Có TÀI SẢN lớn mà không cho con thì vô lý, nhưng cho chúng thừa kế quá sớm thì hãy cân nhắc HẬU QUẢ

Thứ Ba, 03/10/2023 17:01 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cho dù nhiều người khuyên rằng không nên cho con thừa kế tài sản quá sớm nhưng vẫn có những gia đình hiện nay vẫn biến con thành triệu phú trẻ, vô tình loại bỏ đi động lực phát triển của con lúc nào không hay.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Vì sao không nên cho con thừa kế tài sản quá sớm?


Nhiều bậc cha mẹ thường có suy nghĩ mình làm việc cả đời cũng chỉ để lại tài sản cho con cháu, tuy nhiên, có người cho con thừa kế khá sớm biến chúng thành triệu phú, tỷ phú khi tuổi còn rất nhỏ.

Thế nhưng, theo các chuyên gia tài chính, việc thừa kế tài sản nên được giữ kín, đến thời điểm con trưởng thành hơn thì có thể tiết lộ tùy hoàn cảnh cụ thể, nếu không việc này có thể sẽ gây ra những việc trái với mong muốn của các phụ huynh. Một số hậu quả của việc cho con thừa kế tài sản quá sớm là như sau.
 
 

1.1 Sống quá phụ thuộc, thiếu động lực


Hãy nghĩ tới cảnh một đứa trẻ 10 tuổi nhận được một khoản tiền quá lớn thì chúng đâu biết phải làm gì, trong khi người ngoài tung hô rằng nó sung sướng, cả đời không phải lo nghĩ, từ đó chúng hình thành tư duy phụ thuộc và số tiền đó, không còn ý chí học hành và lao động.

Sự thật là việc cho các con một khoản tiền quá lớn có thể khiến chúng nảy sinh thái độ sống phụ thuộc, không muốn lao động mà trở nên lười biếng, thui chột ý chí phấn đấu.

Chỉ cần là một đứa trẻ được cưng chiều, sống trong cảnh đủ đầy cũng đã dễ khiến chúng hư hỏng, nói gì đến số tiền khổng lồ. Một khi dễ dàng có tiền bọn trẻ sẽ không biết trân trọng, không biết kiếm đồng tiền khó khăn tới mức nào, thế nên chúng hay có xu hướng sống hoang phí, đua đòi. Nếu không biết kiểm soát chi tiêu còn dễ kéo theo nhiều tai họa.

Hãy tưởng tượng bạn được trao mọi thứ mình muốn khi còn trẻ. Bạn được nhận sự giáo dục tốt nhất, tham gia những chuyến du lịch và ở nhà tốt nhất. Khi đó, bạn chẳng cần phải động não, cũng không phải lao động vì gia đình bạn đã có quá đủ tiền.
 
Sinh ra từ vạch đích, có nhiều của cải khiến người ta không còn động lực, sẽ càng ít đam mê. Chuyên gia về các mối quan hệ Lucy Birtwistle từng cho hay: "Tôi đã làm việc với nhiều người trẻ trong các gia đình giàu có. Họ nói "Tại sao phải đến trường đại học? Đề làm gì? Sẽ chẳng ai ấn tượng với những gì tôi làm được đâu, vì cha mẹ tôi đã xuất sắc rồi".
 
Chính những rắc rối đó đã khiến các tỷ phú suy nghĩ lại về kế hoạch trao lại tài sản cho con. Ví dụ như tỷ phú Anh - John Caudwell tuyên bố sẽ cho đi 70% tài sản làm từ thiện. 
 
Khi tìm hiểu vì sao tỷ phú không để lại tiền cho con, chúng ta cũng đã biết vợ chồng ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg và vợ Priscilla Chan cũng đã đồng ý cho đi 99% cổ phần Facebook. Hầu hết các tỷ phú lên kế hoạch làm từ thiện thay vì để lại cho con vì họ nhận ra của cải được thừa kế khiến người ta không còn động lực. 
 

1.2 Dễ có sự cố khó lường

 
Đề cập chuyện tiền bạc, thừa kế quá sớm với các con dễ có những việc mà cha mẹ không lường trước được. Nhiều người vì mải kiếm tiền nên thiếu tình thương khi con cái còn nhỏ, sau đó bù đắp cho con bằng tiền bạc. Hệ quả là một số người trẻ chỉ đắm chìm trong tiền, chất kích thích và không có áp lực kiếm việc làm.

