Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Cách tạo thói quen đọc sách ở trẻ để chuẩn bị nền tảng vững chắc cho con vào đời

Thứ Sáu, 19/01/2024 17:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những cách tạo thói quen đọc sách ở trẻ sau đây hoàn toàn dễ dàng áp dụng đối với những bố mẹ thực lòng quan tâm tới quá trình phát triển nhân cách của con.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Có câu: "Nếu không đọc sách, đi vạn dặm đường chẳng qua cũng chỉ là người đưa thư" để nhấn mạnh lợi ích của đọc sách trong quá trình phát triển bản thân. Đó là lý do ngày nay có nhiều phụ huynh cố gắng cho trẻ tiếp xúc với sách từ sớm để khơi gợi tình yêu sách ở trẻ. Tuy nhiên, việc này không nên gò ép nếu không sẽ gây ra tác dụng ngược. Thế nên chúng ta cần học cách tạo thói quen đọc sách ở trẻ đúng cách hơn.

Khi trẻ mới bắt đầu làm quen với sách, ba mẹ nên lựa chọn những cuốn sách có nội dung phù hợp độ tuổi và sở thích của trẻ. Từ chất liệu sách, hình ảnh minh họa đến màu sắc bên trong phải đẹp, sinh động để trẻ thích thú, muốn tò mò khám phá.
 
Cach tao thoi quen doc sach o tre
 

1. Ba mẹ là tấm gương đọc sách cho trẻ


Những ông bố, bà mẹ thường xuyên ngồi lướt điện thoại sẽ không thể trở thành tấm gương tốt cho trẻ học hỏi. Thế nên để khơi gợi hứng thú với sách, để con yêu sách hơn thì chính các bậc phụ huynh cũng phải thường xuyên đọc sách.

Các con sẽ có xu hướng bắt chước ba mẹ mình, nếu bố mẹ thường xuyên cầm sách thay vì điện thoại thì con sẽ muốn tìm tòi, khám phá những điều thú vị trong từng trang sách.

Sách sẽ mở ra thế giới kỳ thú, bao la rộng lớn hơn ở ngoài kia chứ không chỉ là những kiến thức trong sách giáo khoa. Thế nên, đừng chỉ nhờ vào nhà trường mà chính ông bà, bố mẹ hãy chú ý tới việc tạo cho các con có thói quen đọc sách.

Hoặc bố mẹ có thể đồng hành cùng con trong quá trình này bằng việc đọc sách cùng con mỗi tối hay chơi các trò chơi bằng sách với trẻ hàng ngày như tìm kiếm các con vật, đồ vật có trong sách, xếp hình từ những cuốn sách...
 
Yang Jiang, một nhà văn, dịch giả người Trung Quốc nói: “Có đọc nhiều sách, nội tâm mới không bị “vỡ đê”. Thế nên hãy cố gắng trở thành tấm gương tốt của con vì đây cũng là một trong những cách giúp trẻ thích đọc sách một cách hiệu quả nhất mà ba mẹ có thể áp dụng. 

2. Tôn trọng sở thích đọc sách của trẻ 

 
Nhớ rằng quan trọng nhất là khuyến khích tình yêu sách ở trẻ nên miễn là con thường xuyên cầm sách lên, tò mò khám phá là đã được xem là thành công. Bố mẹ có thể chọn lựa kỹ loại sách từ trước cho con rồi mới mua về, nhưng sau đó con có quyền chọn cuốn sách mình thích nhất. 
 
Trẻ em vẫn còn non nớt và sự lựa chọn của chúng còn có những hạn chế rất lớn. Điều này đòi hỏi phụ huynh đầu tư nhiều hơn, có thể tìm kiếm từ nhiều nguồn hoặc tự mình đọc trước để lựa chọn những cuốn sách thực sự phù hợp với lứa tuổi của con mình. Nhưng một khi mua về rồi thì cho con có quyền chọn đọc cuốn nào.

Tùy vào độ tuổi, sở thích của con mà ba mẹ lựa chọn cuốn sách, tập truyện phù hợp nhất. Cách này vừa giúp trẻ thích đọc sách hơn vừa thể hiện tình cảm, sự quan tâm của ba mẹ dành cho trẻ.

Để phát triển hứng thú đọc cho trẻ, trước hết cần lựa chọn sách đọc phong phú về nội dung, thể loại phù hợp với nhu cầu đời sống tinh thần, sự phát triển của trẻ. Hiện nay trên thị trường sách vô cùng phong phú nên không hề dễ cho việc bố mẹ ra quyết định.

Bố mẹ cần tham khảo trước để biết các tiêu chí nghệ thuật của tác phẩm, sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức dưới những biểu hiện rõ ràng sinh động, hấp dẫn, sự sung mãn về màu sắc, âm thanh, cái mới lạ về cách ứng xử và tình cảm tốt đẹp ở con người. Nên ưu tiên những cuốn sách nuôi dưỡng đạo đức của con hơn.
 

3. Thiết lập thời gian đọc cố định

 
Bản chất của giáo dục là rèn luyện thói quen. Việc hình thành thói quen cho trẻ từ sớm đối với việc đọc sách là rất quan trọng. Ba mẹ hãy duy trì việc cùng nhau đọc sách mỗi ngày trong một khoảng thời gian nhất định để trẻ hình thành thói quen.

Tạp chí Time có viết: "Trẻ em thích những điều bất ngờ, nhưng chúng lại nhớ những hoạt động gia đình dễ đoán hơn". Thế nên cho con một lịch trình sẽ khiến chúng cảm thấy chủ động, không bị gò ép.
 
