Không đứa trẻ nào tự nhiên ngoan, người Nhật áp dụng cách này để kỷ luật con cái

Thứ Sáu, 25/11/2022 09:32 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Dạy con tính kỷ luật theo cách của người Nhật là dựa trên sự thấu hiểu đặc điểm tính cách của trẻ. Họ hoàn toàn không áp đặt, quy chụp ý kiến của mình trong bất cứ tình huống nào.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
Hình ảnh những cổ động viên Nhật Bản tại giải World Cup 2022 ở lại dọn rác sau khi trận đấu kết thúc đã nhận được nhiều tình cảm của mọi người trên khắp thế giới. Hành động đẹp khiến mọi người càng có cơ hội trầm trồ về ý thức tuyệt vời của những con người đất nước hoa anh đào này.

Điều này càng khiến chúng ta tò mò về việc dạy con tính kỷ luật theo cách của người Nhật. Thực tế là không có khái niệm kỷ luật bẩm sinh, không phải cứ sinh ra là chúng tự động nghe lời bố mẹ với sự tôn trọng tuyệt đối, tuân thủ các quy tắc một cách chính xác.

Mọi thứ đều qua rèn luyện mà có được và bố mẹ người Nhật cũng đã rất kiên nhẫn trong việc xây dựng nếp sống kỷ luật cho các con của mình. 
 

Dạy con tính kỷ luật theo cách của người Nhật

 

1. Lặp đi lặp lại tạo thành thói quen


Để dạy con trẻ như thế nào là kỷ luật thì rất khó vì những khái niệm đó nghe rất xa vời. Do đó, người Nhật tập trung vào hành động nghĩa là việc lặp đi lặp lại cho tới khi chúng hình thành thói quen mới thôi.

Ngay từ khi con sinh ra, họ luôn tạo tính kỷ luật bằng cách xây dựng những nếp sống khoa học nhất định bắt buộc con phải làm theo. Từ nhà cho tới lớp học, họ áp dụng lịch trình nghiêm ngặt, lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Ở trường, con sẽ học các bài hát, trò chơi, hành vi lịch sự như xếp giày gọn gàng và ngồi ngay ngắn, cho đến khi tất cả trở thành thói quen.
 
Trẻ được áp dụng các kỷ luật này sẽ hình thành nên những nguyên tắc cơ bản phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống như chuẩn bị bữa ăn, cách lau dọn nhà cửa, cách chào hỏi, xưng hô,…

Những nề nếp đó được diễn ra thường xuyên, hàng ngày và ngày càng hoàn thiện, giúp dần loại bỏ đi hành vi xấu, sự vụng về của trẻ.
 
Tính kiên nhẫn trong rèn luyện tính kỷ luật cho con của bố mẹ người Nhật còn thể hiện ở việc họ không ngần ngại nhắc đi nhắc lại khi con làm sai. Nếu sai nữa, họ vẫn tiếp tục nhắc lại, hướng dẫn, làm mẫu cho đến khi bao giờ con đã làm đúng, làm bố mẹ hài lòng mới thôi.

Trước đây từng có một thí nghiệm nhỏ cho thấy sự khác biệt của bà mẹ người Nhật và bà mẹ châu Âu khi cả hai nhận được yêu cầu cùng con xây dựng kim tự tháp.

Mẹ người Nhật trước tiên sẽ tự xây kim tự tháp và yêu cầu con xem rồi làm lại. Nếu con không làm được, người mẹ sẽ khích lệ lắp lại từ đầu. Người mẹ châu Âu lại khác, bà giải thích cách lắp ráp cho con và để chúng làm thử.
 
Thử nghiệm này cho thấy, phương pháp của các bà mẹ Nhật có thể giúp trẻ học theo những điều tốt đẹp của người lớn và chủ động hoàn thành công việc.
 

2. Hiểu giai đoạn khủng hoảng của con

 
Người Nhật dù dạy con có tính kỷ luật nhưng phải dựa trên sự thấu hiểu chứ không phải là sự áp đặt một cách máy móc. Hơn ai hết, họ biết trẻ cũng phải trải qua thời kỳ khó khăn khi cơ thể biến đổi trong giai đoạn khủng hoảng lên 2, lên 3, dậy thì,...

