Vì đâu bị lừa mất sạch tiền nhưng anh sinh viên vẫn vui và có câu nói gây sốc

Thứ Ba, 18/05/2021 09:40 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bài học cuộc sống về lòng tốt của anh chàng sinh viên với tâm thế vô tư, thoải mái khiến chúng ta có góc nhìn mới mẻ hơn về việc có nên giúp đỡ một ai đó hay không.
 

Bài học cuộc sống về lòng tốt


Một anh sinh viên có được thành tích xuất sắc trong một cuộc thi đấu trí với các đối thủ nặng ký suốt 3 ngày liền. Cuối cùng anh thắng cuộc và nhận được phần thưởng là khoản tiền lớn nhất mà anh chưa từng bao giờ dám nghĩ tới.
 
Kết thúc buổi nhận thưởng, anh vui vẻ rời hội trường ra bãi xe thì bất ngờ gặp một người phụ nữ đang đến gần anh: 

- Chú thật giỏi vì đạt được giải nhất trong cuộc thi nhưng tôi muốn nhờ chú một việc, nếu chú có hoàn cảnh như tôi chú mới hiểu, không biết chú có muốn nghe không. Con của tôi đang bị ung thư nặng nằm trong bệnh viện, nếu không có một khoản tiền lớn thì chắc nó chết mất.

- Thế bác đang cần bao nhiêu ạ? - Anh sinh viên thật thà gặng hỏi
 
Sau khi nghe người phụ nữ kể lại đầu đuôi, anh liền đưa cả phong bì tiền thưởng để đưa cho bà và nói:

- Cầu mong cho con bác qua được hiểm nguy. Bác về lo cho em ấy ngay đi. 

- Cảm ơn chú nhiều, chú tốt quá. 
 
Nói rồi người phụ nữ cầm phong bì bước chậm rãi ra cổng rời đi.
 
 
Vài hôm sau, anh vô tình gặp một người bạn đang tỏ vẻ lo lắng cho anh:

- Bạn này, hôm trước tôi nghe nói anh có gặp và cho toàn bộ một người phụ nữ số tiền thưởng để chữa bệnh cho đứa con sắp chết phải không?
 
Người thanh niên gật đầu xác nhận liền bị bạn trách mắng:
 
- Thế là hỏng rồi, bà ta là một tay lừa đảo thật sự đấy. Bà ta chẳng có đứa con nào bị bệnh sắp chết cả. Anh cả tin quá! Anh bị lừa rồi, anh bạn ạ!
 
Một thoáng im lặng, anh thanh niên hỏi lại:
 
-  Có thật là không có đứa bé nào bị bệnh gần chết cả, đúng không?
 
- Đúng vậy. Tôi bảo đảm là như thế!

- Vậy là tin tốt đấy chứ, chúng ta nên ăn mừng vì không có đứa trẻ nào phải chết cả!

Làm sao biết mình tốt đúng người?


Bài học cuộc sống về lòng tốt của anh sinh viên ở trên cho ta thấy tâm thế vô tư, không chút nghi ngờ của anh khi cho hết đi số tiền của mình. Thế mà chính chúng ta, khi muốn giúp một ai đó, chắc chắn bạn sẽ phân vân rằng mình có nên giúp người này không, hay lo sợ họ đang lợi dụng lòng tốt của mình.

Hay ví dụ một người ăn xin đến xin, bạn nghĩ chắc họ đang có người "giật dây" phía sau chứ chẳng phải là người đi xin bình thường, nghèo đói thực sự nên không muốn cho.

Vậy làm thế nào để đánh giá một cách khách quan và trung thực rằng ai mới đang cần sự giúp đỡ? Thực ra trong cuộc sống này trắng đen lẫn lộn,  không hề tồn tại vạch phân chia rõ ràng giữa tốt và xấu nên để phân định nó minh bạch thì không phải ai cũng có thể làm được.

Có những thứ ta tưởng là tốt đẹp nhưng luôn ẩn chứa những mặt tối, và trong cái xấu cũng có thể hiện diện những điều tốt lành tồn tại. Vì thế muốn lương thiện đúng cách cũng không hề dễ. Nhưng hãy thử một lần nghĩ tới những lần bạn mong được giúp nhưng bị quay lưng, bị nghi ngờ, bị chất vấn... thì bạn mới thấy khó chịu như thế nào.

Vì vậy, hãy dùng tâm thế đó để đối đãi khi bạn được một yêu cầu giúp đỡ, thay vì cảm thấy ngờ vực rồi cảm tính đưa ra kết luận bản thân đang bị lợi dụng mà nên vô tư giúp sức trong khả năng của mình. Sự mẫn cảm là tốt, nhưng đôi khi nó sẽ phản tác dụng vì khiến bạn không thể suy nghĩ thấu đáo và hiểu được tường tận gốc rễ của vấn đề.
 
