Thứ Hai, 03/02/2020 09:45 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chúng ta thưởng hay mải mê theo đuổi những điều ở đâu mà không nhận ra giữ chữ tín mới dễ thành công vì từ đó mới mang lại may mắn, nguồn hỗ trợ vô cùng vô tận từ người khác, lợi thế tuyệt vời mà không phải ai cũng có được.
Câu chuyện về việc giữ chữ tín rung động lòng người
Đời Hán, Trương Kham vốn là một người có vai vế thời bấy giờ kết thân với Chu Huy. Trương Kham rất khâm phục đức hạnh của Chu Huy và có lần ông nói với Chu Huy rằng: “Ông là người biết giữ mình, rất đáng tin cậy, tôi có thể phó thác vợ con tôi cho ông”.
Rất coi trọng những gì Trương Kham nói nên Chu Huy khá lúng túng, không biết phản ứng như thế nào, chỉ cung kính chắp tay tiếp nhận như là một lời đồng ý với người bạn của mình.
Sau khi Trương Kham mất, bởi vì là quan thanh liêm nên không để lại tài sản gì. Chu Huy nghe nói gia đình Trương Kham rất nghèo khó liền đích thân đến thăm và thường tiếp tế tiền bạc, lương thực.
Con trai không hiểu vì sao cha mình hết lòng giúp đỡ người khác mà không một chút toan tính nào cả nên hỏi cha: “Cha ơi, có phải người và gia đình Trương Kham có mối thân tình đặc biệt gì ạ?”
Chu Huy nói: “Trương Kham đã có lời phó thác tri kỷ với cha, trong lòng cha đã nhận lời rồi”.
Trương Kham không phải là người bạn duy nhất được Chu Huy giúp đỡ, ông còn hỗ trợ hết mình cho người bạn tên là Trần Ấp. Khi Trần Ấp qua đời quá sớm, Chu Huy dốc hết sức mình giúp Trần Ấp hoàn thành trách nhiệm của người cha với đứa con tên Trần Hữu.
Một lần Thái thú Nam Dương mời con trai Chu Huy ra làm quan, Chu Huy tạ từ và tiến cử Trần Hữu.
Không chỉ có vậy, có năm Nam Dương xảy ra nạn đói lớn, Chu Huy gây xúc động khi đem hết tiền của trong nhà ra cứu trợ người dân xung quanh.
Sau này Chu Huy làm quan đến chức Thượng thư lệnh, con trai ông là Chu Hạm làm Thừa tướng, cháu trai ông là Chu Mục làm Thứ sử Ký Châu. Mọi người đều nói đây đều là kết quả do đức hạnh Chu Huy giữ chữ tín, giữ lời hứa, vui lòng giúp đỡ mọi người mà có được.
Chữ tín giúp ta thành công vượt bậc trong cuộc sống
Qua câu chuyện trên, có thể thấy từ xa xưa những bậc đại nhân đã hiểu ra rằng giữ chữ tín mới dễ thành công. Người mà không có chữ Tín sẽ đánh mất nhân phẩm, chuẩn mực của đạo làm người.
Người xưa giữ gìn lời hứa, nói đi đôi với làm, đối với một lời giao phó thì cả đời không quên, vì thế thực sự trở thành người có lương tri, chính nghĩa và cảm ân.
Vì vậy, nếu bạn đang có kế hoạch ghi ra những mục tiêu trong năm mới cũng đừng quên giữ chữ tín. Đó thực sự là điểm mấu chốt, tiêu chuẩn đạo đức đối nhân xử thế cơ bản, cách duy nhất để thu phục người khác.
Đừng cho rằng càng dùng nhiều mánh khóe càng có được nhiều lợi lộc về mình càng tốt. Có thể, bạn sẽ đủ may mắn đạt được điều mình muốn nhưng những thứ đó đều không bền, chúng sẽ sớm "đội nón ra đi" mà thôi. Nếu tính toán điều gì hãy nghĩ về dài hạn mới là khôn ngoan.
Đã bao giờ bạn tự hỏi: Vì sao một số người có thể đạt được thành công vượt bậc trong cuộc sống? Thậm chí là đối với người mà bạn thấy họ không quá tài năng, nhạy bén và có năng lực hơn người?
Trong Ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) của Nho giáo, thì chữ Tín có vai trò vô cùng quan trọng. Đó là lòng tin tưởng giữa người và người, là cách người ta giữ trọn lời hứa để tạo lòng tin với nhau, là không bội ước, thất hứa.
Khổng Tử nói: “Nhân vô tín, bất lập”, nghĩa là người không giữ chữ tín thì không thể đứng được trong thế gian, không thể làm người. Tín trong Ngũ thường là một trong năm yếu tố, điều kiện để hoàn thiện con người theo quan niệm chung của nền minh triết Đông phương.
Học cách giữ chữ tín từng việc nhỏ bé
Dù bạn có gạch bao nhiêu đầu dòng về những dự định sẽ làm trong năm mới thì nhớ tâm niệm trong lòng rằng nói lời phải giữ lấy lời, phải giữ lời hứa, giữ chữ tín, phải có trách nhiệm với những gì mình nói. Không thể chỉ vì một chuyện nhỏ bé mà giữa chừng bỏ dở, vi phạm lời hứa.
Chữ Tín là cái gốc làm người. Con người trong xã hội, trong cộng đồng, cần có quan hệ qua lại, trao đổi thông tin, chia sẻ ý kiến, thể ngộ, giao lưu tình cảm, sở thích.
Có thể, với một số người thực hành giữ chữ Tín đã hình thành từ lâu nhưng với một số người là việc rất khó khăn, thế nhưng đừng nản lòng, bạn có thể bắt đầu bằng những việc thật nhỏ. Ví dụ như không vội hứa với con điều mà bạn không chắc chắn, cố gắng thực hiện từng việc một mà bạn từng hứa với người thân...
Trong quan điểm của nhà Phật, niềm tin vô cùng quan trọng. Người tu luyện tinh tấn không ai là không có một đức tin lớn với Thần Phật với Đạo Pháp. Tín cũng là điểm tựa, tạo nên sức mạnh để người tu luyện có thể vượt qua những quan ải, kiếp nạn trên đường tu hành của mình.
Chỉ khi bạn giữ được chữ tín thì mới nhận được sự tin tưởng của người khác. Niềm tin chính là của cải lớn nhất của cuộc đời bạn. Vì khi bạn cần, người khác có thể trao cho bạn hạnh phúc và tài phú bất cứ lúc nào.