Chuyện Phi Đồng gián tiếp cứu mẹ cho thấy Trời đất cũng cảm động trước đức hạnh của con người

Thứ Tư, 02/08/2023 17:49 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu chuyện Phi Đồng gián tiếp cứu mẹ không chỉ khiến chúng ta cảm động mà ngay cả Trời đất cũng cảm thương, sẵn sàng giúp đỡ ông trong tình cảnh vô cùng khó khăn.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Chuyện Phi Đồng gián tiếp cứu mẹ


1.1 Phi Đồng cứu công chúa lập công lớn


Chuyện xưa kể lại rằng có một người được mệnh danh là "Dược vương" nhờ khả năng chữa bệnh thần kỳ của mình tên là Phi Đồng.

Ông không chỉ tinh thông y thuật mà còn có lòng tốt, yêu thương mọi người, sẵn lòng chăm sóc người bệnh quên ăn quên ngủ. Ông cũng không phân biệt ai giàu hay nghèo, cứ có bệnh là ông kịp thời cứu chữa. Người nào quá khó khăn ông còn cho họ chỗ ăn, chỗ ở miễn phí.

Lần nọ, công chúa bị bệnh nhưng các danh y đều bó tay, không có ai chữa trị được cho nàng. Nhà vua ra lệnh rằng nếu ai chữa được bệnh cho nàng muốn có vàng bạc châu báu sẽ được ban tặng, nếu muốn làm phò mã thì cũng được toại nguyện.

Vô tình Phi Đồng đi ngang qua kinh thành hay tin công chúa bị bệnh, ông liền xin phép cứu chữa cho nàng. Sau khi chuẩn đoán tình hình, ông biết rằng công chúa khó chịu vì hệ tiêu hóa không được tốt, đường ruột đang bị ứ tắc. Càng uống thuốc chỉ để chữa đau bụng càng không ích gì.

Phi Đồng lấy bùn đất trên người làm ra một hoàn thuốc, dâng lên công chúa. Sau khi dùng xong, công chúa đau bụng, nôn ra liên tục cho đến khi sạch ruột, nhờ thế mà vài ngày sau nàng đã hồi phục trở lại bình thường. 
 
Khi công chúa khỏi bệnh, Phi Đồng tức tốc lên đường về quê, ông không cần bổng lộc, cũng sợ rằng vua sẽ gả công chúa cho mình.

Hoàng đế vì nhớ công ơn ông đã chữa bệnh cho con gái nên từ đó phong cho Phi Đồng danh hiệu Dược vương và lập miếu kỷ niệm tại quê nhà.
 
 
 

1.2 Mẹ Phi Đồng vô tình được cứu chữa


Không lâu sau đó, khu vực miền Nam chịu cảnh dịch bệnh lan tràn, hay tin Phi Đồng liền ngay lập tức rời quê nhà để đi chữa bệnh tật cho người dân. Nhưng không may đúng lúc ông vắng nhà thì mẹ ông lại mắc bệnh lạ.

Đọc được những dòng thư của anh trai gửi tới cho mình, Phi Đồng vô cùng lo lắng, dù đọc hết các biểu hiện bệnh mà anh miêu tả nhưng ông vẫn chưa tìm ra phương thuốc phù hợp. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh ngày một nghiêm trọng nên ông cũng chẳng thể quay về quê.
 
Càng ốm bệnh, người mẹ càng nhớ và muốn gặp Phi Đồng, anh trai đành phải đưa mẹ đi miền Nam, thế nhưng sau khi khám cho mẹ mình ngay khi bà đến nơi thì ông vẫn không tìm được phương thuốc phù hợp.

Sau đó, vì xa quê lâu nên mẹ ông lại muốn về nhà, hai anh em Phi Đồng liền thuận theo ý mẹ. Anh trai lại một mình đưa mẹ về quê vì Phi Đồng đang bận chữa trị cho mọi người.

Khi mẹ rời đi, Phi Đồng vừa buồn vừa khóc thầm:

- Thật đau lòng rằng dù con chữa khỏi bệnh cho vô số người, nhưng lại không chữa được cho mẹ của mình. Chắc là con chưa đủ đức hạnh để được ân huệ đó. Nhưng con vẫn mong ông Trời rủ lòng thương để con tìm được phương thuốc chữa trị cho mẹ.
 
Trên đường đưa mẹ về nhà, anh trai Phi Đồng đi kiếm nước cho mẹ khi bà kêu khát. Anh phải tự mình đi vào vùng rừng hoang vu không bóng người để tìm nước. Anh vô tình tìm thấy một hộp sọ có chứa một ít nước mưa và hai con rắn nhỏ đang bơi ở trong đó.

Cực chẳng đã, vì hết cách do xung quanh đó không thấy sông hồ nào nên anh đành chọn cách thả hai con rắn đi và mang nước đến cho mẹ uống thỏa mãn cơn khát. Sau khi uống nước con trai đưa cho, bà đã tỉnh táo hơn rất nhiều.
 
Hai người tiếp tục di chuyển, họ đi ngang qua một ngôi làng nhỏ, vì mẹ đã đói nên anh đi quanh làng xin cơm. Anh vô tình xin cơm của nhà hai vợ chồng tàn tật, người vợ thì bị mù, còn người chồng thì què.

Nghe anh trai Phi Đồng cho biết mẹ đang ốm đau lại phải đi xa, đang đói nên họ dù không có nhiều nhưng vẫn cho anh thức ăn gồm một bát cơm lúa mạch và một quả trứng có hai lòng đỏ.
 
Ăn xong những gì được hai vợ chồng tốt bụng kia cho, mẹ của Phi Đồng khỏe hơn rõ rệt, thậm chí bà có thể tự đi bộ một quãng đường từ đó về tới nhà. Không lâu sau, mẹ của Phi Đồng hoàn toàn khỏi bệnh.

Cùng lúc đó, anh trai cũng vừa nhận được một bức thư gửi từ Phi Đồng trong đó ghi rằng, ông đã được chỉ dẫn về phương thuốc có thể trị bệnh cho mẹ, bao gồm: Nước tự nhiên có hai con rắn nhỏ đang bơi ở trong và ăn một quả trứng hai lòng đỏ cùng cơm lúa mạch do một người phụ nữ mù, là vợ một người chồng què quặt nấu. Chỉ có phương thuốc này mới khỏi bệnh nhưng rất khó kiếm được.

Trong thư, Phi Đồng cũng bày tỏ sự lo lắng muốn biết tình hình của mẹ đang như thế nào. Anh trai của Phi Đồng quá bất ngờ khi mẹ anh may mắn đã sử dụng đúng vị thuốc đó trên đường về nhà và tự khỏi bệnh một cách thần kỳ.

Anh trai hồi đáp thư cho Phi Đồng kể rõ sự việc, nhận được thư, ông xúc động cảm ơn: “Cảm tạ Đất Trời đã ban cho mẹ con phương thuốc khỏi bệnh. Từ nay con dốc lòng làm nhiều việc tốt hơn để cứu người, bày tỏ lòng biết ơn đối với sự từ bi của Người".

Cổ nhân dạy: “Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác”, ẩn ý phía sau là gì?
“Thà thử quan tài còn hơn đi giày người khác” câu nói tưởng chừng vô lý nhưng lại là bài học quý giá được người xưa đúc kết từ những kinh nghiệm thực tiễn.

2. Đức hạnh khiến đất trời cảm động

 

2.1 Đại phúc là nhờ Trời giúp


Cổ nhân từng nhận định rằng: "Đại phúc là tại thiên, tiểu phúc tại tạo'' nghĩa là chúng ta chỉ tạo được phúc nhỏ, còn phúc lớn là ông Trời ban cho. Từ câu chuyện Phi Đồng gián tiếp cứu mẹ chúng ta càng hiểu hơn ý nghĩa sâu sắc của câu nói này.

Chính Phi Đồng là Dược vương giỏi giang, xuất chúng nhưng không cứu được mẹ mình. Thế nhưng nhờ công đức quá lớn mà ông đã tạo ra trong quá trình giúp đời, giúp người nên ông Trời cảm động, sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của ông để cứu mẹ qua cơn bạo bệnh.

