Không thành công có phải là bất hiếu? Bạn đã thành công chưa?

Thứ Năm, 18/08/2022 22:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chắc chắn không ít bạn trẻ đầy tham vọng đang tự hỏi: Không thành công có phải là bất hiếu? Vấn đề này cần đào sâu để tìm hiểu, không nên vội vàng kết luận ngay tức thì.
 

Không thành công có phải là bất hiếu?


Đó chỉ là khái niệm của các bạn trẻ tự đặt ra cho mình chỉ vì bị tiêm nhiễm bởi những người bán khóa học phát triển bản thân với giá đắt đỏ. Họ hù dọa, chạm vào nỗi đau của các bạn trẻ để cho những người nhẹ dạ tìm cách xuống tiền mua khóa học.

Sự thật là không phải ai cũng hiểu trọn vẹn được chữ hiếu trong khi hiểu nhầm lại vô tình khiến "chữ hiếu" trong quan niệm của một cá nhân nào đó vô tình trở thành rào cản khiến ta không thể có được hạnh phúc giữa đời thường.

Đúng là khi con cái lớn lên nhờ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, thế nên, việc báo hiếu là trách nhiệm phải làm của thế hệ con cái đối với cha mẹ. Thế nhưng chỉ lấy việc "thành công" hay không ra để so bì có hiếu hay bất hiếu thì quả là thiển cận.
 
 
Ví như một cậu thanh niên mới 22 tuổi gần đây tâm sự rằng luôn cảm thấy mình bất hiếu vì không giúp được gì cho bố mẹ. Anh ta tự trách mình rằng: Tốc độ thành công của mình không nhanh bằng tốc độ già đi của họ. Vậy nên anh tìm cách làm sao để giàu nhanh, thành công nhanh nhất có thể.

Quyết tâm là vậy nhưng năng lực có hạn, càng cố anh càng thấy quá sức và mệt mỏi, chán nản, đau khổ, buồn bực... Thế nhưng anh không bao giờ tự hỏi là nếu bố mẹ thấy mình trong bộ dạng này thì họ có vui được nữa không?

Có một câu chuyện khác cũng có kết quả tương tự khi một người được cho là rất thành công trong công việc mà mục tiêu của anh chỉ có công việc mà thôi. Nhưng có một hôm anh trở về nhà nhìn thấy vết thương trên tay mẹ mới hỏi ra và biết rằng mẹ bị ngã cách đây khá lâu nhưng ngại cho anh biết vì anh đang bận việc.

Lúc này anh mới ngớ người ra, chợt hiểu rằng mục tiêu cuộc sống của anh đang đi sai hướng, anh muốn thành công như là phần thưởng để mẹ cảm thấy vui, tự hào. Thế nhưng mỗi việc mẹ bị thương mà mình cũng không biết để chăm sóc, hỏi han mẹ từ sớm thì thật đáng trách.

Có thể thấy, việc chúng ta có mục tiêu phải thành công là điều rất đáng khuyến khích. Nhưng cũng cần biết yêu thương bản thân mình trước vì đối với những người yêu thương ta như bố mẹ thì chỉ nhìn thấy con vui là bố mẹ cũng đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Đâu phải những điều đao to búa lớn như cách chúng ta vẫn nghĩ.
Người xưa răn dạy: Mong bố mẹ an nhàn chưa hẳn là hiếu thuận
Ít ai hiểu được rằng mong bố mẹ an nhàn chưa hẳn là hiếu thuận vì ta chỉ mới có suy nghĩ một chiều rằng, cách ta cần báo hiếu đó là miễn bố mẹ không phải làm

Chớ áp đặt suy nghĩ của mình lên bố mẹ


Dù hiểu rõ vai trò của chữ hiếu nhưng chắc không ít lần ta rơi vào trạng thái hoang mang trong các quyết định. Có lúc bạn sẽ cảm thấy khó khăn vô cùng vì không biết làm thế nào để tỏ sự hiếu kính với đấng sinh thành.

Liệu có phải là phải luôn luôn giữ cha mẹ ở trong nhà cùng con cái để chăm sóc được tận tình mới có thể báo hiếu, hay tạo cho cha mẹ một khoảng thời gian, không gian thoải mái cha mẹ tự chọn, bình yên và vui vẻ khoảng thời gian tuổi xế chiều, để cha mẹ được tự do lựa chọn niềm vui của riêng mình mới là tốt nhất.

Hay lấy cô vợ này theo ý bố mẹ hoặc mua được nhà cho họ mới là báo hiếu...?

Đôi khi không phải bỏ cô này, lấy cô kia theo ý bố mẹ mới là làm tròn chữ hiếu. Miễn là bạn biết làm cho gia đình của mình bền vững và hạnh phúc là cách để báo hiếu bố mẹ một cách thiết thực nhất. Bởi không có ông bố bà mẹ nào lại hài lòng và mong muốn con mình dang dở.

Hoặc việc gửi bố mẹ đến trung tâm dưỡng lão không có nghĩa là rũ bỏ trách nhiệm của con cái. Dù bố mẹ sống chung hay để bố mẹ đến trung tâm dưỡng lão đều có tính hai mặt.

Thực tế là việc ở chung cũng có những bất tiện như con cái đi làm thường xuyên không chăm lo được cho bố mẹ đủ đầy, hơn nữa ở gần nhau sẽ không tránh được trường hợp có mâu thuẫn, tranh cãi nổ ra bất cứ lúc nào. Kết quả là người già có thể buồn chán, cô đơn tại chính căn nhà mình, thậm chí khó hòa hợp, không theo kịp lối sống với người thân.

Trong khi đó ở các trung tâm có đủ điều kiện để chăm sóc người lớn tuổi từ thể chất tới tinh thần, không những thế bố mẹ còn có người để bầu bạn. Thế nên không nên quy chụp rằng cứ ai đó để bố mẹ ở trại dưỡng lão là bất hiếu.

Nhưng điều quan trọng nhất đó là trong mọi việc không nên áp đặt cách suy nghĩ của mình lên bố mẹ. Dù là muốn làm điều gì vì lợi ích của họ thì bạn cũng phải lắng nghe ý kiến trước tiên và cân nhắc sao cho hợp lý với cả bạn và phụ huynh của mình.

Đơn cử như việc bạn muốn bố mẹ lên thành phố ở với mình cho sung sướng thì đó mới là ý nghĩ của bạn mà thôi. Hãy hỏi xem bố mẹ muốn gì, có thể họ thích đời sống ở quê gần gũi hơn, ngược lại có những người hướng ngoại, muốn thay đổi, thích lên thành phố cùng con,...

Nói chung không phải làm theo hay cãi lời bố mẹ là bất hiếu mà quan trọng là cả hai bên cùng lắng nghe, đi đến thống nhất trước khi ra quyết định chứ không phải bạn hay họ tự quyết.

Hay quay về vấn đề: Không thành công có phải là bất hiếu? Bạn thử nhìn xung quanh mình xem có bao nhiều người thực sự được xem là thành công? Số này chiếm rất nhỏ và hầu hết chúng ta đều bình bình như nhau và vẫn đang nỗ lực mỗi ngày.

Ngay cả bố mẹ bạn cũng đâu phải ai cũng có được thành công như họ từng mong muốn, vậy nên đừng dùng thành công hay thất bại để làm thước đo với tình cảm thực sự của mình dành cho bố mẹ vì đó là sự so sánh quá khập khiễng dễ dẫn chúng ta đến những quyết định sai lầm, rơi vào cái bẫy của những kẻ muốn lợi dụng chúng ta.