Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Đạo làm người nhân đức của cổ nhân: Trí tuệ lớn lao đúng đắn đến muôn đời sau

Thứ Tư, 06/09/2023 17:40 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những câu nói về đạo làm người nhân đức của cổ nhân có hàm nghĩa sâu sắc mà không phải ai cũng có thể hiểu rõ. Điều quan trọng là chỉ cần áp dụng một khía cạnh nhỏ ta cũng có được cuộc đời an lạc.

Dao lam nguoi nhan duc cua co nhan
 

1. Hành thiện quý ở hiếu thảo, tu thân khó ở lúc một mình


Hành thiện khắp nơi nhưng quên mất việc hiếu thảo với cha mẹ thì công đức ấy chẳng được bao nhiêu. Thế nên đạo làm người nhân đức của cổ nhân luôn nhấn mạnh việc hiếu thảo với đấng sinh thành mới là việc quan trọng nhất. Thế nên hiểu đúng chữ hiếu cũng quan trọng không kém, chỉ ở bên cạnh phụng dưỡng cũng chỉ mới là một khía cạnh rất nhỏ của chữ hiếu mà thôi.

Đôi khi không cần ở gần nhưng làm được việc tốt để lại tiếng thơm muôn đời, khiến bố mẹ tự hào, vui khỏe, sống lâu mới là việc nên làm. Hoặc thấy hướng dẫn để bố mẹ hiểu đạo, hiểu đời, hiểu nhân quả để sống thiện lành những ngày cuối đời thì mang lại công đức lớn lao hơn cả... Thế mới nói rằng chữ hiếu nghe đã nhiều nhưng để hiểu đúng không phải là việc dễ dàng gì.

Câu nói: "Tu thân khó ở lúc một mình" hàm ý mỗi người thích thể hiện bản thân nên khi có người khác thì cố gắng tỏ ra mình tốt hoàn hảo. Thế nhưng khi ở một mình nghĩ rằng việc mình làm không ai biết nên dễ làm chuyện sai trái.

Thế nhưng bậc chí nhân quân tử thì luôn soi xét lại bản thân mình mỗi ngày, sống là phải giáo dục con người tự giác tu dưỡng, rèn luyện và cải thiện bản thân, trở thành một người có nhân cách lí tưởng, nhân hậu, trung thực, lương thiện...
 

2. Quân tử thì tích lũy nhiều mà chỉ dùng ít một


Người xưa nói: "Quân tử hậu tích nhi bạc phát" (Tạm dịch: Quân tử thì tích lũy nhiều mà chỉ dùng ít một).

Người quân tử luôn xem trọng việc tích lũy từ tiền bạc cho tới kiến thức, kinh nghiệm chứ không lãng phí thời gian, tiền bạc cho những chuyện không đâu.

Một người nhân đức vẹn toàn sẽ cố gắng không ngừng học hỏi nhưng chẳng mấy khi để hết cái sở học ấy lộ ra ngoài vì chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân. Họ chỉ vận dụng vừa đủ những gì mình biết, mình hay. Như thế cũng là đạo lý khiêm cung, khiêm nhường, không tự cho mình là nhất.

Trong cuốn "Hạc lâm ngọc lộ" của La Đại Kinh thời Tống có câu: "Nhất nhật nhất tiễn, thiên nhật thiên tiễn, thằng cứ mộc đoạn, thủy tích thạch xuyên". (Tạm dịch: Một ngày một đồng, nghìn ngày nghìn đồng, thừng cưa gỗ đứt, nước chảy đá mòn).

Nghĩa là tiền bạc tích lũy từng chút một, còn làm việc gì cũng kiên trì từng bước, từ nhiều việc nhỏ thành việc lớn, chớ mong có kết quả nhanh chóng sau một sớm một chiều. Thực tế hầu hết mọi người thất bại không phải vì không giỏi hay không đủ may mắn là vì họ dễ dàng bỏ cuộc, không kiên trì tới cùng.
 

3. Đối nhân quý ở chân thành, xử thế quý ở khiêm tốn


Trong đối nhân xử thế, quan trọng nhất đó là sự chân thành. Khi hai người thường có quan điểm khác nhau, vẫn tiếp thu những ý kiến khác đưa ra, từ đó dẫn đến chữ "hợp", chứ không phải tranh cãi mà dẫn đến mất lòng nhau.

