(Lichngaytot.com) Thuật nhìn người của cổ nhân cho tới ngày nay vẫn được hậu thế áp dụng. Theo đó, có 3 bộ phận tiết lộ vận hạn đời người, chỉ cần quan sát tại đó là có thể phán đoán được tương lai sau này giàu sang hay nghèo khó, phú quý hay lụn bại.
Trong thời cổ đại, người xưa có rất nhiều cách để nhận biết bản chất của một người tốt – xấu, thiện – ác ra sao, hay còn gọi là “thuật nhìn người”.
Theo kinh nghiệm của cổ nhân, ngay từ những bộ phận trên cơ thể cũng có thể phán đoán được tương lai vận hạn của một người. Thiện ác nhìn mắt, giàu nghèo nhìn tâm, tương lai nhìn miệng. Đó chính là “bí quyết” được cổ nhân đúc kết và quả thật đã được chứng thực qua hàng ngàn năm nay.
Nhìn chung, tính cách của một người tốt hay xấu sẽ quyết định cuộc đời của anh ta. Ngoài tính cách, lời nói và việc làm của con người cũng sẽ ảnh hưởng đến số phận của họ. Cùng xem 3 bộ phận tiết lộ vận hạn đời người đó là những “chỗ” nào trên cơ thể?
1. ĐÔI MẮT tiết lộ “thiện ác”
Có câu “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Do đó, chúng ta có thể nhìn thấy chiều sâu của một người và tính cách của anh ta là tốt hay xấu từ đôi mắt.
Vì tâm sinh tướng, năm giác quan của một người có liên quan sâu sắc đến nội tâm của họ. Khi nhìn vào đôi mắt của một người, bạn có thể đoán được đối phương liệu có tốt bụng hay không. Đôi mắt của chúng ta tựa như tấm gương phản chiếu tâm hồn, nếu tâm không trong sáng thì sắc mặt cũng sẽ bị vẩn đục.
Mặc dù đánh giá con người qua vẻ bề ngoài có phần phiến diện, nhưng cũng có phần đúng. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, đôi mắt và trái tim của một người được liên kết với nhau nên chúng không biết nói dối.
Ví dụ, chúng ta thấy rằng nhiều người mới ra trường và bước vào xã hội thường có đôi mắt rất trong sáng, bởi vì họ vẫn chưa bị những thử thách khó nhằn của xã hội này nhào nặn, có một chút thuần khiết và ngây thơ trong họ.
Vì vậy, chỉ cần nhìn qua, bạn có thể biết rằng những người này không có quá nhiều thủ đoạn, họ rất trung thực. Tuy nhiên, sau nhiều năm mài giũa trong xã hội, điều đó không còn chắc chắn nữa.
Đối với một người đàn ông trung niên khoảng bốn mươi hoặc năm mươi tuổi mà nói, ánh mắt của anh ta luôn rất phức tạp: có người vô cảm, có người lại mang sự sắc bén, có người lại có ánh mắt dữ tợn.
Những người đào hoa thường có đôi mắt lúng liếng, đa tình. Trong khi những người có tâm địa xấu xa thì ánh mắt của họ thường sẽ hiện lên tia dữ tợn. Nhưng với người tốt bụng, ánh mắt họ dịu dàng, yêu thương khi nhìn người khác.
Đặc biệt, chúng ta phải đề phòng những kẻ thỉnh thoảng lộ ra ánh mắt hung dữ, có tướng mạo “chim ưng rình sói”, quan hệ với họ dù có tốt đến đâu cũng nên có sự dè chừng, nếu có thể thì tốt nhất là nên tránh xa.
Khác biệt lớn nhất trong ánh mắt của người lương thiện so với ánh mắt của kẻ độc ác, chính là ánh mắt của người lương thiện lộ ra sự trong sạch và chân thành, còn ánh mắt của kẻ độc ác thì lộ ra sự đục ngầu và hiểm ác, mang đến cho người ta cảm giác rất khác biệt.
Khi nhận biết người tiểu nhân hay quân tử, người ta cho rằng, kẻ tiểu nhân thì thần thái đôi mắt luôn như trốn tránh ánh mắt của người khác bởi trong lòng luôn có suy nghĩ không đúng đắn, lo sợ người khác đoán được ý nghĩ của mình.
Người quân tử quang minh chính đại, không nghĩ điều xấu xa thì đôi mắt không trốn tránh, khi giao tiếp thì nhìn vào mắt người khác, nhưng khác với kiểu nhìn chằm chằm soi mói. Con người đoan chính, ngay thẳng thì tự ánh mắt cũng đoan chính không láo liên sợ sệt.
Đôi mắt là cửa sổ quan sát vạn vật trong trời đất, đôi mắt có thân thiện đem lại cảm giác gần gũi thì trong lòng mới người đó mới có thiện. Đôi mắt ác thì trong lòng tất có điều ác. Nếu luôn bày mưu tính kế đối phó người khác thì đôi mắt láo liên điên đảo.
Tóm lại, thông qua con mắt của một người, người ta có thể nhìn ra thiện và ác, tốt và xấu. Câu nói này của người xưa cũng nhằm nhắc nhở chúng ta phải thận trọng khi kết giao với người khác, đề phòng bị hãm hại vô cớ.
2. TẤM LÒNG quyết định “giàu nghèo”
Người ta thường nói chỉ cần hội đủ ba điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là có thể thành công 100%. Tuy nhiên, để có đủ cả ba điều kiện này vốn là điều không dễ.
Có thể nói, chỉ cần bạn sở hữu một trong ba điều kiện này, bạn có thể đạt được những thành tựu vô cùng đáng giá. Và điều tốt nhất để nắm bắt nên là "nhân hòa".
“Nhân hòa” ở đây không nhất thiết có nghĩa là chúng ta phải kết giao với quý nhân. Bạn biết đấy, không phải ai cũng có cơ may gặp được quý nhân trong cuộc đời mình. Vì vậy, bạn phải dựa vào chính bản thân mình, tức là dựa vào bản chất của chính mình để “tu tâm”, trở thành một người lương thiện.
Nhân quả tuần hoàn, tất cả những việc làm lương thiện của bạn rồi cuối cùng cũng sẽ quay trở lại với bạn. Quý nhân không phải ở đâu xa xa mà được ẩn giấu ngay sau tấm lòng thiện lương.
Người lương thiện khi lâm vào khốn cảnh sẽ luôn có cách vượt qua an toàn; trông thì nguy nan mà thực ra là “hữu kinh vô hiểm”. Ấy là vì “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, đạo Trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh.
Làm việc thiện là phù hợp với đạo Trời, cho nên những người lương thiện đều thuận theo đạo Trời mà được sự quan tâm chiếu cố.
Người thiện lương dù làm việc không cầu nhận được hồi báo nhưng cuối cùng vẫn nhận được hồi báo không tưởng. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà đó là Thiên đạo.
Dĩ nhiên, chúng ta làm việc tốt không phải vì mong nhận lại đền đáp, mà bởi vì đó là xuất phát từ thiện tâm. Ở hiền thì sẽ gặp lành, lòng tốt sẽ có phúc báo. Giữ gìn sự lương thiện của bản thân thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Con người sống trong đời, khi làm việc thiện không mong hồi báo. Bạn có tấm lòng thiện lương, ông Trời ắt sẽ ban phước cho bạn.
Trên đời này không có ai nghèo mãi, cũng chẳng ai giàu mãi. Cuộc sống của chúng ta là do hành động của chính chúng ta quyết định.
3. CÁI MIỆNG ảnh hưởng đến “tương lai”
Cổ nhân có câu: “Một lời nói có thể hưng thịnh quốc gia, một lời nói có thể diệt vong quốc gia”.
Cái miệng cũng là một trong 3 bộ phận tiết lộ vận hạn đời người. Nhìn miệng ở đây không phải là nhìn hình dáng miệng mà là nhìn vào cách giao tiếp, lời ăn tiếng nói của một người.
