Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Khi cô đơn làm nên sự XUẤT CHÚNG: Người có năng lực ở một mình mới có thể làm nên nghiệp lớn

Thứ Tư, 28/06/2023 09:56 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Xã hội càng hiện đại, con người càng dễ dàng và thuận tiện khi muốn kết nối với nhau, dần dà “nỗi cô đơn” trở thành một điều tiêu cực và ai cũng muốn tránh xa. Nhưng theo trí tuệ của cổ nhân, thực tế chính cô đơn làm nên sự xuất chúng của một người, chấp nhận và tận hưởng sự cô đơn là một loại cảnh giới trí tuệ đầy khôn ngoan.


1. Cô đơn có thật sự đáng sợ?

 
Khi co don lam nen su xuat chung
 
Cùng với sự phát triển chóng mặt của thế giới, những căn bệnh tâm lý, những áp lực tinh thần cũng ngày càng đè nặng lên vai người hiện đại. Trong một xã hội “kết nối” như ngày nay, người ta ngày càng sợ hai chữ “cô đơn”, sợ phải ở một mình.
 
Ngày càng có rất nhiều báo cáo, nghiên cứu về tác hại của cô đơn liên tục được đăng tải trên mặt báo và các kênh truyền thông. Và với những thông tin ấy, con người và xã hội từ lúc nào đã mặc định cô đơn là một thứ cảm xúc tồi tệ và đáng sợ, sẽ thật xui xẻo nếu gặp phải.
 
Thậm chí, điều này không chỉ có trong xã hội hiện nay mà từ hàng ngàn năm trước, Aristotle – triết gia Hy Lạp cổ đại đã tuyên bố rằng “tình bạn là một điều kiện cần thiết để có một cuộc sống tốt”. Nếu thiếu bạn bè, chúng ta sẽ không thể là một con người vui vẻ.
 
Tuy nhiên, có một thực tế là, mọi vấn đề của nhân loại đều bắt nguồn từ việc con người không học cách chấp nhận sự cô đơn.
 
Chúng ta ghét sự nhàm chán và sợ bị trở nên vô hình. Vậy nên, con người luôn tìm cách chạy trốn khỏi các vấn đề cảm xúc bằng cách tự huyễn hoặc bản thân và tìm kiếm các kết nối với thế giới bên ngoài. Nhưng vấn đề lớn nhất ở đây là: Con người chưa bao giờ học cách ở một mình.
 
Trang Tử có câu: “Độc hữu chi nhân, thị vị chi quý”, nghĩa là “Người biết ở một mình mới trở thành người xuất chúng, được coi là tôn quý”.
 
“Độc hữu” ở đây chỉ sự tự do tự tại, sự hài hòa tự thân, hoàn thiện bản thân, cũng chính là biết cách chung sống với chính mình.
 
Đại thi hào, nhà thần học Rumi (1207-1273), một trong những nhà thơ vĩ đại nhất mọi thời đại cũng đã nói “Đừng thấy mình lẻ loi, cả vũ trụ đang ở trong bạn.”
 
Phải biết rằng, từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã học quá nhiều đạo lý về cách làm thế nào để chung sống với người khác, hòa nhập với xã hội và trở nên xuất sắc trong cộng đồng. Nhưng lại quên mất một điều căn bản nhất, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính bản thân mình. 
 
Nếu ai có thể chiến thắng bản thân, học cách chung sống với chính mình thì người đó có thể chiến thắng tất cả. Vậy thì khi đó, cô đơn chẳng còn đáng sợ nữa, thậm chí nó còn trở thành một lợi thế để ta có thể thoát khỏi đám đông ồn ào, tránh xa những mối quan hệ vô giá trị, duy trì cái tâm tĩnh để theo đuổi mục tiêu riêng. Từ một góc độ nào đó, sự cô độc cũng là một điểm đích mà linh hồn đang không ngừng tìm kiếm.

Xrm thêm: Vì sao càng trưởng thành càng cô đơn, chỉ thích ở một mình
 

2. Chấp nhận cô đơn là một phần của cuộc sống

 
Chap nhan su co don
 
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi thứ đều được kết nối, trừ bản thân mình.
 
Thực tế, ở một mình khác với cô độc. Nếu bạn không chịu nổi việc ở một mình, bạn sẽ không bao giờ nhận thức được bản thân.
 
Đừng nghĩ rằng mình có thể dùng những náo nhiệt của thế giới để che đậy đi những rắc rối của bản thân, đồng nghĩa với việc những rắc rối ấy tự biến mất.
 
