6 điều gây HỐI TIẾC nhất cổ nhân khuyên chúng ta phải tránh kẻo cuộc đời lao dốc

Thứ Tư, 20/11/2024 14:39 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những điều hối hận của cổ nhân để lại sau đây, cho dù trải qua thời gian bao lâu đi chăng nữa vẫn còn nguyên giá trị tốt đẹp để chúng ta và con cháu của mình có thể học hỏi và thực hành theo.


Thời Bắc Tống có tể tướng Khấu Chuẩn nổi tiếng văn võ song toàn, giỏi làm thơ, phú. Lúc nhỏ Khấu Chuẩn là cậu bé du đãng, vô phép, lại thích chơi chim, phá phách... nhưng được bà mẹ nghiêm khắc dạy dỗ nên mới thành người, lớn lên đỗ đạt, làm quan nhưng mẹ của ông vẫn luôn tìm cơ hội để chấn chỉnh con trai tránh đi sai đường. 

Bằng kinh nghiệm của mình, ông đã làm một bài thơ "Lục Hối" nghĩa là 6 điều hối hận trọng cuộc sống để làm bài học dạy chúng ta cách sống và những điều nên tránh để không phải hối hận sau này.

Chỉ với 6 câu thơ đơn giản nhưng sâu sắc, giúp ta tỉnh ngộ, mà sống lại cuộc sống cho đúng đạo lý làm người. 
 
Lục hối minh
 
Quan hành tư khúc thất thời hối.
Phú bất kiệm dụng bần thời hối.
Thế bất thiếu tích, quá thời hối.
Kiến sự bất học, dụng thời hối.
Tửu hậu cuồng ngôn, tỉnh thời hối.
An bất đắc tức, bệnh thời hối.

(Tạm dịch:
Làm quan tư lợi, mất rồi mới tiếc
Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa
Trẻ không hiếu học, già hối đã muộn
Thấy việc không học, cần không có, hối hận khôn nguôi
Rượu vào cuồng ngôn, tỉnh hối muộn màng
An không điều dưỡng, đổ bệnh trách ai.)
 
 

1. Làm quan tư lợi, mất rồi mới tiếc

 
 
Làm quan tư lợi là một trong những điều hối hận của cổ nhân vì không ít người đã thất bại ê chề, mất đi danh tiếng và cả công sức hiển hách trước đây của mình chỉ vì lòng tham.

Trong văn hóa truyền thống thì quan lại chính là người chăm nom đời sống cho nhân dân, là người phân xử sự việc đúng sai, có chức có quyền, đi đâu cũng được nể trọng chính vì vậy người làm quan phải là người công minh, đôn hậu, biết sống vì người khác.

Thế nhưng không ít người lợi dụng chức quyền của mình để tư lợi cho cá nhân khiến người dân oán thán. Cuối cùng đến ngày không còn giữ được vị trí cũ thì cũng chẳng có ai lui tới.

Chuyện kể lại rằng Khấu Chuẩn từ nhỏ cha mất sớm, mẹ làm nghề dệt vải để nuôi cậu sống qua ngày. Dù đêm khuya một tay bà vẫn kéo sợi dệt vải, tay kia dạy con trai đọc sách.

Nhờ sự đốc thúc của mẹ mà sau này Khấu Chuẩn đỗ được trạng nguyên. Khi hay tin con đỗ đạt, mẹ ông đang mang bệnh nặng, trước lúc lâm chung, bà giao một bức họa do chính tay bà vẽ cho người nhà mình tên là bà Lưu rồi dặn: "Ngày sau Khấu Chuẩn nhất định sẽ làm quan, nếu nó có làm điều gì sai trái, thì bà hãy giao bức họa này cho nó!"
 
Tới lúc hấu Chuẩn làm tới chức Tể tướng, có lần ông mở tiệc sinh nhật linh đình với 2 đoàn gánh hát, chuẩn bị yến tiệc tiếp đãi bạn bè và các quan trong triều. Bà Lưu nghe tin liền đem bức họa của mẹ ông gửi lại.
 
Khấu Chuẩn mở ra xem, nhìn thấy một bức vẽ “Hàn song khóa tử” (Người đi thi đang học hành), trên bức họa có đề một bài thơ:
 
Cô đăng khóa độc khổ hàm tân
Vọng nhĩ tu thân vi vạn dân
Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn
Tha niên phú quý mạc vong bần.