Ví dụ, những người hay nói lời mật ngọt, miệng lưỡi trơn mượt thì cần phải có sự đề phòng cần có. Trong khi đó, người nhất quán trong lời nói và hành động sẽ đáng tin cậy hơn. Dựa vào đó, chúng ta có thể phân biệt được tốt xấu, thiện ác ở đời.
Như chúng ta đã biết, nói thực ra là một nghệ thuật. Trong đạo đối nhân xử thế, nói và giao tiếp là những kỹ năng cần thiết.
Có người rất quan tâm đến lời nói và việc làm của bản thân, mọi lời nói ra đều sẽ để ý đến cảm xúc của người khác, đây là biểu hiện của tấm lòng thiện lương. Nhưng một số người thích nói những lời đâm chọt, thích dùng lời nói để đả kích người khác như thể đó là mối quan tâm lớn nhất của họ trong giao tiếp.
Tục ngữ có câu, “phúc từ miệng vào, họa từ miệng mà ra”. Mỗi người đều cần phải có trách nhiệm về lời mình đã nói ra.
Cái miệng có thể nói là công cụ tạo nghiệp nhanh nhất, ăn nói không kiêng nể không những làm mất lòng nhiều người mà còn thể hiện khuyết điểm của bản thân, tự chuốc lấy vô số rắc rối và kẻ thù.
Người xưa nói: “Ngôn do tâm sinh” (lời nói là do tâm mà sinh ra).
Nếu miệng thường hay nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nguyền rủa, … thì phúc báo sẽ tổn thất rất nhanh.
Một người cả một đời sẽ không ngày ngày phạm vào những việc thiếu đức, nhưng những lời nói không đúng đắn, những lời khó nghe và thiếu đức sẽ có thể được nói ra mỗi ngày.
Theo thời gian tích lũy nhiều dần, phúc báo đều từ cái miệng mà chạy đi hết, cho nên, người nói chuyện mà không có khẩu đức, đời này cũng sẽ là gập ghềnh trắc trở, rất thê lương.
Có những lời mà người nói vô tâm, người nghe hữu ý. Trong lúc tùy ý mạnh miệng đã vô tình tạo ra vô số kẻ thù mà không hay biết. Và tốt hơn cả, "tâm nên thiện" để mỗi lời nói ra, dù không rút lại được, cũng không mang tính ác ý hay trù ẻo.
Muốn đạt được thành công và hạnh phúc trên đời này, trước hết hãy "tu khẩu" đã! Vận mệnh của một người tốt hay không tốt, có thể nhìn từ cái miệng của họ có hay không có khẩu đức (những lời nói có hậu đức) thì biết. Cho nên tu cái miệng rất quan trọng.
Xem thêm: Liệu có
cách giải trừ khẩu nghiệp, tránh được ác nghiệp đã gây ra
Nói lời tử tế là tạo thiện nghiệp và vun trồng thiện nghiệp. Khi một người biết ăn nói khiêm tốn, nói ra những lời với tấm lòng từ bi thì sẽ dễ kết bạn hơn, gia đình hòa thuận hơn, phúc lộc sẽ tự nhiên tìm đến cửa nhà.
Mắt là cửa sổ nhìn thấu lòng người, tấm lòng tượng trưng cho vận khí, miệng là gốc tai họa, nếu không giữ được thì tương lai lận đận.
Ba bộ phận này không chỉ phản ánh tính cách, tư tưởng của một người mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh và tương lai.
Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải trường hợp nào ''trông mặt mà bắt hình dong" cũng đúng. Có những người sinh ra vốn không may mắn có một ngoại hình đẹp nhưng họ vẫn có một trái tim ấm áp và thiện lương, vì vậy, chúng ta không thể cứ cứng nhắc áp dụng những quan niệm đó để vội đánh giá một người. Thay vào đó, hãy nhìn nhận người đó dưới nhiều góc độ để có một cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn.