(Lichngaytot.com) Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cực kỳ chi tiết và đơn giản cách làm mứt dừa ăn Tết cho các bạn, kể cả người vụng về nhất cũng có thể làm ra mẻ mứt ngon.
Đã từ lâu mứt dừa trở thành món bánh mứt truyền thống của người Việt. Chỉ với những thao tác và nguyên liệu đơn giản, bạn hoàn toàn có thể biến tấu các món mứt dừa tùy theo sở thích mỗi gia đình. Dưới đây Lịch Ngày Tốt xin hướng dẫn cách làm mứt dừa non, mứt dừa truyền thống, mứt dừa vị cà phê, mứt dừa ngũ sắc, mứt dừa hoa cúc...
1. Cách làm mứt dừa truyền thống
1.1 Nguyên liệu
Cùi dừa: 1kg cùi dừa, loại dừa để làm mứt nên chọn mua dừa bánh tẻ (không non không già). Dừa non nhưng cũng không được non quá bởi nếu non quá rất dễ bị nát.
Đường trắng: 500gr
Sữa đặc có đường: 50ml sữa đặc
Vani: 1 ống vani nhỏ (không bắt buộc)
1.2 Cách thực hiện
Bước 1: Nạo cùi dừa
Cùi dừa sau khi mua về, bạn dùng dao bào (dao cạo) gọt sạch phần vỏ nâu bên phía ngoài. Nạo dừa theo vòng tròn bao quanh cùi dừa để thành sợi dài và mỏng.
Các bạn có thể mua về rồi tự nạo hoặc nhờ người bán dừa nạo sẽ tiết kiệm thời gian và công sức hơn. Sợi dài hay ngắn tùy theo sở thích mỗi gia đình, tuy nhiên nên bào sợi mỏng vì dày quá sẽ làm mứt lâu khô.
Bước 2: Làm sạch cùi dừa
Nạo xong cho ngay vào thau nước sạch, sau đó bóp đều cho dừa ra bớt dầu. Rửa lại thêm 2 - 3 lần nước nữa.
Mẹo nhỏ cho bạn là để giảm bớt dầu trong dừa bạn rửa dừa với nước nóng. Rửa 1 lần khi bạn dùng ngay, nếu muốn để lâu bạn rửa nước nóng ít nhất là 2 lần. Để dừa ráo nước.
Tiếp theo đó là đun sôi một nồi nước, cho thêm thìa cafe muối, đổ cùi dừa vào chần qua khoảng 1 phút. Vớt ra rửa sạch lại rồi để ráo nước.
Bước 3: Ướp cùi dừa
Ướp cùi dừa đã được sơ chế với đường theo tỉ lệ 1/2, cứ 500 gram dừa thì cho vào 250 gram đường. Không nên giảm đường nữa vì sẽ làm cho dừa khó khô, dễ bị chảy nước sau khi sên. Đợi đường tan hết thì đem đi sên mứt.
Bạn có thể ngâm dừa với đường qua đêm, khi thấy sợi dừa trong thì lúc đó đường đã ngấm và đã sên được.
Trong cách làm mứt dừa thì công đoạn ướp cũng rất quan trọng, để có được món mứt dừa ngon và hợp vị gia đình bạn nên để ý tỉ lệ đường sữa cho hợp lý với khẩu vị gia đình nhé!
Lưu ý: Vắt thêm chút chanh (chỉ một ít) ướp cùng dừa mục đích để khi sên mứt sẽ làm cho đường dẻo và không bị lại đường.
Bước 4: Sên mứt dừa
Chắt nước từ dừa ngâm cho vào chảo, nấu sôi rồi hạ lửa cho nước đường cạn bớt. Khi thấy nước đường sánh lại thì mới cho dừa vào. Cách làm này sẽ giúp dừa không bị dai do nấu quá lâu ngay từ đầu, lại làm cho việc sên mứt nhanh hơn.
Để mứt dừa ngon và không bị cháy, bạn nên chọn loại chảo có đáy dày, lòng rộng, vừa sên được nhiều, vừa dễ đảo mà lại không bị cháy. Cứ 5 phút đảo dừa 1 lần, đảo từ dưới lên trên tránh làm gãy dừa, không cần đảo liên tục. Nên sên dừa ở lửa nhỏ, lửa càng nhỏ thì dừa sẽ càng trắng đẹp hơn.
Tiếp tục sên mứt với lửa nhỏ. Khi thấy đường chuẩn bị kết tinh, đảo nặng tay thì tắt bếp. Tiếp tục đảo đều, không được ngưng tay thì đường mới kết tinh thành hạt nhỏ. Đảo như vậy chừng 2 phút thì nhấc mứt khỏi bếp, và tiếp tục đảo cho dừa khô bớt.
Khi dừa gần được thì cho thêm vani để mứt thơm hơn, dàn đều dừa và đảo liên tục để dừa không bị bắt vào nhau.
