Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Có nên trả tiền cho con làm việc nhà? Thay vì tranh cãi hãy chỉ dẫn con đi đúng hướng

Thứ Ba, 31/05/2022 14:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đến nay, câu hỏi có nên trả tiền cho con làm việc nhà vẫn đang nhận về nhiều ý kiến thảo luận rôm rả, trái chiều nhau. Bạn có thể tham khảo thêm góc nhìn của tác giả qua bài viết sau:
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
Trong khi chúng ta vẫn đang tranh cãi về việc có nên trả tiền cho con làm việc nhà hay không thì ở nhiều quốc gia việc này được áp dụng rộng rãi, riêng ở Mỹ, người ta áp dụng cách đây gần 100 năm. 

Có rất nhiều phụ huynh bảo thủ tới mức cho rằng cho con biết về tiền bạc sớm thì nó sinh hư vì: "Trẻ con biết gì?". Chúng không chỉ cần kiến thức ở trường lớp mà còn rất nhiều kiến thức xã hội để thực sự trưởng thành, vì thế bố mẹ hãy thôi áp đặt ý kiến mà hãy mở lòng mình ra để học hỏi những kiến thức để dạy con nên người.

Phương pháp trả tiền cho trẻ làm những công việc như rửa bát, quét nhà, dọn dẹp,... cần học cách làm đúng thay vì chỉ trả lời câu hỏi: Có hay Không. 

1. Lợi ích của việc trả tiền cho con làm việc nhà

 
Co nen tra tien cho con lam viec nha
Không ít bậc phụ huynh phân vân không biết có nên trả tiền cho con làm việc nhà hay không?
 

1.1 Con chăm chỉ và khéo léo hơn

 
Một điều dễ thấy đó là khi trả công cho con thì các con sẽ có hứng thú hơn với những việc mà vốn trước đây con không để ý. Thường ngày bố mẹ vẫn làm những việc đó nên lâu dần con xem như đó là việc đương nhiên cho tới khi bạn đề cập với con việc này.

Các nhà nghiên cứu về trẻ cho biết, nếu trẻ được dạy làm việc nhà sớm sẽ ảnh hưởng rất tích cực tới trẻ trong tương lai, giúp bé rèn luyện tính cách và học thêm nhiều kĩ năng cần thiết trong cuộc sống.

Làm việc nhà nhất là thời gian đầu sẽ xảy ra sự cố, con sẽ hốt hoảng, lo lắng, nhưng với sự chỉ dẫn của bố mẹ thì lâu dần con sẽ học kỹ năng giải quyết vấn đề.

Sau một thời gian, khi con đã làm thành thục hơn thì tay chân trở nên khéo léo, linh hoạt hơn. Mỗi một việc con làm để đạt kết quả như ý của bố mẹ thì đòi hỏi con phải quan sát và để ý mọi việc, nhờ thế mà tính cách cũng trở nên chu đáo hơn. 
 

1.2 Con hiểu giá trị của sức lao động


Hiện nay, không ít phụ huynh vẫn có tâm lý rằng con mình còn nhỏ nên không cho chúng động vào việc gì vì sợ con bẩn, sợ hỏng hết đồ đạc.

Thế nhưng, bố mẹ phải chấp nhận rằng con làm không tốt, bát con rửa không sạch, nhà con quét không kỹ,... nhưng chỉ có thông qua việc làm nho nhỏ hàng ngày, con mới cảm nhận được giá trị của công sức lao động mà mình bỏ ra là có ý nghĩa.

Con sẽ hiểu được sự vất vả, cực nhọc của bố mẹ để biết ơn và sẻ chia việc nhà cùng bạn. Con sẽ chủ động hỏi han và phụ giúp bạn trong công việc nhà theo khả năng của mình.

Hơn hết là với số tiền nho nhỏ có được sau khi làm việc nhà, con sẽ nhận ra tiền không hề dễ kiếm, con cũng như các thành viên khác trong nhà phải lao động chăm chỉ mới có ăn, con biết giá trị của tiền và trân trọng tiền mà bố mẹ đã kiếm được.
 

1.3 Rèn luyện kỹ năng về tiền bạc

 
Khi con kiếm tiền được bằng sức lao động của mình thì cũng là lúc con được tiếp xúc với tiền và quản lý tiền. Ví dụ như con có thể tiết kiệm tiền để mua những món đồ chơi, cuốn sách, tham gia lớp học năng khiếu hoặc mua quà tặng cho mọi người, mời cả nhà đi ăn,...

