Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Những cách từ chối cho mượn tiền có thể áp dụng ngay để tránh mất cả tiền lẫn tình

Thứ Ba, 27/12/2022 09:58 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy áp dụng cách từ chối cho mượn tiền sau đây để hạn chế tối thiểu việc cuối năm tốn thời gian đi đòi nợ mà "con nợ" vẫn ngang ngược không chịu trả cho bạn.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
Việc tìm cách từ chối cho mượn tiền được áp dụng tùy từng trường hợp vì có những người đủ thân thiết, ta vẫn có thể cho vay trong khả năng của mình để giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại.

Tuy nhiên, có những đối tượng nếu đã thấy không ổn thì tốt nhất không cho vay mượn ngay từ đầu, vừa tránh dây dưa mất lòng lại mệt mỏi khi đi đòi nợ. Không ít người cảm thấy khó chịu khi bị "con nợ" dè bỉu mấy câu đại loại như "Nhiều tiền mà ki thế", "Nhiều tiền mà vay mấy đồng cũng đòi lên đòi xuống"...

Thực tế, cho người khác vay tiền thì dễ nhưng yêu cầu trả lại tiền mới khó. Nếu tỉnh táo và thông minh, hãy đặt ra một số giới hạn nhất định cho người đi vay. 
 
cach tu choi cho muon tien

Những cách từ chối cho mượn tiền hiệu quả

1. Giảm số tiền càng ít càng tốt

 
Không ít vụ án mạng liên quan đến việc cho vay số tiền lớn nhưng không trả, "con nợ" còn tỏ ra hách dịch, thách thức. Thế nên khi có người hỏi mượn số tiền lớn thì dù thân thiết, tin tưởng đến đâu cũng cần tìm cách để giảm số tiền càng ít càng tốt để giảm rủi ro cho cả đôi bên.

Dù có tin tưởng ai đến mấy thì việc cho vay quá nhiều tiền cũng khá mạo hiểm. Đặc biệt là cho vay để người đó đầu tư làm ăn bởi dù người đó có vẽ ra kế hoạch hay ho tới mức nào thì vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro khó lường. Trong trường hợp xấu nhất, người ta có thể vỡ nợ và hoàn toàn mất khả năng trả nợ thì bạn muốn đòi tiền lại cũng khó. 

Bạn có thể nói không có tiền đồng thời tỏ ra thái độ thành thật của mình nhưng nếu có thể giúp phần nào thì nên hỗ trợ nhưng lưu ý đó là số tiền vừa phải thôi, đề phòng trường hợp họ không trả thì xem như đó là số tiền để mua một bài học về tiền bạc, cũng không ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình bạn.

Nhưng để đối phương bớt hụt hẫng vì không mượn được đủ số tiền như mong muốn, bạn có thể nói: Sao bạn không nói sớm? Mình vừa cho một người bạn tiền rồi, còn có một chút thôi không biết có được không?

Tốt hơn hết hãy nói bạn không có nhiều, chỉ có bấy nhiêu, nếu đồng ý thì có thể cầm lấy, đó là lựa chọn của họ. Bằng cách này, bạn không những không làm tổn thương tình cảm đôi bên mà còn giảm thiểu rủi ro. Đó là một cách tốt để đặt quyền lựa chọn vào tay đối phương để họ quyết định có tiếp tục vay hay không.
 
3 câu chuyện cuộc sống ĐAU ĐẦU VÌ TIỀN mà ai cũng phải đối mặt
Vay tiền, trả hoá đơn và gửi tiền là ba câu chuyện gần như không ai trong chúng ta thoát được. Những câu chuyện về tiền ấy giúp chúng ta có được bài học gì

2. Thay thế bằng một sự hỗ trợ khác


Một cách từ chối cho bạn mượn tiền mà bạn có thể áp dụng nhưng người hỏi mượn tiền không thể trách bạn mà thậm chí họ có thể cảm ơn bạn, đó là thay thế bằng một sự hỗ trợ khác.

