Thứ Tư, 26/09/2018 09:12 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có những việc nhìn là vậy nhưng không phải là vậy, và đã có quá nhiều câu chuyện cuộc sống phản ánh rõ điều này nhưng chúng ta cũng chưa rút được kinh nghiệm là bao.
Câu chuyện cuộc sống cảm động trong bệnh viện
Nghe xong điện thoại, ông bác sĩ khoác áo vội vàng đi tới bệnh viện. Đến nơi, ông liền thay áo để vào phòng mổ, ngay trước cửa phòng có người nhà bệnh nhân đang đợi, đó là người cha của cậu bé, ông này tỏ thái độ cáu giận khi vừa nhìn thấy bác sĩ đang bước tới:
- Ông làm gì mà giờ mới tới, cứu người như cứu Hỏa, làm sao chờ được ông trong khi con trai tôi đang nguy kịch? Ông có thấy mình có trách nhiệm nghề nghiệp không vậy?
Vị bác sĩ này vẫn điềm đạm trả lời, không một chút giận dữ nào:
- Tôi xin lỗi, lúc này không phải ca tôi trực nên tôi không có mặt tại bệnh viện. Thế nhưng vừa nhận được điện báo tôi đến ngay đây… Và lúc này tôi muốn tịnh tâm một chút để chuẩn bị phẫu thuật.
| Nếu bạn phán xét người, bạn sẽ không có thời gian để thương yêu họ MẹTeresa | |
Người cha lại càng nổi giận:
- Tịnh tâm à?! Nếu con trai ông đang nằm trong phòng cấp cứu thế kia thì ông có thể tịnh tâm nổi không? Nếu con trai ông sắp chết ông có thể đủng đỉnh như thế được không?
Vị bác sĩ điềm tĩnh, mỉm cười trả lời:
- Tôi sẽ nói điều mà ông Gióp đã nói trong Kinh Thánh: "Thân trần truồng sinh từ bụi đất, tôi sẽ trở về bụi đất thân trần truồng. Chúa đã sinh ra, Chúa lại lấy đi, xin chúc tụng Chúa". Tôi cũng như các bác sĩ không có khả năng giữ lại mạng sống. Ông hãy đi và cầu nguyện cho con trai mình đi. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình và cậy trông vào ân sủng Thiên Chúa.
Người cha phàn nàn:
- Ông không ở vị trí người khác nên dễ khuyên răn quá nhỉ?
Vị bác sĩ im lặng đi vào phòng mổ và ông miệt mài nhiều giờ liền trong đó. Xong buổi phẫu thuật, ông vui vẻ bước ra:
- Tạ ơn Chúa lòng lành. Con trai ông đã được cứu. Nếu muốn biết thêm chi tiết, hãy hỏi cô ý tá vừa giúp tôi.
Không chờ câu trả lời của người cha, vị bác sĩ đi thẳng và rời khỏi bệnh viện. Ngay khi nhìn thấy dáng dấp cô y tá xuất hiện, người cha càm ràm:
- Cứ là bác sĩ thì cao ngạo như vậy chứ! Thậm chí ông ta không thèm dành vài giây trả lời cho tôi biết tình trạng sức khoẻ của con trai tôi.
Cô y tá cúi xuống tuôn trào nước mắt; trong xúc động, cô chậm rãi trả lời:
- Con trai duy nhất của vị bác sĩ ấy mới qua đời hôm qua do một tai nạn.
Hôm nay bác sĩ đang lo tang sự cho cậu con. Thế nhưng vừa nhận được điện báo bác sĩ vội tới ngay để cứu con trai ông. Bây giờ thì bác sĩ trở về tiếp tục lo hậu sự cho đứa con yêu quý của mình.
Đừng vội đánh giá người khác:
Người cha trong câu chuyện trên vội vàng nhận xét vị bác sĩ qua vẻ ngoài tĩnh lặng của ông. Thế mới thấy, đừng vội vàng đánh giá bất cứ ai khi chúng ta không biết được điều gì đang diễn ra trong tâm hồn họ và những gì họ đang phải nỗ lực vượt qua...
Lỗi lầm chung của chúng ta trong
cuộc sống này là hay bị vẻ bề ngoài đánh lừa trong những phút đầu gặp gỡ. Vẻ bề ngoài chỉ có thể gây ấn tượng nhất thời, nó không thể thể hiện đúng bản chất con người của một ai đó.
Nên hiểu một khuôn mặt xinh đẹp không đảm bảo là tâm hồn họ đẹp hay xấu, một người có ngoại hình khó ưa chưa hẳn là một kẻ xấu. Vẻ ngoài đáng tin không có nghĩa là họ hiền lành, vô hại. Nếu mọi thứ đều rõ ràng đến thế thì chúng ta đâu cần phải mạnh mẽ, vững vàng trong những quyết định vì mọi thứ đã quá dễ dàng.
