Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Lời khuyên cho khủng hoảng tuổi 30: Muốn sống đắt giá và không hoài phí, chớ bỏ qua!

Thứ Tư, 20/04/2022 14:01 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) 30 tuổi là cột mốc vô cùng quan trọng của đời người, thời điểm nếu không có một vài thành tựu nào đó trong tay về công việc, tiền bạc, tình cảm... con người ta sẽ rất dễ rơi vào khủng hoảng không lối thoát. Những lời khuyên cho khủng hoảng tuổi 30 dưới đây sẽ giúp bạn biết mình cần làm gì để sống không hoài phí những năm tháng nền móng của một người trưởng thành.


Tuổi 30 - Cột mốc đặt nền móng cho sự trưởng thành

 
Người xưa có câu: "Tam thập nhi lập", tức 30 tuổi là tuổi xây dựng sự nghiệp và định hướng bản thân. Quan điểm này vẫn luôn ăn sâu trong tiềm thức của mọi người dù ở bất cứ thời điểm nào.
 
Ngay cả khi đời sống ngày một hiện đại, công nghệ dần làm chủ cuộc sống, con người cũng sống thọ hơn, phương thức sống thay đổi rất nhiều, nhưng con người ta vẫn cứ thích phóng đại ý nghĩa của "tuổi 30", để rồi những người sắp và đang ở ngưỡng cửa độ tuổi này vì thế mà đón nhận biết bao suy nghĩ quá tải.
 
Từ đó, thuật ngữ "khủng hoảng tuổi 30" ra đời như một lời nhắc nhở rằng đây là lúc phải trưởng thành, phải có thành tựu nào đó trong tay, trăn trở với câu hỏi “30 tuổi, bạn nên có gì trong tay?".
 
Nếu có đủ bản lĩnh để vượt qua, cuộc đời nở hoa từ đây. Nhưng nếu không thể vượt qua khủng hoảng, đây rất có thể sẽ trở thành khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời khi áp lực một người có thể gặp phải sẽ tăng mạnh. Về cơ bản, tuổi 30 khác xa tuổi 20, bởi giờ đây đời người mới thực bắt đầu.
 
"30" vốn là cột mốc quan trọng của đời người, là độ tuổi không còn trẻ để lang bạt và thỏa thuê vô phương hướng, là lúc bắt buộc phải trưởng thành để định hướng rõ ràng cho cuộc đời.
 
Nếu như ở độ tuổi 20, bạn có thể hoang mang, có thể mạo hiểm bởi bạn còn trẻ, bạn thực sự có thời gian để trải nghiệm và chuyện đó "không sao" cả.  Nhưng mọi chuyện sẽ khác hoàn toàn khi bước vào độ tuổi 30. Ở độ tuổi này, bạn thực sự có ít thời gian hơn và chuyện hoang mang đó giờ trở nên rất "có sao".
 
Nếu bạn không muốn cả đời nhàng nhàng, không thành không tựu, bạn phải cố gắng hết sức trước khi đạt đến cột mốc 30 tuổi.
 
Trên đời có bao nhiêu người là có bấy nhiêu cách sống, và mỗi người đều có quyền lựa chọn tuyệt đối cho mình. Họ có thể dừng chân tại chỗ, cũng có thể lao vun vút về phía trước; họ có thể để vật chất chi phối cuộc đời mình, cũng có thể sống một đời bình dị, mọi thứ chỉ coi như vật ngoài thân.
 
Ai rồi cũng phải trải qua những giây phút chênh vênh của cuộc đời. Nhưng nếu cuộc sống đã đưa cho bạn thử thách ở tuổi 30, có thể sẽ nhiều đắng cay và bầm dập, nhưng chẳng lẽ chỉ nên sợ hãi và tập trung vào việc trốn chạy? Câu trả lời chắc chắn là không!

Loi khuyen cho khung hoang tuoi 30
 

Lời khuyên cho khủng hoảng tuổi 30

 
Nếu như lấy tiêu chuẩn “bách niên giai lão” làm thước đo, khi bước vào độ tuổi 30, nghĩa là bạn đã trải qua 1/4 cuộc đời. Vậy bạn đã chuẩn bị gì khi không may rơi vào giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi 30?
 
Những lời khuyên cho khủng hoảng tuổi 30 dưới đây sẽ phần nào giúp bạn biết mình cần làm gì để sống không hoài phí những năm tháng nền móng của một người trưởng thành.
 

1. Tập trung vào tích lũy trong công việc

 
Đối với người hiện đại, công việc là một nguồn thu nhập quan trọng, giúp đảm bảo cuộc sống và cả tương lai. Vậy nên mọi người đều dành một phần ba (hoặc hơn) thời gian hàng ngày cho công việc.
 