Hãy xem việc đọc sách là một phần của cuộc sống hàng ngày sau khi bố mẹ cùng con của mình tìm khoảng thời gian phù hợp và thực hiện hoạt động đọc sách chung này. Chẳng hạn: một giờ trước khi đi ngủ hoặc những khoảng thời gian khác cho phép có nhiều thời gian hơn.

Trước mỗi lần đọc, hãy mở một bản nhạc nhẹ nhàng êm dịu để xoa dịu nỗi lo lắng, thiếu kiên nhẫn và những cảm xúc tiêu cực khác bên trong trẻ.
 
Khi trẻ quen với lịch trình đọc sách, con sẽ tự nhiên thích đọc và thậm chí tình cảm của bố mẹ và con cái cũng sẽ có cơ hộ gắn kết hơn. 
 
Tinh yeu sach o tre
 

4. Thường xuyên cho trẻ đi thư viện

 
Muốn nhìn được xa hơn, phải đứng ở nơi cao hơn; muốn sống cuộc sống của 1% người trên thế giới, con của bạn phải sở hữu tư cách để đứng vào hàng ngũ 1% đó.

Môi trường có thể thay đổi góc nhìn của một người vì thế, hãy cố gắng tạo ra môi trường liên quan tới nhiều sách vở nhất có thể để con bạn có thể yêu sách một cách tự nhiên nhất có thể.
 
Trước hết, phụ huynh có thể bố trí không gian đọc sách tùy theo hoàn cảnh của mình. Thường xuyên bổ sung sách trong nhà bạn bằng cách mua chúng làm quà tặng trong các dịp lễ, sinh nhật.
 
Hãy thường xuyên đưa con đến những nơi như thư viện, hiệu sách, ở đó không chỉ có số lượng sách lớn mà còn có nhiều người đọc, không khí đọc sách càng mạnh mẽ, dễ tạo động lực cho trẻ.

Việc nhìn thấy những người khác say sưa đọc sách sẽ khơi dậy niềm đam mê sách của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ có thể thỏa thích khám phá kho tàng tri thức quý báu từ những quyển sách xung quanh mình. 
 
Vì sao người giàu đề cao thói quen kỷ luật? Hiểu được nó sẽ biết cách để giàu có bền vững
Vì sao người giàu đề cao thói quen kỷ luật ngay từ trong việc nhỏ như đọc sách, tập thể dục thể thao? Khi tìm ra câu trả lời cũng là lúc bạn có thể bắt tay

5. Không thúc ép trẻ đọc sách


Tăng Quốc Phiên - nhà Nho ưu tú của Trung Quốc từng nói: “Khí chất con người là trời sinh, vốn dĩ khó thay đổi, nhưng đọc sách có thể thay đổi khí chất này". Vậy nên để con của bạn có khí chất hơn khi trưởng thành hãy nuôi dưỡng tình yêu sách của trẻ một cách tự nhiên nhất có thể. 

Cha mẹ không nên ép buộc hành vi này sẽ khiến con cảm thấy sợ hãi, ví dụ như có cha mẹ ép con sau khi đọc phải trích lại cả trăm câu chữ hay bắt con phải nhớ một câu chuyện nào đó là không nên.
 
Yêu cầu có vẻ khắt khe không những không giúp trẻ hòa nhập vào không khí đọc sách mà còn khiến trẻ hình thành tâm lý phản kháng. Khi trẻ đã có đủ những kỹ năng cơ bản, có sự yêu thích đặc biệt thì dù không yêu cầu, con sẽ nhớ một câu chuyện nào đó thực sự ấn tượng với trẻ. 

Vì vậy bạn không nên ép buộc trẻ đọc theo yêu cầu nào đó của mình mà chỉ cần khơi dậy niềm yêu thích của trẻ đối với sách. Nếu trẻ bị thúc ép quá nhiều, trẻ dễ mất đi sự hứng thú với sách.

6. Phát triển thói quen đọc hiểu

 
Nếu chỉ đọc sách cho có, để "lấy thành tích" thì hiệu quả việc đọc không được là bao.

Thế nên khi con của bạn ở giai đoạn đã có thể đọc xong một đoạn hay một quyển sách thì bạn có thể vui vẻ thảo luận, trao đổi với trẻ về nội dung mà chúng đọc được.

Một số câu hỏi đơn giản bạn có thể hỏi con như: “Theo con thì nhân vật này có điểm gì tốt?”, “Con hãy tóm tắt lại nội dung mà con đã đọc?”, “Theo con thì nội dung của câu chuyện có gì hay? Qua câu chuyện này con học được điều gì?”...

Bố mẹ hãy dạy con đọc sách bằng cách tích cực thảo luận về nội dung cuốn sách đang đọc. Điều này không chỉ giúp ba mẹ nắm bắt được mức độ hiểu biết của trẻ mà còn giữ được sự hứng thú của trẻ với cuốn sách đó.
 
Cha mẹ có thể dạy con trích những từ, câu hay khi đọc, viết ghi chú đọc,… Việc này có thể ghi lại cảm xúc của con ngay sau khi đọc, giúp con nhớ lâu hơn các chi tiết ấn tượng nhất với mình.
 
Cha mẹ có thể khéo léo nói với con rằng việc ghi lại những điều này là để con có thể chia sẻ suy nghĩ của mình sau khi đọc với người khác tốt hơn, cũng như khơi dậy tính chủ động của con.
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X