Không chịu nghỉ ngơi chẳng lẽ bạn sẽ làm việc cho tới lúc chết?

Thứ Năm, 01/04/2021 10:28 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có bao giờ bạn vẫn cố tập trung nhưng luôn có cảm giác mệt mỏi tới cùng cực, biết rằng bạn cần được nghỉ ngơi, nhưng không thể. Hãy rút kinh nghiệm để sắp xếp công việc cho hợp lý, có như thế cuộc sống của bạn mới ý nghĩa hơn.
  

Chăm chỉ cũng cần có giới hạn

 

Chớ làm việc cho tới lúc chết


Đúng là thói quen lười nhác khiến chúng ta như chiếc xe đạp lao dốc, thế nhưng làm việc mà không biết nghỉ thì hậu quả cũng tương tự mà thôi.

Ngày qua ngày, cuốn theo guồng quay cuộc sống, chúng ta trở thành những con ong chăm chỉ ở nơi làm việc cũng chỉ mong có được thu nhập tốt hay để có được sự công nhận, lời ca ngợi nhiều hơn từ mọi người. Không những thế, không ít cấp trên còn khuyến khích nhân viên làm nhiều hơn nữa, đóng góp cho công ty nhiều hơn nữa mà quên mất rằng có được phút nghỉ ngơi cần thiết nhân viên mới làm việc hiệu quả.

Tôi từng nghe mọi người kể một vị sếp rất mê việc, có thể làm việc bất kể ngày đêm, dường như rời khỏi công việc là bà không an tâm nên dù đi nhân viên đang nghỉ trưa, đang ăn tối, đang đi nghỉ cùng gia đình cũng bị bà nhắn tin giao việc. Thậm chí trước khi nghỉ Tết bà căn dặn mọi người: "Đừng ăn Tết thả ga mà quên đọc sách nhé, đọc nhiều vào nhé!".

Không chỉ bà "nghiện việc" mà bà còn mong muốn nhân viên moi gương mình, không ngừng làm việc vì bà xem như thế mới là không lãng phí thời gian, là thói quen của người thành công.
 
Người Nhật cũng là đại diện tiêu biểu cho lối làm việc "cho tới chết" này, nên họ thường làm việc quá sức suốt một ngày, tối lại ăn nhậu về muộn, kết cục là ngủ bất cứ nơi đâu, hình ảnh những nhân viên công sở ngủ la liệt ở những nơi công cộng khá phổ biến ở đất nước mặt trời mọc này. 

Điều này đã dẫn đến hiện tượng đáng lo ngại karoshi, tức chết do làm việc quá sức. Vấn đề này đã lan rộng đến mức những gia đình của nạn nhân nhận được tiền bồi thường của chính phủ khoảng 20.000 đô la mỗi năm. 

Ta làm mọi thứ cũng chỉ để có được hạnh phúc nhưng liệu chăm chỉ có đưa ta tới mục tiêu đó? Thực tế là có nhiều người nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm, không hề có điểm dừng. Đúng là thành công cũng có nhưng sức tàn, lực kiệt, không còn cảm thấy vui vẻ gì với những gì đang diễn ra xung quanh mình.

Đó là còn chưa kể tới việc làm việc ở cường độ cao quá thường xuyên còn gây ra bệnh tật. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, làm việc quá nhiều làm suy yếu sự sáng tạo và nhận thức. Dần dà nó có thể làm sức khỏe ta yếu đi và thậm chí, trớ trêu thay, như thể ta không còn mục đích sống nữa. Một phân tích tổng hợp cho thấy giờ làm việc quá lâu làm tăng 40% bệnh mạch vành tim, gần bằng hút thuốc là (50%).

Người làm việc quá lâu dễ bị rủi ro đột quỵ, và người làm việc hơn 11 tiếng/ngày thì dễ có nguy cơ bị suy nhược gấp gấp 2,5 lần so với những người làm việc từ 7-8 tiếng. Một nghiên cứu về các doanh nhân tại Helsinki đã phát hiện ra trong hơn 26 năm, các nhà quản lý và doanh nhân mà ít đi nghỉ phép ở tuổi trung niên thì dễ chết sớm và có sức khỏe yếu ở tuổi già. 
 
 

Chúng ta chỉ làm việc hiệu quả trong một khoảng thời gian


Đừng dành hầu hết thời gian bạn có cho công việc, hãy tìm cách làm việc hiệu quả hơn để mất ít thời gian mà vẫn đạt được mục tiêu vì bạn không phải là cái máy, bạn cần được nghỉ ngơi!

Người ta đã thực hiện nhiều nghiên cứu để chỉ ra rằng, hầu hết mọi người chỉ có thể xử lý liên tục trong một giờ. Và nhiều người ở đỉnh cao, như các nhạc công, nhà văn và vận động viên ưu tú, không bao giờ dành quá 5 giờ liên tục một ngày cho công việc.
 
Nhà khoa học Andrew Smart, tác giả cuốn Autopilot, nói. "Nếu bạn liên tục tự đặt mình vào thế khó khăn khi mà sinh lý bạn chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng bạn lại cứ cố gắng làm tiếp thì bạn sẽ nhận được phản ứng căng thẳng ở mức thấp mà nó là mãn tính, và theo thời gian, trở thành cực kỳ nguy hiểm."
 