Hầu hết con người đều nghĩ mình đã quá hiểu rõ bản thân mình, họ tưởng rằng mình hiểu rõ bản thân, biết rõ cảm xúc của mình, hiểu rõ vấn đề của mình. Nhưng thật ra, rất ít người có khả năng làm được điều đó.
 
Tất cả những thứ điều khiển cuộc sống của ta một cách tiêu cực đều bắt nguồn từ việc: ta ghét phải đối mặt với "hư không". Vì thế, ta lao đầu đi tìm trò tiêu khiển, tìm việc và sau mỗi lần thất bại, tiêu chuẩn của ta lại càng ngày càng cao. Ta lảng tránh một sự thật rằng nếu không đối mặt với sự chán nản, ta sẽ không bao giờ nhận thức được bản thân mình.
 
Do đó, điều chúng ta phải làm là học được cách đối mặt với sự cô đơn, chung sống với bản thân tốt hơn mỗi ngày.
 
Từ xa xưa, những người được xem là “hiền nhân” sẽ chọn những tu viện hoặc lên núi hay vào các hang động trong núi, rời xa cuộc sống phồn hoa náo nhiệt để “sống đời giản đơn”.
 
Thật kỳ lạ, những con người nằm trong số ít đó, họ không chỉ là những người có trí tuệ và cảnh giới đạo đức cao thượng mà họ còn là những người thực sự hạnh phúc khi cuộc đời đã được giải thoát khỏi những xa hoa phù phiếm. Thế nhưng, thật sự có quá ít người có thể sống được như thế.
 
Vậy nên, hầu như tất cả chúng ta đều vướng vào 1 nghịch lý: vừa phải chịu đựng sự cô đơn, vừa không có đủ thời gian dành cho chính mình. Chúng ta vừa muốn thấu hiểu bản thân, vừa muốn kết nối với thế giới bên ngoài hơn là ngồi tĩnh lặng để tự nhận thức chính mình. Kết nối nội tâm là điều quan trọng hơn tất cả những gì chúng ta cần làm trong cuộc sống này. Chỉ tiếc là, có quá ít người thực sự làm điều đó.
 
Cô đơn khi ở một mình có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng nó là bước khởi đầu, để ta kết nối với bản thân, từ đó tìm ra cách giải quyết mọi vấn đề.
 
Các duy nhất để chiến thắng nỗi sợ cô đơn đó chính là đối mặt với nó. Hãy để sự chán nản đưa bạn đến nơi nào mà bạn vẫn kiểm soát được nó. Lúc đó, bạn sẽ nghe thấy tiếng lòng của chính mình và từ đó học được cách kết nối những phần của bản thân hiện vẫn đang còn xao lãng.
 
Thật tuyệt vời làm sao, khi bạn vượt qua được ranh giới đó, bạn sẽ thấy rằng, cô đơn chẳng phải là vấn đề gì đó quá to tát. Sự chán nản và nỗi cô đơn cũng có những tác động tích cực của chúng. Khi bạn sẵn sàng đầm mình trong thanh tịnh, thế giới trở nên trù phú hơn, rõ rệt hơn.
 

3. Lựa chọn sự cô đơn có giá trị

 
Lua chon su co don co gia tri
 
Trong đời người, nếu có cơ hội cùng đồng hành với một lữ khách, dù là 1 tháng, 1 năm hay 10 năm, đó cũng là một loại may mắn. Nhưng suy cho cùng, chỉ có bản thân mới có thể tự hoàn thành được lịch trình của mình. Bạn phải làm chủ sinh mệnh của chính mình trước, sau đó mới có thể sống tốt được.
 
Einstein nói: “Những người xuất chúng, sở hữu khối óc vĩ đại luôn phải đối mặt với những chỉ trích kịch liệt từ những kẻ mang đầu óc tầm thường.”
 
Một người có ước mơ, có hành động để biến ước mơ thành hiện thực, cũng có đủ năng lực và sự vĩ đại để làm tốt hơn người khác thì họ bắt buộc phải trở nên khác biệt. Họ dám bước ra khỏi số đông đang lầm lũi từng ngày trong những niềm mơ vụn vặt, nhỏ bé như danh tiếng, địa vị, nhà xe, bằng cấp, phụ nữ hay rượu ngon…
 
Số đông lại đang mải mê giam cần bản thân trong những lo lắng nhỏ, lo sợ thành công là một tài khoản có giới hạn, cần phải tranh cướp và giẫm đạp lên nhau để giành lấy. Khác với họ, người có khối óc xuất chúng lại nhìn thấu đạo lý rằng, khác biệt đồng nghĩa với cô đơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự tự do. Ở đó, tài năng sẽ đem tới sự thịnh vượng thích đáng.
 
Có người nói, tụ họp đông đúc thực chất cũng là chỗ của nhiều người cô đơn; người cô độc lại là người tự do. Khi ở một mình, anh ta mới thấy được con người chân thật nhất của mình và giải phóng nội tâm bên trong.
 
Người có trí tuệ lớn sẽ không bận lòng tới lời ong tiếng ve của thiên hạ. Họ dành thời gian để sáng kiến và tạo ra nhiều ý tưởng đột phá chứ không hoài công giải thích lý do cho những kẻ non nớt tầm thường. Đơn giản là vì, họ đã quen với tư duy độc hữu, dù cô đơn nhưng đầy giá trị. Sự thành công đến từ chính năng lực của họ, chứ không đến từ miệng lưỡi hay cái nhìn của thế gian.
 
Có thể thấy rằng, thay đổi thái độ sống, đối mặt với sự cô đơn bằng một tâm hồn bình thản, chúng ta mới nhận ra: Đại đa số sinh mệnh của con người luôn gắn liền với sự cô đơn, trò chơi vui thú nhất trong thời gian cô đơn này chính là không ngừng nỗ lực trưởng thành.
 
Đây chính là khoảng thời gian gia tăng giá trị tốt nhất cho một người. Sự cô đơn khiến bạn tập trung tất cả sự chú ý vào bản thân và có thể nỗ lực hết mình trên con đường phát triển mà không bị nhân tố ngoại cảnh quấy nhiễu.
 
Người tầm thường chọn cách lấp đầy cuộc sống của mình bằng sự phấn khích, người xuất sắc chọn cách đạt được bản thân bằng sự cô độc.
 
Ở một mình là một loại thái độ xử thế, là một dạng tự mình điều chỉnh thân tâm. Càng là một loại thể hiện nhân cách độc lập.
 
Ở một mình không phải là quái gở, không phải là cô độc, ở một mình có thể là một loại sở thích. Những lúc ở một mình, ta có thể suy nghĩ, có thể trở về bản chất chân thật nhất của mình, có thể khiến thân tâm đạt được điều tiết nên có. Ở một mình càng là một nghệ thuật sống.
 
Thực ra, ở một mình cũng là một loại năng lực, cũng quan trọng giống như năng lực xã giao với mọi người vậy. Những người thích ở một mình không có nghĩa là không hòa đồng với mọi người, chỉ là chúng ta nên biết bản thân mình muốn cái gì, biết được vì để đạt được những gì mình muốn, cần phải buông bỏ hòa đồng bề mặt kia một cách đúng lúc.
 
Lựa chọn cô đơn có giá trị, đó chính là lý do khi cô đơn làm nên sự xuất chúng ở con người.
 

4. Biết tận hưởng sự cô đơn là một loại trí tuệ

 
Biet tan huong su co don
 
Nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer đã nói:

comment leftChỉ khi một người cô đơn, anh ta mới có thể trở thành chính mình. Nếu ai đó không yêu cô đơn, thì anh ta không yêu tự do, bởi vì chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới được tự do.
Arthur Schopenhauer
comment right
 
Chúng ta có thể đồng hành đi khắp giang hồ, nhưng lại chỉ có thể tự mình đi tới chân trời và góc bể.
 
Ở đời cô đơn thì thật bất hạnh, nhưng trong Đạo cô đơn là điều kiện tất yếu để trở về thầm lặng khám phá chính mình. Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều ưa thích một mình, và những người thực sự mạnh mẽ đều thiên về độc hành.
 
Cho nên cô đơn đúng là một điều kỳ diệu. Nhất là cô đơn chịu đựng một mình những khổ đau, thăng trầm, bất hạnh giữa cuộc đời mà không cần than thân trách phận với ai, không cần tìm lời an ủi, thì chính những uất ức khổ nhục ấy mới giúp mình lớn mạnh, cũng như bùn nhơ hôi hám giúp sen nở ngát hương.
 
Lý Bạch, người được coi là bậc “thi tiên” đắc Đạo, từng để lại hai câu thơ trong bài “Thương tiến tửu” như sau:

comment leftCổ lai thánh hiền giai tịch mịch; Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh.
Lý Bạch
comment right

Tạm dịch: ‘Thánh hiền xưa nay đều tịch mịch; Chỉ phường thánh rượu mới lưu danh’.
 
Vì sao các bậc thánh hiền tự cổ chí kim đều “tịch mịch”? Ấy là bởi họ đã coi nhẹ mọi sự trên thế gian, lánh xa cõi hồng trần ô trọc để tâm thái tĩnh lặng tựa mặt hồ.
 