Khi đã có những mục đích mà mình mong muốn, con sẽ chủ động hơn trong việc để dành tiền. Có tiền thì con sẽ dễ tiêu xài không có kế hoạch, nhưng hãy cho phép trẻ em phạm sai lầm trong môi trường ít rủi ro này để con biết rút kinh nghiệm.

Hơn nữa, nếu con có xin thêm tiền để đi sinh nhật, mua một món quà con thích bất chợt nhưng đã tiêu sạch tiền của mình từ trước đó thì bạn có thể giải thích:  “Con đã tiêu hết số tiền của mình, vì vậy mẹ sẽ đưa trước để con đi sinh nhật nhưng sẽ trừ vào số tiền con nhận sắp tới, ngoài ra, con cũng sẽ cần phải lập kế hoạch tốt hơn và mẹ có thể hỗ trợ con nếu con yêu cầu".  
 

2. Tác hại của việc trả tiền cho con làm việc nhà


Tưởng rằng trả tiền cho con làm việc nhà là kế hoạch hay ho nhưng nó cũng có những mặt trái tiềm ẩn mà không phải ai cũng lường hết được:
 

2.1 Con sẽ bị tâm lý có tiền mới làm

 
Không ít trẻ lúc mới kiếm được tiền rất hào hứng, vui vẻ nhưng càng lớn tuổi hơn chúng lại bắt đầu biết "mặc cả" với những gì mình làm. Thậm chí có trẻ còn thẳng thừng trả lời rằng nếu không tăng giá tiền thì con sẽ không giúp bố, mẹ nữa.

Nhiều phụ huynh cho rằng việc trả công, trả tiền cho con mỗi khi con bạn làm việc nhà đang dần khiến con ỷ lại, lười nhác hơn. Và sau này, nếu như không cho tiền thì rất khó để nhờ con làm một việc gì đó. Và tất nhiên đây là điều không phụ huynh nào mong muốn nó xảy ra.
 

2.2 Quên mất việc đấy là trách nhiệm của con

 
Bên cạnh đó, quá nhiều phụ huynh lạm dụng việc dùng tiền để yêu cầu con làm việc. Thế nên họ thậm chí dụ con đi học, đi tắm… bằng việc dùng tiền bạc làm động lực cho con. Hậu quả là trẻ quên đi đâu là việc mình phải làm, mục đích bố mẹ muốn rèn luyện tính tự lập cho con lúc này cũng đã tiêu tan.

Có rất nhiều việc nhà thuộc phần trách nhiệm của các con và con phải tự ý thức được chứ không phải để bố mẹ trả tiền mới làm.Ví dụ như với việc học tập của con, nhiều người cũng thích “treo thưởng” bằng tiền để thay cho những lời khích lệ, khen thưởng.

Tuy nhiên, đây là việc không nên một chút nào. Đứa trẻ nỗ lực học tập vì tiền nhưng chúng thường mang tính tiêu cực hơn là tích cực.
 
Tac hai cua viec tra tien cho con lam viec nha
 

2.3 Con sẽ trở nên thực dụng


Không ít đứa trẻ càng lớn lên càng trở nên thực dụng khi trong một thời gian dài bố mẹ sử dụng việc “thuê mướn” con thay vì sai bảo, hay nhờ cậy con của mình qua các bảng báo giá hay các mức phí trả công cho con từng vụ việc.

Con bắt đầu đòi hỏi bố mẹ phải "trả lương" nhiều hơn cho những việc nhà thậm chí, nếu bố mẹ từ chối, con cũng tỏ ra bất cần và nói còn bận học.

Lúc chúng ta cảm thấy hối hận thì cũng đã muộn, lúc này sửa sai rất khó. Không nên dạy con "nửa vời" theo cách của phương Tây để rồi con có quan niệm rằng việc gì cũng phải có tiền mới làm, không có tiền thì không làm. 

Khi quá thực dụng về chuyện tiền nong, trẻ càng trở nên ích kỷ và bố mẹ đã vô tình khiến trẻ đánh mất đi một giá trị hạnh phúc trong cuộc sống, đó là cái cảm nhận niềm vui khi được là người có ích cho người khác hay niềm hãnh diện được người khác tôn trọng.

Học cách dạy con của người Nhật để chế tạo công dân gương mẫu
Bạn có thể tham khảo thêm cách dạy con của người Nhật và từ đó rút ra thêm kinh nghiệm cho mình trong quá trình nuôi dạy trẻ thành người có đức, có tài sau này.