Nếu có khả năng "đánh hơi" trước việc họ muốn mượn tiền thì nên khéo léo và nhanh nhẹn than khổ với họ trước như dạo này làm ăn không được, lương ba cọc ba đồng khổ quá,... với vài câu đơn giản như thế chắc chắn là rào cản trong việc vay mượn của đối phương. Có nhiều người vì ngại nên họ sẽ không thể mở lời mượn tiền với bạn.

Không giúp được tiền bạc, bạn có thể hỏi rõ khó khăn của người ta trong thời gian này là gì để hiểu rõ hoàn cảnh đối phương, thể hiện sự quan tâm tới họ. Không phải khi nào đưa tiền như yêu cầu của họ mới là giải pháp hay, tùy từng hoàn cảnh cụ thể bạn có thể ứng phó phù hợp.

Ví dụ như nếu người ta khó khăn vì đang thất nghiệp thì bạn có thể giới thiệu cho họ việc làm mới, hoặc thậm chí có thể cho họ mượn điện thoại, mượn xe cũ nếu bạn có dư,…

Bạn có thể gợi ý cho họ nhiều cách giúp khác miễn không phải là tiền. Hãy yên tâm rằng không ai có thể giận bạn với sự nhiệt tình giúp đỡ này đâu.
 

3. Hẹn thời gian trả nợ

 
Khi không thể nào từ chối hoàn toàn trước khó khăn của người ta và bạn cũng muốn hỗ trợ một khoản tiền nhất định thì bạn cũng phải thẳng thắn hỏi ngày họ trả nợ. Có thể việc hỏi ngày trả trước khi đưa tiền khiến cả hai cảm thấy ngại ngùng nhưng là việc cần thiết, quan trọng là ở thái độ của bạn thể hiện sự thấu hiểu cho những vấn đề của họ đang gặp phải.

Hai người cần thống nhất ngày trả nợ vì việc này giúp người vay biết được hạn họ sẽ phải trả tiền.

Nhiều người cho mượn tiền và mất luôn cả tiền cả bạn nhưng quá trình vay mượn này thể hiện tính cách, trả nợ thể hiện tính nhân văn của một người. Thực tế là dù tiền ít hay nhiều thì nhiều người cho dù đến kỳ hạn vẫn không trả mà còn tránh gặp mặt. Ban phải lường trước cả tình huống này nữa nhé. 
 
Bởi vậy, khi có người vay tiền, dù thân thiết đến đâu cũng không nên quá nhiệt tình. Nếu phải cho vay, bạn có thể giả vờ nghèo và nói về những khó khăn của bản thân, chẳng hạn như căng thẳng đang gặp phải khoản vay thế chấp và mua xe cộng với chi phí hàng ngày... Sau đó, nói rằng bạn sẽ cần số tiền đó để làm gì, nên họ phải trả lại vào đúng ngày nào nếu không thì bạn cũng rơi vào khó khăn.
 
Bằng cách này, gánh nặng tâm lý của bên kia sẽ lớn hơn, họ sẽ lo lắng hơn về việc trả lại tiền. Ngoài ra, nếu quá thời hạn mà bên kia không trả tiền thì cũng có lý do để đòi lại, mà không ngại ngùng.
 

4. Nói rằng mình cũng cần tiền lo việc quan trọng

 
Bạn có thể nói với người hỏi vay tiền mình rằng hiện tại bạn cũng đang có một việc quan trọng cần phải dùng tiền nên không thể hỗ trợ đối phương. Nếu người kia là người hiểu chuyện thì không thể trách cứ bạn vì bất cứ lý do gì.

Bạn từ chối khéo léo bằng cách nói vừa đóng khoản tiền lớn cho con đi học, bản thân đang khó khăn vì trả tiền mua nhà, mua xe, bố mẹ ốm bệnh,... hoặc thậm chí cũng đang thiếu tiền của người khác. Chính vì thế mà cho dù có muốn giúp đến đầu thì tài chính của bạn cũng không cho phép.

