cho hành động sai trái của mình. Hoặc có những người đọc sách chỉ để khoe khoang rằng mình hiểu rộng biết nhiều, khoe khoang ta đây hơn người, có thể nói là đọc sách vô ích. 
 
Hanh vi bat chinh, doc sach vo ich
 
 

5. Làm việc ngang bướng, thông minh vô ích

 
“Tác sự quai trương, thông minh vô ích”.
  
Những người hay tỏ ra thông minh, hiểu biết hơn người, khinh khi người khác không chỉ thể hiện sự kém cỏi trong giao tiếp mà còn khó thành công trong cuộc sống. Thực tế, người biết càng nhiều lại càng khiêm tốn.

Không biết lắng nghe người khác sẽ là nguồn gốc của rất nhiều sai lầm, mê muội trong hành động cũng như tư duy của những người tự xem mình thông minh, giỏi giang. 
 

6. Lòng dạ cao ngạo, học rộng vô ích

 
“Tâm cao khí ngạo, bác học vô ích”.
 
Từ xưa đến nay kẻ biết ít lại càng hay nói, đó là lý do có câu "thùng rỗng kêu to". Thế nên mới có chút kiến thức đã tỏ ra cao ngạo thì cũng chẳng có ai xem trọng. Núi cao còn có núi cao hơn, vì thế, khiêm nhường mới là phải đạo.
 
Nếu lấy học rộng để khoe khoang, tự cao tự đại, hùng hổ ép người, thì chỉ có thể nói là vẫn chưa lĩnh hội được cảnh giới cao nhất của việc học. 
 

7. Thời vận không còn, cố cầu vô ích

 
“Thời vận bất tế, vọng cầu vô ích”.
 
Thời vận cũng là một sức mạnh, khi hết thời vận thì chú ý tăng cường tu dưỡng tâm tính bản thân, nâng cao sức mạnh bản thân, thì thời cơ sẽ tự đến. Khi thời vận còn chưa đến, bạn cứ cố đi làm thì chính mình sẽ mệt, cũng mệt luôn người khác. Chúng ta nói là phải xem xét thời thế, thuận theo thời thế. Vì vậy, khi thời vận vẫn chưa đến thì bạn trước tiên hãy trau dồi chính mình cho tốt để đợi thời cơ. 
 
Đừng cố gắng cầu xin, mong đợi những gì vốn không thuộc về bản thân mình, trái lại, nên tự truy cầu bản thân, vì lúc này dù cho có được cơ hội thì cũng sẽ mất đi rất nhanh.
 

8. Lấy bừa của người, bố thí vô ích

 
“Vọng thủ nhân tài, bố thí vô ích”.
 
Lấy bừa của người, rồi đi bố thí, nói theo cách mĩ miều là mượn hoa dâng Phật, thì thực ra chỉ là giả thiện. May rủi do tâm, vì thế, những ai giữ tâm trong sáng thì việc bố thí, giúp đỡ người khác may ra còn mang lại phúc lộc.

Giả như dùng những thủ đoạn bất hợp pháp để có được tiền tài, cho dù bạn có đem tiền này đi giúp đỡ người khác, đi cứu người khác thì có tác dụng hay không? Không có tác dụng. Bởi vì bạn đã làm ra tấm gương sai lệch, bạn đã dùng thủ đoạn bất hợp pháp để chiếm được những đồng tiền này, đã làm ra tấm gương xấu xa cho xã hội.

Chi bằng dựa vào sức của đôi bàn tay, cần cù, ra sức lao động, bố thí bởi thiện tâm, như thế mới có thể yên lòng, sống an nhiên một đời.

Xem thêm: Bố thí đúng cách - hưởng thụ khi học Phật
 

9. Không giữ nguyên khí, thuốc men vô ích

 
“Bất tích nguyên khí, y dược vô ích”.
 
Khi nguyên khí bị tổn thương nhiều, thể trạng không tốt mà chỉ dựa vào việc uống thuốc thì cũng chẳng ích gì. Nếu có khỏi bệnh lúc đó cũng chỉ là chữa được ngọn chứ không chữa được gốc, chữa được nhất thời chứ không chữa được cả đời. 
 
Khong giu nguyen khi, thuoc men vo ich
 
Cho nên cuộc sống con người nên có tiết chế, không nên thường hay thức khuya, cũng không nên có lúc thì ăn rất nhiều, có lúc lại không ăn, như vậy thì sự hao tổn đối với sức khỏe của bạn sẽ rất nghiêm trọng, đến lúc đó cho dù uống bao nhiêu thuốc cũng đã muộn rồi.
 

10. Dâm ác phóng túng, âm đức vô ích

 
“Dâm ác tứ dục, âm đức vô ích”.
 
“Âm đức”, ý là tích âm đức, tích việc thiện nhỏ mà trở thành công đức lớn, phòng tránh việc ác nhỏ để tránh tổn hao công đức.
 
Một người nếu như háo sắc, hành vi lại rất xấu xa, phóng túng theo dục vọng của mình, cho dù tích lũy âm đức có sâu dày hơn đi nữa thì cũng vô ích, sớm muộn gì đại họa cũng giáng xuống. Muốn độ cho người khác thì trước tiên phải tự độ cho mình, lấy mình làm gương, nghiêm khắc giữ mình theo giới luật, bắt đầu từ gian khổ, chất phác. Vì thế, đừng cho rằng xui xẻo từ trên trời rơi xuống mà chính là may rủi do tâm. 
 
Vậy nên, “chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy việc ác nhỏ mà cứ làm” kẻo phải đối mặt với hiểm họa khôn lường lúc nào không hay.

Kỳ thực, không phải ai cũng có thể làm theo những lời răn dạy của người xưa. Nhưng đây là những điều trở thành hệ quy chiếu để mỗi khi ta làm sai sẽ tự răn lại bản thân, cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X