Thứ Năm, 27/05/2021 09:39 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bài học về xác lập mục tiêu cho thấy bản thân luôn phải bám sát mục tiêu nếu không ta cứ thả trôi cuộc sống một cách vô định và 10 hay 20 năm sau ta vẫn chỉ là kẻ trắng tay: nghèo vẫn hoàn nghèo mà thôi.
Bài học về xác lập mục tiêu từ người thầy Do Thái
Chuyện kể lại rằng có người thầy Do Thái chọn một ngày lặng gió để đưa các hoc sinh của mình tới một vịnh nhỏ để thi bơi. Ông khuyến khích các nam sinh giỏi bơi cùng thi xem ai có thể bơi xa nhất.
Nghe xong yêu cầu của thầy một số nam sinh hào hứng tham gia nhưng hầu hết là số còn lại đứng im trên bờ không nói năng gì. Sau khi có hiệu lệnh, những người đồng ý thi cùng nhảy xuống biển để bắt đầu cuộc thi.
Người thầy lúc này mới bắt đầu chèo thuyền theo sau các học sinh của mình, nhưng bơi chưa đến nửa dặm, các nam sinh kia dù bơi rất giỏi lại có dấu hiệu chán nản, muốn bỏ cuộc, có người trèo lên thuyền của thầy sau đó lần lượt từng người một cho đến hết cùng trèo lên thuyền. Họ cùng than thở với thầy rằng đã kiệt sức, không thể bơi được nữa.
Người thầy nghe xong chỉ mỉm cười và tiếp tục chèo thuyền ra xa bờ. Khi thuyền ra cách bờ hơn, thầy giáo bỗng bất ngờ cho dừng thuyền, thông báo với các học trò của mình rằng thuyền sắp chìm và yêu cầu họ nhảy ra khỏi thuyền và bơi vào bờ ngay lập tức.
Các học trò hiểu ngay tình hình, sợ hãi nhảy ngay xuống biển, cố bơi vào bờ mà không ngoái đầu trở lại. Người thấy ấy lúc này vẫn chậm rãi chèo con thuyền đi theo sau, giữ một khoảng cách vừa đủ để vừa quan sát, vừa hỗ trợ khi cần thiết.
Sau khi các em học sinh đã lên bờ, người thầy Do Thái mới hỏi các học trò của mình. Ông hỏi những người đứng trên bờ suốt cả buổi:
- Vì sao các em không tham gia?
- Thưa thầy, biển rộng mênh mông, lại không bơi giỏi, chúng con sợ vô cùng nên không dám bơi ạ
Thầy hỏi tiếp những nam sinh bơi giỏi:
- Tại sao các em muốn bỏ cuộc vì cảm giác kiệt sức, thế nhưng khi bơi vào bờ thì các em lại bơi được quãng đường còn dài hơn gấp hai lần dù sức lực cũng đã mỏi mệt?.
Học trò của ông đáp lời rằng khi bơi từ bờ ra biển, họ hoang mang giữa biển khơi mênh mông nhưng cảm thấy an tâm khi có chiếc thuyền của thầy nên khi cảm thấy mệt thì nghĩ rằng lên thuyền sẽ tốt hơn.
Thầy giải thích rằng họ không kiệt sức chỉ là có giải pháp an toàn nên cố bám víu, trong khi đó cứ bơi ra ngoài khơi sẽ không biết sẽ đến đâu. Khi sợ thuyền chìm, các cậu nam sinh chỉ còn cách cố sức bơi vào bờ, dù đường xa hơn và sức đã mệt, họ vẫn có thể về đến nơi là biết bên kia đã là bờ biển. Do đó, càng thấy bờ biển gần trước mắt, họ bơi càng hăng hái hơn.
Nghe xong, người thầy Do Thái kết luận:
- Như các em vừa trải qua, bờ biển chính là mục tiêu rõ ràng. Khi có mục tiêu rõ ràng để vươn tới, tất cả các em đã bơi được một quãng xa hơn sức bình sinh. Mục tiêu rõ ràng trong tầm mắt đã truyền cho các em sức mạnh, sự kiên trì và niềm tin để chinh phục mọi khó khăn.
Không chỉ vậy, khi các em bơi vào bờ, ai nấy đều cùng suy nghĩ rằng con thuyền của thầy đang chìm. Lúc ấy, các em hiểu rằng không còn có thể dựa vào con thuyền nào nữa, chỉ còn sức lực còn lại của mình nên các em đã cố gắng bơi vào cho bằng được.
