Thứ Tư, 12/07/2017 10:26 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lễ Thất Tịch 7/7 âm lịch hàng năm là lời nhắc nhở của những người phương Đông trọng tình trọng nghĩa về một đôi uyên ương cả đời nhớ nhau, cũng là lời nhắc về chữ tình đáng quý mà mỗi người nên giữ trong đời.
|
Câu chuyện truyền cảm hứng yêu ngày Thất Tịch ai cũng nên đọc |
Vì sao mỗi năm có một ngày Thất Tịch? Bởi mỗi người đều cần có câu chuyện cảm hứng để yêu. Dù tình yêu nhiều sóng gió, dù con đường đến với tình yêu nhiều chông gai nhưng vẫn nên tin trên đời có tình yêu chân chính và có người yêu nguyện cùng ta đi trọn vẹn yêu thương.
Thất Tịch là ngày lễ tình nhân phương Đông, được tổ chức tại một số quốc gia Đông Á mà tiêu biểu là Trung Quốc và Nhật Bản. Không chỉ là câu chuyện tình yêu của cặp đôi Ngưu Lang – Chức Nữ, ngày lễ này còn mang ý nghĩa tốt đẹp về sự trân trọng những giá trị đích thực của tình yêu.
1. Truyền thuyết ông Ngâu – bà Ngâu
Xưa kia dưới hạ giới có chàng trai chăn bò tên Ngưu Lang. Một ngày, chàng đi chăn bò thì bắt gặp các nàng tiên trên trời đang tắm ở hồ nước bèn lấy trộm váy áo của các nàng để trêu đùa. Lên bờ không thấy váy áo, không thể bay về trời, các nàng tiên bèn cử cô em út Chức Nữ có vẻ ngoài xinh đẹp đi đòi lại.
Chức Nữ gặp Ngưu Lang, hai người cảm mến nhau, nàng mang xiêm áo trả lại các chị rồi tình nguyện ở lại hạ giới, kết đôi cùng người mình yêu. Hai người sống hạnh phúc cùng nhau nhưng vì mải mê quấn quýt với chồng mà Chức Nữ quên mất nhiệm vụ dệt mây ngũ sắc trên trời, khiến Thiên Hậu nổi giận, vạch sông Ngân Hà trên trời ngăn cách đôi tình nhân.
Những chú quạ thương tình đôi lứa bị cấm cản, mỗi năm vào 7/7 âm lịch sẽ xếp thành cầu Ô Thước để Ngưu Lang – Chức Nữ được gặp như một lần. Hai người gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nước mắt hóa thành nước mưa rơi xuống trần gian, gọi là mưa ngâu. Từ đó 7/7 trở thành lễ Thất Tịch.
2. Ngày Thất Tịch ở các quốc gia
Trung Quốc là quốc gia tổ chức Thất Tịch lớn nhất và đông vui nhất bởi đây là nơi bắt nguồn của ngày lễ này. Trong ngày đó, các cô gái trẻ thường bày vật dụng trang trí nghệ thuật do mình tự tay làm để mong sẽ lấy được người đàn ông tốt làm chồng. Ngày nay, lễ Thất Tịch là dịp các cặp đôi yêu nhau hẹn hò, tạo ra những kỉ niệm đẹp; những chàng trai cô gái tỏ tình với người mình thích và mong được đối phương hồi đáp.
Thất Tịch du nhập vào Nhật Bản từ thế kỉ thứ 8, những người trẻ tuổi xếp các đồ vật bằng giấy như hạc, bộ kimono, túi xách, lưới, bao,… theo phong cách Origami – bộ môn xếp giấy truyền thống để cầu may mắn và tốt lành. Họ cũng dùng chính những bộ xếp giấy này để tặng cho người mình yêu như một lời tỏ tình, bày tỏ yêu thương.
Xem thêm bài viết
Lễ Thất Tịch tại Nhật Bản: Lễ hội lời chúc
Tại Hàn Quốc, ngày lễ này được gọi là Chilseok, mưa rơi trong ngày này được gọi là nước Chilseok. Lễ hội tổ chức với dưa chuột, dưa hấu, bánh mì nước và nghi thức tắm để cầu sức khỏe. Các cặp đôi hẹn hò vào ngày này, cùng nhau thưởng thức bánh gạo rắc đậu và trò chuyện.
Hoạt động được yêu thích nhất trong ngày tình nhân Phương Đông là các cặp đôi hẹn ở những nơi không có ánh đèn, cùng nhau đi ngắm sao Ngưu Lang – Chức Nữ trên trời. Dưới ánh sao đêm, tay nắm chặt tay, thể hiện tình cảm ấm áp và cùng nhau tận hưởng giây phút ngọt ngào.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại nhanh và vội vã cuốn con người đi rất nhanh, đôi khi quên mất sự hiện diện của tình yêu, của những hành động gần gũi và chân thực. Lễ Thất Tịch là ngày lễ truyền thống mang trong mình ý nghĩa nhân văn, từ câu chuyện cũ gợi người đang sống hãy trân trọng người đang ở bên mình.
Và một lần nữa khẳng định rằng, tình yêu đích thực luôn tồn tại, bằng cách này hay cách khác. Dù vấp ngã trong tình yêu, dù chưa tìm thấy hạnh phúc thực sự nhưng không có nghĩa là không có. Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm gặp nhau một lần vẫn không quên hẹn cũ, chúng ta ai cũng xứng đáng có mối tình trọn vẹn nếu sống hết chân tình.
Mỗi lễ hội ở một quốc gia lại mang dáng vẻ khác nhau nhưng tinh thần chỉ có một, mong người yêu nhau sẽ được ở bên nhau, mong rằng mùa Thất Tịch hàng năm sẽ có người tìm thấy nửa kia của cuộc đời mình, sưởi ấm con tim trong những ngày mưa gió.
Thái Vân