Một rắc rối khác có thể xảy ra khi giao thừa kế sớm cho con đó là nếu sau này khi có sự thay đổi trong các khoản thừa kế hay sự phân chia không đồng đều sẽ dễ gây sứt mẻ tình cảm giữa anh chị em, cha mẹ và con cái trong gia đình. Nhất là khi bị cuốn vào vòng rắc rối tiền bạc, kiện tụng, bị những tài sản hiện hữu cám dỗ rồi quên mất giá trị tình thân.

Không ít người bán hết tài sản cho con để về chung sống cùng nhưng đến khi nảy sinh mâu thuẫn, không có nơi để về. Thế nên về già dù sao cũng hãy để cho mình một đường lui, tránh bị động và quá phụ thuộc vào bất cứ ai.

Tiền bạc là sức mạnh của người già, hãy dùng nó để an hưởng tuổi già, tuyệt đối không giao tài sản của mình quá sớm, giữ được tài sản trong tay, con cháu mới kính nể.
 
Các chuyên gia tài chính đã chỉ ra rằng nếu muốn tạo động lực thực sự cho con cái hãy khiến chúng sợ hết tiền - những người chưa từng phải lo lắng về tiền bạc sẽ không biết làm gì khi không có tiền. Khi nhận ra hậu quả nếu cứ tiếp tục lối sống buông thả thì bọn trẻ sẽ phải thay đổi.

2. Khi nào nên để lại tiền thừa kế cho con?


Có rất nhiều người cực kỳ tiết kiệm, giữ tiền khư khư cho tới lúc chết mới cho con thừa kế, tuy nhiên nhưng theo các chuyên gia không nên làm vậy. Chuyên gia tài chính và các mối quan hệ Michael Garry cho rằng, dù cha mẹ nên tiết kiệm tiền nhưng không nhiều hơn mức cần thiết để đảm bảo tài chính cho mình.

Nếu trong khả năng, hãy giúp con, thậm chí cháu, vào thời điểm chính xác mà họ cần tiền nhất, chứ không chỉ đợi tới khi mình qua đời. Mức độ cho bao nhiêu phụ thuộc vào khả năng mà bạn có.
 
Chuyên gia lập kế hoạch nghỉ hưu Walker khuyên rằng, để ngăn con cái ỷ lại thì trước khi bắt đầu tặng thừa kế phải nói chuyện thẳng thắn về tài chính của họ với con cái. Không cần phải công khai tất cả số tiền bạn có nhưng cần phải thẳng thắn với con cái về mục tiêu sử dụng tiền bạc như thế nào.

2.1 Sau khi con đã tự lập


Nhiều người vì lo sợ nếu cho con thừa kế tiền bạc, tài sản của mình quá sớm sẽ khiến chúng hư hỏng nên họ chọn thời điểm chúng đã biết tự lập, thường là ngoài 30 hoặc 35.

Giai đoạn này, con đã cũng có thời gian tự mình trải nghiệm, tự đi kiếm tiền và biết những khó khăn có thể gặp phải trên thương trường. Nhất là khi con tự học được kỹ năng quản lý tài chính và tài sản của mình thì là phù hợp nhất.
 
Lúc này, giao tài sản cho con có thể giúp con phát triển sự nghiệp, giúp kinh tế gia đình vững hơn. Đồng thời, đây cũng là cách khẳng định và tin tưởng vào khả năng tự lập của con, giúp tăng cường sự gắn kết trong gia đình và cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái.
 
Góc nhìn này hoàn toàn chính đáng, tuy nhiên cũng phải dựa trên thực tế vì có những người ở tuổi này vẫn mải chơi, không tập trung làm ăn, không phải là một người cầu tiến nên nếu được bố mẹ giao tài sản cho con sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
 
Thế nên nhiều người chọn cách chuyển nhượng tài sản dần dần theo từng giai đoạn hoặc hỗ trợ tài chính nhất định để giúp các con không rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn là được.

Hay như gia tộc của tỷ phú Rockefeller đã thành lập một quỹ ủy thác đặc biệt. Trước 30 tuổi, các thành viên trong gia đình không thể chi tiêu tài sản thừa kế.