Ví dụ như bạn đừng cho rằng mình bị thiệt khi ở lại thêm 15-30 phút để giúp đồng nghiệp đang gặp khó khăn. Hãy hỗ trợ họ trong khả năng của mình để đối phương hoàn thành nhiệm vụ của họ. Rồi từ những hỗ trợ, giúp đỡ bản năng đó, bạn đã lan tỏa đi sự tử tế trong cuộc sống và cùng nhau gầy dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp. 
 
Hãy thoải mái với việc giúp đỡ ai đó, đừng làm trái với tâm tư nhưng cũng biết từ chối khi việc đó quá sức mình, nếu bạn tiếp tục gồng mình thực hiện rồi nhận lại những bực dọc trong lòng. Chúng ta có thể giúp đỡ ai đó theo ý muốn của bản thân, tuy nhiên, nếu cảm thấy rằng điều này đang vô tình hình thành nên thói quen đòi hỏi ở đối phương, đừng ngần ngại mà hãy thẳng thắn đưa ra lời góp ý.
 
Trước khi từ chối giúp đỡ một ai đó, bạn hãy tự hỏi mình rằng, điều gì khiến bạn hối tiếc nhất nếu bạn không làm việc đó? Bạn sẽ chẳng thể giúp đỡ tất cả những người khó khăn tìm đến mình, nhưng cũng đừng bao giờ từ chối những người xứng đáng nhận được sự giúp đỡ từ bạn.

Một cử chỉ tử tế có thể chạm tới vết thương mà chỉ có lòng trắc ẩn mới có thể chữa lành.
Steve Maraboli
 

Lòng tốt còn ở việc nghĩ tốt cho người khác

 
 
Không có gì lạ khi có nhiều cá nhân đi quyên góp, giúp người vì mục đích được tung hô trên báo, để được nổi danh, điều tốt đẹp giả tạo vuốt ve cái tôi của họ rằng: Tôi là người rất tốt, mọi người nhìn những gì tôi làm mà xem!
 
Trong khi lòng tốt thật sự bắt nguồn từ việc nghĩ tốt cho người khác trước tiên, điều đó xuất phát từ một tâm hồn tử tế, lương thiện. Lòng tốt là một đặc tính tự nhiên từ trái tim chứ không phải từ những toan tính đời thường.

Hãy trao đi lòng tốt của bạn, không chỉ qua hành động trao tặng tiền hay thức ăn, giúp người thân, đồng nghiệp... mà quan trọng là, hãy làm những điều tốt dù nhỏ bé hay lớn lao từ chính trái tim lương thiện của mình, không phải từ việc bạn có nhận được sự công nhận hay không. 
 
Đúng như nhà nghiên cứu người Mỹ Steve Maraboli đã từng viết: “Một cử chỉ tử tế có thể chạm tới vết thương mà chỉ có lòng trắc ẩn mới có thể chữa lành”... 
 
Bao lâu nay, ta vẫn vô tình sống và nuôi dưỡng tâm hồn mình nhờ nhận được lòng tốt từ mọi người xung quanh đấy chứ, nhưng chỉ là ít người nhận thức được điều này và thể hiện sự trân trọng về nó mà thôi.

Chỉ cần sống chậm hơn một chút, bạn sẽ thấy bạn bè, đồng nghiệp, người thân,... hay thậm chí một ai đó bắt gặp trên đường đã xuất hiện theo những cách khác nhau để cung cấp cho bạn sự hướng dẫn, hỗ trợ, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tình yêu thương vô điều kiện.
 
Hãy nhớ rằng đằng sau hành động của lòng tốt là sự kết nối với con người chân chính của chúng ta. Thực ra, việc ta mong muốn điều tốt hay đối xử tốt với ai đó mang lại phước lành mà điều đó còn giá trị hơn cả tiền bạc, danh tiếng hay những ca ngợi của người đời.

Chính phúc lộc mà chúng ta tạo ra sẽ mang lại niềm vui, cuộc sống sung túc và thậm chí cả sự giàu có... của ta sau này và đó chính là "phần thưởng" mà khi được hưởng ta lại không biết rằng chúng có được là nhờ kết quả của những lòng tốt nho nhỏ mà chúng ta đã gieo hạt bao lâu nay. Thế nên người xưa có câu: "Lập công danh không bằng tích đức" nhưng không mấy ai hiểu ý nghĩa thâm sâu của nó.

Khi làm một điều tốt vì thế đừng nghĩ quá xa xôi, đơn giản khi giúp được ai đó ta cảm thấy vui, cảm thấy tốt hơn về bản thân mình khi làm điều gì đó được cho người khác cũng là hạnh phúc lắm rồi. Những điều tốt ta có thể làm được có thể nhỏ bé cũng chỉ như muối bỏ bể nhưng tất cả những việc tốt nhỏ bé đều mang đến một ý nghĩa lớn lao!