Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Top 8 bí quyết kinh doanh của người xưa giúp GIÀU BỀN nhưng không phải ai cũng làm được

Thứ Hai, 27/11/2023 17:06 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hé lộ bí quyết kinh doanh của người xưa không giống với cách đa số chúng ta đang làm. Nhưng nếu hiểu rõ, áp dụng triệt để hứa hẹn cơ hội thành công rất cao trong tương lai.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Lòng người kiếm trước, tiền bạc kiếm sau


Hầu hết chúng ta có suy nghĩ rằng kinh doanh mua giá thấp, bán giá cao là lọc lừa người khác để thu lợi về mình. Nhưng nếu nhìn xung quanh xem, những doanh nghiệp có lối tư duy đó thì cũng không sống sót nổi 5-10 năm với quy luật đào thải của thị trường.

Biết rõ điều đó nên cổ nhân đã khuyên chúng ta rằng trước khi nghĩ tới việc kiếm tiền của người khác thì nên thu phục lòng người. Đơn giản là cứ làm bạn với khách hàng, với đối tác làm ăn, xem vấn đề của họ là vấn đề của ta để cùng nhau tìm cách hỗ trợ, xử lý vấn đề của họ. Hiểu được giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ bản thân thì lúc đó tâm chúng ta mới được mở rộng.

Chứ ngược lại, chỉ chăm chăm nhìn vào túi tiền của người ta thì việc làm ăn không thể nào bền lâu. 

Đối với người có kinh nghiệm, họ biết rõ rằng chấp nhận chịu thiệt là khôn ngoan. Thế nên trong kinh doanh, họ sẵn sàng chịu thiệt trong một số tình huống để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đối tác làm ăn. Nhìn chung, người làm ăn cần phải phóng khoáng một chút thì mọi sự mới hanh thông. 
 
Bi quyet kinh doanh cua nguoi xua
 

2. Hòa khí sinh tài

 
Người xưa có câu: "Tiến môn tam tướng, hòa khí sinh tài" trong đó "Tiến môn tam tướng" là người bán hàng phải biết nắm bắt được ý thích của khách hàng, đoán định được tâm lý khách hàng.

Còn "Hoà khí sinh tài" là lấy sự chu đáo, chân tình, niềm nở đối xử với khách hàng, để thu hút khách hàng đến với mình. Chủ hàng với khách hàng có hòa khí thì mua bán với nhau lâu dài. Quản lý và nhân viên có hòa khí thì công việc thuận lợi suôn sẻ. 

Trong khi làm ăn với nhau không phải khi nào mọi việc cũng suôn sẻ, nếu cứ có rắc rối liền trở mặt thì chẳng ai dám làm ăn cùng. Thế nên trong cảnh đó giữ hòa khí làm trọng, thậm chí nhường người một bước đổi lại sự yên vui, quý mến nhau, hỗ trợ nhau nhiều hơn trong tương lai.
 
Khi xảy ra mâu thuẫn, cứ chừa lại một con đường sống cho người khác, cũng là chừa lại con đường tiền tài cho bản thân. Khí phách chính là phong độ, không kiêu không vội mới hài hòa

Trong “Thái Căn Đàm” nói: “Nếu tâm hồn trong sáng và cao thượng thì giống như đang ở bên mặt nước tĩnh lặng, trên đời tự nhiên sẽ không có chuyện khó chịu; nếu tâm trạng bạn bình tĩnh và nhẹ nhàng, như tắm trong nắng gió, tự nhiên sẽ không có phiền toái”.
 
Luôn nghĩ đến điều tốt nhất khi mọi việc xảy, cùng nhau tìm hướng xử lý phù hợp, đôi khi đừng quan trọng quá chuyện đúng - sai bởi giữ được tâm hồn bình yên là một trí tuệ vĩ đại.
 

3. Làm ăn giảng thành tín

 
Tiền bạc nhiều không quyết định thành bại của một người, người xưa đã chỉ ra rằng giữ chữ tín mới dễ thành công vì từ đó mới mang lại may mắn cho người làm ăn kinh doanh.

