Dù già hay trẻ nhận ra điều này càng sớm càng dễ cải vận ngàn đời

Thứ Hai, 28/06/2021 10:15 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Để cải thiện vận mệnh ngàn đời tưởng là việc khó khăn, nhưng thực ra chúng ta chỉ cần cải biến từ việc rất nhỏ, ta phải nhận thức được mình đang sai những gì bằng việc so sánh với các lời khuyên sau đây để tìm cách chỉnh sửa càng sớm càng tốt.
 
Việc tu hành của đời người, quý giá ở tu tâm, dù bạn đang trong hoàn cảnh nào thì cũng nên học tập những lời khuyên sau của người xưa để cố gắng học tập, không ngừng tinh tấn thì cuối cùng nhất định cuộc đời sẽ viên mãn.

1. Gặp việc không học, lúc cần dùng đến lại hối hận

 
Trong cuộc sống, chúng ta có không ít lần gặp chuyện khó lường và lúc đó ta rơi vào bế tắc, cảm giác tiến thoái lưỡng nan. Thế nhưng trong hoàn cảnh tương tự, có người lại có thể tìm cách xử lý nhanh chóng, gọn ghẽ. Vì đâu họ có được khả năng như vậy?

Đó không hề là một vận may trên trời rơi xuống, những người đó có thể phản ứng nhanh cũng vì họ đã được học hỏi cách làm gì trong tình huống tương tự từ trước đây.

Người xưa có câu: “Đến lúc cần dùng đến sách vở, mới ân hận là tri thức của mình quá kém”. Câu này tạm hiểu là, đến khi cần dùng đến kiến thức của mình để xử trí thì mới nhận ra hiểu biết của mình quá hạn hẹp thì ân hận cũng đã muộn màng.

Đó là lý do Steve Jobs cho biết ông đọc rất nhiều sách, cũng chỉ vì để khi gặp phải tình huống bất ngờ nào đó thì một kiến thức trong sách cũng có thể cứu lấy mình. Thế mà hầu hết chúng ta cho rằng sách chẳng có gì thú vị, toàn lý thuyết, chẳng có ích lợi gì mấy. Trong khi đó đọc sách cũng là một trong những cách thay đổi vận của người xưa đã răn dạy chúng ta từ lâu.

Việc tự mình vấp ngã rồi mới có kinh nghiệm thì không biết bao nhiêu lần tổn thương trong cuộc đời ta mới có thể trưởng thành đây. Chi bằng ta học hỏi từ người khác, dùng kinh nghiệm của họ để áp dụng cho mình, phòng ngừa rắc rối thì mọi việc sẽ tốt hơn rất nhiều.

Có thể nói, cải thiện vận mệnh ngàn đời cũng có thể bắt đầu chỉ bằng đọc sách, học hỏi nhiều hơn nữa. Vì thế, dù bạn đang trẻ hay đã già, hãy luôn cố gắng nuôi dưỡng tinh thần ham học hỏi, đọc sách thường xuyên, hỏi han thêm người có kinh nghiệm,... Đừng để khả năng hiểu biết hạn chế khiến bạn khi gặp việc khó thì hối hận đã không kịp.
 
 

2.  Sức khỏe phải điều dưỡng trước khi bệnh

 
Có vị bác sĩ người Nhật từng nói, ông là bác sĩ nhưng không thích đi chữa bệnh, ông mong mọi người phòng ngừa bệnh tật hơn là có bệnh mới đi chữa thì sức khỏe đã tổn hại đi ít nhiều. Đó là lý do ông luôn khuyên mọi người nên lưu tâm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Steve Jobs từng cảm thán rằng: "Chiếc giường đắt nhất là giường bệnh" vì khi ông có vô số của cải, tiền bạc thì cũng không được hưởng vì trong người đang mang bệnh tật vô cùng khổ sở.

Vì thế, chúng ta hãy cố gắng dưỡng thân để phòng ngừa bệnh tật hơn là đợi khi bệnh mới đổ hết tiền bạc đi chữa. Đừng thấy chết đến nơi mới biết sợ vì lúc đó đã quá muộn màng.
 
Dù đang ở lứa tuổi nào, hãy hạn chế dục vọng để tập trung vào việc cải thiện bữa ăn ngon, điều độ, ngủ đủ giấc. Vấn đề là có nhiều người hiểu rõ điều này nhưng khó thực hiện, cũng là bởi họ đang bị cuốn theo cuộc sống bận rộn, vội vã ngoài kia mà quên mất đi việc chăm sóc chính bản thân mình.
 

3. Lòng biết cảm ân ắt có phúc báo

 
Đôi khi ta có thể cải thiện vận mệnh ngàn đời chỉ bằng nghe lời người xưa biết trân trọng, cảm ơn cuộc sống, cảm ơn người đã giúp đỡ mình. Theo lời Phật dạy về lòng biết ơn: Trân trọng thứ mình đang có bạn sẽ có nhiều hơn.

Mỗi chúng ta là một cá thể tồn tại trong cuộc đời này rất cần thêm sự hỗ trợ của người khác để cải thiện cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên mà sức mạnh tập thể luôn được đề cao. Do đó, chúng ta không chỉ giúp đỡ người khác mà khi nhận được sự giúp đỡ của họ còn phải biết trân trọng, cảm ơn.