Một điều quan trọng của bước này là bạn phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bạn cần phải bỏ số tiền lớn, ai cũng sẽ ngại nếu hiểu hoàn cảnh này của bạn.

Nếu cũng muốn giúp họ một chút bạn có thể bảo là để mượn cho họ một khoản, số tiền này là mượn của người quen và phải trả lãi. Nếu người đó chấp nhận vay, họ sẽ nghĩ đến việc trả lại tiền càng sớm càng tốt để giảm lãi vay. Điều này sẽ tạo áp lực tâm lý trả nợ cho đối phương. Nếu bên kia không trả nợ thì sẽ có cớ để đòi lại tiền.
 

5. Làm hợp đồng cho vay

 
Lam hop dong cho vay tien
 
Là bạn bè, người thân chúng ta vẫn cảm thấy ngại ngùng khi yêu cầu họ làm hợp đồng hay viết giấy cho vay nhưng dù thế nào đi chăng nữa việc có giấy vay nợ rõ ràng với những khoản tiền cụ thể cũng là cần thiết, đề phòng trường hợp xảy ra tranh chấp.

Trước khi đề nghị việc làm hợp đồng, để khiến cả hai cảm thấy ngại ngùng, bạn vẫn nên thể hiện sự đồng cảm với đối phương và hoàn cảnh khó khăn mà họ đang gặp phải. Tiền bạc sẽ làm tổn thương tình cảm nên cần phải thận trọng khi cho người khác vay tiền.

Dù mối quan hệ tốt đẹp đến đâu, cần rõ ràng minh bạch ngay từ đầu, nên làm giấy cho vay. Giấy cho vay được xem như một hợp đồng vay tiền nhằm ràng buộc trách nhiệm của hai bên, họ ý thức hơn việc phải hoàn thành số tiền này đúng hạn.
 
Trong đó ghi rõ số tiền vay, lãi suất, thời hạn trả… và có đầy đủ chữ ký của hai bên. Giấy cũng thể hiện việc họ tham gia giao dịch này hoàn toàn tự nguyện và lãi suất cho vay không vượt quá 20%/năm.
 

6. Không cho vay nhiều lần


Nhiều người một khi đã vay được tiền bạn một lần thì có xu hướng tìm tới bạn những lần tiếp theo. Nhưng bạn phải hiểu bạn cho họ mườn tiền đó là tình cảm, không phải là bổn phận, bạn chỉ có thể giúp họ một lần khi cần gấp, nếu thường xuyên tìm tới bạn nghĩa là có dấu hiệu lợi dụng lòng tốt.

Đừng quá hào phóng cứ người ta cần tiền sẽ tìm tới bạn là thói quen không tốt chút nào. Điều đó sẽ khiến họ không rút kinh nghiệm về chuyện tiền nong khi biết rằng cứ khó khăn sẽ vay tiền bạn và mặc định rằng sẽ vay được. 

Đôi khi những khoản vay vài chục, một vài trăm lẻ sẽ trở nên rất khó đòi hoặc bạn cũng ngại mở miệng nếu người ta không tự giác. Bởi thế, nếu không muốn vay nhỏ gộp thành lớn thì hạn chế điều này, sẽ giúp bạn đỡ mất tiền. Nếu cho vay và ngại đòi thì cũng xác định là có thể bạn sẽ không lấy lại được số tiền đó.

Trong trường hợp người đó từng vay tiền và chưa trả lại, bạn có thể nhẹ nhàng nhắc lại chuyện đó, đừng khiến họ có cảm giác tồi tệ hơn và ghét bạn vì đã không cho họ mượn tiền.

Bạn có thể nói rằng không muốn họ mắc nợ nhiều hơn nên không thể cho mượn thêm. Thêm một lưu ý nữa là đừng chủ động hỏi họ tại sao cần vay tiền. Việc đặt ra câu hỏi như vậy có thể khiến người hỏi vay càng thêm bối rối. Hãy để họ tự chủ động chia sẻ thông tin nếu muốn.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X