Ai cũng biết lợi ích của đọc sách, tại sao vẫn còn phải nghĩ mà chưa hành động?

Thứ Hai, 12/10/2020 15:53 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lợi ích của đọc sách nếu kể ra rất nhiều nhưng dù ý thức được việc đó nhưng hành động cầm một cuốn sách lên đọc vẫn là việc vô cùng khó khăn đối với những ai mê lướt điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy tính,... mỗi ngày.
 

Những tấm gương đọc sách của người nổi tiếng


Có thể thấy những người thành công luôn xem đọc sách như là hành trang cuộc sống của họ bất kể lứa tuổi nào đi chăng nữa. Người ta tính ra rằng, các CEO trên thế giới, trung bình một người đọc một cuốn sách mỗi tuần, tổng cộng một năm họ sẽ đọc hơn 50 cuốn sách.

Có thể thấy rằng, đọc sách là thói quen của người thành công trên thế giới này, chính nhà đầu tư đại tài Warren Buffett đã đọc 600-1000 trang sách mỗi ngày khi mới lập nghiệp. Cho đến hiện tại, ông vẫn giữ thói quen dành hơn 80% thời gian bên cạnh những quyển sách với châm ngôn: “Không cần biết bạn đang ở vị trí nào của cuộc đời, chỉ cần không ngừng học hỏi, sự thành công sẽ tìm đến bạn”.

Khi hỏi về bí quyết thành công, Warren Bufett đơn giản chỉ vào một chồng sách và nói: “Hãy đọc 500 trang sách mỗi ngày. Đó là cách tri thức vận động, tích lũy, như thể lãi suất kép vậy. Tất cả mọi người đều có thể làm được, tuy nhiên, không nhiều bạn có thể duy trì việc đọc sách trở thành một thói quen được. Điều này, tạo ra sự khác biệt giữa người thành công và số đông còn lại.”
 
 
Hay Bill Gates, doanh nhân giàu nhất thế giới vẫn luôn xem sách như là lẽ sống và mỗi năm ông chỉ ra những cuốn sách hay mà mình đã đọc nhằm khuyến khích tinh thần đọc ở mọi người. Ông cho biết, bản thân đọc hơn 50 đầu sách mỗi năm và không đọc các loại sách giả tưởng.

Ông còn duy trì thói quen luôn đọc sách một tiếng trước khi đi ngủ bất chấp công việc bận ra sao. Thậm chí, ông còn dành ra hai tuần trong một năm gọi là tuần đọc sách, không muốn bị ai làm phiền. 
 
Buffett and Bill Gates không phải là những người duy nhất cho rằng đọc sách mới đảm bảo sự thành công bền vững. Tỷ phú công nghệ Elon Musk đã học cách phát minh ra tên lửa chỉ thông qua việc đọc.

Musk từng trải qua tuổi thơ bị bắt nạt khi còn ở Châu Phi và những quyển sách phiêu lưu hay khoa học viễn tưởng trở thành thế giới tuổi thơ anh. Và cũng chính những câu chữ ấy đã tạo niềm cảm hứng lớn cho Musk, biến ông trở thành “huyền thoại sống” với những cuộc cách mạng công nghệ huy hoàng.
 
Mặc cho chúng ta mê mệt bấm điện thoại để lướt Facebook mỗi ngày nhưng ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg thường xuyên duy trì thói quen rời khỏi máy tính, điện thoại để dành thời gian đọc những trang sách còn thơm mùi giấy.

Người dẫn chương trình kiêm nhà sản xuất truyền hình Oprah Winfrey đã gọi việc đọc là con đường của cô ấy đến tự do cá nhân. Cô thậm chí còn bắt đầu câu lạc bộ sách của riêng mình, nơi cô nói về những cuốn sách yêu thích. 
 