Không bao giờ được xem việc ai đó giúp mình là chuyện đương nhiên dù đó là ông bà, cha mẹ, hay anh em, người thân của ta. Một người hiểu được báo ân, nhất định là một người lương thiện, có tấm lòng rộng mở, tâm hồn trong sáng. Điều này đảm bảo họ sẽ nhận phúc báo, được sống thanh thản, yên bình giữa bão táp, phong ba cuộc đời.  

4. Biết lắng nghe, thông hiểu người khác

 
Trên đường đời của mình, không ít lần chúng ta chứng kiến cuộc sống khó khăn của người khác, có thể họ rơi vào thị phi, có thể cuộc sống bế tắc vì phá sản,... Lúc đó hãy học cách lắng nghe và thông hiểu, thay vì vội vàng nói ra lời phán xét nào đó.

Một người khuyết thiếu sự cảm thông, lắng nghe người khác thì sẽ thường sinh ra thị phi, tranh chấp và hiểu lầm. Vì cuộc sống đã chứng minh cho ta thấy, có những việc tận mắt nhìn thấy mà chưa hẳn đã là đúng như bản thân mình nghĩ, vì vậy, hãy bình tĩnh hơn, biết lắng nghe nhiều hơn.

Cuộc sống khó lường, biết đâu có ngày ta cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, lúc đó giải thích quá nhiều, tranh chấp nguyên là không cần thiết. Đúng sai phải trái, là trắng là đen, sớm muộn cũng sẽ có ngày minh bạch. Người xưa thường dùng câu: “Trên đầu ba thước có Thần linh” hay “Người đang làm, Trời đang nhìn” để hiểu rằng ta có tội hay không thì đất trời cũng đã biết.
 
Dù là mình hay người gặp chuyện không hay thì hãy giữ cho mình một nguyên tắc sống và nhớ rằng: “Trong sạch tự mình biết, ô uế tự mình hay”.
 
 

5. Lắng nghe lời răn dạy của người lớn tuổi

 
Lời của người già nguyên là trí huệ được đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nó cũng được hun đúc từ trong những thử thách của cuộc sống, thời gian, là một loại vốn liếng trên hành trình nhân sinh của họ.  

Người già đã trải qua nhiều chuyện, đi qua nhiều con đường, nếm trải nhiều cay đắng. Thế giới này đã tôi luyện họ trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Điều đó khiến nhận thức của họ có chiều sâu, sự từng trải, nhìn thấu lẽ đời, thông suốt được vận mệnh. 
 
Con đường mà bạn đang đi, chính họ cũng đã từng trải qua. Lời của người lớn tuổi, dẫu không phải lúc nào cũng hợp với hoàn cảnh của bạn nhưng ít nhất cũng nên được nghe với thái độ trân trọng. 
 
Vì thế, hãy lắng nghe lời khuyên của người lớn tuổi để hạn chế tối thiểu những hiểm họa trong cuộc sống của mình. Đừng gạt đi những lời nói tưởng rất đơn giản của họ vì người già chính là một kho báu về kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế. 

Thực tế là đến khi lớn tuổi hơn, trải qua nhiều va vấp cuộc sống, ta mới nhận ra rằng, những bài học của ông bà cha mẹ có rất nhiều giá trị mà đôi khi, chỉ qua trải nghiệm, chúng ta mới hiểu rõ được ý nghĩa lớn lao của chúng.
 

6. Phát tài lớn dựa vào phúc đức 

 
Bạn có thể là người chăm chỉ, thông minh nhưng điều đó chỉ đảm bảo cho cuộc sống no đủ, không rơi vào khó khăn. Thế nhưng để giàu có, cuộc sống trở nên sang quý thì ắt cần có phúc đức sâu dày. Người xưa từng nói, phát tài nhỏ dựa vào chuyên cần nhưng phát tài lớn chính là dựa vào phúc đức.

Do đó, họ mới khuyên răn chúng ta nên cố gắng tạo phúc càng nhiều càng tốt vì đức mà không dày thì giàu có cũng chỉ là tạm bợ mà thôi. Do đó, hãy xem quá trình kiếm tiền chỉ là lúc ta phát huy sức sáng tạo, thử nghiệm kiến thức của mình để thu hút lòng người chứ đừng cố tranh giành tiền bạc về mình. Nếu phúc đức không đủ thì tiền bạc cũng sẽ sớm tiêu tan. 
 

7. Tấm lòng thoáng đãng, thọ ích vô cùng

 
Con người chẳng ai hoàn hảo, đừng chỉ một khiếm khuyết của người ta mà phóng đại nó lên, cho rằng họ là kẻ xấu xa, và chì chiết họ không ngừng. Tha thứ cho người ta không chỉ cho họ một con đường sống mà còn là để tâm ta được thanh thản.

Tâm địa nhu hòa là tiến bộ lớn nhất của người biết tu dưỡng bản thân. Người ta một khi trong lòng ôn nhu, hòa nhã thì mới có thể sống thọ, nhiều an vui.

Phàm là chuyện gì cũng đều độ lượng, ắt được người tôn kính. Hãy nuôi dưỡng lòng khoan dung độ lượng vì đó chính là phúc báo lớn nhất đời người.