Dạy con biết cách tự lập: Có nên cho con biết sớm về chuyện tiền bạc của gia đình?

Thứ Ba, 01/06/2021 10:06 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Để con trở thành thiên tài là điều gì đó quá xa xôi, nhưng việc dạy con biết cách tự lập là việc thiết thực, nên làm, do đó các bậc phụ huynh nhất định không được lơ là việc này.

Với lối sống hiện đại được du nhập từ rất nhiều quốc gia khác nhau khiến rất nhiều ông bố, bà mẹ rất muốn học cách để có thể dạy con tự lập. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh ở thế hệ 4.0 này biết rằng để con phụ thuộc, dựa dẫm quá vào mình không hề là một việc tốt.

Phải để cho con tự biết đứng dậy sau những vấp ngã, sai sót thì chúng mới thực sự trưởng thành hơn. Thế nhưng, không có nghĩa là tự nhiên mà con biết tự lập, chính chúng ta phải là người hướng dẫn từng đường đi nước bước để các con xây dựng thói quen tốt này.

1. Dạy cách kiểm soát cảm xúc của bản thân

 
Trẻ con thường không kiên nhẫn, khi muốn có được món đồ nào đó, chúng thường cố gắng vòi vĩnh, đòi cho bằng được. Trẻ thường làm đủ mọi cách từ khóc lóc van nàn cho tới nằm ăn vạ... Nhiều người ngay lập tức đã ôm con vỗ về và làm theo ý của chúng để tránh phiền phức.

Thực ra, những lúc như thế bố mẹ cũng phải kiên nhẫn mới dạy cho con hiểu rằng không phải cứ muốn điều gì là được đáp ứng ngay lập tức.

Hoặc khi trẻ gặp vấn đề với bạn bè trong lúc chơi thì chúng ta cũng không nên can thiệp quá sâu, phải để con hiểu và chấp nhận những vấn đề rắc rối mà con mình gây ra để lần sau chúng tự rút kinh nghiệm rằng sẽ không ai giúp và chính mình phải tự chịu trách nhiệm.

Đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình phát triển cách quản lý cảm xúc ở trẻ.
 
 

2. Quản lý tiền tiêu vặt 

 
Không ít bậc phụ huynh phân vân không biết khi nào dạy con về tiền bạc. Việc này không cần phải đợi tới khi nào con lớn hay trưởng thành, đơn giản là khi nào bạn thấy cần cho con tiền tiêu vặt thì đồng thời hướng dẫn, chỉ bao cho con luôn.

Trước tiên, cần cân nhắc xem nên cho con bao tiền và cho con biết mỗi hôm cần dùng bao nhiêu, nhưng nếu con tiết kiệm được thì sẽ dành dụm được bao nhiêu, có thể dùng số tiền đó mua thêm những món đồ nào mà con thích. 

Không bao giờ là quá sớm để hướng dẫn chúng các vấn đề liên quan đến tiền và bao gồm cả tiết kiệm. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngồi lại cùng con lên kế hoạch cho việc kiếm tiền hợp lý để con bắt đầu có khái niệm "dùng tiền đẻ ra tiền".
 

3. Dạy con làm việc nhà

 
Vì quá yêu chiều con nên các ông bố, bà mẹ cố gắng làm hết mọi việc nhà cho con, họ mong con có nhiều thời gian hơn để học hành nên không cần phải làm việc nhà. Thế nhưng đó mới là nguyên nhân khiến bọn trẻ có xu hướng ỉ lại, đến khi nhờ chúng làm việc gì thì sẽ tìm cách từ chối, trốn tránh, không chịu làm.

Hãy nghĩ tới cảnh con đi học xa hoặc khi chúng có gia đình riêng nhưng không biết làm gì, quần áo vứt khắp nơi, cơm cũng không chịu nấu thì chính bạn có an tâm không?

Do đó, bạn chỉ cần kiên nhẫn dạy chúng làm việc nhà từ khi nhỏ thì chúng sẽ trở thành thói quen và đó là những kỹ năng sống cần thiết để chúng biết cách tự lập khi không có bạn ở bên. Hơn nữa, những đứa trẻ không thường làm việc nhà sẽ có xu hướng ích kỷ, không biết quan tâm, chăm sóc người khác, khó hòa nhập với mọi người. Bạn đâu mong muốn tương lai con mình là một người như vậy phải không nào?
 
