Những điều chớ làm với cha mẹ kẻo cố bù đắp bằng lòng hiếu thảo thế nào cũng không đủ

Thứ Năm, 11/03/2021 15:33 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những điều chớ làm với cha mẹ sau đây bao gồm những lời nói, hành động mà các con phải lưu ý để đừng để các bậc phụ huynh của mình có cuộc sống nhiều muộn phiền ở tuổi xế chiều.
  

1. Chớ chê cha mẹ chậm chạp
 

Càng cao tuổi, bố mẹ chúng ta càng chậm chạp và khi đó ta phải cùng họ đi cùng hay làm cùng sẽ thường cảm thấy khó chịu vì tốc độ không tương đồng. Nhất là khi phải đuổi theo thời gian để vội làm việc gì, ta càng dễ có xu hướng cáu gắt bố mẹ.

Đâu phải ai cũng cảm nhận được sự bất tiện trong việc di chuyển của bố mẹ mình khi tuổi đã xế chiều, chính họ cũng không thích cơ thể nặng trịch, mệt mỏi của mình nữa cơ mà. Thay vì cáu gắt, chê bai hay ghét bỏ họ lúc này thì ta phải thể hiện sự cảm thông hoặc hỗ trợ họ khi cần. 

Hãy nhớ lại cảnh chúng ta khi còn nhỏ mà xem: Bố mẹ ta đã từng phải kiên nhẫn như thế nào để cố vũ chúng ta đi từng bước nhỏ một. Thế mà bây giờ chỉ vì một vài lần bố mẹ chậm chạp mà ta đã tỏ ra khó chịu, bực dọc như thế.

Thực tế là lúc bố mẹ còn trẻ, khỏe họ còn năng động, giúp chúng ta làm bao nhiêu là việc lớn nhỏ. Qua thời gian, vì phải kiếm sống và nuôi dạy chúng ta nên họ mới còng lưng mệt mỏi và chập chạp như vậy.
 
Nếu một ngày cha mẹ già yếu, đừng quên sự hiếu thuận vì đó là bộn phận của mỗi chúng ta trong trách nhiệm của một người con.
 
 

2. Đừng oán thán cha mẹ ốm đau
 

Một trong những điều chớ làm với cha mẹ đó là để mặc họ khi họ ốm đau, bệnh tật và cô đơn. Trong cuộc đời này, mắc nợ cha mẹ chính là món nợ là ta khó trả một cách sòng phẳng nhất. 

Cha mẹ cũng tuân theo vòng sinh - lão - bệnh - tử của một kiếp người, khi ở bên kia dốc của cuộc đời họ thường mang trong mình nhiều bệnh. Lúc này, họ rất cần có các con cái ở bên để chăm sóc nhưng có mấy ai làm tròn được nhiềm vụ này cơ chứ, thế nên mới câu nói: “Nằm lâu trên giường bệnh mới biết con có hiếu hay không”. 

Cha mẹ chăm con thì dễ nhưng điều ngược lại rất khó khăn. Thực tế là khi chúng ta còn nhỏ, ốm đau liên miên, gây xáo trộn cả nhà, dù bận rộn đến đâu, dù ngày hay đêm, dù mưa gió hay bão bùng, bố mẹ cũng mang ta đi khám bệnh rồi thức trắng đêm chăm sóc, lo lắng. 
 
Vì thế, khi cha mẹ ốm, ta đừng chớ vội phàn nàn hay chê họ phiền phức, chỉ mong rằng ta sớm nhận ra và có thể trở thành những người con chăm sóc cha mẹ một cách tận tâm và hiếu thảo.
 

3. Chớ chê cha mẹ kém cỏi


Khi chúng ta trưởng thành, kiếm được chút tiền lại tỏ ra kiêu ngạo, hoặc chê bố mẹ ngày xưa nghèo khó. Thế nhưng đã bao giờ bạn thực sự ngồi xuống, nghe câu chuyện về cuộc sống của họ?