Nếu công việc chỉ đơn giản là đi làm và tan ca, nhận lương và sống được ngày nào hay ngày ấy, thì cuộc sống của bạn có thể sẽ mãi như vậy.
 
Một người có mục tiêu, thứ nhất sẽ chọn một công việc phù hợp có thể phát huy hết giá trị của bản thân; thứ hai, anh ta sẽ làm việc chăm chỉ và tạo ra càng nhiều thành tựu hơn.
 
Nhiều người cứ lao đầu vào làm việc, miễn sao hoàn thành đúng thời hạn mà không cần biết mình đã học hỏi được những gì, tích lũy được kinh nghiệm gì từ công việc ấy. Đến lúc gặp lại tình huống tương tự, họ lại mò mẫm như thể đây là lần đầu tiên đảm nhận việc này. Vừa mất thời gian, lại vừa bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.
 
Việc tập trung tích lũy trong công việc sẽ giúp bạn tránh được những lúc phải mò mẫm vô định như vậy. Mỗi ngày, trước khi rời khỏi văn phòng, bạn nên dành ra một vài phút để suy nghĩ về những việc đã làm, những gì đã xảy ra trong ngày.
 
Nghe có vẻ hơi rườm rà và bạn ngại tốn thời gian nhưng thực tế, nếu cứ làm từng ngày, mọi thứ sẽ đơn giản, gọn nhẹ hơn rất nhiều. Mỗi ngày chỉ cần dăm ba phút với đầu óc tỉnh táo, sáng suốt chứ không nên để dồn dập vào một lúc khiến đầu óc quay cuồng.
 
Chỉ khi nào liên tục học hỏi, chăm chỉ tích lũy và không ngừng nỗ lực cải thiện năng lực trong công việc, bạn mới có thể khiến bản thân ngày càng mạnh mẽ hơn. Khi đó, dù có đối mặt với bất cứ sóng to gió lớn nào, sẽ chẳng có gì có thể khiến bạn lung lay và vấp ngã.

Xem thêm: 5 bài học xương máu trước tuổi 35, hiểu càng sớm đời càng dễ thở!
 

2. Học cách quản lý tài chính

 
Kiếm tiền, tiết kiệm, đầu tư và coi quá trình này như một lối sống. Điều đó không có gì phải xấu hổ cả.
 
Ở năm tháng tuổi trẻ, nhiều người có thói quen kiếm được 10 đồng tiêu 8 đồng bởi họ lựa chọn lối sống hưởng thụ, tiền mình làm ra thì mình có quyền tiêu cho bản thân, bõ công cho những nỗ lực và vất vả trước đó. Nhưng rồi dần dà họ sẽ phát hiện ra rằng, cách chi tiêu như vậy thật đáng báo động.
 
Không có kế hoạch chi tiêu tiền bạc hợp lý sẽ không chỉ khiến số tiền bạn vất vả kiếm về không được tận dụng tối đa giá trị của nó, mà còn khiến bạn không có khoản tích lũy, dự phòng để dùng khi thực sự cần thiết.
 
Quản lý tài chính không phải là chỉ tiết kiệm và không tiêu tiền, mà là lập kế hoạch cho thói quen thu chi hiện tại một cách hợp lý, là một kiểu hoạch định và phòng ngừa rủi ro cho tương lai.
 
Nói cách khác, quản lý tài chính có thể tóm gọn bằng 2 điểm: một là tiêu tiền khôn ngoan; hai là kiếm tiền bằng cách đầu tư để "tiền đẻ ra tiền".

Tuoi 30 song khong hoai phi
 

3. Tìm một người sẽ bên bạn suốt đời

 
Ở tuổi 30, hầu hết bạn bè xung quanh đều đã lập gia đình, sinh con đẻ cái, đa số đều đã sang được bến bờ bên kia, dường như đang bước vào một giai đoạn rực rỡ khác của cuộc đời, còn bạn, vẫn đứng ở phía bên này bờ.
 
Mỗi ngày hì hụi làm xong việc rồi trở về nhà, nhưng lúc này không có ai đón bạn, đợi bạn về, thấu hiểu, ủng hộ và yêu thương bạn, cảm giác tủi thân thật khó tránh.
 
Bản thân cảm thấy thua kém đã đành, những lời ra, tiếng vào của người thân càng khiến tâm trạng như không thể cất bước lên được.
 
