(Lichngaytot.com) Bạn có tin rằng chỉ với mức lương 5 triệu/tháng, bạn có thể tiết kiệm được tiền để đi du học tự túc, mua nhà chung cư 1,5 tỉ và đi du lịch nhiều nơi, kể cả nước ngoài? Câu chuyện dưới đây sẽ rút ra cho bạn nhiều điều chiêm nghiệm về cuộc sống.
Câu chuyện cuộc sống: Lương 5 triệu/ tháng mà vẫn đi du học, du lịch
Chị Nguyễn Trang (28 tuổi) đi làm cách đây tầm 5-6 năm, khoảng những năm 2012-2013, mức lương cơ bản mà chị nhận được là 5 triệu/tháng. Với mức lương như vậy, chị đã phải tính toán rất chi li để tránh không lãng phí từng đồng một.
Mỗi tháng, chị chi 1 triệu rưỡi cả tiền nhà đã bao gồm tiền điện nước. Vì là con gái nên chị ưu tiên cho mình hẳn một khoản tiền là 1 triệu để làm đẹp cho bản thân và cũng là cách để xả stress mà không làm phiền đến ai, đồng thời dành 500 nghìn để gặp bạn bè, ăn mấy bữa và tám chuyện linh linh.
Những khoản còn lại như xăng xe, tiền điện thoại, tiền đi ma chay hiếu hỉ, các khoản phát sinh khác, chị khoanh vùng tầm 1 triệu. Tổng tiền chi tiêu một tháng đúng bằng số lương kiếm được, chị luôn cố gắng không bị vượt hạn mức. Còn số tiền thưởng của công ty, chị dành để tiết kiệm.
Sau khi đi làm 2 năm, chị quyết định đi du học học Thạc sĩ. Bố mẹ ở nhà cũng không dư tiền để cho chị đi học mà số lượng học bổng khá cạnh tranh nên chị xác định mình sẽ đi du học tự túc bằng chính tiền của mình.
Chị quyết tâm cắt hết các khoản chi tiêu không cần thiết như mua sắm quần áo, đi chơi với bạn bè.
Ngoài ra, chị cũng có khoản thu nhập khác bên ngoài, chị tập tành bán hàng online, mỗi tháng kiếm thêm được từ 3-5 triệu, thâm niên làm việc nhiều hơn nên tiền thưởng cũng nhiều hơn.
Tổng kết lại, chị đã tiết kiệm được 150 triệu sau 1 năm rưỡi để đi du học.
Tất nhiên, số tiền 150 triệu này chẳng thấm tháp gì khi sang Tây Ban Nha du học cả, còn không đủ để chị đóng tiền học phí nữa là tiền trang trải sinh hoạt.
Nhiều lúc rất chán nản nhưng chị không bao giờ hối hận về lực chọn có chút "táo bạo" của mình. Chị đã sử dụng 2 năm ấy để thực sự sống, để trải nghiệm, và cũng nhờ vậy, 2 năm ấy đem lại cho chị nhiều cơ hội sau này.
Tiền học phí năm 2015 của trường chị đăng kí là tầm 220 triệu dành cho sinh viên không thuộc châu Âu. Ăn ở, chi tiêu một tháng, chị cho phép mình chỉ được tiêu trong khoảng 500 €, tức là 15 triệu.
Câu chuyện cuộc sống thật mà như đùa, dù có ít tiền trong tay, nhưng chị cảm thấy việc chi tiêu vẫn thoải mái, chị cũng không bỏ lỡ quá nhiều 'party' sinh viên. Nếu đi 1 năm thì hết tầm 400 triệu. Tiền vé máy bay 2 chiều và các chi phí phát sinh làm visa, bảo hiểm, trang bị trước khi đi thêm 50 triệu nữa.
Cũng nhờ việc bán hàng online order đang đạt đỉnh nên chị luôn dành ra được một khoản, khi về còn biếu bố mẹ và "dắt túi" một số vốn.
Trong thời gian đi du học, chị và bạn bè cũng tranh thủ đi du lịch một vài nước châu Âu: Ý, Hy Lạp, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển. Vì còn là sinh viên nên tính toán khá kĩ lưỡng trước mỗi chuyến đi sao cho tiết kiệm nhất
Đầu năm 2017, chị trở về Việt Nam, bắt đầu lao vào công cuộc kiếm tiền và tiết kiệm tiền cho cuộc sống độc thân. Chị quyết định mua nhà vào tháng 10 nhờ có chút vốn tích cóp được khi đi du học và tiền bán hàng là khoảng 300 triệu. Chị chọn một căn chung cư khá ổn, giá 1,5 tỷ, chị vay ngân hàng 1,2 tỷ.
Cuộc sống cứ trôi, và chị lại tiếp tục tiết kiệm. Mức lương ở công ty cũ của chị vẫn không thay đổi 5 triệu/tháng. Lãi từ bán hàng online được 20 triệu/tháng.
Các khoản chi phí trong tháng của chị gồm: tiền lãi ngân hàng: 8 triệu/tháng (vay gói ưu đãi); hóa đơn điện nước, internet: 1,2 triệu; điện thoại: 500 ngàn đồng; ăn sáng ở nhà, buổi trưa mang cơm theo: 1 triệu; chi phí vui chơi cá nhân: 1 triệu.
Chị hạn chế ăn hàng, đi chơi với bạn bè, không đi mua sắm khi không cần thiết, tiết kiệm quần áo mặc lại đồ khách order nhưng bùng hàng...