Tận hưởng sự cô đơn là một niềm vui nhẹ nhàng và dễ chịu, không liên quan đến vật chất hay sở thích, cũng không bị tham vọng hay nhu cầu ảnh hưởng. Nó đến từ nội tâm con người với trái tim rộng mở, có sự bình tĩnh và đầy tự chủ.
 
Tận hưởng sự cô đơn cũng là một loại tư thái bản lĩnh, khi chúng ta tiến bước giữa đời, nhanh thì có thể hưởng thụ tốc độ, chậm thì có thể ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, không để hư danh che mắt, không bị dối trá giấu lòng. Đó là bản lĩnh của người khiêm nhường, ôn nhã nhưng trí tuệ và khôn ngoan.
 
Danh, lợi và tình rất dễ khiến con người ta bị sa ngã. Nhưng những bậc Thánh nhân sẽ không lạc vào trong những vùng vẫy bất tận này. Trong dòng chảy cuộc đời, họ vẫn giữ được sự liêm chính và không chấp nhận hạ thấp bản thân mình, vậy nên thỉnh thoảng khó tránh sự đơn độc.
 
Trong quá khứ, Bồ Đề Đạt Ma đã ngồi quay mặt vào vách đá hết 9 năm trước khi ông khai ngộ. Những vị Giác Giả như thế sẽ không bị ảnh hưởng bởi những ảo tưởng trong thế giới con người; cũng sẽ không chạy theo những sở thích tầm thường hay những vui sướng nhất thời. Họ là những người quyết tâm theo đuổi ý nghĩa chân chính của cuộc đời.
 
Mọi thứ trong thế gian này chỉ là tạm bợ, không trường tồn. Do đó, bậc trí giả không bao giờ coi hạnh phúc, đau khổ, được và mất là quan trọng. Họ hiểu rằng “vạn sự vạn vật đều có nhân duyên”. Tuy nhiên, vì họ có những cách nhìn khác biệt về mọi sự trên thế gian, trong con mắt của người thường, những bậc trí giả này dường như thật khác thường và cô đơn.
 
Theo Trang Tử, ‘độc vãng độc lai’ (một mình đến, một mình đi) là cảnh giới cao nhất của đời người. Ở một mình là tập hợp tất cả năng lượng của bạn để hàng phục những khuyết điểm, đó là sự khởi đầu của một người thực sự mạnh mẽ.
 
Ước mơ và viễn cảnh tương lai sẽ trở thành trò cười khi được chia sẻ với người không hiểu mình. Vì vậy, những cuộc xã giao tùy tiện và không có mục đích không tồn tại trong thế giới của họ. Mọi người dường như luôn cảm thấy họ trông căng thẳng, nhưng trên thực tế, họ có thể chỉ đang tập trung vào mục tiêu mà thôi.
 
Sau cùng, người thông minh không cần phải thích ứng với những thay đổi trong thời đại này thông qua số lượng tương tác xã hội. Một số người được “tiền định” cô đơn cả đời, song điều này không hề đáng buồn vì đó có thể là con đường theo đuổi sự xuất chúng.
 
Trên đời này, không ai có thể tránh khỏi sự cô độc. Sinh ra một mình, chết đi cũng một mình, nay sum họp mai chia ly, không ai có thể đồng hành mãi mãi.
 
Trò chuyện với người khác có thể giải tỏa nỗi cô đơn, nhưng không thể chữa khỏi sự cô đơn. Bạn càng nói nhiều thì lòng càng trống rỗng, khi bạn ngừng nói thì sự cô đơn sẽ bủa vây trở lại. Trên thực tế có một số chuyện, thay vì nói ra tốt hơn nên tự mình ‘tiêu hóa’ chúng, việc kể cho người khác đôi khi lại biến thành trò cười.
 
Đừng lãng phí khoảng thời gian dành cho riêng mình, chỉ khi không còn ồn ào, không còn sợ hãi và chỉ khi ở một mình, bạn mới lĩnh ngộ được cách thay đổi thế cục.
 
Thay vì nói người thông minh thường cô độc, hãy nghĩ rằng: người thông minh lựa chọn đến với cô độc!
 
Hơn nữa ở một mình khiến bản thân trở nên kiên cường, không ỷ lại vào sức mạnh của người khác và không bị ánh mắt của người khác chi phối.
 
Vậy nên hãy trân trọng thời gian cô đơn một mình, sống thật với bản thân và thành tựu chính mình trong khoảng thời gian hữu hạn.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X