(Tạm dịch:
Vất vả đọc sách dưới ánh đèn
Mong con tu thân vì dân chúng
Lời của mẹ dạy sống cần kiệm
Giàu sang khi ấy đừng quên nghèo.)
 
Đọc xong lời dạy của mẹ, ông như bừng tỉnh, đọc đi đọc lại 3 lần, bất giác nước mắt tuôn rơi khi nhớ lại lời dạy của mẹ mình. Sau đó, ông lập tức dẹp bỏ tiệc sinh nhật.

Kể từ đó, Khấu Chuẩn luôn luôn giữ mình trong sạch, hành xử công bằng và vô tư, đã trở thành một hiền tướng nổi tiếng của triều đại nhà Tống. 
 

2. Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa

 
Không chỉ đến thời hiện đại nhìn thấy tấm gương của những người giàu có nhưng vẫn sống đơn giản, cần kiệm mà từ xa xưa ông cha ta cũng đã khuyên con cháu mình phải giữ lối sống giản đơn mới mong tránh xa được tương lai nghèo khó.

Ai chẳng thích có một cuộc sống xa hoa nhưng điều đó chỉ chứng tỏ là mình thiếu khôn ngoan về tiền bạc. Làm một tiêu mười thì kiếm tiền bao nhiêu cũng chẳng xuể cho thói ăn chơi của mình.

Mà thói đời quen sống hưởng thụ, đam mê vào những món ăn, đồ dùng xa xỉ rồi thì đến khi làm ăn khó khăn, cuộc sống không còn thuận lợi như xưa thì lại không thể thích nghi nổi.

Với phong cách sử dụng tiền bạc như cũ thì nhanh chóng rơi vào hoàn cảnh nghèo khó, túng thiếu. Lúc này hối hận cũng đã quá muộn màng, có kể về những ngày huy hoàng của mình thì vẫn bị xem thường.

Thế nên, cổ nhân mới khuyên rằng điều quan trọng nhất là tích phước đức cho mình để nó có thể cứu ta ra khỏi hoàn cảnh khó khăn. Còn ăn chơi sa đọa chỉ làm tổn hao phước đức của mình mà thôi.  
 

3. Trẻ không hiếu học, già hối đã muộn

 
Cuộc sống hiện đại, giá trị vật chất lên ngôi nên các bạn trẻ đua nhau đi kiếm tiền ngày đêm nhưng cái quan trọng nhất là học hành để cải thiện, nâng cấp bản thân thì hoàn toàn bị xem nhẹ.

Bên cạnh đó, không ít người đề cao cuộc sống hưởng thụ vì sợ rằng già không được "ăn chơi" nữa. Họ hiểu nhầm khái niệm hạnh phúc bằng với giá trị của việc ăn chơi, hưởng thụ. Cuối cùng sau các cuộc vui họ thấy trống rỗng, cô đơn, không hiểu đâu mới là niềm vui đích thực.

Đó là lý do không ít người trẻ trong cuộc sống hiện đại bị bệnh tự kỷ, người thì sử dụng chất cấm để giải tỏa các vấn đề của mình, để trốn khỏi cảm giác cô đơn, lạc lõng.

Những giá trị về việc học tập từ xưa tới nay luôn được đề cao, chỉ có các bạn trẻ nông nổi mới không chịu nghe lời, những người lớn tuổi đã rút kinh nghiệm nên truyền dạy lại cho con cái mình nhưng không phải ai cũng nghe.

Đến khi tuổi già ập đến, tóc đã điểm bạc thì lúc đó họ lại thấy hối tiếc cũng đã muộn màng vì thời gian không chờ đợi ai, tuổi trẻ đã qua cũng không thể níu kéo lại nổi. 

Nếu bạn còn trẻ, hãy tìm hiểu IKIGAI là gì để chọn ra con đường phù hợp để ít nhất một lần theo đuổi đam mê, khát vọng của mình, không ngừng học hỏi để phát triển bản thân, sớm hoàn thành mục tiêu của cuộc đời mình, về già còn có điều gì đáng tự hào để kể cho con cháu của mình nghe.
 