Rockefeller khuyên các thế hệ tương lai nên sống bằng chính nỗ lực của mình. Để nuôi dạy con cái, gia tộc Rockefeller luôn cực kỳ “keo kiệt” với cuộc sống của họ. Nhưng đồng thời, họ chi rất nhiều tiền cho hoạt động từ thiện.
 
Thế nên các con cháu của ông buộc phải tự dựa vào nỗ lực của bản thân và sống một cuộc đời có kế hoạch cẩn thận trước tuổi 30.
 
Cho đến nay, hơn 100 năm đã qua, tuy khối tài sản thuộc về bản thân gia đình Rockefeller không rực rỡ như xưa nhưng vẫn giữ được sự giàu có bền vững. 
 

2.2 Khi bố mẹ vẫn còn tỉnh táo, sức khỏe tốt


Có thể bố mẹ chưa bàn bạc tới việc cho con thừa hưởng tài sản sớm nhưng trong kế hoạch của mình, các phụ huynh nên viết sẵn thông tin di chúc đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.

Những gì cha mẹ viết ra trong lúc này là khi khỏe mạnh, tinh thần còn tỉnh táo để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và hợp lý hơn, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
 
Bởi tuổi càng cao thì người lớn tuổi càng bị suy giảm nhận thức, mất trí nhớ hoặc gặp các vấn đề khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phân chia, bàn giao tài sản của họ.
 
Ngoài ra, nghiên cứu tâm lý cũng cho thấy, người cao tuổi dễ thiết lập và duy trì mối quan hệ cha mẹ - con cái hơn khi họ có sức khoẻ tốt. Người già có thể quan tâm nhiều hơn đến sự tin tưởng và phụ thuộc vào con cái, sẵn sàng giao tài sản cho con để bày tỏ sự ủng hộ, tin tưởng của mình.
 
Đồng thời, hành động này cũng giúp tăng cường kết nối và tương tác giữa các thành viên trong gia đình, thúc đẩy sự hoà thuận và ổn định.
 

2.3 Khi con học được cách biết ơn


Một người đã thể hiện lòng biết ơn thì sẽ trân trọng sức lao động của bố mẹ đã phải cống hiến để tạo nên số của cải hiện tại của họ. Đó là điều rất quan trọng trước khi muốn hưởng tiền thừa kế.

Chỉ những đứa trẻ có lòng biết ơn sâu sắc thì mới sẵn sàng dùng tài sản đó để báo đáp và phụng dưỡng cha mẹ. Thường cũng là khi chúng đã trải qua đủ sóng gió của cuộc sống, biết trân trọng hơn những gì đang xảy ra xung quanh mình.
 
Khi đó, bố mẹ giao tài sản một phần để làm vốn, để hỗ trợ chúng trong công việc làm ăn, tuy nhiên, đừng quên giữ lại một phần để đề phòng. 
 
Cho dù con đã biết lập kế hoạch tài chính và tiêu dùng hợp lý, sử dụng đồng vốn khôn ngoan nhưng sự thật là luôn có những rắc rối bất ngờ xảy ra lúc nào, thế nên đừng cho hết số tiền mình đã vất bả tích trữ trong một lúc, chỉ cho vừa đủ để thúc đẩy việc con thực hiện ước mơ mà thôi.
 
Khi đã hiểu lý do không nên cho con thừa kế tài sản quá sớm thì bạn cũng nên cân nhắc về khía cạnh này. Không có một khuôn mẫu nào cụ thể và trên đây chỉ là một số gợi ý, quan trọng là gia đình quyết định thời điểm tốt nhất theo tình hình tài chính cũng như hoàn cảnh cụ thể.

Chuyên gia phân tích tài chính ly hôn Roessler cho rằng, việc cho lúc nào phụ còn phụ thuộc vào tình hình tài chính của bên cho, cũng như bên nhận. Nhưng trước tiên, cần đảm bảo có đủ nguồn lực để trang trải các nhu cầu tài chính của bản thân, bao gồm bất kỳ chi phí chăm sóc dài hạn.

Quan trọng là làm thế nào để đảm bảo cuộc sống của bản thân cũng như của các con, mỗi người vẫn còn giữ được động lực, đam mê của mình trong cuộc sống, không ai quá phụ thuộc vào ai.