3. Gợi ý cách làm phù hợp


Không ít người trả tiền cho con làm việc nhà và nhận kết quả không như ý hoặc tác dụng ngược. Vậy phải dạy con thế nào để con hiểu đúng giá trị của đồng tiền và biết cách tiêu tiền, biết cách quản lí tài chính?

3.1 Không nên trả tiền cho con khi còn quá bé


Dù giáo dục sớm về tiền bạc là điều các phụ huynh cần lưu tâm, thế nhưng nếu yêu cầu con làm việc và trả tiền cho con khi con đang quá nhỏ tuổi là điều không nên. Nếu có thì cũng chỉ dạy con mệnh giá của tiền mà thôi.

Vậy khi nào dạy con về tiền bạc hay thời điểm nào có thể trả tiền cho các yêu cầu con làm việc nhà? Các chuyên gia đưa ra quan điểm rằng, thời điểm tốt nhất là khi trẻ bắt đầu hiểu rằng tiền có thể mua được những thứ mà chúng muốn. Vì vậy, bạn nên cho trẻ một ít tiền tiêu vặt cho đến khi bạn nhận ra các dấu hiệu cho thấy con thích tiết kiệm hoặc nghĩ về cách con có thể sử dụng nó.

Không có thời gian chính xác cho tất cả trẻ em nhưng khoảng thời gian từ 8 - 12 tuổi là con đã bắt đầu quan tâm những vấn đề này. Thay vì trốn tránh thì đây là lúc phù hợp bạn cần có cơ hội học cách quản lý tiền bạc.

Thực tế là khi con đã có mong muốn được giúp đỡ cha mẹ và nếu được bạn khuyến khích, con sẽ tiếp tục làm điều đó trong suốt cuộc đời của mình. Nếu không, sau 12 tuổi thì có vẻ là quá trễ vì lúc này trẻ sẽ không cảm thấy cần phải làm công việc nhà. 

Bên cạnh tiền trả cho những nhiệm vụ con làm thì cũng phải có một khoản cho con tiêu vặt và không quên gắn liền với việc hướng dẫn con quản lý tài chính.

Việc nên cho trẻ bao nhiêu phụ thuộc vào nguồn tài chính của gia đình bạn, chi phí sinh hoạt hàng ngày... Bạn chính là người quyết định điều gì là tốt nhất dành cho con trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Có thể từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng mỗi tuần và sau đó nói với con rằng bạn mong con tiết kiệm một phần để mua một món đồ con thích hoặc đi làm từ thiện.
 

3.2 Phân biệt nhiệm vụ và việc được trả tiền


Đã đến lúc các bậc phụ huynh không nên hỏi: "Có nên trả tiền cho con làm việc nhà mà phải hỏi là: "Con làm việc gì sẽ nhận được tiền?".

Bố mẹ phải phân chia rõ ràng việc nào của cha mẹ, việc nào của con, việc nào của đứa lớn, việc nào của đứa nhỏ. Vì thế, việc con tắm, học hay tự gấp quần áo của mình, buộc dây giày... thì nên phân định rõ với con đó là trách nhiệm của con chứ không phải những công việc phải trả công. 

Rửa bát đũa của mình khi chỉ có một mình mình ăn, dọn dẹp đồ chơi của mình, gấp quần áo, chăn gối của mình,... cũng là nhóm công việc con tự ý thức phải làm.

Bố mẹ giải thích cho con hiểu rằng: Đồ của con và những thứ do con bày ra thì con phải tự ý thức và có trách nhiệm thu dọn và bảo quản nó. Hoặc việc rót nước, mời hoa quả ông bà, bố mẹ… là việc con phải nhớ làm thường xuyên.

Phụ huynh nên trả tiền cho con ở những việc mà bạn phải mất tiền để thuê người ngoài thực hiện như cắt cỏ vườn, dọn dẹp nhà kho, chăm sóc vườn cây… Điều quan trọng nữa đó là các vị phụ huynh công bằng, trả đúng người, đúng việc và đúng thời gian.

Hoặc khi các con hoàn thành vượt mức các việc nhà được phân công của mình, khi đó con có thể được trả thù lao cho công việc của mình. 
 
Đừng quên tăng tiền tiêu vặt cho trẻ khi đến ngày sinh nhật của trẻ, điều này có nghĩa là số tiền của con sẽ tăng theo mỗi năm, con sẽ không tranh cãi hay thắc mắc với anh chị em về số tiền được nhận.
 