4. Thấy việc không học, cần không có, hối hận khôn nguôi

 
Nhiều người cho rằng học nhiều chẳng ích gì, chỉ học những thứ thực sự cần thiết cho những gì xảy ra trước mắt mình thôi. Thế nhưng cuộc sống khó lường, luôn có thể xảy ra những điều bất ngờ trong cuộc sống của mỗi chúng ta, đến khi cần những kiến thức quan trọng nhưng lại không đủ khả năng xử lý.

Đến lúc này, ta lại ước gì đã học, đã hiểu khi có cơ hội đến với mình trước đó, thế nhưng bản thân lại vội vàng bỏ qua vì nghĩ rằng chúng không quan trọng. 

Ngay cả Bill Gates, doanh nhân giàu nhất thế giới vẫn học hỏi không ngừng, ông luôn xem sách như là lẽ sống và mỗi năm ông chỉ ra những cuốn sách hay mà mình đã đọc nhằm khuyến khích tinh thần đọc ở mọi người.

Ông từng cho biết rất nhiều cuốn sách ông đọc đã cứu mình trong hoàn cảnh khó khăn khi ra quyết định. Trong những hoàn cảnh cần kíp, những kiến thức cũ ông từng đọc liền "trở về" hỗ trợ ông nhanh chóng quyết định trong thời khắc quan trọng nhất.

Có thể thấy, hiểu biết và đọc sách, khám phá, tìm hiểu kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau là rất quan trọng, chúng hỗ trợ ta vào lúc xảy ra tình huống bất ngờ, không được định sẵn trước.
 

5. Rượu vào cuồng ngôn, tỉnh hối muộn màng

 
 
Rượu chè dù là để quên sầu hay để giao tiếp xã hội cũng là điều hối hận của cổ nhân vì không ít sự việc đáng tiếc xảy ra trên bàn nhậu cho dù mục đích ban đầu của nó là để vui vẻ.

Từ xưa tới nay những tai họa do rượu mang lại nhiều vô kể. Thậm chí có những người bình thường hiền lành nhưng trong men say làm những việc tệ hại, đến khi tỉnh lại thì hối hận cũng quá muộn màng. Thế nên người ta mới gọi "ma rượu" là vậy vì khi đó ta không còn được làm chủ cơ thể, trí tuệ của mình, mặc cho "ma men" lộng hành.

Không phải ngẫu nhiên ngũ giới trong Đạo Phật có riêng một điều cấm kỵ về rượu vì Đức Thế Tôn đã nhìn thấy rõ những nguy cơ từ việc uống rượu có thể gây ra cho con người.

Người nghiện rượu sẽ không thể nào dứt được cơn thèm, họ cũng không có lúc nào tỉnh táo để có thời gian tu tâm dưỡng tính, không phát triển được những giá trị đạo đức và tâm linh. Mê đắm trong rượu chè thì khó mà cứu ra nổi.

Vậy nên tốt hơn hết hãy tránh xa rượu, dù một ít thôi cũng nên từ chối vì từ "một ít" đó chúng ta sẽ dễ sa đà uống nhiều lúc nào không hay.
 
 

6. An không điều dưỡng, đổ bệnh trách ai

 
"Phòng bệnh hơn chữa bệnh" vậy mà lúc khỏe mạnh chẳng mấy ai chăm sóc cơ thể mình, đến khi đổ bệnh rồi mới chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm cách chữa trị thì cũng đã quá muộn.

Thế nên, thần y nổi danh xa xưa tên là Tôn Tư Mặc đã tập trung vào việc dưỡng sinh và chính điều đó giúp ông sống tới 141 tuổi. Việc dưỡng sinh không hề khó, nhưng nó cần sự kiên trì, duy trì thành thói quen hàng ngày. Đó là cách duy nhất giúp chúng ta tránh xa bệnh tật.

Thế nên, nếu hiện tại bạn đang làm việc ngày đêm quên cả sức khỏe của mình thì nên tỉnh táo. Đừng xem thường sức khỏe đến mức khiến cho cơ thể dần suy kiệt, rồi đến khi bệnh tật kéo đến có muốn khỏe mạnh như xưa cũng không thể được nữa rồi.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: