Câu chuyện “phù phép” điểm thi ở Hà Giang và bài học về lòng trung thực

Thứ Hai, 23/07/2018 16:57 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tính cách trung thực thật thà đi đâu cũng được quý mến nể trọng, có được lòng tin của mọi người. Còn kẻ tiểu nhân chỉ biết chụp giật, nói dối không ngớt, có sống cũng chẳng được lâu dài. Đó là bài học về lòng trung thực qua chuyện điểm thi Hà Giang.
 
Gian lận thi cử “động trời” ở Hà Giang cùng những biểu hiện tương đồng ở các địa phương khác trong kì thi THPT quốc gia 2018 đã khiến dư luận không khỏi sốc, bàng hoàng. Qua câu chuyện cuộc sống này, bài học về lòng trung thực đáng để mỗi người phải tự ngẫm lại chính mình.

 

 

Câu chuyện “phù phép” điểm thi Hà Giang 
 

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, một vụ gian lận thi cử chưa từng có đã được phanh phui ở Hà Giang với hơn 330 bài thi của 114 thí sinh được sửa điểm.
 
Có bài thi được nâng tới 8,75 điểm, và có những thí sinh có tổng điểm được nâng lên 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Trong số 114 thí sinh được sửa điểm, có cả con em của các lãnh đạo đương nhiệm của tỉnh này.
 
Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là đảm bảo sự phân hóa tốt hơn; do đó, có rất ít thí sinh được điểm 10 và tỷ lệ đạt điểm 9 mỗi môn và tổng điểm 27 trở lên của ba môn cũng giảm.
 
Với môn Toán, nhiều giáo sư, học giả toán học đã phản ánh rằng đề toán năm nay quá khó trong một số mã đề mà chính bản thân họ còn khó có thể giải hết đề này trong thời gian quy định.
 
Tuy môn Toán khó như vậy nhưng Hà Giang có tới 57 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, trong khi một số tỉnh thành khác như TP.HCM chỉ có 32 và Nam Định có 13 thí sinh đạt kết quả như vậy.
 
Tương tự, môn Vật lý, riêng tỉnh Hà Giang có 65 thí sinh được hơn 9 điểm, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi cả nước.
 
Kết quả thi khối A1 với ba môn Toán, Vật lý, Ngoại ngữ, cả nước có 76 thí sinh đạt tổng điểm trên 27 thì Hà Giang có 36 thí sinh đạt mức điểm này, chiếm 47,37% cả nước.
 
Có thể nói độ khó và đảm bảo sự phân hóa của đề thi năm nay đã 'vô tình' tố cáo hành vi gian lận thi cử ở Hà Giang với những kết quả 'nổi bật' như vậy. Hoặc giả người thực hiện việc sửa điểm đã không lường trước được điểm thi quá 'nổi bật' đã góp phần tố cáo sự gian lận của họ.
 

“Ngẫm” về câu chuyện sửa điểm thi Hà Giang

 

Mấy tuần vừa trôi qua, mỗi sáng thức dậy, vào Google, gõ hai chữ "Hà Giang" hay cụm từ "điểm thi Hà Giang", người ta đều hồi hộp, lo lắng, chờ đợi.
 
Chờ đợi sự trừng trị thích đáng dành cho những kẻ xem thường luật pháp, bất chấp đạo lý. Nhưng mọi người vẫn muốn tìm ở đâu đó trong cơ man những thông tin kia về bài học cho các đấng sinh thành và nỗi trăn trở trước số phận của hơn 100 “đứa trẻ” được cho là nạn nhân của “trò chơi người lớn” kia.
 
Chỉ cần ra khỏi phòng thi, bình tâm lại một chút, mỗi thí sinh đều đoán được có thể chính xác 90% số điểm mình đạt được. Con số phần trăm này chắc chắn còn tăng lên khi đáp án được công bố công khai, tràn lan lên mạng sau đó.
 
Ngoại trừ một số em lệch một, hai điểm. Còn lại, với con số chênh lệch điểm quá lớn, tại sao các em không thắc mắc, không lên tiếng, không phản đối, không tỏ rõ sự trung thực của mình?
 
Các em dư sức biết khi các em được nâng điểm tức là các em sẽ tước đi cơ hội của các bạn đã rất nỗ lực học tập, đã thi cử trung thực, đã khiến cho các bạn ấy không đỗ vào được những ngôi trường mà các bạn mong muốn.
 
Các em dư sức biết điểm chuẩn vào trường đại học có ranh giới rất mong manh được tính bằng nửa điểm. Tại sao các em không thấy xấu hổ? Tại sao các em lại im lặng? Câu trả lời là bởi vì các em chỉ là “những đứa trẻ con mười tám tuổi”.
 
