Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Danh sách việc nhà nhất định phải dạy con: Bạn sẽ bất ngờ vì những gì con làm được đấy

Thứ Sáu, 18/11/2022 15:39 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nếu còn hoang mang về danh sách công việc nhà nên dạy con thì bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây. Bạn cũng có thể bổ sung thêm một số nhiệm vụ khác mà bạn có thể nghĩ ra để hỗ trợ con hoàn thiện kỹ năng sống nhé.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Tại sao trẻ em nên làm việc nhà?


Nhiều người phân vân không biết trẻ em có nên làm việc nhà hay không vì chúng còn quá nhỏ. Tuy nhiên, nếu bạn biết phân chia nhiệm vụ phù hợp thì không có gì là không thể.

Trên thực tế nếu một đứa trẻ biết làm việc nhà sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các kỹ năng khác của con, ngoài ra, con còn có thể "giúp bạn một tay", giảm bớt gánh nặng cho các bậc làm bố làm mẹ vì lúc nào cũng phải làm luôn tay, luôn chân mà không hết việc.

Các nhà nghiên cứu lại chứng minh khác, lợi ích của việc dạy trẻ làm việc nhà rất rõ rệt. Nếu được dạy làm việc nhà sớm sẽ ảnh hưởng rất tích cực tới trẻ trong tương lai, giúp bé rèn luyện tính cách và học thêm nhiều kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.

Điều quan trọng là bạn hiểu ở độ tuổi nào con có thể biết làm việc gì để từ đó hướng dẫn cho trẻ có khả năng tự dọn dẹp. Đừng ngại ngần dạy con để chúng biết mình nên có trách nhiệm hơn từ khi còn nhỏ.
 
Cách "giao việc" cho con cũng nên khéo léo, không nên ép buộc hay áp đặt vì con cũng là một cá thể độc lập, cũng cần được tôn trọng và yêu thương dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa. Bạn có thể cho con được lựa chọn việc nhà chúng muốn làm, hỏi và lắng nghe ý kiến xem trẻ thích làm việc nhà nào nhất.

Bạn có thể hỏi để con đưa ra quyết định: “Con thích làm công việc nhà nào? Con muốn dọn bàn ăn hay rửa bát?”. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn có quyền quyết định cuối cùng và có thể giao việc nhà dù trẻ không muốn làm.
 

2. Danh sách công việc nhà nên dạy con


2.1 Giặt giũ

 
danh sach cong viec nha nen day cho con

Danh sách công việc nhà nên dạy con


Tưởng rằng việc giặt giũ là việc của người lớn nhưng thực ra đây là việc khá đơn giản và các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn cho các con mình làm được.
 
Có thể trong suy nghĩ của bố/mẹ thì việc giặt giũ là để con có thể biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, hay có trách nhiệm và tính kỷ luật bản thân... Thế nhưng trong mắt bọn trẻ thì nó chỉ là một trò chơi, một trò để khám phá. Thế nên việc chúng hào hứng lúc ban đầu và nhanh chán sau một thời gian là dễ hiều. Vì thế, bố mẹ thay vì quát mắng vì con không chịu làm thì nên tìm cách để tạo hứng thú cho trẻ.

Một số bước mà bạn có thể hướng dẫn con giặt đồ là gom đồ, bấm nút và thực hành nhiều lần để cho quen trước khi nghĩ tới việc để con tự làm. Ngoài ra, bạn nên dạy cách tự giặt đồ bằng tay vì không phải lúc nào trẻ cũng có thể sử dụng máy giặt.
 
Không chỉ giặt đồ, hãy để trẻ gấp, phơi, phân biệt màu sắc, các loại quần áo… Biến những công việc này trở thành công việc hàng ngày, giúp trẻ xây dựng tính trách nhiệm và cùng cha mẹ gánh vác việc gia đình.

Nếu con sau một thời gian bắt đầu cảm thấy chán việc này thì bạn có thể cùng làm với con, khen con xếp quần áo đẹp, ngày càng có nhiều tiến bộ... Khuyến khích, động viên là một cách tuyệt vời để khiến trẻ vui vẻ, thoải mái hơn.

Một việc nhỏ vậy thôi nhưng thông qua đó, con sẽ học được rằng, trong cuộc sống có thể mình không thích tất cả những thứ phải làm nhưng nếu kiên trì thì cuối ngày sẽ có phần thưởng xứng đáng.
 

