Người giàu phúc khí sẽ không bao giờ động đến 4 thứ này trong đời kẻo tiêu tan hết phước lành của bản thân

Thứ Sáu, 07/04/2023 09:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có 4 thứ không nên động tới trong đời mà những người giàu phúc đức luôn cố gắng né tránh. Bạn là người như thế nào, thái độ sống ra sao sẽ quyết định bạn sẽ có bấy nhiêu phước lành.
 
Con người khi có phúc khí, cuộc sống sẽ trở nên thuận lợi dễ dàng, làm việc gì cũng được viên mãn vẹn tròn. Nhưng làm thế nào để phúc khí tìm đến với chúng ta, có lẽ nhiều người vẫn chưa thông suốt.
 
Thực tế, bản thân những người có phúc khí luôn có thái độ sống chuẩn mực, đòi hỏi ở mình những tiêu chuẩn cao hơn. Họ nghiêm khắc với bản thân, chú trọng đến đức hạnh, và không bao giờ chạm vào những gì trái với lương tâm của mình. Những điều vi phạm đạo đức, họ tuyệt nhiên không dính dáng.
 
Có thể người giàu phúc khí không phải là những người giàu có, sống trong hào quang rực rỡ hay đạt được nhiều thành tựu, họ không sống phù phiếm, nhưng lại tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc trên đời.
 
Và một người thực sự có phước đức, sẽ không bao giờ động chạm vào 4 điều này trong cuộc đời của mình. Cùng xem 4 thứ không nên động tới trong đời của người giàu phúc khí là gì?

 

1. Không dây dưa với BẠN BÈ XẤU

 
Kết bạn vốn là một nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, và việc chọn bạn được xem là một loại năng lực và trí tuệ.
 
Chất lượng của các mối quan hệ xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta, thậm chí còn thay đổi cả một đời nếu quá trình diễn ra lâu dài.
 
Trong đó, nhân cách của một người là nền tảng để kết giao bạn bè. Người có phúc khí hiểu rằng, càng tránh xa những người bạn xấu thì cuộc đời của mình càng bình an, hạnh phúc.
 
Với một người mà ta đã cảm nhận sâu sắc, nhiều lần trải nghiệm “mặt xấu” của họ và có suy nghĩ “người này không chơi được”, thì tốt nhất là phải tránh xa. Nhẫn nhịn một chút, né tránh một chút, và thậm chí có thể chịu thua thiệt một chút, nhưng chắc chắn ta sẽ được yên ổn. Cũng như câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”!
 
Lời Phật dạy có câu:

Người bạn xấu còn đáng sợ hơn loài thú hoang. Một con thú hoang có thể làm tổn thương xác thân này, nhưng người bạn ác sẽ hủy hoại tâm trí bạn.
Lời Phật dạy
 
Quả đúng như vậy, những kẻ có phẩm chất xấu xa chẳng những không giúp cho chúng ta tiến bộ mà còn có thể kéo dìm chúng ta xuống vũng bùn.
 
Giáo lý của đạo Nho cũng có nói nếu mình gần bạn ác, tri kiến ác của mình sẽ tăng trưởng, vì mình gần cái ác, nghe và suy nghĩ điều ác, nên ác tăng lên. Vì vậy, khi gần người ác, mà mình chấp nhận được, nghe được, thì tự biết nghiệp ác của mình còn. Nếu không còn nghiệp ác, mình nghe điều ác sẽ cảm thấy chói tai, khó chịu.
 
Có thể nhiều người sẽ nói “Tại sao lại tránh xa? Chúng ta phải giúp đỡ để họ tiến bộ chứ”. Nếu làm được điều đó đương nhiên là rất tốt. Nhưng trước tiên chúng ta cũng nên tự hỏi liệu mình đã có đủ bản lĩnh, đủ khả năng và tỉnh táo để giúp người đó trở nên tốt hơn không? Hay chính chúng ta lại bị người đó làm cho đau khổ, hay tệ hơn là cũng trở nên xấu xa giống đối phương?
 
Để tránh xa những người có ảnh hưởng tiêu cực là điều không đơn giản vì thực tế có thể bạn cũng thích một mặt nào đó của anh ta, hoặc bạn buộc phải giao tiếp với anh ta hàng ngày.
 
Mặt khác, nếu họ có vẻ ngoài đáng sợ hay đôi mắt gian xảo, chúng ta sẽ dễ có quyết định của mình. Nhưng thường thì những người này lại có vẻ ngoài vô hại, thậm chí còn tỏ ra thân thiện, đội cái lốt “bạn bè”. Sau khi kết thúc mối quan hệ, liệu có bao nhiêu người thú nhận rằng mình dường như đã kết bạn với “nhầm người”?
 
