1. Những tâm cần phải ẩn
1.1 Tâm nghi kỵ
Bố mẹ nghi kỵ con cái khiến chúng không dám chia sẻ, trở thành những đứa trẻ thích nói dối, trộm cắp...
Cấp trên nghi kỵ nhân viên khiến công việc khó thông suốt, đình trệ, xảy ra tình trạng sếp càng phải ôm đồm nhiều việc...
Cổ nhân có câu: "Dụng nhân bất nghi, nghi nhân bất dụng". Đã dùng thì không được hoài nghi, đã hoài nghi thì không dùng.
Sự nghi kỵ như một vết sẹo khó lành, cứ mỗi lúc lại đau nhức khi đổi trời, ai mang trong mình sự nghi ngờ chỉ luôn trong tâm thế bất an, lo sợ. Đáng sợ hơn cả, tâm nghi kỵ hại cả mình, cả người, có lúc còn đẩy mình vào thế cô lập vì chẳng có thể tin tưởng được một ai.
1.2 Tâm kiêu ngạo
Họ kiêu ngạo nên chỉ hướng mắt nhìn lên mà không nhìn xuống để biết chân mình sắp bước vào hố sâu. Một khi kiêu ngạo thì việc tốt cũng có thể hóa thành việc xấu, hậu họa khó lường.
Bảo vật lớn nhất trong đời không phải là tiền bạc, phú quý hay chức cao vọng trọng. Mà bảo vật của đời người chính là sự khiêm tốn. Con người có đức thì sẽ không cô đơn, không lẻ loi. Làm người hãy đặt chữ nhún nhường, khiêm tốn làm hàng đầu mới khôn ngoan.
Cùng các thầy nhân tướng điểm qua 10 nét tướng mặt người tốt mà chúng ta nên kết giao, họ là những người sống biết điều, có tương lai xán lạn.
2. Những tâm cần giữ
2.1 Tâm tự mình hiểu mình
Thực tế là hầu hết chúng ta thích hướng ra ngoài, thích nhận xét, đánh giá một người, một sự việc nào đó không phải của mình, trong khi đó quan trọng nhất là đánh giá lại bản thân. Ta quên rằng, cần hiểu chính mình mới có thể nhìn rõ được lòng người.
Khi bạn trong sáng như gương phản chiếu thì chẳng có điều gì qua mắt được bạn nữa rồi.
Lã Thị Xuân Thu từng nói: "Muốn chế ngự được người khác đầu tiên phải chế ngự được bản thân mình; Muốn đánh giá được người khác đầu tiên phải đánh giá được chính mình; Muốn hiểu được người khác đầu tiên phải tự hiểu được chính mình".
Sống là phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện và cải thiện bản thân, trở thành một người có nhân cách lí tưởng, nhân hậu, trung thực, lương thiện, hòa hợp cả bên trong và bên ngoài. Đó chính là phương pháp cơ bản để bạn tồn tại và hòa nhập xã hội.
2.2 Tâm dung hòa
Trong cuộc sống này không phải cứ cố gắng là được. Không phải cứ yêu là sẽ được yêu lại, không phải lo làm giàu là sẽ giàu... Cũng đừng nghĩ rằng cái gì đó thuộc sở hữu của mình thì mãi là của mình.
Trước dòng chảy vội vã của cuộc sống, chỉ cần giữ thái độ lương thiện, dung hòa, làm gì cũng cố hết sức, nếu được thì vui, không được thì có thêm kinh nghiệm. Nếu cứ tranh giành hơn thua, đúng sai chỉ thêm mệt mỏi tâm can, chẳng sinh thêm chút lợi lộc nào. Nếu ai đó lỡ có sai với ta thì cứ vui vẻ tha thứ vì khoan dung độ lượng với người chính là tạo phúc báo cho mình.
Thay vì ngồi đó tức giận, buồn phiền, chi bằng dành thời gian sắp xếp công việc hợp lí, kết hợp giữa học tập, lao động và nghỉ ngơi; đồng thời hãy học cách sống thư thái. Có bận rộn nhưng cũng có thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần.
Hãy tự tạo cho mình một cuộc sống thoải mái, loại bỏ những tư tưởng, cảm xúc tiêu cực ra khỏi cuộc sống. Như vậy mới có thể giữ được sức khỏe và hiện thực hóa giá trị cuộc sống của chính mình.
Cuộc sống an yên như thế có dùng vàng bạc, châu báu cũng không mua được. Thậm chí với người có tâm thế dung hòa như thế nếu không may của cải có bị lũ cuốn trôi cũng không có gì làm hoảng loạn. Nghĩ đi nghĩ lại mình còn gặp may vì thân mạng này vẫn còn là tốt lắm rồi.
Bản chất thì không có vấn đề nào là quá nghiêm trọng, không có gì là không thể dung hòa. Việc thỏa hiệp được thì nên thỏa hiệp, việc nhún nhường được thì nên nhường.