Thứ Sáu, 26/03/2021 10:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cách dùng tiền thông thái của người Nhật xuất phát từ việc áp dụng lối tư duy tiết kiệm, và khi sử dụng từng đồng tiền thì chắc chắn phải nhận về những giá trị tương xứng hoặc hơn thì họ mới dám chi ra.
Không phí tiền vào nhà hàng sang trọng
Lối sống của người Nhật rất khiêm tốn, họ không cần khoe khoang tiền bạc hay thích phô trương sự giàu có như một số quốc gia châu Á khác. Ở quốc gia này, chỉ có một số ít người dùng túi hiệu, hàng xa xỉ vì họ xem đó là biểu hiện của việc lãng phí, không thông thái về tiền bạc.
Trong khi ở nước ta, giới trẻ thích đi ăn nhà hàng để check in, khoe với bạn bè hoặc đơn giản là đăng trên mạng xã hội để được nhiều người trồm trồ thì người Nhật lại ngược lại. Họ ưu tiên các bữa ăn tại gia đình hơn là chi số tiền lớn cho các nhà hàng sang trọng, có giá "cắt cổ".
Đi xe đạp hoặc phương tiện công cộng
Ở những khu vực không quá đông đúc, người Nhật xem xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu giúp họ đi lại ở những quãng đường không quá xa lại có thể tiết kiệm rất nhiều tiền bạc. Nếu sử dụng một chiếc ô tô họ sẽ phải chi tiền cho việc bảo dưỡng xe, sửa chữa, xăng, tiền bảo hiểm, tiền giữ xe,... đó là một khoản tiền không nhỏ mà họ có thể dùng cho việc khác nếu không sử dụng ô tô.
Không chỉ có thể, người Nhật cũng rất giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc chiếc xe của mình để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ, bền lâu. Khi sử dụng xe đạp, họ có thể đỗ bất cứ đâu nếu tiện và không tốn chút chi phí nào, ngoài ra tình trạng trộm cắp không xuất hiện ở đây nên người dân luôn cảm thấy an tâm.
Nếu khoảng cách đường đi xa hơn, không thể dùng xe đạp, người Nhật sẽ ưu tiên dùng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm vì chúng giúp họ tiết kiệm được khá nhiều chi phí mỗi tháng.
Trong khi đó, nếu trong hoàn cảnh cần phải có ô tô, họ cũng chỉ mua loại bình dân, loại xe tiết kiệm xăng, nhỏ gọn, thân thiện với môi trường và dễ di chuyển bất chấp thực tế họ là đất nước xuất khẩu nhiều xe sang ra thế giới.
Không thuê người giúp việc
Ở Việt Nam, nếu quá bận rộn chúng ta thường có xu hướng thuê người giúp việc để có người hỗ trợ chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa,... nhưng ở Nhật hầu như không có giúp việc.
Đối với họ, người mẹ luôn chịu trách nhiệm chăm lo nhà cửa, con cái vì chính mẹ mới là người gắn kết gia đình thông qua những việc làm ấy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, người Nhật đành bỏ tiền thuê người giúp việc theo giờ.
Tiết kiệm cho con cái
Lối sống của họ tiết kiệm từ việc ăn uống cho tới việc ở, vì thế các căn hộ tại đất nước mặt trời mọc chủ yếu kiểu truyền thống với kích thước nhỏ, thuận lợi cho việc sinh hoạt. Không chi quá nhiều tiền cho ngôi nhà nên họ tiết kiệm được khoản tiền kha khá và chủ yếu họ dùng cho việc chăm sóc con.
Cách dùng tiền thông thái của người Nhật còn thể hiện ở việc họ đầu tư cho các con - thế hệ tương lai của đất nước mặt trời mọc. Tuy tỉ lệ sinh con ở Nhật không nhiều nhưng những ai có con dành tới 1/2 thu nhập cho con cái nhưng đó là tiền để đầu tư cho con học hành, có được nền giáo dục tốt nhất có thể. Họ cho con học các khóa học về chiến lược đầu tư, giúp con họ sau này tự tìm cách để tài sản của mình ngày càng nảy nở, sinh sôi.
Nguyên tắc người Do Thái dạy con và người Nhật dạy con cũng có nhiều điểm tương đồng ở chỗ họ không để cho con quá nhiều tiền bạc. Thuế thừa kế tại Nhật Bản cũng rất cao lên tới 55% nên người giàu không cho con cái họ thừa kế. Họ đầu tư cho con học tập, chính điều đó mới giúp giới trẻ duy trì được sự giàu có cho gia đình, dòng tộc của mình.
Dùng tiền đầu tư vào kiến thức
Khi tìm hiểu
vì sao người Do Thái coi trọng sự giàu có ta đã biết rằng người Do Thái dùng hầu hết tiền bạc của mình để đầu tư cho bản thân, cho việc khai mở trí tuệ, học hỏi những kiến thức mới.
Và lối tư duy này khá tương đồng với những người Nhật, họ không chi cho những thú vui xa xỉ nhưng sẵn sàng dùng tiền của mình cho việc đầu tư vào học hành, phát triển bản thân.
Đúng như câu nói: "Đầu tư vào bản thân là đầu tư khôn ngoan nhất", những người này chỉ dành tiền đầu tư cho tương lai của họ thông qua đó làm giàu cho bản thân về mặt tinh thần một cách tích cực.
Những khoản chi chủ yếu của người dân nước mặt trời mọc là cho việc đi học, cho nghệ thuật, âm nhạc, hội họa và đặc biệt là đi du lịch để có thêm nhiều trải nghiệm mới.
Khuyến khích lối sống tiết kiệm
Tuy việc không dùng tiền cho việc ăn uống sang trọng, mua nhà đẹp, sắm xe sang... đã phản ánh phần nào lối sống tiết kiệm, cách dùng tiền thông thái của người Nhật nhưng họ thậm chí còn nhân rộng lối sống và tư duy tiết kiệm từ trong những việc rất nhỏ.
Những vật dụng trong nhà của họ đều có kích thước nhỏ để phù hợp với căn hộ, những thiết bị gia dụng, điện tử cũng được giữ gìn cẩn thận để kéo dài tuổi thọ sử dụng.
Từ trong bữa cơm, họ nấu ít hơn rất nhiều so với những quốc gia khác. Họ giảm thiểu thịt trong từng bữa, một số gia đình có 1 hoặc 2 ngày mỗi tuần chỉ ăn rau để tiết kiệm trong khi đó số còn lại tính vừa đủ lượng sử dụng cho mỗi bữa và mua đúng theo số đó.
Ngoài ra, họ còn giảm thiểu những thứ thừa trong hộ gia đình, mỗi bữa họ chỉ ăn vừa đủ để tránh tình trạng phải bỏ thức ăn. Dù đi ăn buffet người Nhật cũng chỉ ăn vừa phải, không bao giờ có thức ăn thừa vì để tiết kiệm cho chủ doanh nghiệp, đất nước nhờ đó tiết kiệm luôn cho cả bản thân.
Các công ty tại Nhật cũng luôn tìm cách sáng tạo nên những sản phẩm tiết kiệm cho người dùng, ví dụ điển hình là những chiếc toilet dội vừa đủ, những sản phẩm điện lạnh tiết kiệm điện.