Bề ngoài, nhiều mối quan hệ có vẻ hữu hảo tốt đẹp. Mặc dù “người bạn” thậm chí như đang chăm sóc, nâng đỡ mình, bạn vẫn nên tự vấn: “Sự hiện diện của họ có giúp cho ta trưởng thành, giúp nuôi dưỡng sự hiểu biết, lòng từ bi và tình yêu thương? Hay ngược lại, mối quan hệ này liệu có đang phát triển theo hướng tiêu cực, chỉ kích động những sân hận, vô minh, tham ái?”
 
Đôi khi, năng lượng tiêu cực của một mối quan hệ xấu kéo ta tụt lùi trên con đường tâm linh một cách rất nghiêm trọng. Quan trọng là ta có đủ dũng cảm để mạnh mẽ và dứt khoát thoát khỏi mối quan hệ tiêu cực đó hay không mà thôi.
 
Và những người có phúc khí thực sự đã làm được. Họ biết cách chọn bạn mà chơi, tránh xa những kiểu bạn xấu chỉ gây thương tổn mà không hề mang lại lợi lộc.

 

2. Không động đến LỢI LỘC BẤT CHÍNH

 
Lợi lộc bất chính chính là một trong 4 thứ không nên động tới trong đời của người giàu phúc khí.
 
Người xưa có câu: Quân tử trọng nghĩa, còn tiểu nhân thì hám lợi. Không phải người quân tử không quý trọng tiền bạc, mà đối với họ, của cải tiền bạc đều phải kiếm được một cách chính nghĩa, hợp đạo, được làm ra một cách chân chính thì mới xứng đáng.
 
Trong khi đó, kẻ tiểu nhân luôn ôm tâm cơ tư lợi bất chính, không hề quan tâm tới đúng sai, bất phân phải trái, chỉ chăm chăm tìm cách thu lợi về mình, thậm chí chà đạp lên lợi ích và danh dự của người khác. Càng ham lợi lộc bất chính, càng dễ hại thân.
 
Thực tế nhiều người hiện nay vì kiếm tiền mà bất chấp tất cả, sẵn sàng gian lận, lừa lọc, vì lợi nhuận mà làm mọi cách để hủy hoại thanh danh của mình. Tiền kiếm được bằng những cách không chính đáng như vậy không những không có cảm giác thành tựu mà còn có thể đẩy người ta vào vòng lao tù.
 
Những món lợi bất chính đúng là có sức cám dỗ rất lớn, nhưng thực chất đó chính là cái bẫy ngọt ngào. Nhưng nhiều người lại không có nhận ra điều này. Họ tham lam, muốn có nhiều thứ trong khi bản thân không chịu bỏ sức. Rất nhiều thứ chỉ nghĩ đến thôi cũng không thể đạt được, đôi khi càng ham thành công lại càng phản tác dụng.
 
Làm người thì phải thẳng thắn minh bạch, không thể làm những việc hại người khác, càng không thể vì kiếm tiền mà không màng đến lương tâm. Sống không hổ thẹn, sống không sợ hãi, chỉ có như vậy mới có thể an tâm cả đời!
 
Trên đời này không có gì là miễn phí. Người thực sự có phúc luôn nỗ lực từng bước một. Đi chậm không thành vấn đề, chỉ cần bước vững vàng thì luôn có thể đến được bến bờ lý tưởng.
 

3. Không NGOẠI TÌNH

 
Người xưa nói “vạn ác dâm vi thủ”, nghĩa là trong vạn cái ác thì tà dâm đứng đầu. Chính vì thế mà tội nghiệp nó để lại cũng không nhẹ chút nào. 
 
Ngoại tình chính là một trong những điều tối kỵ của những người giàu phúc khí. Bởi họ hiểu rằng, sự lạc thú từ tội tà dâm chỉ là nhất thời nhưng nghiệp báo lại rất lớn, chất chồng như núi.
 
Một người có mệnh được hưởng phúc thọ, nhưng nếu phạm tội tà dâm thì có thể bệnh tật triền miên, tiêu hao hết sạch phúc khí mà mình đã tích lũy.
 
Chung thủy là điều kiện cơ bản nhất trong hôn nhân. Nếu “hết duyên hết nợ”, vậy thì cho nhau cuộc sống riêng, khi đó, bạn mới có thể tiến đến hạnh phúc mới.
 
Cổ nhân cho rằng, hễ phạm tội tà dâm hay ngoại tình là đã tạo nghiệp chồng chất, từ đó mà tổn hao phúc báo, con đường nhân sinh cũng vì vậy mà gặp nhiều trắc trở. Nếu bạn muốn tích âm đức cho bản thân và con cháu đời sau, bạn phải tránh xa ngoại tình.
 
Trong cuộc đời này, chúng ta phải có trách nhiệm với cuộc sống, tương lai của chính mình và gia đình mình. Một khi đã đánh mất tinh thần trách nhiệm thì sẽ muốn gì làm nấy làm theo ý mình một cách tùy tiện, ham hưởng lạc, vô trách nhiệm với gia đình, thản nhiên nảy sinh tình cảm ngoài hôn nhân. Cuối cùng là gia đình tan nát, đổ vỡ hạnh phúc, tương lai mịt mù.
 
Chỉ bằng cách trở thành một người có trách nhiệm với gia đình, chúng ta mới có thể ngày càng tốt hơn, phúc khí ngày càng sâu dày. 
 
Người đã sống tùy tiện, không biết kiểm soát bản thân thì không có quyền đòi hỏi hạnh phúc, sau này hối hận cũng đã muộn màng.

 

4. Không THAM LAM VÔ ĐỘ

 
Vốn dĩ, nguồn cội của mọi khổ đau trên đời đều đến từ 3 thứ “tham – sân – si” của con người mà ra. Trong đó, tham đứng hàng đầu, là cội rễ của mọi tai họa. 
 
Tuy nhiên, phàm là con người sống trên đời, ai cũng có lòng tham. Từ chữ tham mới nổi lên sân hận, mới khiến con người u tối, từ đó gây ác nghiệp. 
 
Người xưa có câu: 

Lòng tham giống như ngọn lửa, nếu không kiềm chế được sẽ thiêu rụi cả thảo nguyên; Dục vọng tựa như nước, nếu không kiểm soát được sẽ dâng lên phá hủy mọi thứ.
Lời người xưa
 
Phải biết rằng dục vọng của con người giống như một vùng biển không thể lấp đầy. Người tham lam một khi đã chiếm được nhiều rồi nhưng lại vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Một người có lòng tham vô độ như vậy sẽ vĩnh viễn không tìm được một cách sống thích hợp với bản thân, người thân, bạn bè rồi cũng dần dần mà rời xa họ.
 
Thực tế, con người chạy theo chữ "lợi" vốn không sai, nhưng nếu quá tham lam thì tức là đang tự hại chính mình. Lòng tham khi bị đẩy lên càng cao càng dễ trở thành tai hoa, đe dọa cuộc sống của con người, nếu không cẩn thận sẽ bị thân bại danh liệt, tài sản tiêu tán.
 
Sống ở đời, càng tham lam, càng dễ đánh mất chính mình. Điều này sẽ khiến nhiều người lầm đường lạc lối, thậm chí đi đến đường cùng, không thể quay đầu lại.
 
Có câu: "Người chết vì tiền, chim chết vì thức ăn". Vốn dĩ tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, sinh không tự đến, chết cũng chẳng mang đi được. Làm người, không nên tham lam những thứ không thuộc về mình.
 
Thế giới này vốn dĩ công bằng, bạn lấy được bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu. Vì vậy, đừng để bản thân rơi vào cái bẫy của sự tham lam rồi làm phúc khí tiêu tan, bị cái xấu nó nhấn chìm, vĩnh viễn không tìm ra lối thoát.
 
Tham lam và toan tính quá nhiều sẽ khiến cuộc sống chúng ta luôn mệt mỏi. Hãy dũng cảm buông bỏ những gì cần bỏ, thản nhiên đối mặt với tất cả, có như vậy bạn mới cảm thấy an nhiên, tự tại.
 
Cũng giống như lời Phật nói: “Lòng tham càng lớn, phúc đức lại càng tiêu tán”. Bởi tham lam thường đi liền với ác. Người tham muốn đoạt được thứ mình muốn, lại sinh làm điều ác để thỏa mãn cho mình. Vì vậy, đừng để lòng tham đẩy ta vào chốn tiêu tốn âm đức.
 
Người giàu phúc khí luôn hiểu được những đạo lý hiển nhiên này, cũng bởi vì vậy ngày càng tích lũy phúc đức sâu dày cho bản thân và còn cả những người thân bên cạnh.