Chiếc áo không làm nên thầy tu, vì thế, hãy luôn nhìn vào bản chất vấn đề, bản chất một con người và nên dừng lại khi chúng ta bắt đầu muốn nhận xét về ai đó: Cô này thế này, cô kia thế kia... hãy tập dừng những suy nghĩ, những lời nói tương tự như thế lại.
Dựa vào quá khứ:
Đúng là quá khứ đã giúp hình thành nên con người hiện tại, rằng họ có được như ngay hôm nay là nhờ quá khứ, nhưng điều đó không có nghĩa là họ vẫn luôn luôn như vậy. Có những biến cố khiến họ đã thay đổi, chẳng ai đứng yên mãi được, bạn thử soi gương xem cơ thể bạn năm nay đã khác như thế nào so với năm 18 tuổi? Vậy tại sao không chấp nhận sự thay đổi của người khác.
Vì thế, muốn xem xét hãy xem xét hiện tại và kiên nhẫn từng chút một. Thời gian không làm thay đổi con người, nhưng nó khiến con người bộc lộ bản chất.
Đánh giá theo tin đồn:
Đã khi nào bạn thử đưa ra một thông tin và lắng nghe nó sau khi được truyền lại cho khoảng 5 người nữa? Bạn sẽ bất ngờ vì chẳng có thông tin nào giống hệt những gì bạn truyền đi. Cuộc sống là vậy! Mọi người thường không hoàn toàn hiểu những gì đối phương nói và họ thêu dệt thêm một chút theo hiểu biết, góc nhìn của mình, đó là chưa kể có những kẻ còn muốn "thêm mắm, thêm muối" để cho câu chuyện thêm phần ly kỳ, hấp dẫn.
Vì thế, khi nghe một tin đồn bạn chỉ nên nghe thôi, rồi nếu cần hãy tìm thông tin xác thực lại, đừng nhận xét vội vàng vì những câu chê bai, hờn trách của bạn nếu vô tình đến tai họ sẽ có thể đối phương cảm thấy tổn thương, buồn phiền, suy nghĩ tiêu cực.
Đưa ra ý kiến chủ quan:
Có những trường hợp mà chỉ khi là người trong cuộc hoặc ít nhất đã từng trải qua cảm giác tương tự, bạn mới có thể hiểu được phần nào lý do cho những hành động hoặc những sự việc đã xảy ra. Nên đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương và tự hỏi bạn sẽ làm gì, trước khi đánh giá và lên án hành động của người đó.
Suy luận thiếu cơ sở:
Có những thứ điều chúng ta mắt thấy tai nghe nhưng không hẳn là như chúng ta đang nghĩ. Thấy ai đó đang gục lên vai người khác có người đoán họ đang yêu nhau nhưng thực tế đơn giản chỉ là sự an ủi như một người bạn khi một người có biến cố lớn vừa xảy ra.
Những suy luận kiểu này thường tạo ra vô số bi kịch khiến nhiều gia đình tan đàn xẻ nghé, những cặp đôi chia ly trong im lặng... Thậm chí, nhiều bộ phim đã lấy nội dung này để làm đề tài khiến chúng ta thường "sốc" khi thấy phần kết. Vậy mà ở ngoài đời thực chúng ta vẫn tiếp tục sai lầm như thế.
Ghét ai ghét cả đường đi lối về:
Những người ta cần gặp trong cuộc đời là những người ta cần phải gặp, đó là
điều mà chúng ta cần trân quý trong cuộc sống. Dù ai đó có vô tình hay cố tình có những tính cách làm bạn không ưa, thì cũng nên “công bằng” và “khách quan” khi đánh giá. Đừng vì “mối thâm thù” có sẵn mà gạt hết đi những ưu điểm đáng được công nhận của người đó, đánh giá đúng khả năng của người khác là một trong những bước đầu tiên để cạnh tranh một cách “fair play”.
Suy bụng ta ra bụng người:
Chúng ta chỉ nói ra được những gì chúng ta có kiến thức, có trải nghiệm, đó là lý do một lời nhận xét của chúng ta về ai đó thực ra là đang phản chiếu tâm hồn chúng ta. Vì thế, chớ nên
suy bụng ta ra bụng người. Mỗi người đều có những lối ứng xử riêng cho từng trường hợp tùy vào hoàn cảnh và tính cách. Đừng cố vẽ ra viễn cảnh ai đó sẽ a,b,c… khi gặp chuyện X,Y,Z… nào đó, để rồi tự tạo cho mình một tâm lý sai lệch về người khác mặc dù đó chỉ là suy đoán cá nhân.