Đừng xem thường mục tiêu dù là nhỏ
Hình ảnh của những người học sinh giỏi bơi cảm thấy mất phương hướng và chẳng muốn cố gắng thêm chút nào nữa khiến ta liên tưởng tới bản thân mình, khi không có mục tiêu ta cũng bị hoang mang vô định và nhiều lúc còn không biết mình cố gắng để được cái gì đây.
Thực tế là nhiều người sau 5 - 7 năm làm việc nhìn lại mình không có gì trong tay trong khi bạn bè có những người đã mua được nhà, được xe. Lúc này bạn mới tự hỏi tiền kiếm được đã đi đâu hết. Vốn là bạn chẳng có mục tiêu nào cụ thể nên cứ có chút tiền là ăn uống, mua sắm, tặng biếu,... cuối cùng hiện tại trắng tay là câu trả lời rõ ràng cho bạn nhất sau tất cả.
Vì thế, đừng xem thường dù là mục tiêu nhỏ vì điều đó cũng tạo nên điều kỳ diệu mà trong điều kiện bình thường bạn bỏ quên. Chỉ khi xác lập mục tiêu, bạn bắt đầu có được tầm nhìn dài hạn và động lực ngắn hạn. Từ đó giúp bạn tập trung kiến thức, nỗ lực, sắp xếp thời gian và nguồn lực của mình - khai thác tối đa năng lực của bản thân nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Thậm chí, chính bạn còn bất ngờ về điều mình làm được khi bước qua các giới hạn của bản thân để tiến lên hoàn thành mục tiêu. Vì mục tiêu giúp sức chịu đựng của chúng ta mãnh liệt hơn. Chúng giúp bạn có thêm nguồn cảm hứng để vượt qua khó khăn, thử thách.
Mỗi ngày có quá nhiều điều khiến ta mất tập trung với hàng trăm suy nghĩ không mang lại cho ta lợi ích gì, nhưng khi đã thiết lập được mục tiêu và quyết tâm dành trọn tâm huyết cho nó thì ta lại dễ dàng tập trung vào những điều mình cần phải làm và loại bỏ những yếu tố không liên quan và ngăn cản bạn đi đến với mục tiêu mình mong muốn đạt được. Điều này giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, công sức và đôi khi cả tiền bạc nữa đấy.
Hãy thiết lập mục tiêu ngay từ bây giờ
Có rất nhiều người đã chỉ ra những bước lập mục tiêu cho bản thân và bạn cần chọn lọc để có ưu tiên tập trung phương pháp phù hợp với mình nhất.
Tuy nhiên, mục tiêu phải đáp ứng các tiêu chí như phải cụ thể, rõ ràng ví dụ trong 3 năm, 5 năm, 10 năm tới bạn sẽ là người thế nào, tài khoản có bao nhiêu tiền... Bạn chỉ có cơ hội đạt được chúng khi bạn có mục tiêu rõ ràng. Khi đã xác định được mục tiêu của bản thân, có phải cứ đâm đầu mà chạy đua với chúng? Đôi lúc chúng ta cần phải dừng lại, suy ngẫm và điều chỉnh mục tiêu sao cho thiết thực nhất.
Tiếp theo đó bạn cần chia nhỏ mục tiêu lớn ra để bạn cảm thấy cụ thể cần làm những gì cho mục tiêu nhỏ.
Lý do khiến bạn không đạt được mục tiêu chủ yếu là bạn thường nghĩ tới những điều quá to tát, việc này gây trở ngại và khiến bạn cảm thấy chán nản hơn mà thôi.
Hãy chia nhỏ mục tiêu cho "vừa miếng" như việc cắt chiếc pizza lớn thành từng mảnh nhỏ cho dễ ăn, khi đó bạn dễ dàng hoàn thành được, sau khi nhiều mục tiêu nhỏ được thực hiện thì chắc chắn bạn cũng đã làm tốt mục tiêu dài hạn mà bạn đã đề ra từ trước.
Và điều quan trọng nhất đó là không bỏ cuộc. Một khi bạn đã quyết định xác định thiết lập mục tiêu đầu tiên của bạn, hãy giữ cho quá trình diễn ra bằng cách xem xét và cập nhật danh sách việc cần làm của bạn hàng ngày.
Xem xét định kỳ các kế hoạch dài hạn và chỉnh sửa để phản ánh những thay đổi trong thứ tự ưu tiên và kinh nghiệm của bạn. Tốt nhất là nên làm thường xuyên, lặp đi lặp lại, xem xét liên tục cả mục tiêu ngắn lẫn dài hạn.