Thế nên là người không chỉ dựa vào sức mình, hãy biệt tận dụng sức của cả vũ trụ này chỉ thông qua những việc nhỏ bé như cần cù chăm chỉ, luôn ý thức trong việc giúp người, giúp đời.

Ngay cả trong “đạo Đức Kinh” cũng ghi: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói rằng đạo trời là công bằng, trời Phật không thiên vị bất kỳ ai nhưng thường hay giúp đỡ những người chăm chỉ hành thiện.
 
Đúng là mỗi người sinh ra đã có một số phận riêng - thành tựu được công lao sự nghiệp gì đều đã được trời xanh an bài. Thế nhưng không có nghĩa là không thể thay đổi. Từ câu chuyện Liễu Phàm tự mình đổi vận chúng ta đã hiểu rằng nếu làm những việc cực thiện, cực ác thì hoàn toàn có thể thay đổi số phận của một người.
 
Bởi vậy nên người tính không bằng trời tính, cho dù ta từng nghĩ rằng trời xanh đã an bài rồi thì cũng đừng vội vì thế mà buông xuôi. 

2.2 Hãy luôn chăm chỉ, nỗ lực hết mình


Từ bài học trên cho thấy làm người hãy cứ chăm chỉ, sống hết mình. Bất cứ khi nào mong muốn có được thành tựu thì bản thân cũng đều phải bỏ ra công sức nhất định, sẵn sàng giúp người, giúp đời. Trong mọi việc cứ chuyên cần không ngừng, có thể làm trời xanh cảm động và trợ giúp cho thành công.

Câu chuyện về Vương Hi Chi cũng vậy, từ nhỏ đã chăm chỉ luyện chữ nhưng trong một lần lên Thiên Đài Sơn dạo chơi, ông tức cảnh sinh tình, viết ra một bài thư pháp. Tuy nhiên ông lại chưa cảm thấy hài lòng với chữ của mình viết ra.

Một cụ già đi ngang qua nói với Vương Hi Chi rằng: "Chữ viết rất đẹp" nhưng ông thừa nhận chưa tốt và xin được cụ chỉ giáo thêm.
 
Cụ già liền cầm bút viết một chữ Vĩnh (永) rồi nói:

- Cậu là người rất kiên định, chân thành học viết chữ nên cho cậu lĩnh ngộ một bút pháp. Hãy học viết cho thật tốt chữ này, công phu thực sự của thư pháp đều ở trong đó.
 
Từ đó Vương Hi Chi miệt mài luyện chữ ngày đêm, nhờ thế mà không những kỹ năng viết chữ tiến bộ vượt bậc mà tinh thần cũng thăng hoa. Thư pháp của Vương Hi Chi cũng như phẩm hạnh của ông, thanh tú thoát phàm, tinh xảo tuyệt luân.

Lần đó Vương Hi Chi chỉ kịp hỏi theo:

- Tiên ông nhà ở đâu?

Nhưng người đã khuất dạng, chỉ còn tiếng nói vọng trong không trung:

- Thư pháp của khanh làm cảm động ta, ta là Bạch Vân núi Thiên Đài.
 
Có thể thấy, sự chăm chỉ, chuyên cần có thể làm cảm động trời đất, Thần Phật cũng theo đó mà trợ giúp cho đạt được thành tựu lớn hơn. 

Bởi con người cũng hoàn toàn tự tạo ra những hạnh phúc cho cho bản thân mình. Khi con người nỗ lực, cố gắng thì sẽ đạt được kết quả xứng đáng, có lao động chắc chắn sẽ có thu hoạch. Đây cũng là cái lý rất phổ biến trong nhân gian, trong xã hội từ xưa đến nay.
 
Nếu như người đó không ngừng kiên trì, nỗ lực trong thời gian dài thì đạo Trời sẽ cảm thương. Người nào có thể hiểu rõ được đạo lý này, người đó có thể thuận theo tự nhiên, tâm không loạn, không mất cân bằng trong cuộc sống.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: