Thực tế là dù cố gắng thường xuyên lập ra kế hoạch nhưng sau đó chúng ta lại phá vỡ nó. Vì một nguyên nhân nào đó, ta cảm thấy kế hoạch đó khó tuân thủ hoặc thiếu thực tế với bản thân và tìm cớ để bỏ cuộc. Kế hoạch tiền bạc thất bại có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây.
Đi tìm nguyên nhân khiến kế hoạch tiền bạc thất bại |
1. Thiếu sự thống nhất giữa vợ - chồng
Xảy ra vấn đề bất đồng trong kiểm soát chi tiêu là điều thường thấy ở các cặp đôi khi mỗi người có quan điểm và thói quen khác nhau, không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều. Thời gian sống chung khiến bạn nhận ra những khác biệt và bắt đầu chỉ trích thói quen của đối phương.
Thế nhưng tranh cãi không làm các hóa đơn giảm đi mà mâu thuẫn gia đình ngày càng gia tăng. Trong khi đó, bạn vẫn thường xuyên trong tâm trạng lo lắng vì mục tiêu mua nhà, mua xe dường như là không thể.
Xác định rõ mục tiêu chung là gì và bản thân cần đóng góp bao nhiêu tiền. Cuối cùng, mỗi người sẽ tự điều chỉnh lại cấu trúc ngân sách của riêng bản thân sao cho phù hợp với ngân sách chung.
Trên hết, hãy biết rằng lập ngân sách cần thực hành và thử nghiệm. Nếu những gì vừa bạc bạc thống nhất xong được áp dụng vào thực tế thì tìm cách cùng điều chỉnh một chút cho đến khi cảm thấy thoải mái cho cả hai mới dừng lại. Điều chỉnh các mục tiêu tài chính để cả hai cảm thấy có cùng mục tiêu chung là điều quan trọng.
Khi đồng lòng, mỗi người cần xác định rõ mức độ đóng góp cho mục tiêu chung đã đề ra trong việc đóng góp cho một quỹ chung của cả nhà. Cả hai đều phải đóng góp tùy thuộc vào thu nhập của mỗi người, nhưng phải có sự thỏa thuận và dựa trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng.
Chúng ta thường hay mặc định "tay hòm chìa khóa" là người vợ nhưng vai trò này có thể thay đổi. Việc thu - chi nên giao cho người có năng khiếu và yêu thích công việc quản lý tiền bạc.
Mỗi khi gặp khó khăn khi hoạch định và phân bổ chi tiêu thì không nên giữ im lặng, phải thảo luận, nhờ hỗ trợ của “nửa kia” để họ cảm thấy được tôn trọng, từ đó cởi mở, trung thực và chủ động nhiều hơn khi tích lũy tài chính trong hôn nhân.
Hai người cũng không quên dành thời gian theo dõi, cùng nhau quản lý chi tiêu. Ví dụ như dựa vào mốc thời gian nhất định như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cùng ngồi lại, trao đổi và đánh giá mức độ thu - chi trong sinh hoạt gia đình.
- 55% đảm bảo chi trả tất cả nhu cầu thiết yếu và mục tiêu chung của gia đình như hóa đơn, ăn uống, tiền thuê nhà, điện - nước và chi phí đi lại.
- 10% cho mục tiêu dài hạn như mua xe, kinh doanh, sinh con và nuôi con.
- 10% dành cho mục tiêu phát triển cá nhân như tham gia khóa học, mua sách.
- 10% dành cho nhu cầu hưởng thụ như đi du lịch, ăn ở nhà hàng sang trọng, quà tự thưởng cho cả hai...
- 10% dành cho tương lai hoặc “của để dành” hỗ trợ con cái đi du học, khởi nghiệp, kết hôn và tận hưởng giai đoạn hưu trí an nhàn.
- 5% còn lại dùng để dự phòng rủi ro.
2. Không lập ngân sách để giải trí
Nguyên nhân là bởi vì hầu hết chúng ta vẫn đang nhầm lẫn giữa việc xác định nhu cầu vui chơi, giải trí là hoạt động không cần thiết và không nên dành tiền cho các khoản này.
Thực tế là việc tiết kiệm đảm bảo cho tương lai là cần thiết nhưng cũng đừng quên tạo ra một khoản ngân sách để bản thân có thể tận hưởng cuộc sống. Đừng đợi đến khi giàu mới làm được điều mình thích.
Nếu bạn không biết khuyến khích, động viên tinh thần của chính mình thì làm sao có đủ tinh thần chống chọi với những khó khăn trên đường hoàn thành mục tiêu tiền bạc của mình?
Bạn cần tìm cách để có được sự cân bằng phù hợp giữa hai điều này. Cân bằng giữa chi tiêu và tiết kiệm là chìa khóa của sự tiến bộ bền vững theo thời gian. Khoản này thường chỉ chiếm một ít trong ngân sách mỗi tháng nhưng đóng vai trò quan trọng, không nên bỏ qua.
Đó chính là động lực để bạn mong muốn có thêm nhiều thành công hơn nữa trong cuộc đời. Nếu không với tinh thần mệt mỏi, chán nản, sẽ có lúc bạn dùng hết tiền tiết kiệm để tiêu pha cho "đã đời".
