Hạnh phúc là gì? Có phải là có nhà để về, có người đợi, có cơm để ăn?

Thứ Sáu, 14/02/2020 11:20 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Dù bạn đã tìm ra hạnh phúc hay đang là kẻ tự hỏi hạnh phúc là gì thì cũng nhất định nên đọc bài viết này để khám phá thêm những góc nhìn mới theo khía cạnh khoa học về khái niệm gây nhiều tranh cãi này.

1. Hạnh phúc là gì mà ta cứ mải kiếm tìm?


Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc vui vẻ, thỏa mãn khi con người ta đạt được những điều mình muốn hoặc một nhu cầu nào đó, mục đích của hạnh phúc ở mỗi người thường không giống nhau.

Có thể nhiều người đồng cảm với khái niệm hạnh phúc của một bài viết gần đây đã được chia sẻ khá nhiều trên mạng xã hội. Người viết cho rằng: "Thực ra hạnh phúc rất đỗi giản đơn: tan làm ra khỏi công ty, bạn biết rằng mình nên đi về đâu; khi màn đêm buông xuống, bạn biết rằng luôn có một ngọn đèn thắp sáng đợi bạn; xoa chiếc bụng trống rỗng, bạn biết rằng có một bàn ăn nóng hổi đang đợi mình ở nhà,..."

Chúng ta chăm chỉ làm việc để có tiền, kết hôn để xây dựng một gia đình hay làm bất cứ việc gì cũng chỉ là vì mong rằng có được một cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng khái niệm về hạnh phúc thì không ai giống ai.

Nhưng riêng tôi, tôi cũng đã tự đi khám phá khái niệm hạnh phúc cho riêng mình từ rất lâu và chợt nhận ra, hạnh phúc của tôi còn đơn giản hơn cả những gì tác giả trên đã kể ra. Vì thực thế việc "có nhà về, có người đợi, có cơm ăn" lại là điều khá xa xỉ với rất nhiều người.
 
 
Còn hạnh phúc của tôi nằm ngay trong việc tôi đang làm ở hiện tại. Ví dụ như ngay bây giờ đây, hạnh phúc là khi tôi được nói ra, được trải lòng mình về khái niệm về hạnh phúc với mọi người.

Đôi lúc tôi quên đi việc định nghĩa về hạnh phúc vì tôi đang phải tập trung cho mục tiêu lớn, mục tiêu nhỏ của mình và ngày nào cũng có cảm giác hào hứng thực hiện từng việc nhỏ một cho mục tiêu đó.

Thế nhưng, gần đây tôi gặp một người bạn đã khẳng định với tôi rằng: "Tôi chẳng hiểu hạnh phúc là gì, tôi chưa bao giờ hạnh phúc".

Người nói ra câu nói đó khiến tôi khá bất ngờ vì tôi tưởng rằng anh ta đang rất hạnh phúc với cuộc sống sung túc của mình. Anh đang làm cho hãng hàng không nổi tiếng thế giới ở vị trí mà nhiều người mơ ước. Ngôi nhà mà anh ta ở cũng thuộc "hàng khủng" ở thành phố này, tiền lương của anh chắc cũng đủ dư dả để chăm sóc gia đình, mua sắm bất cứ thứ gì mà anh ta thích.

Thế nhưng anh ta luôn cảm thấy cô đơn, thấy sợ hãi cuộc sống này khi công việc anh ta làm suốt 16 năm qua chỉ quanh quẩn với máy móc vô tri, vô giác và anh ta tự nhận rằng: "Tôi đã vô cảm mất rồi". Vì thế, hằng đêm để tránh đi những nỗi sợ, những lo lắng về tương lai và để dễ ngủ, anh ta lại uống thuốc ngủ...

Anh ta cho rằng suốt những năm qua chưa được thực sự sống cho mình, không biết tương lai sẽ đi về đâu, anh đang làm công việc hiện tại vì nó đảm bảo cuộc sống, đảm bảo sự an toàn. Nhưng ở độ tuổi gần 45 thì anh chẳng thể dám thay đổi nên những lo lắng cứ quẩn quanh và nhiều lần anh ta muốn tự tử! 

Tôi chợt nhận ra, hạnh phúc đôi khi lại là việc bạn chấp nhận sự không hoàn hảo của cuộc sống này nên biết hài lòng với những gì mình đang có cũng là niềm vui rồi, điều đó mới đủ mang lại cho ta nghị lực sống tiếp.
 