Câu chuyện cuộc sống về chú tiểu không thích đọc sách


Thế nhưng, không ít người cho rằng cứ gì phải học theo thói quen những người thành công, bạn có cách riêng để làm giàu, kiếm tiền mà không phải đọc sách. Hơn nữa, có những người còn tự nhận rằng chắc mình không "hợp" với sách vì đọc mãi không vào, chẳng áp dụng được gì cho cuộc sống nên chán nản cho rằng đó chỉ là lý thuyết suông.

Thế nhưng có thể khi đọc xong câu chuyện về chú tiểu lười đọc sách, có lối tư duy tương tự như thế:

Có một chú tiểu sống trên núi cùng với sư phụ tại một ngôi chùa nhỏ, cậu bé rất chăm chỉ làm các việc đã được giao phó như gánh nước, nấu cơm, quét dọn bụi bặm... nhưng riêng việc đọc sách cùng sư phụ là cậu không hào hứng cho lắm.
 
Trong khi đó, ngày nào sư phụ cũng không quên nhắc cậu đọc sách, cậu thắc mắc: "Tại sao chúng ta phải đọc nhiều sách như vậy, con thấy việc đọc sách có ích gì đâu?".
 
 
Sư phụ nghe vậy bèn mỉm cười nói với cậu ngày mai hãy mang cái giỏ dính đầy than bẩn để xách nước thay vì cái thùng hay xách bấy lâu nay. Chú tiểu mặc dù không hiểu nhưng vì đó là yêu cầu của sư phụ nên chú đành nghe và làm theo. Ngày nào cũng mang cái giỏ đi để xách nước nhưng bao nhiêu nước cũng chảy hết qua cái lỗ trên giỏ, không thể mang chút nước nào về nhà.
 
Khi cậu thắc mắc về việc này thì sư phụ nói hãy cứ tiếp tục và cậu vâng lời nhưng chẳng được bao lâu. Nỗi thất vọng ngày càng lớn khi ngày nào cũng phải làm việc vô ích này khiến cậu chán nản, đến khi không chịu được nữa cậu nói với sư phụ rằng từ ngày mai mình sẽ không đi xách nước nữa. 
 
Sư phụ mỉm cười, bảo chú tiểu lấy cái giỏ ra đây và ôn tồn nói: "Con nghĩ việc làm của con là vô ích sao? Hãy nhìn thử xem, cái giỏ này trước kia đựng than đen nhẻm nhưng từ ngày con lấy nó để xách nước nó đã sạch trong không còn lấm lem vết than như xưa nữa.
 
Việc đọc sách cũng vậy, lợi ích của nó không thấy được bằng mắt, không phải ngày một ngày hai để mong thành công nhưng không có nghĩa là quá trình này trải qua vô nghĩa. Con đọc một quyển sách mỗi ngày, tâm hồn sẽ được rửa trôi một ít, đến khi đủ thì sẽ sạch bong như cái giỏ than này".
 
Chú tiểu hiểu ra, thầm cảm ơn sư phụ và từ đó không còn chán ghét việc đọc sách nữa. 

Lợi ích của việc đọc sách


Nhìn chung có rất nhiều lợi ích của đọc sách như để giải trí, để có thói quen lành mạnh, hoàn thiện kỹ năng viết, nâng cao kiến thức, kích thích tinh thần, cải thiện trí nhớ... Thế nhưng hầu hết chúng ta né tránh chúng chỉ vì một chữ LƯỜI và bao biện rằng không có thời gian, trong khi họ chỉ cần 20-30 phút mỗi ngày để cho não mình được "ăn" mà họ không chịu thực hiện.

Cơ thể chúng ta muốn nạp năng lượng thông qua việc tiêu thụ thức ăn, còn não của chúng ta cũng vẫn hàng ngày cần "ăn" nhưng ta chẳng bao giờ chịu chăm sóc chúng. 