Đối với một người muốn đạt được thành công lớn, họ nhất định phải có một tầm nhìn kinh doanh dài hạn, khi đó không quên được chiến lược quan trọng nhất là giữ được chữ tín cho cá nhân cũng như sự nghiệp chung. 

Dối gạt người để vụ lợi chỉ có cái lợi trước mắt, sau này mọi thứ lộ ra thì hết đường làm ăn. Không những thế, dối gạt người ta, sau cùng cũng sẽ bị người gạt lại.

Một lời nói ra là lời cam kết với đất trời, quỷ thần, thế nên muốn họ ủng hộ thì phải biết giữ lời, giữ cam kết của chính mình. Những người làm việc uy tín thì luôn có nhiều phúc lộc để lại cho con cháu.

Người xưa đã nói: "Một lần bất tín, vạn lần bất tin". Thế nên muốn làm ăn thịnh vượng, đừng bao giờ sẵn sàng bán rẻ danh dự và nhân phẩm của mình, cũng là uy tín của cả doanh nghiệp để thu về những lợi ích không chính đáng.
 

4. Thật lòng cho đi, mới có được hồi báo

 
Rất ít chủ doanh nghiệp biết được một bí quyết quan trọng là càng cho đi, việc làm ăn của mình càng thuận lợi. Càng "làm bài toán chia" tốt với nhân viên, họ càng nhiệt tình cống hiến và xem công ty như là nhà của mình. Thật lòng cho đi đối với khách hàng, họ càng được khách hàng yêu mến, hâm mộ.

Chuyện kể về một chàng trai trẻ chuẩn bị mở một cửa hàng trên con phố nơi mình sinh sống. Anh hỏi ý kiến của cha: “Con muốn mở một cửa hàng buôn bán kiếm tiền ở con phố này. Vậy, con phải chuẩn bị điều gì trước đây?”.
 
Cha anh khuyên rằng mỗi sáng con hãy quét lá rụng ngoài đường, khi bưu phẩm đến có khá nhiều bưu phẩm khó tìm được người nhận thì giúp họ tìm, kịp thời trao lại bưu phẩm cho người nhận. Ngoài ra, anh cũng có thể giúp những gia đình cần làm việc lặt vặt.
 
Chàng trai trẻ tỏ ý không hiểu những việc đó sao lại liên quan tới việc mở cửa hàng. Cha của anh mỉm cười nói: “Nếu như con muốn việc làm ăn của mình được tốt, thì tất cả những điều này sẽ trợ giúp đắc lực cho con. Còn nếu như con không muốn làm tốt việc làm ăn, thế thì hết thảy điều này có lẽ không có tác dụng gì lớn nữa. Đó là bài học kinh doanh có cho đi mới mong nhận lại.”
 
Chàng trai trẻ dù hoài nghi nhưng vẫn làm theo ý của cha mình, không lâu sau, mọi người trên khắp con phố này đều đã biết đến anh. Nửa năm sau, anh treo biển kinh doanh trước cửa hàng. Điều khiến anh kinh ngạc là khách hàng đến khá đông, thậm chí những người ở xa cũng tới mua. Hỏi ra anh mới biết rằng họ biết anh là người tốt nên đến cửa hàng của cậu mua đồ mới yên tâm.

Sau này, anh còn sẵn sàng cho khách khó khăn mua chịu, trả tiền sau. Anh cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động công tác xã hội từ thiện, biết được ai đang gặp khó khăn, anh cũng đều sẵn lòng giúp đỡ.
 
Việc làm ăn càng làm càng lớn, tất nhiên cũng càng kiếm được nhiều tiền hơn. Sau 10 năm, anh mở chi nhánh, trở thành doanh nghiệp với tài sản bạc triệu. Một ngày kia, có một phóng viên hỏi bí quyết làm ăn, anh vui vẻ trả lời: "Bởi vì trước khi có được, tôi đã học cách cho đi…".
 

5. Làm ăn cần phải học cách bắt tay chung sức

 
Đơn thương độc mã trên cuộc đời này có giàu có thì cũng chẳng có lấy chút hạnh phúc nào. Thế nên cho dù là làm ăn cũng đừng quên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.

Thêm một người bạn thì có thêm một con đường làm giàu. Vậy nên hãy kết giao thêm bạn hiền, học cách bắt tay chung sức, hợp tác không quên hai bên cùng có lợi.

Chân thành là thái độ hợp tác tốt nhất nhưng cũng nên chú ý nhiều hơn đến tính cách của họ. Bởi những người bạn tốt có thể giúp bạn tiến bộ, nhưng những người bạn xấu cũng có thể khiến bạn lạc lối.
 
Bạn bè là người có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái và vui vẻ, cùng tiến bộ, đó là tiêu chí quan trọng không thể bỏ qua. 

6. Sáng tạo là một loại tâm thái cạnh tranh


Không ít người tự bi quan về cuộc đời và để cho ý chí bị mài mòn, tinh thần nguội lạnh, nên họ cũng chỉ toàn chọn cách tiêu cực để làm ăn, kinh doanh, chống chọi với cuộc đời. Chỉ có những người xung quanh mới phát giác ra điều đó rõ ràng, còn chính họ lại tưởng rằng mình đang đi đúng hướng, tới khi cuối cùng thất bại mới tan mộng đẹp, tiếp tục oán hận trời và người, vẫn không nhận ra sai lầm của bản thân.

Trên đời chỉ có người nghĩ không thông, chứ không có con đường đi không được. Thế nên luôn tìm cách sáng tạo, đừng cho rằng mình cùng đường mà vội thoái lui.
 
Cạnh tranh không phải là chơi xấu nhau, ganh đua, đẩy người ta vào ngõ cụt. Ngược lại, cạnh tranh là tự sáng tạo, "vẽ ra con đường" chân chính của chính mình. Đó là trạng thái của một người làm ăn văn minh, chân chính, không bao giờ hổ thẹn với đời.

7. Khiêm tốn làm người, vuông tròn đều được

 
Trong làm ăn, người xưa khuyên rằng, khiêm nhường được lợi và mọi chuyện cũng không nên tuyệt tình quá, chớ để mấy chuyện đúng - sai khiến ta đánh mất đi tình người.

Trong “Thái Căn Đàm” nói: “Nơi nào đường hẹp, chừa một bước cho người khác đi, nếu món ngon, hãy ăn giảm ba phần để nhường cho người khác ăn”. Đây là phương pháp sống hạnh phúc nhất trên đời. 
 
Người xưa thường nói: “Nhân bất đắc toàn, qua bất đắc viên”, không ai là hoàn hảo không có khuyết điểm, nếu cứ quá phóng đại khuyết điểm của bản thân, thì sẽ xem nhẹ ưu điểm của mình. Thế nên nhượng bộ một chút, đừng quá rạch ròi đến mực tuyệt tình. Tạo điều kiện tốt cho người ta ở hiện tại cũng là tạo điều kiện thuận lợi cho chính bạn trong tương lai.
 
Có câu nói rằng: “Quân tử khoan dĩ đãi nhân nghiêm ư trách kỷ”, nghĩa là: Người quân tử khoan dung với người khác nhưng nghiêm khắc với chính mình. Trong cách đối xử với mọi người, “nhượng bộ” có nghĩa là có tầm nhìn xa và rộng lượng. 
 

8. Đề cao tu dưỡng, tự mình hoàn thiện

 
Tu dưỡng bản thân cũng là bí quyết kinh doanh của người xưa vì đó là nền tảng quan trọng có thể xây dựng một đế chế hùng mạnh cho chính mình.

Trong “Thái Căn Đàm” nói: “Thường xuyên nghe những lời khó chịu và thường xuyên gặp phải những điều khó chịu chính là cách rèn luyện nhân cách đạo đức của bạn”.
 
Làm người, nên không ngừng học hỏi, tu dưỡng bản thân, từ đó mới có thể đủ khả năng để không ngừng nâng cấp doanh nghiệp của mình lên.

Chớ nên giấu sự thiếu hiểu biết của mình, tốt hơn hết hãy lắng nghe những lời khuyên tốt, đối mặt với khuyết điểm của mình, xem đó là hành để mài giũa bản thân trở nên xuất sắc hơn.

Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X