Cộng các nguồn thu ngoài nhờ công việc bán hàng và thưởng do hoàn thành công việc xuất sắc, chị vẫn giữ đúng quy định chi tiêu nghiêm ngặt như vậy cho bản thân, mỗi tháng chị để dành được khoảng 15 triệu để trả nợ.
Số tiền dư dả, chị dành để đi du lịch nghỉ dưỡng. Hiện tại, chị đã nghỉ ở công ty cũ và có một công việc mới thu nhập tốt hơn, thời gian cũng không ràng buộc nhiều nên tháng nào cũng đi du lịch kể cả trong nước và nước ngoài, ít là 3-4 ngày, nhiều là 2-3 tuần. Thỉnh thoảng, chị vẫn gửi tiền biếu bố mẹ.
Chị độc thân nên bản thân không đặt nặng vấn đề nợ nần vì nếu khổ quá hoặc không có khả năng thì bán nhà đi trả nợ là xong.
Từ kinh nghiệm của bản thân, bài học cuộc sống mà chị Trang khuyên các bạn nên tìm nguồn thu ngoài lương, quản lý tài chính tốt và bỏ uống trà sữa thì tiết kiệm tiền là điều chắc chắn có thể.
Bài học rút ra từ câu chuyện cuộc sống thú vị này
Rất nhiều người dù có thu nhập ổn định, ở mức khá, nhưng vẫn thường xuyên rơi vào cảnh... cháy túi. Điều này không đơn thuần chỉ nằm ở khía cạnh thu nhập, mà còn liên quan đến khả năng quản lý chi tiêu cá nhân.
Qua câu chuyện chia sẻ về chi tiêu của chị Trang, chúng ta có thể rút ra một số bài học về cách quản lí tiền bạc để tạo dựng một cuộc sống vương giả hơn.
Bắt đầu từ thay đổi cách nghĩ về tiền
Một số người có những cảm xúc phức tạp về tiền: áp lực trước việc kiếm tiền, cảnh giác trước sự tham lam, cảm thấy thù ghét các yếu tố vật chất và đề cao giá trị tinh thần…
Để thay đổi thái độ từ thờ ơ hay sợ hãi sang tâm thế chủ động khi sử dụng tiền, trước tiên bạn phải hiểu được cảm xúc của mình.
Đừng phụ thuộc vào tiền, cũng đừng cảm thấy tội lỗi khi nghĩ về tiền, đó là nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Thay vào đó, hãy tin rằng bạn có thể kiểm soát và sử dụng đồng tiền để mang lại niềm vui cho bản thân.
Học cách nói về tiền
Mọi người hay nghĩ rằng vấn đề tiền bạc là một vấn đề tế nhị và thường tránh đề cập trước mặt nhau, thay vào đó, họ suy nghĩ một mình và tự làm bản thân trở nên căng thẳng.
Tất nhiên, nói về tiền là một chuyện rất khó khăn, bạn sợ bị người khác đánh giá là ham tiền, đề cao đồng tiền, trọng vật chất… nhưng đây vẫn là một việc nên làm.
Sự rõ ràng về tài chính là cách quản lý tài chính cá nhân và để mọi người hợp tác với nhau tốt hơn.
Học cách quản lý tiền và chi tiêu dưới khả năng cho phép
Sống dưới mức khả năng có nghĩa là bạn sẽ tìm kiếm những món đồ phù hợp chứ không phải một món đồ làm thỏa mãn bản thân, chẳng hạn như một chiếc xe đã qua sử dụng, một ngôi nhà nhỏ hơn, và quần áo từ các kệ bán hàng giảm giá. Đâu có gì là quá tệ, phải không?
Học cách thiết lập ngân sách
Câu chuyện cuộc sống này cho ta thấy, thiết lập một ngân sách vững chắc từ tháng này qua tháng kia sẽ giúp bạn không có cảm giác bị tước đoạt. Ngân sách sẽ được thiết lập ở 3 mức: thấp, trung bình và cao, từ đó bạn sẽ quyết định thiết lập ở mức nào vào đầu mỗi tháng.
Việc học cách quyết định ngân sách sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lí hơn.
Học cách lựa chọn ưu tiên trong chi tiêu
Hãy xác định những gì thật sự quan trọng với bạn trước khi quyết định bỏ ra một khoản tiền.
Hãy chắc chắn rằng bạn đã có kế hoạch và đây là ưu tiên quan trọng nhất.
Một cách quản lý tài chính cá nhân khôn ngoan là hãy tạo 2 tài khoản: một cho nhu cầu thiết yếu (điều bạn cần) và một cho chi tiêu tùy ý (những mong muốn bộc phát). Bằng cách đó, bạn sẽ kiểm soát tài chính một cách dễ dàng hơn.
Học cách tiết kiệm thông minh
Đừng tiết kiệm theo kiểu “tiết kiệm càng nhiều càng tốt” mà hãy đặt mục tiêu tài chính trong bối cảnh cụ thể để biết chính xác bạn cần tiết kiệm bao nhiêu và bao lâu thì đạt được mức tiết kiệm đó.
Xác định mục tiêu càng rõ ràng bao nhiêu thì bạn càng có động lực thực hiện bấy nhiêu, và từ một mục tiêu ban đầu, hãy xây dựng các kế hoạch nhỏ hơn xung quanh nó.
Thủy Nguyễn (T.H)