2.2. Dọn đồ chơi

 
Khái niệm nhà càng lộn xộn gia đình càng hạnh phúc khá mới mẻ với rất nhiều người, khi không tìm hiểu kỹ việc này có thể gây ra những nhầm lẫn. Điều này không có nghĩa là khi nào cũng bày bừa khắp nơi.

Lúc nào trẻ chơi thì lộn xộn là việc không tránh khỏi nhưng khi con ngừng chơi thì phải biết tự mình dọn dẹp. Từ đó, tạo suy nghĩ có trách nhiệm với điều mình làm ra cũng là bài học lớn cho tương lai của con, giúp con biết quý trọng những gì mà con có.

Hãy đợi đến khi bé đã thực sự chơi xong trò chơi của mình, sau đó mới yêu cầu trẻ bắt tay vào việc thu dọn. Bố mẹ nên lưu ý điều này để hướng dẫn con cách dọn đúng cách.

Việc này phần nào cũng hỗ trợ bố mẹ không phải suốt ngày đi theo dọn hay quát mắng con. Thói quen này nên tập càng sớm càng tốt, ngay khi con còn nhỏ, bạn có thể bắt đầu từ việc hướng dẫn bé lấy đồ chơi ra từ giỏ, sau khi chơi xong sẽ mang đồ chơi lại đúng vị trí lúc đầu đã lấy ra. Việc làm này rất cần sự kiên nhẫn của bố mẹ vào khoảng thời gian đầu. 

Khi con lớn hơn, con thường tỏ ra ương bướng thì bạn có thể cùng con chơi trò ai là người nhặt được nhiều món đồ chơi vào rổ hơn, hay là thử thách trẻ dọn dẹp đồ chơi trong khoảng thời gian đề ra,...Sau đó bé sẽ nhận được một phần thưởng nếu con chiến thắng, điều này càng làm cho các bé thích thú.

Ví dụ như mỗi khi trẻ hoàn thành tốt một công việc thì sẽ được tặng một ngôi sao. Và khi trẻ đạt được 10 -20 ngôi sao thì bố mẹ có thể thưởng con được đi xem phim hay đi ăn kem, mua món quà con thích...
 

2.3. Dọn dẹp giường ngủ

 
Bạn có thể hướng dẫn cho con dọn dẹp giường từ khi con 2-3 tuổi, bắt đầu đơn giản với việc cất gọn gối, gấu bông, hay vuốt phẳng chăn, gối,... sau đó mới tiến đến việc dạy con gấp chăn, tất nhiên, bố mẹ vẫn phải hỗ trợ con một phần với những đồ quá nặng và cồng kềnh.

Chỉ thông qua việc dọn dẹp giường bạn đã cho con có được thói quen tốt để sau này con biết cách tự dọn dẹp nhà cửa, biết cách sống có trách nhiệm với gia đình riêng của mình. 
 
Không chỉ để ý việc dọn dẹp giường như là một việc trong danh sách công việc nhà nên dạy con mà bạn cũng cần có những phần thưởng nhỏ tương ứng khuyến khích tinh thần cho bé. Đó có thể là những cái ôm cái hôn và những câu nói tán dương khiến con cảm thấy vô cùng phấn khích. 
 

2.4. Rửa bát

 
Trước khi hướng dẫn con rửa bát thì bạn có thể bắt đầu bằng việc mỗi khi trẻ đã ăn xong, hãy khuyến khích con tự mang đĩa của mình xuống bồn rửa. Sau đó, hướng dẫn con rửa từ một vài cái bát, muỗng đũa trước khi bạn muốn con làm sạch nhiều loại khác nhau. 

Thời gian đầu khi giao việc này cho con, bạn hãy đứng bên cạnh để tránh việc rơi vỡ khiến con bị thương nhé. Để trẻ tránh tiếp xúc với hóa chất, bạn nhớ trang bị găng tay để con sử dụng.

Thời gian đầu con thường làm không tốt, bát đĩa sẽ vẫn bẩn nhưng bố mẹ phải kiên nhẫn nhẹ nhàng, thậm chí phải rửa lại cho sạch. Quan trọng là con biết kỹ năng này và duy trì, do đó phải từ từ nhỏ nhẹ giải thích cho con hiểu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử trả một chút tiền công nhỏ để khuyến khích trẻ. Bạn không cần phải trả nhiều tiền mà với trẻ em, ngay cả một số tiền nhỏ cũng khiến trẻ thấy thích thú rồi.
 