Bố mẹ cũng từng có tuổi trẻ như bạn, họ đã từng sôi nổi tìm kiếm các cơ hội, cuộc đời cũng có lúc thăng, lúc trầm, và chắc chắn có lần họ đã tự hào với một thành tích nào đó mà bản thân đã đạt được.

Nhưng dù thế nào cũng chớ chê cha mẹ kém cỏi, cho dù họ không đủ khả năng cho bạn khoản thừa kế lớn hay tạo cho bạn một môi trường và nền tảng gia đình như mong muốn, thì cũng phải tôn trọng họ. 

Làm người muốn thành được việc lớn, trước hết phải có lòng bao dung cha mẹ. Vai trò của bạn là tự tạo ra và gây dựng cuộc sống của mình, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh nữa. 

Dù có điều kiện hay không cũng phải đối xử cung kính và quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của họ. Mỗi ngày nên dành chút thời gian để nói chuyện với bố mẹ. Trong hoạt động hàng ngày sẽ dễ có xung đột nhưng cần khắc chế hành động để không khiến cha mẹ buồn phiền, luôn đối xử với cha mẹ bằng thái độ nhẹ nhàng. 
 
Việc mỉm cười với cha mẹ trong bất kỳ hoàn cảnh nào lại không phải là việc dễ dàng thế nhưng hãy kiên nhẫn và từ tốn với họ bạn nhé. 
 
 

4. Đừng oán thán trước lời phàn nàn của cha mẹ
 

Cha mẹ có thể vì không vừa lòng vì việc ta làm mà phàn nàn hoặc có khi chỉ vì cao tuổi nên họ bị lẫn, bắt đầu nói đi nói lại điều đã nói khiến ta cảm thấy phiền phức. 

Thực ra, họ cũng chỉ mong ta tốt lên nhưng cách thể hiện không phù hợp mà thôi. Thay vì hờn trách, ta nên tìm hiểu xem sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ có cảm thấy điều gì bất tiện hay không để bản thân lưu ý, tránh làm họ phiền lòng.

Hơn nữa, những gì họ phàn nàn không phải là không có lý, chúng có thể dựa trên kinh nghiệm thực tế mà họ đã từng trải qua và muốn truyền đạt lại cho bạn nữa đấy.
 
 

5. Đừng oán thán cha mẹ nói nhiều
 

Một trong những điều chớ làm với cha mẹ đó là cố tình liên tục cắt ngang những gì họ đang nói bằng thái độ cáu kỉnh khi họ đang cố giao tiếp với chúng ta.

Người lớn tuổi hay nói nhiều và nhất là hay so sánh thời xưa với thời nay vì đó đúng là cảm xúc và suy nghĩ thực tế của họ cần được chia sẻ. Chẳng cần đợi khi ta già, hiện tại ta cũng đang so sánh mình với trẻ con bây giờ đấy thôi. 

Vì thế, khoảng cách thế hệ dẫn theo khoảng cách trong giao tiếp là điều dễ hiểu, do đó, nên thông cảm cho những lần bố mẹ nói nhiều, nhất là khi họ đang cố truyền lại kinh nghiệm sống cho con, đây là một cách quan tâm và giúp đỡ của cha mẹ.

Hơn nữa, chính ta cũng không có quyền oán thán, từ ngày nhỏ, khi lên 3 lên 4, chúng ta biết nói nhiều hơn cũng là khi chúng ta hỏi bố mẹ không ngừng nghỉ với hàng trăm câu hỏi vì sao. Thế mà bố mẹ vẫn kiên nhẫn giải thích. Giờ đây, họ nói nhiều một chút cũng bị chê trách hoặc thậm chí bị mắng mỏ là điều không đáng phải không nào?

 
 Nghe lời Phật dạy về lòng hiếu thảo để thấy chúng ta đã hiểu sai như thế nào