Chuyện của anh khiến tôi nhớ về chiếc gương tròn bị vỡ một mảnh và nó phải đi khắp nơi để đi tìm mảnh còn thiếu ấy. Vì có mảnh vỡ nên chiếc gương không thể lăn nhanh được được nữa, từ đó trên đường đi của nó, chiếc gương được soi từng chi tiết trên chặng đường của mình.

Có thể nói, đó là lần đầu tiên nó được thưởng thức cuộc sống theo một cách rất mới mà nó chưa từng nhận ra.

Vậy đấy, chính sự không hoàn hảo mới cho ta cơ hội ngắm nhìn vẻ đẹp của cuộc sống này, thế nên thay vì tức giận, buồn khổ vì những gì mình chưa có, bạn hãy tập trung vào những gì mình may mắn có được. Ví dụ như là nhà thuê thôi thì cũng là mình có nơi để ở, công việc cũng là tạm thôi thì cũng là có nơi chấp nhận trả lương cho công sức của mình....

 

2. Làm thế nào để có được hạnh phúc?

 
Theo góc nhìn của Phật giáo thì có khá nhiều cách để bạn có được hạnh phúc và chúng phù hợp với khái niệm hạnh phúc riêng của mỗi người. Thế nhưng, chúng có điểm chung đó là ta cần học hỏi, tu luyện bản thân để hiểu sâu ý nghĩa vô thường của cuộc sống.

Thực tế, do không hiểu bản chất của tính vô thường của đối tượng, chúng ta thường phóng ý niệm bám víu và mong cho những gì mình yêu thích được vĩnh cửu, và kết quả là khổ đau, thất vọng, sầu muộn và sợ hãi. Xem thêm: 30 Lời Phật dạy về hạnh phúc vô cùng đáng quý không nên bỏ lỡ

Theo góc nhìn của Khoa học thì thực ra khái niệm hạnh phúc cũng không sai khác nhiều so với Phật pháp. Hạnh phúc cũng đến từ những điều rất đơn giản: Đó là khi ta cảm nhận được niềm vui trong các mối quan hệ tốt đẹp.

Theo nghiên cứu mới đây về thế hệ trẻ có 80% người nói rằng khi họ giàu có hoặc là khi họ nổi tiếng thì họ mới hoàn thành được mục tiêu quan trọng nhất và khi đó họ mới cảm thấy hạnh phúc.
 
Chính những suy nghĩ đó nên con người làm việc suốt cuộc đời để cố gắng hoàn thành những mục tiêu tiền bạc và danh tiếng để mong khi đó ta có được hạnh phúc. Thế nhưng chỉ cần nhìn vào hiện tại thì bạn sẽ nhận thấy có bao nhiêu người giàu có và có danh tiếng? Nếu cứ theo khái niệm đó thì có phải hầu hết chúng ta không hạnh phúc?

Trở lại với câu chuyện anh bạn của tôi ở trên dù anh ta có tiền đấy, danh tiếng của anh chưa đủ lẫy lừng nhưng cũng đủ nổi danh cả dòng họ, cũng đáng tự hào đấy chứ. Thế nhưng anh đâu thấy hạnh phúc, anh vẫn thường xuyên nghĩ tới việc tự tử mỗi ngày.

Mới đây, đại học Harvard đã đưa ra kết luận rất đáng quan tâm sau quá trình họ thực hiện một nghiên cứu suốt 75 năm (nghiên cứu được xem là dài nhất về cuộc sống con người).

Nghiên cứu này theo dõi cuộc đời của 724 người qua từng năm, họ hỏi thăm về công việc, cuộc sống, sức khỏe... trong suốt thời gian đó. Những nghiên cứu kiểu này rất hiếm vì hầu hết chúng kéo dài nhiều nhất cũng chỉ khoảng sau 10 năm vì lý do tiền bạc hoặc nhân lực...

Nghiên cứu thực hiện trong suốt 75 năm với 4 đời giám đốc dự án và cho đến nay chỉ còn 60 người trong số đó còn sống và vẫn còn thực hiện cho việc nghiên cứu. Hầu hết những người đang sống cho tới hiện tại đang ở tuổi 90 và hiện nay nghiên cứu đang thực hiện trên 2000 con cháu của những người này. 
 
Theo Robert Waldinger - giám đốc hiện tại của dự án nghiên cứu này, họ đã đi đến kết luận rằng: Mối quan hệ tốt đẹp sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn. 
 