Tuổi trẻ là khoảng thời gian tuyệt với nhất của mỗi con người. Thế nhưng, giới trẻ hiện nay lại đang có rất nhiều thói quen xấu mà có thể gây ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này như: lười biếng, nghiện game, nghiện smartphone, mạng xã hội, tư duy thụ động, thờ ơ vô cảm,…

Trước hết chúng ta cần học từ thói quen kỷ luật bản thân bằng tập thói quen đọc sách mỗi ngày, đó là việc cực kỳ đơn giản nhưng ta mãi tránh né mà thôi. 
 
 

Đọc sách là cách "đứng trên vai người khổng lồ"

 
Có hai cách để bạn có được kiến thức: một là tự học, tự đọc và tìm hiểu, cách thứ hai là có một người thầy chỉ dẫn. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được người thầy như vaayh. Và sách chính là người thầy tuyệt vời mà bao lâu nay vẫn sẵn sàng ở bên chúng ta nhưng không phải ai cũng nhận ra.

Nếu bạn phải học qua thực tế, qua vấp ngã của chính mình thì điều đó không chỉ gây đau đớn mà còn tốn rất nhiều thời gian. Cách để giảm bớt rủi ro và rút ngắn thời gian đó là thông qua sách vở.

Đọc sách như là một cách để trò chuyện với những bộ não vĩ đại nhất trên thế giới này khi họ đã ghi ra những kiến thức, hiểu biết của mình vào những cuốn sách sống mãi với thời gian. Để đứng được trên vai người khổng lồ thì học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm từ sách vở của họ là cách tốt nhất.
Sách là tri thức lưu truyền mãi cho thế hệ về sau, là những công trình nghiên cứu, là nguồn kiến thức tuyệt vời trong mọi lĩnh vực. Vì vậy đừng nghi ngờ về ý nghĩa của việc đọc sách, hay có suy nghĩ chúng chẳng có tác động gì đến cá nhân bạn cả.
 
Sách không chỉ nói về kiến thức mà đó còn là những trải nghiệm, nếu như bạn mới 30 nhưng đọc được một cuốn sách của tác giả 50 tuổi thì bạn đã có những trải nghiệm về cuộc đời vào năm 50 tuổi.
 
Kinh nghiệm của những người đi trước là vô giá, những người trẻ như chúng ta luôn muốn có được thứ tài sản vô giá của họ đó là sự trưởng thành, tâm trí và cách nhìn nhận, giải quyết vấn đề...
 
 

Không thể thấy lợi ích trong ngày một ngày hai


Lợi ích của đọc sách không thấy được bằng mắt mà là từ chính bên trong mỗi người cảm nhận. Không phải đọc nhiều để ta khoe rằng mình biết nhiều mà là để ta tích lũy từng kiến thức nho nhỏ cho mình trên đường đời, vì thế đừng mong kết quả ngay lập tức.

Nhất là những người nóng vội, không thấy ngay được lợi ích thì cho rằng chẳng thích đọc sách, chẳng đủ kiên nhẫn để cầm cuốn sách lên. Càng muốn việc gì đến nhanh chóng, ta càng nhanh nản mà thôi.
 
Quyển sách chúng ta đọc bấy lâu nay không phải vô ích, không phải nó chẳng áp dụng thực tế được gì, đó chỉ là cảm nhận bên ngoài nhưng sâu xa bên trong nó đang ngày một giúp chúng ta hoàn thiện hơn.
 
Không có quyển sách nào vô ích cả, tiểu thuyết, sách văn học, sách kinh doanh, sách dạy kỹ năng mềm, sách hội họa, âm nhạc, lịch sử... đều cho ta những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống này. Bằng một cách vô tình nào đó, tất cả đều tác động đến nhân cách cũng như cuộc sống mỗi người chỉ là chúng ta không nhận ra điều đó mà thôi.

Những lợi ích của đọc sách không cần nghĩ bàn nữa, hãy tập thói quen đọc sách dù là 20-30 phút mỗi ngày, bắt đầu bằng những chủ đề mà bạn yêu thích. Đọc chẳng vì lý do gì cả, chỉ là cách để bạn duy trì một thói quen tốt mà thôi.