Trẻ sẽ thấy được phản hồi từ bố mẹ và phần thưởng cho những việc mình đã làm. Và đây cũng là dịp để dạy trẻ về những gì xảy ra trong thế giới rộng lớn ngoài kia, nơi mà trẻ muốn nhận được một điều gì đó thì phải bỏ công ra làm việc. 
Học giỏi thôi chưa đủ, con trẻ cần phải lưu ý những kiến thức tài chính này nữa
Có những kiến thức tài chính cần phải dạy con thông qua những bài học thực tế vì bạn không thể đợi vào việc trường lớp sẽ dạy chúng những điều này.

2.5. Quét nhà và lau sàn

 
Huong dan con lau san nha
 
Nếu bạn yêu cầu con phải giữ nhà cửa sạch sẽ thì rất khó nhưng sau một thời gian con cùng bạn lau dọn nhà thì chúng sẽ dần ý thức hơn việc phải giữ gìn không gian sống trong nhà. Tuy nhiên, việc quét và lau nhà chỉ phù hợp cho trẻ khoảng 8-10 tuổi.

Hãy dạy con cách cầm chổi sao cho quét được bụi tốt nhất, dạy chúng những chỗ khuất nào hay tích tụ bụi bẩn để con có thể ghi nhớ và thực hiện tối đa hiệu quả của việc làm này.

Bạn hãy dạy con phân biệt và cách dùng các loại chất tẩy rửa, hướng dẫn cho con cách chuẩn bị nước lau sàn, cách vắt cây lau nhà và cách bảo quản cây lau nhà. Dần dần, trẻ sẽ ghi nhớ và hình thành thói quen.

Lưu ý là cách bậc phụ huynh nên tránh dùng công việc nhà như một hình phạt cho hành vi xấu hoặc điểm kém của trẻ khiến chúng liên hệ việc nhà với một điều gì đó tiêu cực.

Ngoài ra, để tạo không khí thoải mái bạn cũng có thể cùng con vừa làm vừa bật nhạc, gia tăng thêm hứng thú làm việc chứ không cảm thấy bị bắt buộc. Trẻ em là những mầm non rất dễ tổn thương, vì thế khi muốn dạy trẻ điều gì bố mẹ hãy nhớ luôn nhẹ nhàng và kiên trì với con. 
 

2.6. Nấu ăn


Bạn phải nhớ rằng mỗi đứa trẻ cần học nấu ăn để chúng chuẩn bị cho cuộc sống tự lập sau này. Dạy nấu ăn nên là một phần trong hành trình trưởng thành của trẻ và nên thực hành hàng tuần. Khi con được 4-5 tuổi, bạn có thể bắt đầu hướng dẫn cho trẻ.

Ban đầu, bạn có thể nhờ con rửa rau, nhặt rau, lột tỏi bằng tay…Tuy nhiên, bạn nên để trẻ tránh xa dao và lửa. 

Mỗi lần trẻ nấu ăn với bạn, hãy dành thời gian để giải thích những gì bạn đang làm và tại sao, để chúng có thể học được điều gì đó mới mẻ. Sau đó mới bắt đầu cho con thực hành những món đơn giản, có thể để con trộn thức ăn, rửa rau củ... Sau đó là các món ít gia vị khi xào nấu.

Nếu con chưa làm tốt thì hãy kiên nhẫn, bố mẹ cũng có thể đưa ra những gợi ý hữu ích để con cải thiện trong những lần sau. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy sự tham gia của mình cũng rất quan trọng và cần thiết.
 

2.7. Dùng dụng cụ cơ bản

 
Búa, đinh, thay bóng đèn, may vá... là những việc cơ bản mà đứa trẻ nào cũng nên biết. Bạn có thể dạy trẻ ngay từ khi còn nhỏ bằng việc tháo các món đồ chơi đơn giản và cùng lắp ráp lại. Dạy trẻ cách sửa chữa vật dụng là cách dạy chúng có trách nhiệm với đồ đạc của mình.

Nếu gia đình có nhiều con thì có thể việc bố mẹ phân công công việc sẽ khiến con nghĩ về việc "thiên vị". Do đó bố/mẹ có thể dùng giấy bốc thăm, trên đó có ghi các công việc nhà khác nhau để trẻ tự chọn, có thể tạo cả một chiếc thăm trên đó có ghi “Hôm nay là ngày nghỉ của con”.
 
Điều này sẽ khiến trẻ thấy rằng mình được lựa chọn làm việc nhà mà chúng muốn và còn thích thú hơn khi nhìn thấy anh/chị/em của mình làm việc nhà trong khi mình được nghỉ một ngày. Cách làm này sẽ mang lại nhiều niềm vui và sự phấn khích cho trẻ dù phải làm việc nhà giúp bố mẹ.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X