Robert Waldinger Giám đốc nghiên cứu của Đại học Harvard về sự phát triển của con người 

Từ quá trình nghiên cứu khá chi tiết với những tập tài liệu dày cộp, họ cuối cùng đã đúc rút ra 3 bài học quan trọng, rất đáng quý về mối quan hệ mà chúng ta nói tới để mang lại hạnh phúc cho mình đó là:
 

1. Kết nối xã hội rất tốt cho chúng ta

 
Theo đó, những ai có kết nối xã hội tốt với gia đình, bạn bè hoặc cộng đồng thường hạnh phúc hơn, có sức khỏe tốt hơn, sống lâu hơn.
 
Thực tế là là sự cô đơn có thể trở thành chất độc khiến sức khỏe của chúng ta kém đi, bộ não kém linh hoạt và không sống thọ bằng những người khác.

Điều đáng buồn là các nghiên cứu đã nghỉ ra rằng 1/5 số người Mỹ cảm thấy cô đơn, thậm chí họ có thể cảm thấy cô đơn khi đang có gia đình, con cái, cuộc sống sung túc hay có cả danh tiếng... 
 

2. Quan trọng là chất lượng mối quan hệ


Không chỉ trong công việc thì chất luôn được đánh giá cao hơn lượng mà ngay cả trong mối quan hệ của chúng ta cũng vậy. Không phải về số bạn bè bạn đang sở hữu hay việc bạn có cam kết với mối quan hệ đó hay không mà đó là về CHẤT LƯỢNG mối quan hệ.

Ví dụ như một gia đình nhiều mâu thuẫn chỉ khiến bạn buồn phiền thay vì hạnh phúc. Hơn nữa, những trận cãi vã liên miên sẽ khiến sức khỏe của bạn tệ đi mà thôi.
 
Cuộc hôn nhân không có sự kết nối còn có hại cho sức khỏe của bạn còn hơn là việc ly hôn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một người vẫn còn cảm thấy hài lòng với những mối quan hệ của mình ở tuổi 50 thì họ hoàn toàn có khả năng sống khỏe tới năm 80 tuổi. 
 

3. Mối quan hệ tốt còn bảo vệ não của chúng ta


Mối quan hệ tốt không chỉ mang tới niềm vui, hạnh phúc hay bảo vệ cơ thể về mặt thể chất mà chúng còn có khả năng bảo vệ cả não của ta.

Trong một mối quan hệ an toàn, lành mạnh, có sự kết nối thì chúng ta luôn cảm thấy rằng mình có thể tin tưởng vào người nào đó, sự an tâm đó cũng giúp trí nhớ của ta kéo dài lâu hơn. Nhưng với những ai cảm thấy thiếu tin tưởng người khác thì trí nhớ giảm sút rất nhanh. 
 
Nhưng thực tế thì những mối quan hệ tốt đẹp ấy cũng không phải luôn luôn suôn sẻ, sẽ có lúc họ cãi cọ, chỉ trích nhau nhưng điều quan trọng là là cuối cùng họ vẫn nhận thấy bản thân thấy người ấy đủ để tin cậy và dựa vào.

Sau tất cả thì khi mọi chuyện đã qua thì những tranh luận đó cũng chẳng ảnh hưởng gì tới trí nhớ của họ nếu họ vẫn tiếp tục có cảm giác có thể tin tưởng người ấy.

Mọi chuyện tưởng dễ thế nhưng tại sao con người cứ mãi đi tìm hạnh phúc của mình mà không thấy? Thực tế vì một lý do rất con người.

Giống như bạn luôn muốn tìm tới khoa học như là điểm tựa chắc chắn vậy, chúng ta thường thích cái gì đó cố định, rõ ràng, nghĩa là hạnh phúc là thứ gì đó ta nắm bắt được, giữ chặt lấy nó rồi mới cho rằng mình hạnh phúc.
 
Thế nhưng các mối quan hệ thì rất phức tạp, nó chẳng theo hệ thống cụ thể nào cả, đó lại là sự cảm nhận nên con người mới cảm thấy rắc rối, khó hiểu và nhiều người cảm thấy mình chẳng hạnh phúc. Thế nên đó không phải là cảm giác mãi mãi, đó là sự nhận thức mà trí tuệ mang lại, vì thế ta có thể luyện tập để cảm nhận vị của hạnh phúc mỗi ngày.