Những đứa trẻ ngoan nhất trong nhà bạn thì vẫn trải qua giai đoạn khủng hoảng như thường. Đó là những lúc con có thay đổi trong cơ thể của mình, rất khó chịu nên chúng phản ứng ra ngoài bằng cách cáu gắt, quát tháo, giận dỗi hay có những đòi hỏi vô lý,...

Những phụ huynh Nhật Bản hiểu những giai đoạn này của con và dường như không can thiệp chút nào. Ví dụ như một đứa trẻ khủng hoảng tuổi lên 2 đang ngồi trên mặt đất, khóc lóc, la hét ở sân chơi trong công viên, trong khi bố mẹ chúng tỏ ra không quan tâm. 

Thực ra họ kiên nhẫn, thấu hiểu và đồng hành cùng con qua giai đoạn này. Họ biết rằng sau đó chúng lại trở về đứa trẻ ngoan ngoãn như xưa.
 

3. Giữ kỷ luật nhưng luôn giữ thể diện cho trẻ

 
 
Trẻ con thơ dại nên rất cần được uốn nắn, thế nên việc nghiêm khắc dạy con cái là điều cần thiết. Thế nhưng hầu hết chúng ta hành động bộc phát, quát mắng khi con phạm sai lầm, làm việc sai trái. Những phụ huynh Nhật sẽ không quát mắng hay quy chụp mà rất bình tĩnh khi dạy con.

Những khi con quấy khóc, làm phiền nơi công cộng, họ cố gắng đợi đến lúc có không gian riêng tư mới trò chuyện với con. Đứa trẻ cũng là một cá nhân riêng biệt cần được tôn trọng, thế nên họ không trách mắng con trước mặt đông người vì sẽ khiến đứa trẻ xấu hổ.

Những bố mẹ người Nhật sẽ tôn trọng cảm xúc của trẻ. Đầu tiên, họ sẽ không bao giờ làm bẽ mặt con mình. Họ còn dạy còn hiểu cảm xúc của người khác, thậm chí là cảm xúc của những đồ vật.

Nếu con quấy khóc, họ sẽ bình tĩnh dẫn con đến một nơi riêng tư và dạy bảo, nhắc nhở con trên cơ sở tôn trọng bản thân con mình. Chính sự tôn trọng trẻ nên những đứa con Nhật luôn nghe theo lời bố mẹ và trưởng thành trong sự dạy bảo khoa học, quy củ.

Hơn nữa, việc dạy con chốn riêng tư cũng là cách phụ huynh giữ thể diện cho cả chính mình. Bố mẹ chính là tấm gương để trẻ soi chiếu và thể hiện hành vi nơi công cộng. Cuộc hội thoại chốn riêng tư có vẻ hiệu quả hơn việc quát tháo để kìm hãm con giữa đám đông.
 
Các hình phạt nghiêm khắc thái quá không được khuyến khích. Điều quan trọng là dạy trẻ về kỷ luật bằng cách làm mẫu, lặp đi lặp lại để chúng ghi nhớ và tự sửa sai. 
 

4. Kỷ luật tập thể
 

Việc tương tác với tập thể rất quan trọng vì đó là cách chúng ta phát triển trong xã hội này. Xã hội Nhật Bản yêu cầu tính tập thể cao. Vì thế, các bố mẹ người Nhật dạy con không chỉ biết quan tâm, chú trọng đến hình tượng cá nhân mà còn phải bắt buộc có tinh thần tập thể.

Không phải ngẫu nhiên những người Nhật gây ấn tượng đẹp đẽ về việc dọn rác nơi công cộng. Hành động này đã trở thành thói quen từ nhỏ của bất cứ cá nhân nào trên xứ sở hoa anh đào. 

Trước khi lên 5 tuổi, trẻ sẽ được làm mọi việc theo sở thích. Từ 5-15 tuổi, chúng bắt đầu học cách tự lập. Kỷ luật tập thể được thực hiện khi trẻ bắt đầu vào học tại các trường cấp 2. Từ 15 tuổi trẻ lên sẽ ngang hàng với bố mẹ.
 
Dạy con tính kỷ luật theo cách của người Nhật còn bao gồm việc giáo dục trẻ biết đặt lợi ích của toàn thể lên trước. Họ luôn cố gắng dạy con trở thành người hòa đồng nhưng không xem nhẹ giá trị bản thân.

Họ tin rằng, thông qua những hoạt động tập thể để giúp cho trẻ phát triển, khám phá bản thân cũng như khám phá cuộc sống, tăng tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa những người bạn.