Mới vừa đây thôi, các em còn “hồn nhiên, vô tư lự” ngày mấy bận ngồi sau lưng mẹ tới trường. Mới vừa đây thôi, các em còn được mẹ bưng bữa ăn tối vào tận phòng, được bố chữa cho cái công tắc đèn bị hỏng. Mới vừa đây thôi, mỗi khi gặp phải chuyện gì, việc đầu tiên các em nghĩ đến là tìm kiếm sự giúp đỡ của bố mẹ.
 
Cũng vừa mới đây thôi, khi quyết định học trường nào, chọn ngành nào, thay vì tự các em chọn lựa, sau đó chỉ cần thông báo với bố mẹ quyết định của mình thì “những đứa trẻ con mười tám tuổi” ấy đã ngoan ngoãn vâng lời: “Vô tư, để đó tao (bố/mẹ) lo”. Thay vì cảm thấy xấu hổ, rất nhiều em còn tự hào vì bố mẹ mình có thể “làm được chuyện ấy”.  
 
Sống trung thực, thật thà, biết hoạch định tương lai, biết tự bước đi trên chính đôi chân của mình… là tính cách đặc trưng của tuổi mười tám trưởng thành chứ không phải của “những đứa trẻ con mười tám tuổi”, là sản phẩm của cách giáo dục bao bọc, che chắn từ các bậc cha mẹ danh gia vọng tộc, lắm quyền, nhiều của.
 
Giờ đây, khi sự thật được phơi bày, không biết các em làm sao chống đỡ? Các em sẽ đối diện thế nào trước bạn bè, thầy cô và dư luận? Chắc chắn các em sẽ buồn bã, thất vọng và suy sụp.
 
Nhưng đó chỉ là những trạng thái nhất thời trước mắt. Tương lai mới đáng sợ hơn nhiều. Đó là một thế hệ con trẻ trưởng thành từ gian dối, một thế hệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thuộc hàng chất lượng kém, góp phần tạo ra một thế hệ gian lận, bịp bợm tiếp theo. Cái giá mà xã hội phải trả là bao nhiêu? Đất nước sẽ đi về đâu? Thật là một câu hỏi khó trả lời.   
 
Hiểu theo nghĩa nào đó, sự bại lộ này của Hà Giang có thể được xem là một vận may. Rồi những người phù phép một con số trong vòng sáu giây kia sẽ bị pháp luật trừng trị, thậm chí đi tù. Nhưng bài học mà mà tất cả chúng ta rút ra được từ đây về cách giáo dục con cái lòng tự trọng, tính trung thực, sống độc lập không dựa dẫm mới giá trị hơn nhiều.

 

 

Bài học rút ra từ câu chuyện “phù phép” điểm thi
 

Câu chuyện về điểm thi Hà Giang chúng ta có thể rút ra bài học: để sống và làm người trung thực thật không đơn giản!  
 
Dẫu biết người trung thực trong bất cứ hoàn cảnh nào đều được tín nhiệm, đánh giá cao; thế nhưng, xã hội ngày nay, không ít người vì lợi ích cá nhân mà dối trá, lừa người, mang lại rất nhiều cái hại.
 
Thiếu trung thực (nói dối) làm cho con người đánh mất bản thân, đánh mất lý trí, sống trong sự giả dối của chính lương tâm.
 
Nói dối quen miệng sẽ trở thành cái tật rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa.
 
Lời Phật dạy, nói dối ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định xã hội. Nói dối phá hoại sự ổn định đó. Con người chỉ có thể sống chung với nhau trong một bầu không khí tin cậy lẫn nhau, tin cậy rằng, mọi người đều nói thật.

Nếu mọi người đều nói dối, thì đó là dấu hiệu của xã hội giải thể và tan rã. Nói dối làm cho con người đánh mất bản thân.
 
Người ta vẫn có câu: “Khi nói ra một lời nói dối thì phải mất thêm 10 câu nói dối nữa bao biện cho câu ban đầu”. Nghĩa là, lời nói dối này kéo theo lời nói dối khác rồi một lời nói dối khác nữa, còn nghiêm trọng hơn, cho tới khi bản thân mình cũng bị bao bọc bởi tấm màn dối trá do mình tạo ra.

Một con người như thế ngày càng tách rời xa đích giải thoát và giác ngộ, ngày càng sa đọa vào vòng tội lỗi, khó gỡ ra được. Một người đã sống không thật với người khác, và với bản thân mình, thì sẽ không bao giờ tìm tới sự thật, chứ đừng nói chứng ngộ sự thật.
 
Thế mới nói, “Thành tín” là đạo đức tốt đẹp của con người. Con người ta đôi khi vì lợi ích, thiệt hơn, được mất mà lừa dối người khác, nhưng cuối cùng, sau khi trải qua rồi quay đầu nhìn lại mới thấy, thứ mà mình đánh mất (thành tín) là vô giá mà thứ mình nhận được lại chỉ là phù du.
 
Thủy Nguyễn