Bước 5: Mứt dừa thành phẩm
Đổ dừa ra khay inox hoặc mâm nhôm lớn và hong khô mứt dừa. Sau khi mứt dừa khô hoàn toàn rồi thì bạn chỉ cần bảo quản trong lọ thủy tinh, nhựa,... để dùng dần. Từng sợi mứt dừa trắng ngần với sự ngọt ngào của đường quyện với vị thơm ngậy của cơm dừa béo béo. Mứt dừa sợi sẽ là món hoàn hảo để bạn nhâm nhi suốt cả Tết với tách trà.
2. Cách làm mứt dừa non sữa tươi
2.1 Nguyên liệu chuẩn bị
1 kg cùi dừa (không quá già hoặc quá non).
500g đường trắng.
50ml sữa tươi (không đường hoặc có đường tùy thích).
1 trái chanh, 2 ống vani.
2.2 Cách thực hiện
Bước 1: Đem cùi dừa bỏ hết vỏ, nạo theo vòng tròn thành những sợi mỏng.
Bước 2: Chuẩn bị một thau nước nhỏ, vắt 1 quả chanh vào và cho phần cùi dừa đã nạo vào ngâm khoảng 2 tiếng rồi rửa sạch lại với 2 - 3 lần nước. Sau đó để dừa ráo nước.
Bước 3: Cho dừa vào một thau to kèm với 500g đường rồi đảo đều lên, để ướp từ 4 - 6 tiếng cho đến khi tan hết đường. Trong quá trình ướp dừa, cứ mỗi 30 phút thì bạn nên đảo nhẹ dừa để đường ngấm đều.
Bước 4: Cho dừa và nước đường vào chảo và sên ở độ lửa vừa cho đến khi nước đường sôi thì hạ lửa xuống, tiếp tục đảo đều tay. Khi thấy nước đường bắt đầu cạn, bạn cho thêm 50ml sữa tươi vào và đảo lên.
Bước 5: Tiếp tục sên cho đến khi đường cạn, bắt đầu cô đặc lại thì tắt bếp. Bạn có thể thêm vani và đảo cho đến khi kết tinh đường ra hết, sợi dừa khô hẳn.
Bước 6: Đổ dừa ra mâm để nguội hoàn toàn thì đem bảo quản kín.
3. Cách làm mứt dừa non vị cà phê
3.1 Nguyên liệu chuẩn bị
1kg cùi dừa.
400g đường trắng.
100g sữa đặc.
30g bột cà phê.
1 muỗng cà phê vani.
3.2 Cách thực hiện
Bước 1: Bạn hãy nạo phần dừa ra, cắt thành từng lát mỏng, sau đó rửa sạch 3 - 4 lần rồi vớt ra thau để ráo nước.
Bước 2: Bạn cho bột cà phê và cùi dừa vào thau trộn đều lên, ướp qua đêm từ 10 - 12 tiếng để cà phê thấm đều vào dừa. Sau đó, bạn cho 400g đường và sữa đặc vào hỗn hợp trộn đều lên.
Bước 3: Bạn cho hỗn hợp lên chảo sên ở lửa to, cho đến khi sôi lên thì vặn nhỏ lửa lại. Cứ khoảng 10 phút thì nên đảo đều tay cho mứt dừa thấm vị hơn.
Bước 4: Nếu bạn thấy nước cạn dần thì vặn lửa nhỏ nhất và đảo liên tục cho đến khi đường kết tinh màu trắng bám quanh sợi mứt. Lúc này, bạn cho vani vào, trộn đều lên và tắt bếp.
Bước 5: Sau đó, bạn đổ dừa ra mâm và để nguội rồi thì cất vào lọ bảo quản.
4. Cách làm mứt dừa hoa cúc
4.1 Nguyên liệu chuẩn bị
500g cơm dừa non
300g đường trắng
Khoảng 2 phần 3 trái chanh
1 hạt chi tử
4.2 Cách thực hiện
Bước 1: Bạn đem phần cơm dừa tách ra khỏi vỏ, rửa sạch với nước và để ráo. Sau đó, bạn cắt cơm dừa thành từng miếng hình chữ nhật, kích thước khoảng 7x5cm, không nên quá to hoặc nhỏ sẽ khó tạo hình.
Bước 2: Cho 1 phần 3 quả chanh vào nước và ngâm dừa trong đó khoảng 30 phút. Tiếp theo, bạn dùng dao cắt cạnh dừa có kích thước 7cm thành những lát mỏng, lưu ý khi cắt chừa lại khoảng 1cm cuống dừa.
Bước 3: Tiếp tục ngâm dừa trong nước và 1 phần 3 quả chanh trong 30 phút, rồi rửa lại với nước sạch. Bạn nên chần sơ dừa qua nước sôi để loại sạch dầu dừa.
Bước 4: Đem hạt chi tử giã nhuyễn rồi cho 40ml vào, lấy nước màu và lọc bỏ phần xác hạt bằng rây.