Những ngày tháng liên tiếp với cùng một kiểu tâm trạng trồi sụt có thể khiến cho một người dù có vững vàng tâm trí đến mấy cũng khó thể kiểm soát được trạng thái chán nản, bi quan xảy đến với mình. Từ đó, lo lắng về cuộc sống, về tương lai ngày càng lớn hơn, nó dường như đang giam giữ những bước chân của những người còn độc thân ở tuổi này.
 
Không ai có thể mãi là một hòn đảo biệt lập, dù bạn có mạnh mẽ đến đâu, bạn vẫn cần một người để dựa vào.
 
Và bạn đời là một phần rất quan trọng của cuộc sống, đó là người sẽ khiến sự phấn đấu của bạn có ý nghĩa hơn và làm cho cuộc sống sau giờ làm việc của bạn trở nên ấm áp hơn.
 
Do đó, ở tuổi 30, nếu vẫn đang một mình, hãy tìm người sẽ đồng hành bên mình trọn đời, cùng xây dựng một gia đình nhỏ của riêng mình.
 
Có một hậu phương vững chắc sẽ giúp bạn yên tâm hơn để dốc toàn lực cho sự nghiệp. Những dự định tương lai của hai sẽ trở thành động lực giúp bạn tràn đầy kỳ vọng về cuộc sống tương lai.

Có thể bạn quan tâm: Kết hôn trước tuổi 30 có gì khác biệt so với sau 30 tuổi?
 

4. Có một vài người bạn thân

 
Lời khuyên cuộc sống cho khủng hoảng tuổi 30 tiếp theo mà bạn nên ghi nhớ là ở ngưỡng cửa cuộc đời này, hãy có cho mình một vài người bạn thân.
 
Không cần phải có quá nhiều bạn bè, suy cho cùng việc có nhiều mối quan hệ sẽ chỉ khiến bạn hao tổn tâm sức và cũng khó để chu toàn với tất cả, đến cuối cùng mọi người chỉ giữ mối quan hệ xã giao hữu hảo mà thôi.
 
Chất lượng quan trọng hơn số lượng, có một vài người bạn thân là quan trọng nhất.
 
Thật là hạnh phúc khi có một vài người bạn thân để chia sẻ niềm vui, thỏa thuê dốc bầu tâm sự, trút bỏ mọi nỗi buồn, thoải mái dựa dẫm vào bờ vai đối phương và khóc một trận thật lớn mà không sợ bị đối phương đánh giá.
 
Ai cũng có lúc dễ bị tổn thương, và bạn thân có thể giúp bạn giải tỏa cảm xúc, thoải mái khóc lớn cười to, sau đó lại trở lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì biết rằng luôn có họ bên cạnh và sẵn sàng kề vai sát cánh bên bạn.
 
Tuổi 30, bạn nhận ra rằng việc vui vẻ trong đám đông sẽ không quý giá bằng những buổi cà phê cùng những người bạn thân, hiểu rõ mình.
 
Ở tuổi 30 nếu có cho mình một vài người bạn thân, xin chúc mừng, bạn chính là người đang rất hạnh phúc đấy!
 

5. Yêu thương bản thân

 
Ở tuổi 30, ở một mức độ nào đó, bạn phải học cách sống cho chính mình, tìm cách làm cho mình hạnh phúc và biết cách nghỉ ngơi, thư giãn sau khi kết thúc công việc.
 
Nấu ăn, đọc sách, nuôi thú cưng, đi dạo, thử thứ gì đó mới, chơi bóng mỗi tuần một lần, v.v. Miễn là lối sống lành mạnh khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, hãy kiên trì thực hiện.
 
Tuổi 30, bạn không còn có thể xây dựng hạnh phúc trên cơ sở vật chất, bởi ham tiền tiêu không bao giờ có thể thỏa mãn được, bạn phải học cách tận hưởng những thú vui khác ngoài mua sắm.

Hoc cach truong thanh o tuoi 30
 

6. Học cách tự điều chỉnh cảm xúc

 
Trong nhiều trường hợp, tâm thái quyết định trạng thái.
 
Ai cũng đều có những lúc chán nản, thiếu tự tin và mang năng lượng tiêu cực. Vậy phải làm gì vào lúc này? Nhất định không được cam chịu, khuất phục hoàn cảnh.
 
Sống ở đời, ai chẳng có trong mình hỉ nộ ái ố, dù ít hay nhiều. Nhiều khi giận đến mất khôn trong một khoảnh khắc, cũng là điều khó tránh khỏi.
Quan trọng là bạn có thể nhanh chóng tìm lại được lý trí của bản thân, trong khi rất nhiều người khác lại trở thành nô bộc cho cơn nóng giận tiêu cực ấy.
 