 

4. Dạy trẻ cách quan tâm tới người khác

 
Bạn phải cho trẻ biết rằng không chỉ chăm sóc tốt bản thân mà còn cần học cách quan tâm đến người khác. Chính bạn cũng là người làm gương cho điều này, khi bạn thể hiện sự quan tâm tới ai đó hãy nói và giải thích cho trẻ hiểu.

Ngoài ra, khi tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện có thể cho con đi theo cùng để con bạn học cách giúp đỡ và yêu thương mọi người. Điều này có ảnh hưởng rất tích cực đến việc hình thành nhân cách của trẻ từ nay về sau. 
 

5. Cho con biết tình hình tài chính gia đình

 
Với lối tư duy cũ, nhiều gia đình không cho con biết về tình hình tài chính vì cho rằng chúng còn quá nhỏ để hiểu tình hình. Thực ra, các bạn nhỏ cũng rất nhạy cảm, chúng cũng biết khuôn mặt bạn khi nào buồn vì hết tiền hay khi nào bạn vừa nhận lương và mua sắm nhiều hơn bình thường.

Thay vì trốn tránh, bạn cũng hãy cho con bạn biết về tình hình chi phí của gia đình bạn. Bạn nói rõ gia đình cần bao nhiêu tiền cho sinh hoạt phí hàng tháng, tiền học cho các con là bao nhiêu,...

Khi chúng biết sớm thì trong đầu của chúng cũng hình thành lối tư duy quản lý tiền bạc, tránh việc đòi mua quà, vòi vĩnh,... nhờ đó mà chúng kiểm soát được việc mua sắm quá tay sau này. Từ chuyện tiền, chúng cũng có thể học quản lý tốt cả chính bản thân mình nữa. 
 

6. Thói quen ăn uống lành mạnh

 
 
Trẻ con giờ đây bị "tiêm nhiễm" bởi lối sống hiện đại với đồ ăn nhanh, nước uống đóng chai và chúng dường như không thích đồ ăn lành mạnh mà bố mẹ ăn hàng ngày. Không những thế trẻ còn thường "nghiện" điện thoại thông minh, tivi và lười vận động và lối sống thụ động này đã âm thầm gây hại cho cả thế hệ tương lai.
 
Trong việc dạy con biết cách tự lập, các bậc phụ huynh cũng phải hướng dẫn con về giá trị dinh dưỡng sớm trong từng món ăn, từ đó cùng con lập kế hoạch dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của trẻ, phát triển thói quen ăn uống lành mạnh.

Ngoài ra, bạn cũng cần cho con tham gia các lớp học vận động, giúp con bạn luôn năng động, vui vẻ, tránh lối sống thụ động gây ra nhiều bệnh tật.
 

7. Hướng dẫn con bạn đặt mục tiêu

 
Không phải đứa trẻ nào cũng biết tới từ "mục tiêu" và nếu biết chúng thường đặt ra điều gì đó quá xa vời, thiếu thực tế như muốn nổi tiếng như MC Trấn Thành, muốn thành Hoa hậu Việt Nam, muốn làm siêu nhân...

Do đó, bạn phải khéo léo là người định hướng, hướng dẫn cho trẻ đặt ra các mục tiêu cụ thể, trước tiên là mục tiêu ngắn hạn và sau đó là dài hạn. Ví dụ như những mục tiêu nho nhỏ hàng ngày để chúng có thể dễ dàng đạt được, khi chúng tận hưởng niềm vui khi đạt được chúng sẽ hào hứng hơn cho những mục tiêu tiếp theo. 

Qua đó, bố mẹ cũng dạy trẻ tự tin vào bản thân và khuyến khích trẻ suy nghĩ độc lập bằng cách hãy để trẻ tự đưa ra những quyết định. Đôi khi chúng có thể phạm sai lầm nhưng đó là bài học cần thiết để trẻ tự rút kinh nghiệm cho bản thân.