Rachel Cruze - chuyên gia tài chính và người dẫn chương trình của The Rachel Cruze Show nói: “Ngân sách không giới hạn sự tự do của bạn. Ngược lại, nó mang đến cho bạn sự tự do về cả tài chính lẫn tinh thần".
Hãy luôn có kế hoạch hợp lý cho khoản tiền "ăn chơi" này và trích bao nhiêu tiền phụ thuộc vào quan điểm và điều kiện mỗi người. Thường mọi người dùng 5-10% thu nhập sau thuế nhưng nhìn chung điều quan trọng là phải tìm ra cách tiếp cận phù hợp với bản thân và luôn thoải mái về điều này.
3. Lập ngân sách không rõ mục tiêu
Cho dù bạn đang làm việc để trả nợ, xây dựng một quỹ khẩn cấp, đầu tư cho hưu trí hoặc tiết kiệm để mua nhà, việc xác định rõ mục tiêu của mình sẽ cho phép bạn kết nối ngân sách hàng ngày với những gì bạn có thể hoàn thành một cách bền vững hơn.
- Giải pháp: Bài học về xác lập mục tiêu từ người thầy Do Thái đã cho ta thấy rằng không có mục tiêu bạn sẽ không đạt được gì cả. Do đó, trước khi nghĩ tới các việc như tiết kiệm, đầu tư, mua sắm,... nên có mục tiêu rõ ràng.
Bạn cần nêu hết ra càng cụ thể càng tốt, cần phải đặt ra cả giá trị cùng thời gian thực hiện tương đương.
4. Quên quỹ dự phòng khẩn cấp
Cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, khó lường vì thế nên nhớ chuẩn bị cho mình một khoản tiền nhất định để "phòng thân", sẽ dùng chi trả cho những thứ bạn không phải trả hàng tháng, bao gồm bảo hiểm ôtô, nằm viện, sửa chữa nhà cửa, du lịch...
Một trong những lý do khiến kế hoạch tiền bạc thất bại đó là vì chúng ta chỉ nghĩ đến việc lập ngân sách hàng tháng, nên rất dễ quên đi những khoản chi bất ngờ. Đến khi có việc gấp lại dùng hết số tiền tiết kiệm cho tương lai để chi trả việc này.
Để ngân sách của bạn hoạt động hiệu quả, điều quan trọng là phải lập kế hoạch cho cả chi phí hàng tháng và chi phí ngẫu nhiên.
- Giải pháp: Kể cả khi thu nhập đã ổn định thì bạn cũng đừng quên xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp để bảo vệ tài sản gia đình trước rủi ro.
Chủ động xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp với vai trò bảo vệ gia đình trước rủi ro xảy ra đột ngột như: bệnh tật, nguồn tiền bị mất hoặc gián đoạn (thất nghiệp), làm ăn thua lỗ, tai nạn bất ngờ… từ đó nghĩ ra những phương án xử lý sẽ như thế nào một cách cụ thể từ trước.
Ví dụ cuối hoặc đầu năm, bạn cộng tất cả các khoản mà bạn dự đoán chi trong năm tới. Tiếp theo, chia tổng số tiền đó cho 12 và chuyển số tiền trên vào một tài khoản tiết kiệm riêng, không phải tài khoản dùng để chi trả hàng tháng. Khi phát sinh một khoản chi không định kỳ này, hãy sử dụng tiền từ tài khoản tiết kiệm vừa mới lập ở trên.
5. Lập kế hoạch nhưng không rút kinh nghiệm
Có một số người rất giỏi trong việc lập kế hoạch, họ cũng rất chăm chỉ ghi lại việc chi tiêu của mình từng ngày, từng tháng, từng năm,... một cách cụ thể nhưng vẫn liên tục lặp đi lặp lại sai lầm chi tiêu nhiều hơn số tiền mình đang có từ năm này qua khác khiến bản thân mãi không thoát khỏi nợ nần, không để ra được một chút tiền tiết kiệm nào.
Xem ra việc ghi chép chẳng mang lại chút lợi ích nào cho những người này khi mà tài khoản tiết kiệm vẫn mãi là con số âm. Và cũng có thể nói, họ còn chẳng nhận ra vấn đề mà bản thân đang gặp phải nên không tìm cách để sửa chữa, thay đổi.
- Giải pháp: Bạn phải hiểu rằng mục tiêu của việc ghi lại các khoản chi phí, thu nhập của mình là gì thì bạn mới có thể đi đúng hướng được.
Việc này đơn giản là để bạn nhìn vào đó, biết mình đã chi quá nhiều cho việc gì, rút kinh nghiệm để hạn chế tiêu pha vào đó (thực tế là hầu như khoản chi nào cũng có vẻ có lý). Nếu không nhìn thấy rõ các khoản chi mỗi tháng ta thường khó "đấu tranh tâm lý" mỗi khi mình muốn mua sắm chỉ vì sở thích bốc đồng của mình.
Đừng xem thường sự hấp dẫn của các món đồ quần áo, đồ dùng cá nhân,... thậm chí là khoản nhỏ thôi nhưng cũng tiêu tốn của chúng ta một khoản kha khá đấy.