Khong nen cho con so tien qua lon
 

3.3 Bảng thành tích thay thế tiền


Có phụ huynh từng ca thán rằng cậu con trai đã tích lũy được món tiền kha khá nhờ chăm chỉ làm việc nhà và mẹ có khả năng cao không thanh toán nổi. Theo “bảng báo giá” thì rửa bát, cắm cơm, dọn phòng, lấy đồ giúp… là 20.000 đồng; đi siêu thị, phơi quần áo là 30.000 đồng; học sinh giỏi kì I được 1 triệu đồng, kì II được 2 triệu…

Ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng số tiền họ trả cho con quá lớn, vì thế, thay vì cái gì cũng đều quy ra một khoản tiền thì chúng ta nên cho con tích điểm, có một số điểm nhất định mới được quy đổi ra tiền.

Số tiền này chỉ nên vừa phải để cho con mua những món đồ lặt vặt mà thôi, không nên "treo thưởng" quá cao vì điều đó vừa không nên mà lại khó duy trì lâu dài.
 

3.4 Giữ chữ tín với con

 
Giữ chữ tín với con rất quan trọng vì một khi bạn đã có giao kèo mà không thực hiện chúng sẽ thất vọng và mất niềm tin với bạn. Bố mẹ đồng ý trả tiền khi con làm việc nhà như yêu cầu của con, ngược lại kết quả lao động của con cũng phải đạt yêu cầu đề ra của bố mẹ: ví dụ, lau nhà bẩn không được tiền, làm chưa xong việc, không gọn gàng không được tiền…

Thực tế là các bé rất nhanh nản và lúc này giao kèo phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, không nên nghĩ việc con đã làm và nhận tiền là việc đã xong. Bạn cũng cần khuyến khích con nhiều hơn mỗi khi con bắt tay vào làm việc.

Trẻ sẽ không mệt mỏi, làm việc một cách vui vẻ nhẹ nhàng nếu trẻ được tập luyện cho làm việc nhà từ nhỏ, từ những việc đơn giản để dần dần trở nên một thói quen chứ không phải là những mệnh lệnh ngẫu hứng và kèm theo sự phê phán.

Julie Lythcott-Haims, tác giả cuốn sách: “Làm thế nào để nuôi dạy một người trưởng thành” nói rằng thực hiện những công việc khó khăn là một cách tuyệt vời để xây dựng đạo đức làm việc. Vì vậy, hãy nói với con bạn, “Cảm ơn con. Mẹ biết điều đó thật vất vả”. Và ngay cả khi thói quen dọn dẹp, gấp hoặc xếp bàn của con không đáp ứng tiêu chuẩn của bạn, hãy biết ơn và bỏ qua cho con.
 

3.5 Thưởng và phạt phân minh
 

Một khi đó là một công việc được trả tiền thì phải có thưởng, có phạt phân minh. Điều này không những giúp trẻ tự tin mà còn giúp trẻ ý thức hơn trong từng việc mình làm.

Không ít người lạm dụng việc nhờ con và trở thành việc sai khiến con. Bạn cần hiểu rằng mọi phần thưởng đưa ra phải xứng đáng và phù hợp với thành quả lao động của con. Với những công việc nặng hơn, mất nhiều thời gian hơn thì có thể nhận thù lao cao hơn… Bên cạnh đó, ngoài tiền thì vẫn nên có những món quà nhỏ động viên, chuyến đi chơi nhằm khuyến khích các con khi các con chăm chỉ làm việc nhà.
 
Bên cạnh đó cũng cần có những hình phạt cụ thể, ví dụ như sau một thời gian, trẻ không muốn làm việc nhà cha mẹ có thể quyết định giữa việc khấu trừ tiền tiêu vặt, rút lại các đặc quyền như thời gian sử dụng máy tính, chơi game hoặc xem TV... Thương lượng và thỏa hiệp cho đến khi bạn đạt được mục tiêu nuôi dạy con cái của mình.

Dù bằng cách nào thì điều quan trọng là giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền và biết cách quản lý tài chính. Hãy rèn luyện để con cùng lao động, làm việc nhà với người lớn chứ không đợi phải trả công.

Thực ra, việc dạy con về tiền bạc là việc không hề dễ dàng do đó bố mẹ đừng quên tham khảo những cuốn sách hoặc học người Do Thái dạy con cách làm giàu hay thông qua thực tế từ những cách dạy của những bà mẹ đi trước đã có thành quả để tìm cách phù hợp áp dụng vào con mình nhé.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X