Bước 5: Chia dừa ra làm 2 phần: 1 phần ướp với 150g đường, phần còn lại ướp với 150g đường và phần nước màu vừa lọc. Bạn trộn đều cả 2 lên, ướp trong khoảng 5 - 6 giờ hoặc để qua đêm.
Bước 6: Bạn đem sên mứt dừa với lửa to, đến khi sôi thì hạ xuống lửa nhỏ và tiếp tục sên cho đến khi đường bám dính lại thì tắt bếp (khoảng 20 phút).
Bước 7: Đổ mứt dừa ra khay và nhân lúc dừa còn âm ấm thì bạn dùng tay uốn các khía mỏng thành hình cánh hoa. Sau đó, bạn đem ra phơi nắng hong khô mứt là có ngay thành phẩm.
5. Cách làm mứt dừa ngũ sắc
5.1 Nguyên liệu chuẩn bị
1kg dừa
500gr đường trắng
Các nguyên liệu tạo màu: lá dứa hoặc bột trà xanh (màu xanh), củ nghệ tươi, chanh leo (màu vàng), củ dền (màu đỏ), lá cẩm hoặc nước cốt dâu tằm (màu tím), cà rốt (màu cam).
5.2 Cách thực hiện
Về cơ bản, cách làm mứt dừa ngũ sắc tương tự như các bước làm mứt dừa non truyền thống, chỉ khác nhau ở công đoạn pha màu và sên mứt.
Bước 1: Nạo cùi dừa và cắt thành thớ mỏng vừa ăn, rồi rửa sạch với nước, chần sơ qua 1 - 2 phút và để ráo.
Bước 2: Bắt đầu công đoạn tạo màu như sau:
Màu xanh: Rửa sạch lá dừa, cắt khúc và xay nhuyễn ra. Sau đó, bạn lọc hỗn hợp vừa xay để lấy nước. Còn nếu dùng bột trà xanh thì bạn chỉ cần hòa tan với nước.
Màu vàng: Cắt đôi chanh leo, lấy phần ruột bên trong hòa cùng ½ chén nước sạch. Nếu bạn dùng củ nghệ thì cho vào máy xay và vắt lấy nước cốt.
Màu tím: Rửa sạch lá cẩm, cho vào nồi nước đầy đun sôi ở lửa vừa cho đến khi nào tinh chất màu tím của lá cẩm hòa tan vào nước. Sau đó, bạn lọc lấy phần nước tiếp tục đun cho đến khi cô đặc lại.
Màu cam: Rửa sạch cà rốt, cắt nhỏ và xay nhuyễn để lấy nước cốt.
Màu đỏ: Đem củ dền gọt vỏ, xay nhuyễn và chắt lấy nước cốt.
Bước 3: Đem phần sợi dừa đã ráo trộn đều với đường rồi chia 5 phần bằng nhau, cho từng phần vào các màu đã pha và trộn đều lên, ngâm trong vòng 1 - 2 tiếng. Lưu ý: bạn nên chừa mỗi màu lại một ít nước để tưới lên trong lúc sên mứt.
Bước 4: Cho từng hỗn hợp dừa đã ngâm qua màu lên chảo, bắt đầu sên với lửa vừa cho đến khi cạn bớt nước thì vặn lửa nhỏ lại. Sau đó, bạn tưới lên bề mặt mứt dừa phần nước màu còn lại để màu lên rõ rệt hơn.
Bước 5: Khi thấy đường đã bắt đầu bám vào dừa thì bạn tắt bếp và vẫn tiếp tục đảo đều tay. Sau đó, bạn đem mứt dừa phơi khô hoàn toàn rồi mới bảo quản trong lọ, hũ hoặc túi zip ở nơi thoáng mát.
6. Cách bảo quản mứt dừa
Để
món ăn ngày Tết đặc biệt này khô được lâu, bắt buộc phải phơi nắng không quá gắt (nắng tầm 8-10h sáng). Như vậy, để qua những ngày sau, mứt dừa không bị chảy nước.
Mứt dừa không thể sấy bằng lò điện, vì sẽ bị dai chứ không mềm như phơi nắng. Phơi mứt khoảng từ 1-2 tiếng dưới nắng ấm là mứt dừa khô hoàn toàn.
Nếu trong quá trình bảo quản mà mứt dừa bị chảy nước thì hãy sên lại hoặc phơi nắng hoặc sấy lại để dừa khô hẳn.
Để nguội mứt dừa, bỏ vào hũ thủy tinh hoặc túi zip đậy kín, có thể để cả tháng, bạn nào cẩn thận hơn thì bỏ thêm gói hút ẩm vào hũ thủy tinh. Khi đựng trong lọ, bạn cho thêm một ít đường xuống đáy lọ để lớp đường này hút ẩm, tránh làm mứt bị ướt.
Nên bảo quản mứt trong tủ lạnh để mứt không chảy nước và để được lâu hơn.
Mời bạn tham khảo thêm tin cùng chuyên mục: