(Lichngaytot.com) Người giàu có thì mong có một cuộc sống đơn giản, an yên, trong khi đó người nghèo khó lại mơ cuộc sống giàu sang. Vậy ai sung sướng hơn ai đây, hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời bạn nhé.
Câu chuyện của trâu và chó
Một gia đình nọ có nuôi một chú trâu và một chú chó, mỗi ngày trâu phải ra đồng từ sáng sớm cho tới khi trời tối mới được về, trong khi đó chó được nằm trong nhà để canh cửa.
Có lần đi cày về mệt quá, trâu đang nằm thở dốc thấy chó thảnh thơi đi ngang qua nó bèn nói giọng mỉa mai:
- Chó ai sao cậu sung sướng thế nhỉ, chỉ ăn rồi nằm chẳng phải lo nghĩ gì cả.
Chó nghe xong tỏ thái độ không vui và phân trần:
- Anh trâu làm mệt thì về ngủ ngon, anh làm việc đúng giờ là nghỉ, còn được nghỉ ngơi, tắm mát, nhưng tôi đâu có được như vậy. Tưởng rằng tôi chỉ ở nhà không làm gì nhưng có bao giờ tôi được ngủ một giấc tới sáng như anh?
Mỗi khi đặt lưng xuống một chút thì lại giật mình vì tiếng động lạ, tai tôi lúc nào cũng phải nghe ngóng canh chừng. Nếu lơ là để xảy ra chuyện thì chủ đánh tới chết không chừng. Thế thì có gì đâu mà sung sướng đâu cơ chứ?
Trâu nghe nói mới hiểu tình cảnh của chó, nghĩ mà thương nên an ủi:
- Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả. Chắc chỉ có lũ chim trời, cá nước là sướng nhất, tự do tự tại, thích đi đâu thì đi, không thích đi kiếm mồi thì đi chơi, không phải chịu kiếp tôi tớ.
Chim chích đang rỉa lông trên cành sấu, nghe thấy vậy liền ngẩng đầu lên phân trần:
- Anh trâu ơi, anh không biết đấy thôi, chúng tôi cũng có nỗi khổ riêng của mình đấy. Tuy chúng tôi được tự do tự tại nhưng cũng phải tất bật đi kiếm mồi thì mới có cái ăn, luôn bị nguy hiểm rình rập, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Các anh tuy tù túng một chút nhưng không phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất, không phải lo cái ăn, cái mặc. Các anh mới thật là sung sướng.
Trâu và chó nghe xong liền thở dài:
- Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này.
Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng, nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè. Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào. Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra.
Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ. Tiếng ông chủ gào lên:
- Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu con chó nữa! Con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợcon, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi. Tôi khổ sở như vậy là vì ai? Vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến. Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở!
Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng:
- Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ!
Ai mới là kẻ sung sướng?
Tâm so sánh xuất phát từ sự thiếu hiểu biết
Qua câu chuyện trên ta mới nhận ra rằng chẳng ai sung sướng hơn ai cả thế mà bao lâu nay ta vẫn có thói quen so sánh cuộc đời của mình với cuộc đời người khác.
Ta thường ngưỡng mộ cuộc đời ai đó dư giả, sung túc và buồn tủi cho cuộc sống của mình thế nhưng bạn đâu có biết người giàu sợ trộm cặp, bị lợi dụng, người xinh đẹp sợ người ta đến chỉ để lợi dụng mình, người nghèo sợ bị khinh bỉ,...
Người trẻ thì mong mình lớn nhanh để làm giàu, người lớn tuổi thì mong được trẻ lại để bớt những gánh nặng cơm áo gạo tiền. Thậm chí, làm vua cũng không sung sướng như người ta tưởng, làm vua cũng có những cái khổ của một vị vua và những cái khổ chung mà mọi chúng sinh phải chịu.
Cuối cùng, những mong muốn, kỳ vọng cứ thể hành hạ tất cả chúng ta chứ không phải điều gì khác. Dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ.
Chính bạn cũng quên đi hạnh phúc mà mình đang có, thậm chí có người cũng đang ngưỡng vọng bạn mà bạn không biết đấy thôi. Kỳ thực mỗi một người đều đang hạnh phúc, chỉ là hạnh phúc của bạn thường đang ở trong mắt người khác.
Trong chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh, hạnh phúc và khổ đau ở kiếp người ai cũng có, chẳng ai hoàn toàn hạnh phúc, nếu có cũng chỉ là trong cách suy nghĩ, trong cái nhìn phản ánh sự hiểu biết hạn hẹp về cuộc đời của chúng ta mà thôi.
Đức Phật đã từng nói: “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”, và khẳng định bản chất cuộc đời là Khổ mà chủ yếu là do tâm chúng ta mà ra. Cụ thể là con người khổ vì sinh, già bệnh, chết, khổ vì mong cầu không toại nguyện, tử biệt sinh ly, khổ vì oán ghét mà phải gặp nhau, khổ vì ngũ ấm bất hòa, cả thân, tâm đều khổ.
Khi nhận biết cuộc đời là khổ, và cái khổ tác động đến tất cả mọi người cho dù con người có ở hoàn cảnh, địa vị, hay thân phận nào đi chăng nữa; bấy giờ chúng ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ vì cho rằng người khác sung sướng còn mình thì khổ.
Phải đối diện với sự thật rằng chẳng có ai sung sướng hơn ai, ta sẽ bớt tham đắm và chịu huệ lụy bởi cuộc đời, biết tìm cho mình phương cách sống tích cực để có được cuộc sống an vui hạnh phúc.
Ai cũng khổ thì nên làm sao đây?
Muốn cuộc đời an vui không còn khổ nữa ta cần hiểu sự
vô thường để biết rằng sướng hay khổ thì đều là tạm thời, quan trọng là tâm ta đừng quá vướng vào đó, không thoát ra được mới là điều đáng ngại.
Trong bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển ở thành Ba-la-nại, Đức Phật đã nói về bản chất của thế gian là bất toàn, vô thường, bất toại nguyện, đau khổ (gọi chung là dukkha). Đức Phật nói nguyên nhân của khổ (Tập đế) là do hành động tạo tác của thân và tâm ý (Nghiệp) dưới sự thúc đẩy của phiền não vô minh và ái dục.
Vậy nên, trong cuộc đời này, muốn tạo cho mình một đời sống vui vẻ, thật ra rất đơn giản, bạn chỉ cần hai loại nguyên liệu:
- Làm một người thành thật với chính mình và với mọi người, để mỗi tối ta có thể an tâm kê cao gối ngủ mà không phải toan tính làm hại ai hay ai làm hại ta. Bí quyết của niềm vui chẳng qua chỉ đơn giản là như vậy mà thôi.
- Thay vì oán trách cuộc sống về thứ mà ta không có thì hãy sống đơn giản và một trái tim tràn đầy sự biết ơn. Thay vì phải canh cánh trong lòng với dục vọng không thể hiện thực được chi bằng cảm thấy biết ơn và thỏa mãn với những gì mình hiện có.
Hiểu đúng về lòng biết ơn bạn sẽ nhận ra rằng càng trân trọng điều tốt đẹp mình đang có thì bạn sẽ càng có nhiều điều tuyệt vời hơn đến với mình. Hạnh phúc sẽ đến từ những điều tưởng như nhỏ nhặt như thế nhưng thường bị chúng ta lãng quên.