Một số người sáng tạo và năng suất nhất thế giới đã thấy hết tầm quan trọng của việc làm việc ít hơn. Họ có một niềm tin mạnh mẽ vào công việc, nhưng cũng dành nhiều cho việc nghỉ ngơi vui chơi.
 
Nhà văn Henry Miller từng khuyên mọi người: "Hãy làm một việc cho đến khi xong. Hãy dừng lại vào thời gian ấn định. Hãy là con người, gặp gỡ mọi người, đi chơi các nơi, uống rượu nếu thích."
 
Ngay cả Benjamin Franklin, điển hình của mẫu người chăm chỉ, thành công cũng dành rất nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Mỗi ngày ông nghỉ ăn trưa 2 tiếng, tối cũng nghỉ và ngủ cả đêm. Thay vì làm việc không ngừng cho nghề in để kiếm tiền, ông dành rất nhiều thời gian cho các sở thích và cho giao lưu.

"Thực tế, chính những sở thích tách ông thoát khỏi nghề chính đã dẫn ông tới rất nhiều điều kỳ diệu làm ông nổi tiếng, như sáng chế lò Franklin và thanh tia sét," Davis viết. 
 
Trong Cách Mạng Công Nghiệp, quy định ngày làm việc từ 10 tới 16 tiếng và Ford là công ty đầu tiên thử nghiệm với một ngày làm việc 8 tiếng, và thấy rằng công nhân có năng suất cao hơn không những tính theo giờ mà tính theo tổng thể. Trong vòng hai năm, tiền lãi đã tăng gấp đôi. 
 
Hình ảnh ngủ gật khắp nơi trên nước Nhật đã trở thành quá phổ biến tới mức quen thuộc
 

Nghỉ ngơi tích cực
 

Nghỉ ngơi, một cánh đồng được nghỉ ngơi sẽ cho vụ mùa bội thu hơn nhiều
Ovid – nhà thơ Roma
Ở đất nước Israel, người Do Thái được xem là người thông minh nhất thế giới, họ rất nghiêm túc nghỉ ngơi trong ngày Shabbat. Shabbat được bắt đầu vào thời điểm mặt trời lặn của ngày thứ 6 đến sáng Chủ nhật, đánh dấu sau 6 ngày làm việc cực nhọc là một kỳ nghỉ ngơi thư giãn hoàn toàn. 

Theo đó chiều thứ 6, trước lễ Shabbat, đường phố vắng tanh, họ đóng tất cả các cửa hàng, siêu thị, công sở. Thậm chí các phương tiện giao thông công cộng cũng ngưng hoạt động để tất cả mọi người đều dành thời gian cho gia đình trong ngày thứ 7 và Chủ nhật.

Việc nghỉ ngơi cũng được Leonardo da Vinci cực kỳ xem trọng, ông từng nói: “Thỉnh thoảng hãy đi xa và nghỉ ngơi đôi chút. Bởi khi quay trở lại, công việc và khả năng phán đoán của bạn sẽ chắc chắn hơn”.

Còn theo phương diện khoa học, khi ta nghỉ ngơi não bộ mới có thời gian củng cố bộ nhớ và hình dung tương lai, sắp xếp và lưu trữ lại thông tin. Vì thế, nếu ta cứ làm việc không ngừng, não không được nghỉ ngơi, chúng sẽ làm việc quá sức, không thể đưa ra những ý tưởng mới hoặc những kết nối.

Bạn biết đấy, bạn cần được nghỉ ngơi! Vậy nên từ nay, nên học cách nghỉ ngơi tích cực, đừng để công việc xen vào cuộc sống của chúng ta khi trở về nhà, khi ở bên gia đình đấy nhé.

Ngắt kết nối là một trong những yếu tố quan trọng nhất chúng ta cần thực hiện vào ngày cuối tuần vì nếu không thiết bị điện tử giống như sợi dây xích níu kéo con người với công việc, những email, cuộc điện thoại hay lịch nhắc việc luôn xen lẫn vào cuộc sống chúng ta.
 
Chúng ta cũng nên buông bỏ những suy tư, hãy dừng nghĩ tới công việc và tập trung tận hưởng những phút giây bên gia đình, bạn bè vào ngày cuối tuần. Bỏ ra 2 ngày cuối tuần hay vài ngày nghỉ với gia đình chưa bao giờ là điều phí phạm vì thế hãy dành trọn vẹn thời gian đó cho mọi người. 
 
Chơi đùa cùng con, đi ăn uống cùng người thân có thể họ không mang lại doanh số khủng hay hiệu quả công việc bạn vẫn ao ước, thế nhưng họ chính là liều thuốc tinh thần giúp cho tuần làm việc của bạn thêm phần khởi sắc. 

Thành công cũng quan trọng nhưng hạnh phúc mới làm chúng ta sống lâu, vui vẻ hơn. Nếu bạn từng tìm hiểu hạnh phúc là gì, bạn sẽ được xem lại một nghiên cứu của Robert Waldinger - Giám đốc nghiên cứu của Đại học Harvard về sự phát triển của con người đã chỉ ra rằng: Mối quan hệ tốt đẹp sẽ khiến chúng ta hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn.