Câu chuyện về sự bảo thủ để thấy chúng đã phá hoại cuộc sống của mình như thế nào

Thứ Hai, 17/02/2020 08:40 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu chuyện về sự bảo thủ chỉ là hình ảnh ẩn dụ về việc chúng ta đang tự tay loại bỏ đi những cơ hội tốt đang đến với mình bằng lối tư duy đóng, rập khuôn trong suốt thời gian dài.

Câu chuyện về sự bảo thủ

 
Có một người thương buôn nọ rất giàu có, nhưng vợ chết sớm và để lại cho ông một đứa con trai. Vì bận rộn việc mua bán ở phương xa, nên ông đành phải nhờ những người làm trong nhà chăm sóc con mình.
 
Một hôm bọn cướp ập tới đốt phá làng, khiến nhiều người mất mạng trong trận hỏa hoạn ấy. Biết con trai mình cũng kẹt trong đám cháy, vị thương buôn ấy đã ngất đi.
 
Sau khi hỏa táng xong, ông lấy chút xương tro của đứa con bỏ vào trong túi gấm. Đi đâu ông cũng mang theo bên người, đêm nào cũng lấy ra kể lể than khóc.
 
Bỗng đêm kia, bên ngoài có tiếng đứa bé xưng là con của ông. Nhưng ông lại nghĩ đó là ma hay là bọn con nít trong làng đến chọc phá, nên kiên quyết không mở cửa.
 
Thật ra, đứa con ông chỉ bị bọn cướp bắt về rừng, còn đứa bé bị cháy đen mà ông đã thương khóc là một đứa bé khác trong làng. Nhưng mãi mãi ông không bao giờ biết được sự thật ấy khi sự nghi ngờ và cố chấp trong ông đã đóng bít cửa trái tim và đẩy đứa con của mình ra đi trong tuyệt vọng.
 
Bài học: Chúng ta có thể tức giận về sự ngớ ngẩn của người cha, thế nhưng, đừng vội chê bai người bố ấy vì trong mỗi chúng ta cũng có một phần như thế.

Ngẫm lại xem khi cơ hội, may mắn gõ cửa nhưng bạn đã mãi không chịu mở cửa. Bởi ta vẫn tin chắc những nhận định của mình là hoàn toàn đúng. Đó là thái độ cố chấp, bám chặt vào những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy cũ kỹ để nhìn vào thực tại mới mẻ.
 
 

Tác hại của tư duy bảo thủ


Có thể thấy, những gì chúng ta đang thấy chưa hẳng đã là đúng, mọi thứ đều chỉ có tính tương đối thì ta phải chấp nhận cái thấy tương đối. Đó cũng là lý do tại sao ta chỉ có được hạnh phúc tương đối mà thôi.

Tư duy bảo thủ khiến chúng ta có quan niệm chắc chắn về một điều gì đó trong khi cuộc sống luôn thay đổi mỗi ngày. Dù có khi ta có niềm tin rằng chúng vẫn thế thì thực ra chúng đã không còn y nguyên như tất cả những gì ta hiểu về chúng. 

Một khi bạn tin vào một điều gì đó, bạn bảo vệ nó khỏi mọi sự đe dọa. Bạn làm điều này một cách bản năng và vô thức khi phải đối mặt với những luồng thông tin không nhất quán. 

Những ý nghĩ bảo thủ sẽ "đóng băng" khiến bạn chẳng muốn chủ động tìm kiếm thông tin, hiệu ứng phản tác dụng bảo vệ những quan điểm đã có sẵn của bạn khi những thông tin tìm đến với bạn, khi chúng đập vào mắt bạn.
 
Cho nên, bám chặt vào hiểu biết của mình mà không dám mở lòng ra để khám phá và học hỏi thêm, tức là ta đã tự đào thải mình ra khỏi sự vận hành tự nhiên của cuộc sống. Từ đó, nảy sinh sự nghi ngờ để bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình. Ta nghi ngờ điều gì thì hầu như ta tin chắc đó là sự thật, không muốn tìm hiểu hay khám phá thêm nữa.
 
