Thứ Tư, 19/07/2017 15:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nói đến những câu chuyện tình cảm động đã đi vào cổ tích, có lẽ không ai không biết đến Ngưu Lang Chức Nữ. Song kì thực phía sau câu chuyện đó còn ẩn chứa nhiều đạo lý răn dạy cuộc đời, để con người ta sống tốt và có trách nhiệm hơn.
“Trên trời Chức Nữ với Ngưu Lang,
Một dải sông Ngân lệ mấy hàng.”
Thi sĩ Tản Đà đã viết nên những câu thơ bay bổng đó để kể về mối tình say đắm mà đau khổ giữa chàng Ngưu Lang và nàng tiên Chức Nữ.
Hai con người không kể thiên đình hay trần gian cách biệt, vượt mọi khoảng cách để yêu thương nhau, nhưng số phận trớ trêu cách chia đôi lứa, khiến họ chẳng thể mãi mãi ở bên nhau mà chỉ có thể mỗi năm một lần gặp nhau ôn lại tình xưa.
|
Đạo lý ngày Ngưu Lang Chức Nữ, câu chuyện tình lưu danh thiên cổ |
Có lẽ chuyện tình Ngưu Lang Chức Nữ khiến mọi người không khỏi cảm động vì mối tình si, song ít ai thấu hiểu được những đạo lý ở đời được người xưa khéo léo truyền tải qua câu chuyện cổ tích đó. Hôm nay, các bạn hãy cùng Lịch ngày tốt tìm hiểu xem có những đạo lý gì ẩn giấu phía sau câu chuyện tình yêu đẫm lệ này nhé.
1. Đạo lý về hiếu nghĩa trên đời
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ, ta thấy trong câu chuyện, chàng Ngưu Lang sống cùng anh trai và chị dâu. Dù chị dâu độc ác và đem lòng ghét bỏ mình nhưng Ngưu Lang không chút oán hận mà vẫn làm đúng phận người em, hiếu nghĩa với anh chị, làm theo những gì anh chị căn dặn.
2. Đạo lý về tinh thần trách nhiệm trong công việc
Trong một phiên bản khác, Ngưu Lang và Chức Nữ sở dĩ bị chia cách bởi dải sông Ngân vì họ đã vì tình riêng mà chểnh mảng việc chung. Ngưu Lang vốn là vị thần phụ trách chăn trâu cho Ngọc Hoàng, còn Chức Nữ là nàng tiên chuyên lo dệt những áng mây trời.
Nhưng Ngưu Lang vì say mê sắc đẹp của Chức Nữ mà lơ là nhiệm vụ, để trâu nghênh ngang đi vào điện Ngọc. Còn Chức Nữ không chăm chỉ dệt vải nữa mà chỉ mải lắng nghe tiếng sáo tiếng tiêu của chàng Ngưu Lang, làm trễ nải việc của Trời.
Chính vì thế mà để răn đe Ngưu Lang Chức Nữ cũng như những vị thần tiên khác khi không tuân theo lệnh Trời, chểnh mảng công việc chung, không có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, Ngọc Hoàng mới dùng sông Ngân để chia cách hai người.
Tiếp nữa, khi Vương Mẫu chia cách Ngưu Lang Chức Nữ song vẫn cảm động trước tình cảm của hai người nên lệnh cho chim quạ báo tin cho hai người cứ cách 7 ngày gặp gỡ một lần, song lũ quạ đểnh đoảng báo sai tin, thành ra hàng năm đôi tình nhân chỉ có thể gặp mặt vào ngày 7 tháng 7.
Để phạt lỗi không hoàn thành nhiệm vụ đó, Vương Mẫu nương nương đã bắt lũ quạ phải tự mình bắc thành cây cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau.
3. Đạo lý về sức mạnh của tình yêu
Ở phiên bản mà Ngưu Lang chỉ là chàng trai nghèo chăn trâu nơi hạ giới, còn Chức Nữ là nàng tiên xinh đẹp trên trời, ta có thể thấy tình yêu chân thành sẽ vượt qua mọi khoảng cách.
Ngỡ như trần gian và thiên đình là hai thế giới hoàn toàn khác biệt, hai con người đến từ hai thế giới đó cũng chẳng thể hòa hợp với nhau, nhưng đến cuối cùng tình yêu đã xóa nhòa mọi khác biệt và san bằng mọi khoảng cách.
Nàng tiên sống trong nhung lụa vì người mình yêu mà chấp nhận cuộc sống thiếu thốn về vật chất, song Chức Nữ không vì thế mà buồn, nàng vẫn chăm chỉ làm việc để mang tới cho cả hai cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn Ngưu Lang, chàng trai nghèo không vì địa vị thấp kém mà không dám nói lên tình yêu. Đứng trước người mình đem lòng yêu mến, chàng trai đó đã dũng cảm thổ lộ lòng mình, cuối cùng có được trái tim người đẹp.
Vì tình yêu, Ngưu Lang sống có trách nhiệm hơn, cố gắng hết sức để dành cho người mình yêu những điều tốt nhất.
Tình yêu chân thành cũng có thể làm cảm động cả trời xanh. Tuy Ngưu Lang Chức Nữ bị phạt không được ở bên nhau, nhưng tình cảm mà họ dành cho nhau là điều ai cũng thấy.
Ngọc Hoàng và Vương Mẫu nương nương cũng không khỏi xúc động trước tình yêu sâu đậm của hai người nên mới cho họ thêm một cơ hội, đó là hàng năm được gặp lại nhau.
4. Đạo lý về tuân thủ phép tắc, luật lệ trong cuộc sống
Vương Mẫu nương nương phát hiện ra Chức Nữ chung sống với người phàm, vi phạm thiên quy nên đã sai Thiên binh hạ phàm, đưa nàng về trời.
Qua đó có thể thấy, trong cuộc sống, có nhiều phép tắc, luật lệ mà chúng ta bắt buộc phải tuân thủ. Về tình, hai người không làm điều gì sai, họ chỉ sống vì tình yêu.
Song về lý, Chức Nữ là tiên trên trời, mọi chuyện phải được sự cho phép của Vương Mẫu nương nương, đâu thể tự tung tự tác, làm theo ý mình. Sống trong xã hội, chúng ta cũng phải tuân theo những quy tắc đã được đặt ra, không thể vì ý thích của bản thân mà làm rối loạn kỉ cương.
Tuệ Minh