Có câu nói rằng: "Kẻ trí lấy lý trí ra để kiểm soát cảm xúc, kẻ ngốc để cảm xúc lấn át lý trí." Khả năng kiểm soát cảm xúc sẽ quyết định tầm nhìn hay độ rộng cuộc đời của một cá nhân.

Người biết cách kiểm soát cảm xúc, cuộc sống mới trở nên dễ thở hơn. Người khống chế được cảm xúc, mới có thể trở thành kẻ mạnh trong cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ: Thái độ sống mỗi ngày: Học khi 20, Liều khi 30, Tỉnh khi 40
 

7. Đọc nhiều sách hơn

 
Trong nhiều bộ phim, chúng ta thường có thể thấy nhân vật chính cầm một cuốn sách lên và đọc nó một cách có chủ ý hoặc vô ý.
 
Đọc sách cũng là một cách để hòa hợp với chính bản thân mình.
 
Thói quen đọc không chỉ có thể làm phong phú cuộc sống và tâm hồn của bạn, giúp bạn rèn được tính nhẫn nại, đầu óc thêm sáng suốt, mà còn giúp bạn mở mang tri thức, hiểu được nhiều điều thú vị về thế giới rộng lớn này thông qua việc "giao tiếp" với các nhân vật trong sách.
 
Ngay cả những cuốn sách không phải chuyên môn bạn đang làm việc và học tập, cũng đừng ngại đọc chúng. Kiến thức không bao giờ là thừa thãi dù có liên quan đến bạn hay không.
 
Đừng nghĩ rằng đọc sách là “vô bổ” hay toàn lý thuyết suông, vì chúng như cơm bữa, dù có quên mất tiêu đề cuốn sách mình từng đọc thì kiến thức cũng sẽ dung nạp vào trong máu thịt của bạn.
 

8. Tập thể dục nhiều hơn, ăn uống lành mạnh

 
Khi con người đến một độ tuổi nhất định, cơ thể của anh ta sẽ không còn đủ dẻo dai và sung sức như những năm tháng tuổi trẻ, càng không thể chịu đựng được bị dằn vặt.
 
Bước sang tuổi “băm”, bạn sẽ nhận ra rằng tất cả các chất kích thích như: trà, cà phê, rượu bia và cả “crush” đều có thể bỏ được, nhưng luyện tập thể dục thì không.
 
Đặc biệt là những người làm công việc văn phòng, đây là một nghề phải ngồi từ sáng đến tối, nếu không chăm chỉ tập thể dục sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cho sức khỏe chứ chưa nói đến việc giữ dáng. Do đó, đặt mục tiêu cân nặng lý tưởng, rèn luyện thường xuyên để cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng và vóc dáng là điều hết sức quan trọng.
 
Quan trọng nhất là giấc ngủ. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp duy trì tinh thần minh mẫn, đạt trạng thái làm việc tốt nhất.
 
Vì vậy, tập thể dục nhiều hơn, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc cũng là phản ánh bạn có trách nhiệm với cuộc sống hiện tại và tương lai của bản thân.
 
Nếu bạn vẫn chưa có thói quen tập thể dục, hãy cố gắng sắp xếp hoạt động này vào thời gian biểu hàng tuần của bạn. Nếu chưa có động lực rèn luyện, hãy chọn một phòng tập thật đẹp, chuyên nghiệp và tất nhiên là học phí cao để luôn nhắc nhở bản thân đến phòng tập đều đặn vì “đã lỡ đóng nhiều tiền rồi”.
 
Tuổi 30 lắm áp lực thật đấy, lắm hoang mang thật đấy nhưng cũng là giai đoạn đáng trân trọng nhất trong cuộc đời vì nó có thể quyết định những năm tháng về sau của bạn ra sao.
 
Cũng như bất cứ thử thách nào trong cuộc sống, đến rồi đi, khủng hoảng tuổi 30 cũng chỉ là "gia vị" để khiến bạn trở nên thú vị và đặc biệt hơn mà thôi.
 
Ở tuổi 30, bạn sẽ có tầm nhìn, kinh nghiệm và sự chăm chỉ mà những người trẻ hơn không có được. Bạn nên tận dụng những mối quan hệ mình đã tích lũy được trong thời gian lâu dài trước đó để không ngừng phát triển, hoàn thiện bản thân, từ đó vượt qua giai đoạn đầy hoang mang này.
 
30 tuổi là độ tuổi tồi tệ nhất, nhưng cũng là độ tuổi đẹp nhất để thay đổi cuộc đời, đừng quên nhé!
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X