Thậm chí, khi được cung cấp những thông tin có cơ sở thì ta cũng cố chấp, không muốn tiếp nhận. Ta biến lời nhắc nhở nên cẩn thận khi đặt niềm tin thành câu thần chú bất di bất dịch để che đậy sự sợ hãi, yếu đuối và thiếu trách nhiệm của mình.

Thế nên, có khi sự thật hiện bày sờ sờ ra đó nhưng ta lại chìm đắm trong những vọng tưởng miên man, rồi rơi vào những nhận thức và phán xét sai lệch. 
 
 
 
Danh ngôn có câu: “Một trí óc bảo thủ là một trí óc đang chết dần”. Có thể thấy, tác hại mà tư tưởng bảo thủ gây ra với mỗi tập thể, mỗi xã hội là rất rõ ràng.

Tác hại của tư tưởng bảo thủ sẽ càng lớn khi nó được áp đặt vào người khác, áp đặt vào tập thể. Do đó sẽ rất nguy hại nếu người mang tư tưởng bảo thủ giữ chức vụ cao, nhất là những người giữ vai trò chủ trì, chủ chốt ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. 

Câu chuyện thất bại của Nokia - thương hiệu hơn 150 tuổi đã là bài học lớn cho chúng ta, họ từng hả hê và càng ngày càng cảm thấy thoã mãn với chiến thắng của mình mà không chịu thay đổi theo xu hướng.

Họ cho rằng mẫu mã điện thoại trước đây đã khẳng định được vị trí, tìm được chỗ đứng trong khách hàng nên không cần phải thay đổi nữa, chỉ cần duy trì mẫu mã cũ cũng đủ sức phát triển... Thực chất đó chính là biểu hiện của tư tưởng bảo thủ và hệ quả đã thấy rõ. Chẳng bao lâu Nokia biến mất hoàn toàn trên thị trường di động như là một cái kết ai cũng đã biết trước.
 

Hãy không ngừng học hỏi

 
Từ câu chuyện trên, suy rộng ra cho chúng ta thấy tính chất nguy hại của tư tưởng bảo thủ đối với sự phát triển của xã hội.

Trong bất kể trường hợp nào, bạn bám vào những niềm tin của mình thay vì chất vấn chúng. Khi một ai đó cố sửa bạn, phá tan những quan niệm sai lầm của bạn, hiệu ứng này làm mọi nỗ lực bị đảo lộn và càng khiến cho những điều bạn tin tưởng có vẻ thuyết phục hơn. 

Hiệu ứng phản tác dụng phần lớn là do sự lười biếng trong tư duy của chúng ta – tâm trí ta đơn giản là ưa chuộng những giải thích ta không cần nỗ lực nhiều để hiểu, trong khi việc dung nạp những thực tế trái chiều với niềm tin có sẵn lại vô cùng mệt mỏi. 

Chính việc mở lòng ra để học hỏi mới đủ tỉnh táo phân biệt lợi hại của vấn đề mới mang bản chất của sự thông minh và những người có được sự phóng khoáng đó thích ứng nhanh hơn được với môi trường mới. Xem thêm: Mỗi ngày nên học một điều mới cũng đã giúp ta nâng tầm cuộc sống
 
Việc người bảo thủ quá bướng bỉnh khiến họ khó chấp nhận cái mới và cứ phải sống mãi trong cái kén cũ kĩ mà không biết được những màu sắc sinh động khác. Đó cũng là một điều thiệt thòi của họ
 
Không được học hỏi nhiều kiến thức của thế giới này lại chính là nguyên nhân đang giam hãm tâm hồn họ, không thể mở lòng đón nhận và chia sẻ được những điều mới, trong khi, với cuộc sống, cái mới chính là cái giúp cuộc sống không nhàm chán

Hãy không ngừng tò mò, đặt ra câu hỏi và tự mình đi khám phá để tìm được lý do đúng đắn cho riêng mình. Thậm chí với những quan niệm cũ, bạn tự so sánh với kết luận của bản thân xem có điều gì sai khác, điều gì thú vị tạo nên sự khác biệt đó.