Sự chân thành sẽ làm rung cảm người đối diện chứ không phải những lời hoa văn nhưng không thực tế. Đó cũng là cách để duy trì tình cảm lâu dài giữa người với người.

Đối xử với nhau chân thành sẽ không tính toán, mưu mô, trục lợi mà luôn giữ tâm trong sáng vô tư và hết lòng vì người. Thậm chí sẵn sàng chịu thiệt thòi về mình, sẵn sàng khoan dung rộng lượng.

"Xử thế quý ở khiêm tốn" nghĩa là dù mình là ai cũng phải thể hiện sự khiêm nhường, đừng tỏ ra rằng mình hiểu biết hơn hay khôn ngoan, giàu có hơn, vì việc đó thật vô nghĩa trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Thay vào đó, có cơ hội, hãy nghe nhiều hơn, nhìn nhiều và học nhiều hơn.

Người khiêm tốn biết sống một đời bình an, không ngã lòng bởi hư vinh vụt sáng, không mê đắm trong bóng trăng ảo ảnh. 

Doi nhan quy o khiem ton
 
 

4. Dùng người như dụng cụ, sử dụng sở trường riêng của họ


Cổ nhân có câu: "Dụng nhân như khí, các thủ sở trường" nghĩa là dùng người giống như dụng cụ, hiểu rõ sở trường riêng của mỗi người mà tận dụng nó.
 
Mỗi người có một khả năng nhất định, nếu không được ở đúng chỗ sẽ trở thành vô dụng. Ngay cả đồ vật cũng vậy, không thể mang chiếc rìu đi chặt cá hay không thể mang chiếc dao bé đi đốn cây lớn trong rừng... Món đồ nào cũng có ích nếu sử dụng đúng mục đích của nó.

Có được khả năng đánh giá đúng năng lực của người khác là điều quan trọng nhất đối với một người lãnh đạo vì dùng sai người vừa tốn công lại vừa vô ích.

Dùng nhân tài cũng phải căn cứ sở trường của mỗi người mà dùng, không những phát huy đầy đủ tác dụng của nhân tài, mà còn có nhân tài dùng không hết. Nếu không nhìn ra ưu điểm, chỉ thấy nhược điểm của họ, thế thì trên đời không có người có thể dùng được rồi.
 

5. Làm người hồ đồ tất có nhân duyên, làm việc hồ đồ ắt có cơ duyên


Cuộc sống này chẳng có ai hoàn hảo nên người tỏ ra tuyệt vời lại là người dại dột nhất, luôn phải che giấu đi những thiếu sót của mình, lòng chẳng thể nào được an yên.

Nước trong quá thì không có cá, nếu nghiêm túc, khôn ngoan, nghiêm khắc quá thì không ai dám gần.
 
Thực ra cứ giả ngốc, giả khờ mới có thể dễ nắm, dễ buông lúc cần. Cổ nhân không ít người cố tình giả ngô nghê, ngốc nghếch để có thể tránh được những mối họa lớn trong đời. 

Trong “Sử ký” có viết về những lời Lão Tử khuyên Khổng Tử: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”, hàm nghĩa rằng những ai buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ.

Khổng Tử còn cho rằng, một người phải phải bỏ khí kiêu ngạo và tâm dục vọng thì mới có thể trở thành thánh nhân. Đây được gọi là “Bậc đại trí giả ngu”. 
 

6. Làm người quý ở thiện tâm, làm việc quý ở tận tâm


Đáng quý nhất ở một người đó là có được thiện tâm, trong công việc đáng giá nhất đó là sự tận tâm.

Cổ nhân có câu: “Hưởng thụ vật chất khiến một người khoái hoạt nhất thời, còn thiện tâm khiến một người hạnh phúc cả đời”. Điều này có nghĩa là thiện tâm là một loại cảm xúc tốt đẹp nhất cần phải duy trì, nuôi dưỡng vì nó sẽ giúp ta hạnh phúc cả đời.

Cuộc đời này lên xuống khó lường, thế nhưng người có thiện tâm sẽ không bị làm phiền hay xáo động bởi đủ loại phiền phức đó. Do đó, họ có được sự tĩnh lặng, an vui mà kể cả những người giàu sang chưa chắc đã có được.
 

7. Không đạm bạc không sáng chí, không tĩnh lặng không nghĩ được xa xôi


Trong lá thư dạy con mình, Gia Cát Lượng viết: "Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn" (tạm dịch không đạm bạc thì không thể sáng chí, không tĩnh lặng thì không nghĩ được xa xôi).

Những người tham đắm trong việc thỏa mãn bản thân từ ăn uống, tiêu dùng thì khó mà nghĩ được mọi chuyện thông suốt. Người không đủ bình tĩnh, an ổn trong lòng thì khó có được tầm nhìn xa trông rộng.

Thế nên theo cổ nhân, một trong những đức tính đáng quý của bậc quân tử đó là đạm bạc, giản đơn. Họ cho rằng cách sống thanh đạm này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn tốt cho việc tu dưỡng tâm tính.

Đạm bạc không phải là sống một đời nghèo khó mà là biết đủ, cơm đủ ăn, áo đủ mặc, còn lại vui với đạo Trời, tùy duyên hành xử, xa vòng lợi danh, giữ tròn khí tiết.

Sự an tĩnh trong tâm hồn luôn được đề cao vì nó phản ánh quá trình tu dưỡng của một người. 
 

8. Khắp nơi đều là vàng, một phân bản lĩnh một phân bạc


"Khắp nơi đều là vàng" nghĩa là bất cứ nơi đâu cũng là vàng, cơ hội luôn luôn có sẵn, quan trọng là bạn có bản lĩnh hay không mà thôi.  Hơn nữa, chỉ khi kiếm miếng cơm manh áo bằng chính bản lĩnh của mình thì bạn mới có thể làm người làm việc bằng cái tâm.

Thế nên đừng mãi kêu than rằng mình không may mắn, chỉ là chưa cố gắng đến cùng mà thôi. Trong cuộc sống này ai cũng có phần riêng của mình, thế nhưng mấy ai chịu đi tìm lấy nó, chỉ biết ngồi đó mà than thân trách phận.
 
Câu: "Một phân bản lĩnh một phân bạc" nghĩa là nếu có một phần bản lĩnh là có thể nhận được một phân bạc. Ông trời luôn rất công bằng, một kẻ ba phần bản lĩnh nhưng lại ăn mười phần cơm thì chắc chắn là đang gian lận để có được nó. Như vậy, có giàu sang thì sống cũng sẽ không thoải mái.
 

9. Biếu cha mẹ 12 lạng, con cháu trả lại bạn cả cân


Câu này hàm nghĩa ta đối đãi với bố mẹ như thế nào thì con cái trong tương lai cũng đối đãi với ta tương tự.

Đi đâu cũng phải nhớ tới nguồn cội, gốc rễ của mình vì trong một gia đình là một cây đại thụ, ông bà là rễ cây, cha mẹ là cành lá, con cái là quả ngọt. Chỉ khi bạn chăm bón cho rễ thì cành lá mới tốt tươi, quả mới ngọt và có được nhiều dinh dưỡng.
 
Một người khi phụng dưỡng cha mẹ, con cái đang nhìn vào họ, cha mẹ hiếu thuận tôn kính với bậc trên là đang làm gương cho con cái.
 
Con cái thông qua hành động của cha mẹ để hiểu thế nào là hiếu. Trong một gia đình, nếu cha mẹ hiếu thuận với người già, vậy thì con cái sẽ hiếu thuận với cha mẹ, cả nhà hòa thuận đầm ấm.
 

10. Thành tâm thì sẽ linh nghiệm, chỉ có phẩm đức cảm động được Trời

 
Người xưa có câu: Tiểu phú do nhân, đại phú do Thiên nghĩa là những việc nhỏ chúng ta có thể quyết nhưng việc lớn là do Trời định.

Thế nên trong mọi chuyện, một khi bắt tay vào làm thì cần phải chuyên tâm, nỗ lực và đối đãi mọi người bằng sự thiện lương của mình. Chăm chỉ thôi chưa đủ, phải biết nghĩ cho người khác, tránh tâm phân biệt, khi thành tâm đối đãi thì tất được thành công, mọi sự ắt linh nghiệm.

Tận tâm làm việc là thể hiện một người có trách nhiệm, có đạo đức nghề nghiệp và giữ chữ tín. Cổ ngữ nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, vô luận là làm việc gì nếu có thể tận tâm làm hết sức mình thì cho dù sự tình thành hay bại trong tâm chúng ta cũng không nuối tiếc.

Nhất là những ai có phẩm đức cao thì ngay cả trời xanh cũng cảm động. Giữ gìn sự lương thiện cũng có ngày có thể cảm hóa lòng người, được ông Trời.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X